(vhds.baothanhhoa.vn) - Về quê vào những ngày cuối tháng chín âm lịch, chớm đông tiết trời se lạnh. Thỉnh thoảng lắc rắc vài hạt mưa nửa như làm nũng nửa như dỗi hờn càng thấy yêu thêm giây phút giao mùa, yêu thêm mùa rươi tuổi thơ ngày ấy...

Ký ức mùa rươi

Về quê vào những ngày cuối tháng chín âm lịch, chớm đông tiết trời se lạnh. Thỉnh thoảng lắc rắc vài hạt mưa nửa như làm nũng nửa như dỗi hờn càng thấy yêu thêm giây phút giao mùa, yêu thêm mùa rươi tuổi thơ ngày ấy...

Ký ức mùa rươiMinh họa: MD

Mưa rươi thường không lớn, cứ chập chờn ẩn hiện thoắt rơi, thoắt ngừng như mời gọi đánh thức lũ rươi ngủ quên suốt cả năm trong bùn đất ngoi lên. Có hôm vừa đấm lưng xoa gối bà tôi vừa than: “Có lẽ đêm nay mưa gọi rươi, dở giời rồi đau hết cả mình mẩy!”. Vậy mà đúng, sáng hôm sau dậy sớm đã thấy trời lất phất mưa.

Tôi chạy ù ra bãi. Ôi trời! Con ngòi, bãi sông mênh mông là nước. Lũ rươi lũ lượt phóng từ đất lên như những mũi tên đủ sắc màu. Mẹ tôi bảo khi mới ngoi lên khỏi mặt nước nó rất dài, sau đó tự đứt ra từng khúc rồi mọc lại đầu. Tôi cố gắng quan sát xem chúng đứt ra và mọc đầu ra sao, nhưng có lẽ khoảnh khắc đó quá nhanh nên tôi không kịp thấy. Sung sướng mừng như bắt được vàng, tôi hét thật to: “Rươi lên rồi! Vớt rươi thôi”. Thế là bãi trước nhà tôi đông như trẩy hội.

Dụng cụ vớt rươi chỉ có rổ, nồi, chậu thau nhôm. Tiếng loong coong của thau, chậu va đập vào nhau, tiếng chí chóe cãi nhau tranh giành luồng rươi... inh ỏi cả một vùng.

Rươi vớt bao giờ cũng ngon và sạch. Ở làng thì không ai phải mua, tự vớt để ăn.

Rươi có trong tự nhiên ở những cánh đồng đất bãi, vùng nước lợ. Ngay trước cửa nhà tôi có con ngòi uốn mình mềm mại ôm chặt những bãi lúa phì nhiêu. Lúa gặt hết, bãi được cày lên phơi ải. Cuối tháng chín âm lịch, sau những ngày đảo ải là nước thủy triều dâng lên ngập đỏ phù sa. Lúc ấy, rươi như có phép màu thi nhau nhao lên.Thật lạ lùng, không ai biết rươi được sinh ra vào mùa nào, hằng ngày nó sống ra sao, chả ai thấy cuộc đời của nó. Khi xuất hiện, rươi nổi đồng loạt trên mặt nước, uốn éo mềm mại như những vũ công trên sân khấu không nhạc không lời. Tập đoàn vũ công ấy sắc phục rất đa dạng, con màu hồng tươi, con màu xanh, con lại đỏ pha hồng, lam pha tím nhạt...

Rươi khiến những người yếu bóng vía phải giật mình. Là động vật thân đốt, nó giống con sâu mà cũng giống con giun, hai hàng chân xếp đều tăm tắp dọc theo thân như những mái chèo nhỏ xíu.

Ngày ấy đồng bãi nhiều, đất chưa bị ô nhiễm do thuốc trừ sâu và phân bón, con tôm con cá, con cua con ếch... Chúng cứ tự sinh ra, tự lớn lên hiền hòa thuận theo cuộc sống đầy vơi của con người. Có câu “đông như rươi” cũng đúng, chúng bơi thành từng đàn, chỉ chừng một hai tiếng đồng hồ rồi lặng lẽ biến mất. Tôi tay cầm rổ, tay đẩy cái chậu thau nhôm méo chạy theo lũ rươi. Chả mấy chốc mà vớt được lưng thau. Những con rươi to bằng đầu đũa đỏ hồng béo mũm mĩm ngoe nguẩy bò dẫm đạp lên nhau, sợ chúng vỡ bụng nên tôi phải cho thêm chút nước vào thau. Gần trưa trời hửng nắng, lũ rươi biến mất trả lại sự yên bình cho bãi sông ngầu đục phù sa. Bây giờ là lúc các nhà nhộn nhịp khoe chiến lợi phẩm của mình.

Chế biến rươi bảo đơn giản cũng đúng mà cầu kỳ cũng phải, chỉ thiếu một thứ gia vị là đã không ngon. Rươi làm được rất nhiều món, từ rươi rán, rươi kho, rươi nấu củ cải, măng tươi, rươi xào lá gấc, rồi mắm rươi... nhưng có lẽ ngon nhất là món rươi vùi trấu. Đây là món ăn giữ được nguyên chất của rươi. Mẹ tôi cho rươi vào trong một cái niêu đất bên dưới lót lớp lá gừng tươi xanh vừa ngắt ở vườn nhà. Rươi được “làm lông” chần qua nước ấm cho sạch, nước nóng quá sẽ làm rươi vỡ bột đóng mảng không ngon. Rưới một chút mắm cáy xanh trong chắt từ hũ vào, phủ tiếp lớp lá gấc bánh tẻ với vài quả ớt chỉ thiên lên trên rồi mới vùi vào trấu. Trấu cháy âm ỉ qua đêm, sáng hôm sau bới ra, hé nắp nồi đã ngửi thấy mùi thơm của rươi, của lá gừng lá gấc. Lấy đĩa, lót lớp lá gấc xuống gắp ra, từng con rươi vẫn còn nguyên hình hài, khô cong ngấm đủ gia vị, tôi nhón vài con cho vào miệng. Chao ơi, bùi thơm ngon ngọt tê tê nơi đầu lưỡi... Thú thật, sau này ra ngoài ăn nhiều món ngon nhưng chả món nào được nhớ dai và ngon như cháy cơm ăn với rươi vùi trấu.

Bây giờ quê mình không còn nhiều bãi rươi tự nhiên nữa, người dân bỏ cấy lúa lập vườn. Trên ti vi làm hẳn phóng sự về việc “nuôi” rươi của doanh nghiệp. Có người bảo họ cho cả thuốc kích thích vào thức ăn của rươi. Nhưng tôi có cô bạn nhà có đầm nuôi rươi, có lần hỏi đúng vậy không, cô cười bảo: “Họ nói xằng, rươi chả ăn gì, em khoanh vào làm đầm chờ đến nước rươi thì vớt thôi!” Tôi cũng nghĩ vậy. Cuộc đời của rươi đã có bao tiến sĩ khoa học nghiên cứu, nhưng đến bây giờ vẫn là một bí ẩn.

Vui vì con rươi đã trở thành hàng hóa đặc biệt trên thương trường, trong nhà hàng đặc sản, nhưng cũng chạnh buồn vì lũ trẻ quê chẳng có được niềm vui bình dị như xưa, vớt rươi tập thể chỉ còn là ký ức vời xa...

Tôi nhớ mẹ thường bảo: Rán rươi phải đủ gia vị nào là lá gừng, lá gấc, thì là, hành hoa, đặc biệt còn phải có vỏ quýt. “Thả vỏ quýt ăn mắm rươi”. Câu nói có nhiều nghĩa, nhưng chắc chắn rằng rươi không có vỏ quýt thì không dậy được mùi thơm. Sau này, tôi biết rươi sống sâu dưới đáy bùn đất dễ bị nhiễm độc từ môi trường, có tính hàn nên phải cho vỏ quýt vào để trung hòa, ăn không bị lạnh bụng. Nhìn miếng rươi rán đủ màu: xanh các loại lá, đỏ mấy lát ớt, vàng của vỏ quýt thơm, đẹp như một bản hòa tấu của thiên nhiên non nước đất trời...

Bát mắm pha chanh, ớt, tỏi, đường để ở giữa, xung quanh là đĩa bún, đĩa rươi rán và đặc biệt là đĩa rau sống có xà lách xanh non, mỡ màng húng láng, thơm dịu rau mùi... Thêm chén rượu nếp quê cho các ông đưa mồi - chỉ ngần ấy thôi, đã thấy cuộc đời ngọt ngào hương sắc, thấm đậm tình quê.

Mùa rươi nào mẹ tôi cũng làm thêm mắm rươi để dành ăn tết. Thực ra, làm mắm rươi không khó, công đoạn cũng gần giống làm mắm tép mắm tôm. Khi tôi lấy chồng, mẹ chồng tôi làm mắm rươi là ngon nhất. Sau này bà mất, tôi có theo công thức của mẹ nhưng cũng không ngon bằng.

...

Chiều nay đi trên triền đê gió heo may chưa đủ lạnh để quàng khăn. Hoàng hôn đổ dài trên bến sông ngày thơ bé. Chợt nhớ câu thơ bà tôi thường ngâm nga mỗi độ rươi về: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy”. Tháng mười trôi trên sông rươi, như dòng sông ký ức mãi vẹn trong tôi thầm thì: “Cả đời đói lả bàn chân/ Áo khăn phố thị vẫn ngần ngần quê”...

Tản văn của Lê Phương Liên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]