(vhds.baothanhhoa.vn) - Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai dựa trên hàng loạt các chương trình, dự án liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất... Tuy nhiên, một mắt xích quan trọng là vai trò tham gia của doanh nghiệp còn rất mờ nhạt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Hành trình" giảm nghèo còn lắm gian truân (Kỳ 3): Cách nào để thu hút đầu tư?

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai dựa trên hàng loạt các chương trình, dự án liên quan đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất... Tuy nhiên, một mắt xích quan trọng là vai trò tham gia của doanh nghiệp còn rất mờ nhạt.

Doanh nghiệp không mặn mà

Không chỉ có trữ lượng tre, luồng, nứa, vầu lớn nhất và chất lượng tốt nhất cả nước, tại các huyện miền núi xứ Thanh còn có trữ lượng gỗ lớn, mỗi năm cho khai thác từ 27.000 - 33.000m3 gỗ. Điều kiện thổ nhưỡng, địa hình lại rất thích hợp với việc phát triển nhiều loại cây lâm nghiệp, như: Keo, chè, mía và các loại cây dược liệu; hoặc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc. Đó là cơ sở, động lực để các huyện miền núi phát triển và thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Ngoài ra với trữ lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản tại các huyện, như Thường Xuân, Quan Sơn, Lang Chánh... lại là điều kiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành nghề công nghiệp chế biến khoáng sản...

Tiềm năng thì rất lớn, nhưng thực tế cho thấy việc thu hút đầu tư vào các huyện miền núi vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu tính hệ thống. Các cơ sở sản xuất công nghiệp ít, năng lực còn hạn chế, hệ thống dịch vụ thương mại hiện đại chậm phát triển. Bên cạnh một số ít nhà máy có công nghệ tiên tiến, phần lớn các cơ sở chế biến công nghiệp ở miền núi mới phát triển ở mức độ sơ chế nông - lâm - sản và khai thác khoáng sản. Điển hình như tại huyện Ngọc Lặc, nơi hội tụ những ưu thế vượt trội hơn so với các huyện miền núi khác về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi để phát triển lĩnh vực chế biến nông - lâm - sản, dịch vụ vận chuyển - kho bãi, du lịch, thương mại, giầy da, may mặc, nhà ở, khu đô thị... Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, thì: Đến thời điểm này, có 7 dự án được cấp phép đầu tư tại Ngọc Lặc, nhưng vẫn chưa có dự án quy mô sản xuất lớn nào được triển khai, mặc dù huyện cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.

Tương tự, tại huyện Quan Hóa, qua nhiều năm kêu gọi thu hút đầu tư, địa phương vẫn chưa thu hút được dự án, nhà máy nào đầu tư bài bản sản phẩm từ tre, luồng. Ví như, tại Cụm công nghiệp (CCN) Xuân Phú đã được quy hoạch từ năm 2011, nhưng đến nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp hoạt động ổn định. Ông Phạm Văn Cương - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quan Hóa, cho biết: Mặc dù diện tích, trữ lượng lớn, tuy nhiên hoạt động chế biến sản phẩm từ cây luồng ở Quan Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Những đơn vị có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến tham gia đầu tư trên địa bàn chưa nhiều. Do đó, chưa khai thác hết giá trị của cây luồng.

Tương tự, tại huyện Bá Thước có 2 CCN là CCN Điền Trung và CCN Thiết Ống, nhưng hiện cả 2 CCN này mới thu hút được 1 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, huyện đã ban hành nhiều chính sách cơ chế thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa thì: Thời gian gần đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế ở khu vực miền núi có xu hướng tăng. Có được kết quả trên là do nhiều địa phương đã ban hành các cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển KT-XH, nhất là công tác giảm nghèo của các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được thì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thu hút đầu tư cho khu vực miền núi của tỉnh, đó là hạ tầng kinh tế yếu, đặc biệt các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa tại trung tâm các xã, thôn, bản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Lực lượng lao động địa phương còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động phổ thông cao, thiếu lao động có chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, chính sách ưu đãi đầu tư chưa có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư ở khu vực miền núi. Bởi khi đầu tư ở khu vực này nguồn vốn doanh nghiệp bỏ ra lớn, chi phí vận chuyển sản phẩm đi giao thương tốn kém, trong khi cơ chế hỗ trợ của Nhà nước còn chưa đủ kích thích doanh nghiệp đầu tư... Điều này, dẫn tới việc rất nhiều doanh nghiệp đang “ngần ngại” khi đầu tư vào khu vực miền núi...

Doanh nghiệp đầu tư vào các huyện miền núi sẽ là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đâu là nguyên nhân?

Để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN, tại Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, các quy định về thực hiện ưu đãi nhà đầu tư hạ tầng CCN tại khu vực miền núi cũng đã được quy định rõ. Theo đó, các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX khi thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuộc quy hoạch phát triển CCN được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ ngân sách Trung ương, thì ngoài được hưởng các chính sách hiện hành còn được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục. Mức hỗ trợ được quy định cụ thể như sau: Hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc địa bàn các huyện 30a; riêng CCN thị trấn Mường Lát, được hỗ trợ 2,3 tỷ đồng/ha, mức hỗ trợ tối đa không quá 40 tỷ đồng/CCN. Hỗ trợ 1 tỷ đồng/ha đối với CCN thuộc các huyện miền núi còn lại; mức hỗ trợ tối đa không quá 28 tỷ đồng/CCN...

Theo thống kê, đến nay Thanh Hóa đã quy hoạch 21 CCN với diện tích 643,7 ha tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy các CCN này rất thấp, đặc biệt việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư còn ít. Ví như, tại CCN Vân Du (Thạch Thành) đạt tỷ lệ 16,62%; CCN Khe Hạ (Thường Xuân) đạt tỷ lệ 5%; CCN Điền Trung (Bá Thước) đạt tỷ lệ 11%...

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân khiến công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Chu Đình Trọng, cho rằng: Với đặc thù vùng cao, khó khăn, mặc dù chi phí giải phóng mặt bằng không lớn, nhưng chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lại cao hơn nhiều so với các huyện đồng bằng. Phần lớn các đơn vị doanh nghiệp hoạt động tại Quan Sơn cũng như các huyện miền núi đều liên quan đến môi trường, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ đã và đang gây ra những khó khăn nhất định trong thu hút đầu tư cũng như công tác quản lý, bảo vệ về môi trường. Trong khi đó thời gian thu hồi vốn lâu đã tác động lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Một nguyên nhân khác được ông Cầm Bá Đứng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân chỉ ra là các huyện miền núi còn thiếu lao động có chuyên môn và nghiệp vụ giỏi. Thậm chí lao động thích thì làm, không thích thì nghỉ việc, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi vào thời vụ sản xuất.

Minh chứng cho điều này có thể thấy rõ ở Công ty CP Lâm sản Lang Chánh được thành lập cuối năm 2015. Hiện nay, công ty có 2 dây chuyền sản xuất giấy cuộn và 1 dây chuyền sản xuất than sinh học xuất khẩu ổn định đi Đài Loan, Trung Quốc và các nước Trung Đông. Đơn vị luôn cần duy trì khoảng 100 lao động làm việc thường xuyên. Ông Lê Ngọc Vũ - Giám đốc công ty, cho biết: Người lao động ở nhiều địa phương miền núi làm việc chưa có kỷ luật cao, dẫn đến đơn vị muốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận công nghệ gặp khó khăn. Công ty cũng gặp khó trong việc duy trì nguồn lao động ổn định ở nhiều thời điểm sản xuất.

Ông Mai Xuân Bình - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Mặc dù công tác giảm nghèo của tỉnh những năm qua đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận thẳng thắn về những khó khăn đó là, số hộ thoát nghèo hàng năm tuy có giảm nhưng chưa thật sự bền vững. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn ở cơ sở còn nhiều hạn chế; tập quán sản xuất, sinh hoạt lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư xây dựng song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Ông Bình khẳng định: Nếu làm tốt công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi thì sẽ tạo được “đòn bẩy” đưa các huyện này khởi sắc. Bởi thông qua đó, người nghèo sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt nâng cao ý thức của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đó cũng sẽ là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững tại các huyện miền núi.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]