(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau cơn tai biến năm 2021, ít ai nghĩ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tiếp tục làm thơ, viết văn, vẽ tranh. Càng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo anh càng cố gắng tìm kiếm những liều thuốc tinh thần. Tập thơ “Ngoảnh lại yêu thương” cũng chính là một trong những cái phao anh bám víu để “điều trị” sau tai biến.

Huỳnh Dũng Nhân với “Ngoảnh lại yêu thương”

Sau cơn tai biến năm 2021, ít ai nghĩ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tiếp tục làm thơ, viết văn, vẽ tranh. Càng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo anh càng cố gắng tìm kiếm những liều thuốc tinh thần. Tập thơ “Ngoảnh lại yêu thương” cũng chính là một trong những cái phao anh bám víu để “điều trị” sau tai biến.

Huỳnh Dũng Nhân với “Ngoảnh lại yêu thương”

Bắt đầu có bài đăng báo từ năm 1968, đến nay nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có 7 tập thơ, mỗi tập thơ có một lý do riêng để ra đời. Và “Ngoảnh lại yêu thương” (NXB Hội Nhà văn, H, 2023) như một khoảng thời gian anh được tĩnh tâm, được ngược dòng đời mình để nhận ra những tình cảm yêu thương đã và đang có.

Tập thơ 130 trang với 52 bài thơ là sự gửi gắm dấu ấn chặng đường đã qua và chờ đợi khoảng thời gian tiếp theo. Nếu phần 1, “Gửi thời gian” khẳng định những bước đi thời gian vô giá trong một đời người. Đọc “Tự bạch” của Huỳnh Dũng Nhân, tôi cứ nghĩ một cô nào đó trót mê anh nhà báo này, sau khi đọc xong bài thơ thì sẽ rõ lai lịch từ đôi giày dép cỡ 38, quần áo size M, đến những ký ức “chỉ nhớ quay quắt thời mũ cối mũ rơm” và sau 67 mùa xuân “Gia tài là những trang viết/ Là những bức tranh tập vẽ cho thỏa ước mơ/ Là tình yêu con người chắt chiu một thuở”. Anh tự họa về mình một cách hồn nhiên, thành thật đến ngây thơ và dễ chịu.

Dẫu thời gian cứ chảy trôi thì điều quan trọng nhất còn đọng lại là sự gắn bó thân tình với những người kề bên. Huỳnh Dũng Nhân làm thơ mà đơn giản như nói về cuộc đời mình, trải lòng mình. Đó là hình ảnh người vợ “Đường dài nhưng vẫn bên nhau”, là đứa con trai vào đại học, là hình ảnh người mẹ gắn với thời tem phiếu và ngôi nhà ngõ hẹp với những sẻ chia ngọt ngào: “Tấm áo vá suốt một đời con gái/ Con mong manh, mẹ có ấm bao giờ”... Trong cái khoảnh khắc nhìn lại thời gian ấy ngoài những câu chuyện gần gũi, với những con người thân thiết, thì còn đó cả những phút giây lãng mạn. Bài thơ “Anh ở trong mùa đông” thể hiện điều đó rất rõ:

“Anh ở trong này có hai mùa thôi

Mùa khô nắng mặt cằn như đất nẻ

Mùa mưa dài thương mái hiên chim sẻ

Cả hai mùa đều thèm có chút đông”.

Giá trị nhất mà thời gian đem lại cho mỗi con người không phải là nhìn lại quá khứ để suy tư, hơn hết quay trở lại quá khứ để thấy cái hiện tại mình đang sống là những nỗ lực có được từ quá khứ. “Mỗi ngày ươm một mầm vui nhỏ bé/ Để đợi chờ ngày đi khuất thời gian”. Thơ Huỳnh Dũng Nhân không hề có chút bi lụy, thương đau trong cuộc đời, anh hướng suy nghĩ của mình và bạn đọc đến những điều tích cực, lạc quan, yêu đời.

Phần 2, tác giả đưa chúng ta về với “những miền quê yêu dấu”. Từ Bến Tre “xứ dừa”, “Ngẩng đầu lên xanh một trời cây trái/ Nghiêng bóng dừa xao xuyến tóc dài ơi”. Rồi nhớ mãi một Hà Nội với “mắt đen huyền lúng liếng, tiếng giòn tan”. Ngay cả trong những ngày nắng nóng 40 độ, người thơ này vẫn thấy Hà Nội thật dễ chịu: “Tôi tưới trà đá lên mái tóc khô cong/ Cục đá lạnh bỏ vào ly nước tan nhanh trong chớp mắt”. Lại cũng có khi là một Hà Nội heo may “hương bưởi nhắc hoài nỗi nhung nhớ tháng Ba”.

Cái sự cố đột quỵ ấy khiến anh tự đặt ra và thực hiện chương trình “Xin một tuổi” tức là dành một năm để đi thăm những nơi anh từng sinh sống, từng làm việc, thăm lại bạn bè thân thiết. Anh có sự cảm nhận rất thơ khi về vùng đất Thái Nguyên: “Có ai về hồ Cốc với anh không?/ Nhớ mang về chút nắng vàng trên tóc/ Mắt phải xa xôi đôi bờ mơ ước/ Chiều lam chiều và em rất em”. Để rồi, phía sau nỗi nhớ là câu hỏi “Anh có bao giờ anh quay lại Thái Nguyên?/ Đàn tính đứt dây lâu chưa ai nối/ Điệu Then hát quên lời, nhịp lỗi/ Bếp lửa lâu rồi không người trao duyên”. Thơ Huỳnh Dũng Nhân không có tứ lạ nhưng khá dễ chịu. Đọc thơ có thể cảm nhận được sự mộc mạc mà duyên dáng, sự thanh lịch mà hào hoa của Huỳnh Dũng Nhân. Hoặc khi trở lại Đà Lạt ngàn hoa, anh đã nhìn thấy những đổi thay: “sương mù ít hơn thì phải”, “cây thông non không lớn kịp với nhà” “hoa lan rừng lùi tít tận miền xa”... để giật mình thảng thốt: “Đà Lạt đây mà, nhưng em đâu nhỉ/ Em trốn trong anh, một ký ức xa mờ”.

Hay đó là xứ Thanh nơi anh được sinh ra trong đợt cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 mà anh vẫn luôn tự hào là mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn. Trong cuộc đi tìm “một dấu tích ấu thơ ấy”, Huỳnh Dũng Nhân khá tinh tế nhận ra nét khác biệt của người con gái xứ Thanh: “Em có chút Trung, chút Bắc tao nhã một đời/ Đi khắp bốn phương nơi nào cũng có xứ Thanh mình tất tả”.

Thơ Huỳnh Dũng Nhân hay nhất là những bài tình thơ suy tưởng về miền ký ức. Ở đó, chất thơ, tình thơ anh đằm lại. Hình ảnh em gái tóc đuôi sam “Em gội lá chanh ướp hương lên tóc/ Vườn yêu nào phảng phất khắp thanh xuân”; là phút lãng đãng khi mùa đông sang: “Anh về anh nhớ lam khói ấy/ Không gian dịu dàng tiếng dạ vâng”. Đọc thơ Huỳnh Dũng Nhân điều dễ nhận thấy nhất là anh chênh chao giữa hai chiều suy tư, một là vùng ký ức thật ngọt ngào, thật êm ái và một là những đổi thay của cuộc sống thực tại. Nhưng anh không bị chới với hay choáng ngợp để rồi cô đơn; ở chiều kích nào anh cũng tìm ra được cái đẹp, cái mộng cái mơ mà tạo hóa và cuộc sống đem lại cho anh và cho cuộc đời. Đặc biệt, với phụ nữ, anh dành sự ấm áp thân thương: “Có bánh xe nào quay nhung nhớ/ Khăn choàng em có đủ ấm không?”. Huỳnh Dũng Nhân dành 4 bài thơ viết về xứ Huế với những ý thơ thật hay, thật tình. Tôi thích 2 câu thơ “Mắt môi cứ ướt như vừa khóc/ Một chút thôi mà, sao đã say” trong bài thơ Em đem xứ Huế cho anh.

Phần 3 với tiêu đề Đếm bước chân, như cuộc chạy đua với thời gian của một người có tuổi. Những bước chân một thời trai trẻ nhanh mạnh bao nhiêu, thì nay chập chừng: “Chân mỏi rồi, hết mơ ước đường xa/ Tay buông bỏ những gì từng xiết chặt”. Trong đó không thiếu những câu hỏi tại sao chỉ bởi “để con người biết trân trọng những ngày được sống”. Thậm chí có những lúc còn tự nghĩ: “Ta còn đi bao lâu/ Trong quãng đời sắp tới? Có khi rất ngắn ngủi/ Bằng vụ lúa trên đồng... Sẽ chắt chiu kỷ niệm/ Yêu thương còn chút này/ Cố mà đi từng bước/ Bằng đôi chân hôm nay”.

Nhà nghiên cứu LLPB Phạm Xuân Nguyên nhận xét: Thơ Huỳnh Dũng Nhân có buồn nhưng không ảo não, nặng nề. Trái tim nhà thơ không có sự can thiệp gì của máy móc, không cài đặt gì bên trong cả. Trái tim anh chỉ nguyên chất Tình Người và anh sống chính là bằng trái tim nguyên chất đó.

Trong chặng đường “Đếm bước” này, thơ và chính nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân ít nhiều có sự thay đổi về tư duy. Ít sự bảng lảng, lãng mạn, nhưng lại thêm nhiều những âu lo. Đếm bước thực ra là đi để ngẫm, để nghĩ. Chả thế mà lần đầu tiên thấy anh tính toán rành rọt:

- “Rồi lớn lên đi học

Một phần ba thời gian

Chiến tranh ba bốn cuộc

Một phần ba thanh xuân”.

(Một phần ba)

- “Đếm chặng đường làm chi

Không còn bao lâu nữa

Biết đâu sau giấc ngủ

Ta cũng đi mất rồi”.

(Đếm bước)

Nhưng rành rọt theo chất của một nhà thơ. Trong cái hữu hạn của đời người, âu lo cũng là sự thường tình: “Tôi đi và tự nhiên thấy vội/ Chân trời kia có ai đợi chờ đâu”. Nhìn cách anh dịu dàng với thơ, anh “Ngoảnh lại với yêu thương” để thêm thương yêu mọi người, tôi tin chắc rằng vẫn còn nhiều bạn bè đồng hành cùng anh, để anh tiếp tục làm thơ, vẽ tranh, viết truyện...

KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]