(vhds.baothanhhoa.vn) - Không được học tập, sinh sống tại Liên Xô cũ (nay là Liên bang Nga) như nhiều người, cũng không chuyên về văn học Nga, nhưng GS Hà Minh Đức - người con ưu tú của xứ Thanh là người đặc biệt trân trọng, dành nhiều tình cảm yêu quý, mến mộ với nước Nga. Những tình cảm chân thành, tha thiết ấy được ông gửi gắm trong tác phẩm “Nước Nga - vàng thu, miên man tuyết trắng”.

GS Hà Minh Đức với “nước Nga vàng thu, miên man tuyết trắng”

Không được học tập, sinh sống tại Liên Xô cũ (nay là Liên bang Nga) như nhiều người, cũng không chuyên về văn học Nga, nhưng GS Hà Minh Đức - người con ưu tú của xứ Thanh là người đặc biệt trân trọng, dành nhiều tình cảm yêu quý, mến mộ với nước Nga. Những tình cảm chân thành, tha thiết ấy được ông gửi gắm trong tác phẩm “Nước Nga - vàng thu, miên man tuyết trắng”.

GS Hà Minh Đức với “nước Nga vàng thu, miên man tuyết trắng”

Cuốn sách “Nước Nga - vàng thu, miên man tuyết trắng” của GS. Hà Minh Đức.

Điều gì thu hút, gợi lên những hiểu biết, tình cảm yêu mến đối với một quốc gia, dân tộc vốn hoàn toàn xa lạ, chưa từng đặt chân đến nếu không phải là bởi hiệu quả tuyên truyền, quảng bá của văn hóa, văn học nghệ thuật? Chính GS Hà Minh Đức cũng từng bộc bạch về khởi điểm cho tình cảm yêu mến, trân trọng của mình dành cho nước Nga: “Với hoàn cảnh của một xứ sở, trải qua nhiều năm tháng chiến tranh, ít giao lưu… nên sự hiểu biết một đất nước khác thường qua văn chương. Trang văn đưa duyên và là đầu mối cho nhiều quan hệ”.

Những tác phẩm văn học nổi tiếng của Pu - skin, Đốt - xtôi - ép - xki, Lép Tônxtôi, M.Goóc - ki, Sê - khốp… Những bộ phim của Nga hấp dẫn một thời như: “Bài ca người lính”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Số phận một con người”… đã thu hút và ám ảnh tâm hồn chúng tôi vui buồn qua nhiều ngày tháng”, GS Hà Minh Đức viết.

Thông qua những trang văn, niềm yêu thích với văn học Nga - “một nền văn học lớn có nhiều duyên nợ với văn chương Việt Nam”, GS Hà Minh Đức tha thiết, mơ ước một ngày được “đến với đất nước xa xôi nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên và con người dũng cảm, thông minh, nhân hậu” để được “chiêm ngưỡng mùa thu vàng, những ngày đông miên man ngoài trời những bông hoa tuyết trắng, tham quan những thành phố đẹp, cung điện nguy nga, bảo tàng nghệ thuật - niềm tự hào những giá trị văn hóa muôn đời của của nước Nga”.

GS. Hà Minh Đức luôn bày tỏ tình yêu, mến mộ của mình với nước Nga. Ông vẫn thường nhiệt tình hỏi han về đất nước ấy thông qua bạn bè, đồng nghiệp được đi học ở đó trở về. Ông hỏi: “Điều gì làm cho anh chị ghi nhớ nhất, xúc động nhất khi đi học ở nước bạn Liên Xô?”. Mỗi người mà ông hỏi sẽ kể về ấn tượng, kỉ niệm riêng của mình. Đó là sự thích thú khi được ghé thăm bảo tàng và nhà tưởng nệm các nhà văn Nga, là khi được sống dưới bầu trời nước Nga trong xanh, thăm thẳm, mênh mông và thơ mộng; nhớ kỷ niệm “đi dạo cùng bạn gái trên đồi Lênin và rủ nhau hái những quả táo thơm đầu mùa”; nhớ dòng sông Vôn - ga bất tận và mùa thu vàng đắm đuối đến ngây ngất…

Tuy nhiên, tất thảy những câu trả lời đều thống nhất ở một ấn tượng sâu sắc nhất: Đó là hình ảnh Nhân dân Nga giàu bản lĩnh và nhân hậu. Nhân dân Nga ấy có thể là bà mẹ nuôi ân cần, gần gũi, tận tình chăm sóc; là thầy giáo 70 tuổi yêu thương học trò hết mực, nhất là đối với học trò ngoại quốc… Cho đến những con người nổi tiếng, những anh tài đã góp phần làm nên nước Nga vĩ đại như: Lênin, Joseph Stalin, Tchaikovsky, Leo Tolstoy, Đốt - xtôi - ép - xki…

Những mong mỏi, tình cảm của ông được đáp đền. Năm 1979, GS. Hà Minh Đức lần đầu tiên được đến với Liên Xô - miền đất tươi đẹp trong “không khí đầm ấm của một nước xã hội chủ nghĩa hùng mạnh.

Năm 1988, ông được Hội Nhà văn cử đi trong đoàn nhà văn dự hội thảo về hiện thực xã hội chủ nghĩa, cùng với các nhà văn Ma Văn Kháng, Minh Huệ, Tô Ngọc Hiên.

Tháng 5 - 2002, cơ duyên giữa GS. Hà Minh Đức với nước Nga tiếp tục được nối dài khi ông tới tham dự cuộc hội thảo Euro - Việt V tổ chức ở thành phố Saint Pesteersburg khi Liên Xô đã tan rã.

Những chuyến đi đến nước Nga của GS Hà Minh Đức không dài nhưng cho ông nhiều trải nghiệm, cảm xúc, tư liệu, hình dung rõ ràng hơn về đất và con người nơi đây. Cùng với sự chảy trôi của thời gian, biến động lịch sử, nước Nga nhiều đổi thay. Duy chỉ có một điều bất biến đó là vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên, giá trị lịch sử - văn hóa lâu bền, mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga vẫn còn đó, thẳm sâu nghĩa tình.

Với “Nước Nga - Vàng thu, miên man tuyết trắng”, tình cảm yêu mến, trân trọng dành cho đất nước, con người nơi đây của GS Hà Minh Đức được thể hiện theo nhiều cách, qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Không chỉ là những hồi ức, kỉ niệm, ông gửi gắm tình cảm ấy vào thơ (Chùm thơ về nước Nga), vào các bài viết như: “Zimonia Inna và văn học Việt Nam”, “Giáo sư N.I.Niculin nhà nghiên cứu uyên bác, người bạn thân thiết của giới nghiên cứu văn học Việt Nam”, “Tình yêu khoa học và tổ ấm gia đình của nữ giáo sư Nga Nonna Stankevich và giáo sư Nguyễn Tài Cẩn”, “Cô gái Nga và tình yêu văn hóa Việt”…

Trong âm hưởng những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7 - 11 - 1917), đọc lại cuốn sách “nước Nga - vàng thu, miên man tuyết trắng” của GS Hà Minh Đức, độc giả càng thêm trân trọng, yêu mến, cảm phục đất nước và Nhân dân Nga, thêm vững tin vào tình hữu nghị gắn bó, thủy chung giữa hai dân tộc Việt - Nga.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]