(vhds.baothanhhoa.vn) - Bà Xê, nướng bánh tráng, hiền như núi Đá Bia ở miền dã thảo. Mấy chục năm rồi, cả vùng Đại Lãnh, chưa thấy bà lớn tiếng với ai, dù là một đứa trẻ. Cứ nhẫn nhường bên chiếc quạt lá, ngày qua ngày, thong thả vỗ về lò than. Hàng xóm, ai đến ngồi lê, bà chỉ biết nghe, cười nhẹ nhàng, rồi lại vui vẻ với những mặt bánh, cứ túc tắc, trở qua lật lại trên chiếc vỉ thép vuông. Đám than hồng bên dưới, đôi khi thích thú, búng vào nhau, nổ vang đen đét, bắn những tia sáng rực vui mắt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hạnh phúc cuối ngày

Bà Xê, nướng bánh tráng, hiền như núi Đá Bia ở miền dã thảo. Mấy chục năm rồi, cả vùng Đại Lãnh, chưa thấy bà lớn tiếng với ai, dù là một đứa trẻ. Cứ nhẫn nhường bên chiếc quạt lá, ngày qua ngày, thong thả vỗ về lò than. Hàng xóm, ai đến ngồi lê, bà chỉ biết nghe, cười nhẹ nhàng, rồi lại vui vẻ với những mặt bánh, cứ túc tắc, trở qua lật lại trên chiếc vỉ thép vuông. Đám than hồng bên dưới, đôi khi thích thú, búng vào nhau, nổ vang đen đét, bắn những tia sáng rực vui mắt.

Hạnh phúc cuối ngày

Sinh ở làng Chòm, nhưng cuộc chia cắt khiến gia đình bà phải nhọc nhằn chuyển cư. Trong trận chiến kéo dài 81 ngày đêm nơi cổ thành Quảng Trị năm xưa, định mệnh khiến cha mẹ bà phải ngậm ngùi nằm xuống giữa hai bờ hỏa lực, bẽ bàng ngắm cảnh chia ly đớn đau. Chị em bà may mắn được một người quen đưa kịp vào đất Thừa Thiên. Ở đó, chừng vài năm, người em gái lân la, tìm được tấm chồng, nhưng... rồi lại cũng muộn con.

Đất nước mở cửa, cả ba lại dắt díu nhau vào Phú Yên, sáng chiều bám biển. Chẳng hiểu sao, hai mươi năm sau mới sinh được thằng Ni. Cả nhà mừng như lượm được ngọc quý trời ban. Niềm vui chưa trọn, ít năm sau, trận lụt lịch sử nơi rốn lũ miền Trung, lại cướp đi hai vợ chồng người em trong cơn gồng mình bám biển, hằn lên mắt bà một màu tang vô hạn. Kể từ đó, bà Xê trở về với nghề đổ bánh tráng nướng tổ tiên truyền lại - bánh đa làng Chòm. Ngày ngày, bà chỉ còn biết gửi gắm tình thương duy nhất của mình nơi đứa cháu nhỏ, cưu mang và dạy dỗ, như con ruột của mình.

Mồ côi từ sớm, lại không có chồng, bà Xê dĩ nhiên là một người mẹ khá vụng về trong việc nuôi dạy một đứa trẻ. Vì thế, ông Phô, một dược tá về hưu, hục hặc chuyện họ hàng, mới “từ Bắc vô Nam”, trồng vườn ổi kế bên, rất hay cằn nhằn về lũ trẻ phá phách, thường lấy bà làm tâm điểm của những cuộc hô hoán thất thần, mất này hư kia... Sáng nọ, khi vừa hé cửa, định đội thúng bánh ra đường ngồi bán như mọi hôm, bà bỗng khựng lại trước những tiếng hầm hè chửi bới của ông hàng xóm. Chỉ thoạt nghe chất giọng, dù bên kia hàng rào, bà cũng đủ sợ đến không còn hồn vía. Đoán chắc khi bước ra đường, thế nào ông cũng mắng cho một chặp. Nào là bẻ rào qua trộm ổi, nào lấy ná bắn gà, nào rình mò ném đá lên mái tôn nhà ông vào mỗi buổi trưa chẳng hạn. Nói tóm lại, đủ mọi chuyện.

- Sướng chưa, ba tuổi ranh đã trổ nghề hai ngón! Trẻ con, phải dạy cho nó biết nhận lỗi từ nhỏ, chứ nhu nhược như chúng mày, lớn lên lũ ranh này thành tướng cướp hết.

Mắt quắc lên, ông hướng về phía bà Xê mắng cả tràng nghe chan chát.

Có lần, ông đi thẳng vào nhà bà Xê, chẳng cần xin phép, thồng thộc chỉ tay lên tấm giấy khen:

- Gớm chưa, còn ra bộ hiền lương, chứ khi mày trộm mía nhà ông, có tử tế được như này không? Thế mà cũng được giấy khen nọ kia, lại còn ước mơ làm bác sĩ cơ đấy.

Bà Xê, sau lần giải thích đầu tiên không thành, mỗi lúc bị mắng nhiếc, đều nín lặng, cúi đầu, nét mặt từ tốn, nhè nhẹ cắp thúng bánh, bước đi. Tất nhiên, ông hàng xóm đã mắng oan thằng bé. Vì tất cả những điều ông nghi hoặc, nếu có, cũng do người khác. Nhất là những tháng trở lại đây, tan học, nó đều ở lại phụ nướng bánh tráng giúp, từ ngày bà bị đau khớp gối. Mà thằng bé cũng lây cái tính hiền của bà, mỗi lần nghe chửi, thằng Ni chỉ biết khép nép ngồi im, không dám một tiếng phân trần, dù chỉ là nửa cái nhìn.

Nghèo, nhưng bà Xê vẫn dạy cháu bà phải trọng sự trong sạch, chân thành, chậm giận và đừng học đòi khôn lỏi, láu cá. Trước mỗi lần ra nhận quà của những đoàn từ thiện, bà luôn dặn thằng Ni phải thong thả xếp hàng, chờ tới lượt, nắng cũng không được “đi ngang về tắt”. Ai cho gì, nhận nấy, không được giành phần hơn.

Chẳng phải vì bà không sợ cháu mình bị thiệt thòi hay mất cơ hội như bao bà mẹ khác hay mượn lời người xưa để tập nhiễm vào con mình thói quen vốn đã ăn sâu vào bản vị một bộ phận người Việt, “khôn ăn người, dại người ăn”, nhưng bà muốn cháu bà biết bỏ qua những điều vụn vặt, lẻ tẻ, để có cái nhìn rộng rãi, bao dung quảng đại hơn. Bà dạy cháu bà phân biệt được sự khác nhau giữa khôn lỏi và sự nhạy bén, thức thời. “Sóng to thì biển lớn”, quy luật đó không chừa một ai. Mỗi lần khích lệ thằng Ni nín nhịn trước lũ trẻ hàng xóm hay cà khịa hoặc ỉ thói ăn hiếp, bà Xê thường vui vẻ động viên: “Một điều nhịn, chín điều lành”.

Với bà Xê, im lặng là phương dược hữu hiệu nhất, mỗi khi bị đả thương bởi lời lẽ quy chụp của những người áp đặt. Bà chỉ nghĩ đơn giản, tranh luận khác cãi cọ. Gieo tiếng ác cho người, ai mập béo được thêm? Cứ ôn hòa vừa phải, như cách nướng bánh, đủ nóng thì giòn, dư than thiếu lửa, cũng đều ra hư.

***

Ngày thằng Ni lên xe về thành phố vào đại học, bà gánh trên vai tất cả những gì cháu bà có thể dùng được, giắt dúi mang theo, dù đó là cả gia tài, mà cũng chẳng có gì đáng giá lắm. Lần đầu tiên bà tiễn thằng Ni đi một hành trình dài như vậy. Chiếc xe mất hút vào khúc cua phía chân đèo, bà Xê ngồi thụp xuống vệ đường, nước mắt trào ra không ngớt.

***

Tết, thằng Ni tranh thủ ở lại làm thêm, kiếm được ít tiền, đúng đêm 30, khi bà còn đang loay hoay thắp nén nhang lên bàn thờ, nó về tới nhà, bất ngờ đến độ bà Xê chỉ còn biết ơ lên một tiếng ngạc nhiên, rồi ôm chầm lấy nó mà khóc. Trường cho nghỉ tết đến tận mười lăm ngày, nhưng nó quyết định làm thêm, vì những ngày lễ tết, tiền công cao hơn.

Bà Xê cứ ngồi ngắm thằng Ni mãi không biết chán. Về Sài Gòn, được ngồi trong bóng mát, da nó sáng hẳn lên, nhưng cặp mắt vẫn thâm trầm. Dù cuộc sống phồn hoa đô thị khiến nó trở nên nhanh nhẹn hơn, cháu bà vẫn giữ được tính cách điềm đạm và trìu mến rất dễ gần. Chẳng hiểu sao, mấy ngày nay, nó lại bắt chuyện được với ông Phô, người hàng xóm khó tính.

***

Từ ngày biết nó chuyển xuống học trung cấp ngành dược, để rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho bà Xê, ông Phô có vẻ tán thành và quý mến nó nhiều hơn. Thằng Ni giải thích:

- Con được cô chủ tiệm thuốc tây ở đầu hẻm hứa sẽ nhận vô làm nếu có chứng chỉ hành nghề dược. Nên con xin bảo lưu điểm ở đại học Y, sau này, có điều kiện, con học thêm vào ban đêm hoặc liên thông lên cao đẳng, rồi đại học, cũng chưa muộn.

Hết năm thứ hai, bà Xê nhớ cháu, không chịu được, một mực đòi theo lên bán bánh tráng ở vỉa hè. Cuộc sống của bà tuy có sự xáo trộn ban đầu, nhưng được ở gần cháu, bà tươi vui hơn hẳn. Một buổi sáng mùa đông, Sài Gòn hiu hiu lạnh, bên cạnh lò than hồng, giữa rừng người qua lại, bỗng khựng trước mắt bà một người đàn ông, tay cầm chiếc giỏ, để thò ra ngoài hai cái đầu con vịt trắng hếu: ông Phô.

Đứng sau, thằng Ni nhẹ thả hành lý, xoa tay bối rối. Cả ba dừng lại trong chốc lát, rồi thu xếp vào trong. Mở cửa, vài ngọn gió mơn man ùa vào căn phòng trọ cuối dãy nhà cấp bốn xập xệ. Bà Xê vẫn chưa hiểu chuyện, luống cuống vén chiếc khăn rằn hất ngược về sau, trải manh chiếu, ngồi nép vô một góc. Thằng Ni lúi húi rót trà, rồi lại lui cui cởi trói cho hai con vịt, ông Phô dụi dụi tàn thuốc, hắng giọng, chiếc yết hầu nhô to quen thuộc bắt đầu rung lên:

- Thằng Ni sắp ra nghề rồi, cái Na cũng hợp tính hợp nết. Tôi xuống hỏi ý bà, xem khi nào nên cho tụi nó cưới nhau.

Bà Xê giật mình, hỏi lại với giọng đứt quãng:

- Cái Na ấy ạ?... Con nhỏ dễ thương hiền thục... Thằng Ni nhà em, hèn mọn thế này sao mà xứng được!

Trong không khí chân thành, thằng Ni xích lại gần, nắm tay bà Xê, tỏ ý bấy lâu đã tìm hiểu sâu, nhưng ngại nên giấu bà.

Ông Phô thẳng đuột:

- Thằng Ni hiền lành, tử tế. Nghề nghiệp đàng hoàng, có chí tiến thủ. Thời nay, được mấy thằng như nó!

Bà Xê quay mặt vào tường, đưa tay kéo chiếc khăn rằn, sụt sùi khóc, nhưng rất khẽ. Góc nhà trọ, nồi nước sôi sùng sục, thằng Ni chạy lại tắt bếp, ông Phô lại gần, chỉ cách cho đứa con rể tương lai mẹo nhổ lông vịt “siêu nhanh, siêu sạch”. Bà Xê hối hả chạy ra đầu chợ mua gừng tươi, chanh, rau..., dáng vẻ hân hoan như bà mẹ chồng sắp được đón nàng dâu.

Ánh nắng đầu ngày chiếu qua cửa sổ, vẽ bức tranh giao hòa giữa hơi nước bốc lên từ chiếc bếp ga nhỏ nhắn và những tia sáng huyền diệu đẩy xuống từ trời cao, tạo nên một màu lam nhạt, tựa như khói bếp quê nhà trong những ngày người ta làm tiệc, dạm ngõ, mời nhau...

Truyện ngắn của: Nguyễn Hoàng Trung Hiếu


Truyện ngắn của: Nguyễn Hoàng Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]