(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ vài ngày nữa những cánh đồng lúa sẽ chuyển sắc vàng. Trời ngoại ô trong vắt, nắng chiều tháng 5 hãy còn vấn vương, từng đợt gió nhẹ lướt trên những ngọn lúa đang tuổi xuân thì mang theo mùi hương thoang thoảng khiến cho lòng bâng khuâng về nhưng bờ ruộng tuổi thơ.

Hương lúa non

Chỉ vài ngày nữa những cánh đồng lúa sẽ chuyển sắc vàng. Trời ngoại ô trong vắt, nắng chiều tháng 5 hãy còn vấn vương, từng đợt gió nhẹ lướt trên những ngọn lúa đang tuổi xuân thì mang theo mùi hương thoang thoảng khiến cho lòng bâng khuâng về nhưng bờ ruộng tuổi thơ.

Hương lúa non

(Ảnh minh hoạ).

Chiều ngoại ô, khi mặt trời gần rơi xuống và khuất dần ở phía chân trời. Những tia nắng yếu ớt của buổi chiều tà vẫn cố nén lại chiếu rọi làm cho cánh đồng lúa xanh mơn mởn càng trở nên thơ mộng. Từng đợt gió “gợn sóng” trên cánh đồng, mùi hương thơm thoảng của lúa non, của lúa làm đòng, trổ bông và phơi màu thật gần gũi, yên bình.

Tuổi thơ gắn bó với đồng ruộng, bao khó khăn, vất vả để thu hoạch được hạt lúa tôi đều hiểu. Vì vậy, từng giai đoạn phát triển của cây lúa trên cánh đồng cũng thế mà ghi sâu vào trí nhớ.

Quê tôi đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Giai đoạn hồ hởi, tất bật nhất của người dân phải là thời kỳ lúa làm đòng, bởi đây là giai đoạn quyết định đến năng suất của mùa vụ. Khi lúa làm đòng cũng là lúc cây lúa cần nhiều dưỡng chất và cũng dễ bị tổn thương bởi thời tiết và sâu bệnh nhất. Sâu bệnh sẽ phát triển mạnh ở giai đoạn này bởi sự ngon, ngọt, non nớt của cây lúa. Vậy nên người trồng lúa phải thường xuyên thăm nom, chăm bón thật cẩn thận; theo dõi xem lá của lúa có bị héo hay chuyển màu bất thường không; phải lội xuống ruộng mà kiểm tra và dùng tay bắt những con sâu, những đốm rệp trên cây lúa non.

Mỗi buổi chiều quê đi học về, chúng tôi cùng ùa nhau xuống ruộng, khéo léo lách theo bờ ruộng bắt những con sâu, châu chấu, cào cào cùng người lớn. Hương lúa non cứ vậy theo gió mà xuyên qua vạt áo, vào từng chân tóc, rồi len tận trong lồng ngực qua từng nhịp thở, thấm sâu và ướp trọn tâm hồn.

Hương lúa non còn gợi về bao kỷ niệm. Nhớ hồi còn ở quê, nhà nào cũng nuôi vài con trâu, những con trâu hiếm cỏ để ăn mà gầy trơ xương, đến nỗi mỗi khi đằm mình dưới sông để tắm cho chúng, tôi thường dùng những viên đá sỏi to bằng nắm tay, thô ráp chỉ để kỳ cọ cho lớp da ngoài mà vẫn nghe được những tiếng lộc cộc như đã chạm vào tận từng khúc xương trên thân mình của trâu. Thiếu cỏ cho trâu ăn nên nhiều lần tôi dắt trâu men theo bờ ruộng nơi có nhiều cỏ ngon và tốt tươi. Có lần ham chơi, con trâu ngang bướng đã tranh thủ ngoạm lúa non bên đường. Thằng Kít hàng xóm về mách lẻo với mẹ tôi, thế rồi tôi bị một trận đòn nhừ tử, khóc sưng húp cả mắt. Mẹ nói, để trâu ăn lúa là phải tội, nhất là lúa non… và tôi cũng nhận ra lỗi của mình, bởi mất bao mồ hôi và công sức mới có những cây lúa như thế.

Khi đã trưởng thành, mỗi khi về quê tôi thường tản bộ ra đồng, nơi những ruộng lúa tốt tươi vẫn được người dân canh tác như xưa mà hít hà, tìm lại mùi hương của lúa non...

Nơi phố thị, chỉ vùng ngoại ô còn chút ít đất canh tác lúa, phần lớn giành chỗ cho các dự án, khu đô thị, nhà cao tầng. Những nơi còn trồng lúa thì người ta sử dụng một cách quá đà các thành tựu khoa học, lúa bị ô nhiễm bởi những thuốc cỏ, thuốc trừ sâu nồng độ cao.

Chiều muộn, phía nội thành những ngôi nhà cao tầng sin sít, ánh đèn điện bắt đầu bật sáng vuông đét qua ô cửa sổ các căn hộ chung cư. Trong miên man, tôi thèm cảnh mỗi độ lúa làm đòng người dân nhà nhà sớm tối thăm nom đồng ruộng; từng nhóm người thắp đèn đi bắt cào cào, châu chấu, sâu bọ phá lúa ở mỗi buổi đêm; thèm được cưỡi trên lưng trâu, cùng bạn bè trang lứa đắm mình giữa mênh mông hương lúa thơm thảo trong lành.

Lòng bâng khuâng về những bờ ruộng một thời tuổi thơ.

Hà Hiếu


Hà Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]