(vhds.baothanhhoa.vn) - Có những cuốn sách mang “sức mạnh mềm” đủ để thay đổi vận mệnh của một quốc gia, dân tộc. Nằm trong số 14 cuốn sách hướng tới đại chúng phục vụ mục tiêu canh tân đất nước Nhật Bản, “Khuyến học” là một cuốn sách như thế.

Học vì lòng tự hào dân tộc

Có những cuốn sách mang “sức mạnh mềm” đủ để thay đổi vận mệnh của một quốc gia, dân tộc. Nằm trong số 14 cuốn sách hướng tới đại chúng phục vụ mục tiêu canh tân đất nước Nhật Bản, “Khuyến học” là một cuốn sách như thế.

Học vì lòng tự hào dân tộc

Sách được viết từ năm 1872 đến 1874 bởi tác giả Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát) - một nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu và rộng nhất đến xã hội Nhật Bản cận đại. Sách chỉ dày 269 trang, được chia làm 16 chương, kèm theo phần luận và bình về khuyến học ở phần cuối của tác giả. Ngay lần in đầu, cuốn sách đã đạt số lượng xuất bản kỷ lục 3,4 triệu bản - tức là đến tay hơn 1/10 dân số nước Nhật thời điểm đó. Cho đến nay, cuốn sách đã được tái bản tới 76 lần với nhiều triệu bản được phát hành và vẫn là một trong những cuốn sách gối đầu giường của người Nhật. “Khuyến học đã làm rung chuyển nước Nhật, vực dậy nước Nhật từ vũng bùn, từ chỗ đen tối nhất của lịch sử đến một đất nước xếp thứ hai thế giới. Hơn nữa, từ một đất nước không có văn hóa, chộp giật, quan chức tham nhũng đến một đất nước con người ta hi sinh xếp hàng để nhận thức ăn sau cơn sóng thần tàn phá mọi thứ”.

Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình “Sách hóa nông thôn Việt Nam” cho rằng: “... các chỉ số nhận thức về tinh thần cơ bản của con người, về học và mục đích tối thượng của học vấn, về bình quyền, về luật pháp, về tinh thần công dân quốc dân của mọi tầng lớp trong xã hội ta có nhiều điểm giống nước Nhật Bản vào nửa đầu thế kỷ XIX. Điều đó có nghĩa là đất nước chúng ta chậm tiến so với nước Nhật gần 150 năm. Một câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta hôm nay là liệu chúng ta có thể biến Việt Nam thành một cường quốc như Nhật Bản được không?”. Câu trả lời được người viết lời giới thiệu cho cuốn sách trong bản dịch tiếng Việt đưa ra - cũng là như những gì người Nhật qua hàng thế kỷ đã đọc và thực hành: “Những kỳ vọng lớn lao về một đất nước tôn trọng, mọi công dân có năng lực sánh đầu với nhân loại tinh hoa, sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta thực hành những giá trị cơ bản trong Khuyến học”.

Đọc sách, chúng ta sẽ hiểu được 4 điều mà Fukuzawa Yukichi cách đây gần 1,5 thế kỷ khuyên người Nhật nên học ngay tức khắc: (1) Ai sinh ra cũng đều được đối xử công bằng như nhau, dựa vào học thức mỗi người. (2) Học để dũng cảm chiến đấu vì lẽ phải. (3) Học để được tự do. (4) Học vì lòng tự hào dân tộc, để ngoại bang không khinh miệt.

Ngay từ những dòng đầu tiên của cuốn sách, Fukuzawa Yukichi đã khiến chúng ta như được vén màn sương mờ trong nhận thức về việc học và phương pháp học tập. Chúng ta và con em chúng ta ngày nay vẫn đang khổ sở với những hằng đẳng thức, những cổ văn tải nặng giáo lý phức tạp trong sách giáo kho và chúng ta vẫn ngờ rằng, những kiến thức ấy gần như không có giá trị ứng dụng trong thực tiễn. “Học hành không bao gồm chủ yếu sự theo đuổi không thực tế như học những chữ cái Trung Hoa rối rắm, đọc những đoạn cổ văn khó nắm được ý nghĩa hoặc ngâm vịnh và làm thơ” và thực tế là “... những thương nhân và nông dân cả nghĩ, khi họ thấy con cái họ tập trung vào sách vở, như những người bố mẹ tốt, họ thường sợ rằng chúng sẽ đưa gia đình đến suy sụp. Điều này không phải không có lý do. Và nó chứng minh rằng các kiểu học như vậy cuối cùng không có giá trị thực tế”.

Cũng chỉ qua vài dòng trong cuốn sách, sẽ cho chúng ta thấy được hiện thực của ý thức thượng tôn pháp luật, mối quan hệ tương hỗ giữa tri thức, đạo đức công dân với luật pháp của xã hội Việt Nam hiện nay - những điều có thể cảm nhận được hàng ngày, đơn giản như ý thức chấp hành pháp luật về giao thông chẳng hạn: “...nếu đạo lý của Nhân dân suy sụp dưới mức bình thường và dốt nát cùng mù chữ tăng lên thì luật pháp Nhà nước cũng phải trở nên khắc nghiệt hơn. Ngược lại, nếu Nhân dân chăm chỉ học hành, hiểu mọi nguyên lý của sự vật và theo đúng con đường văn minh hiện đại thì luật pháp Nhà nước cũng trở nên độ lượng hơn, cao thượng hơn”.

Cũng qua con đường học tập và tiếp thu tri thức, sẽ giải quyết được quyền cơ bản là “sự bình đẳng của con người với con người”, và trên hết: “... nếu Nhân dân muốn tránh Nhà nước độc tài, học phải tức khắc để tâm đến đến việc học hành, nâng cao tài năng, đạo đức của mình ngang tầm với Nhà nước”. Đó cũng là cơ sở để tác giả đi đến mệnh đề tiếp theo liên quan đến vận mệnh dân tộc “nếu người Nhật Bản bắt đầu theo đuổi học hành với tinh thần và quyết tâm đến có thể hoàn tất được độc lập cá nhân, từ đó làm giàu và tăng cường sức mạnh của quốc gia, thì sao chúng ta phải sợ hãi các cường quốc phương Tây”. Điều này thật gần gũi và cũng thật đúng với đất nước ta trong giai đoạn hiện thực hóa khát vọng hùng cường, với quan điểm nhất quán coi “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là khâu đột phá quan trọng trong phát triển bền vững đất nước”.

Cuốn sách cũng có cả những dòng khiến chúng ta phải giật mình tự ngẫm lại ứng xử cá nhân về tiếp thu và thực hành tri thức, về trách nhiệm đối với tập thể, cộng đồng và xã hội, rằng: “Một người có những lý tưởng cao cả, nhưng không có năng lực thực hiện, nên đôi khi bị tách biệt với người xung quanh... Khi người ta bất mãn và xem thường nhau, cuối cùng người ta sẽ chế nhạo nhau là lập dị, khác thường và không hòa hợp được với nhau”. Và rằng: “... với thế hệ trẻ. Nếu bạn không tự vừa lòng với những nỗ lực của người khác, thì hãy cố gắng tự làm lấy... Nếu bạn muốn can thiệp vào chuyện người khác, hãy đặt mình vào địa vị của họ và tự xem xét mình”.

Cuối cùng, tôi tin rằng bất kỳ ai đọc cuốn sách này, cũng sẽ có thêm một nguồn năng lượng mới, để học tập, lao động và cống hiến tích cực hơn.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]