Lâm Bằng qua “Chín mươi chín bài thơ”
Anh Bùi Lâm Bằng (bút danh Lâm Bằng) là nhà thơ xứ Thanh, tác giả của 13 đầu sách văn, thơ, tranh truyện cho thiếu nhi với nhiều giải thưởng... Gần đây, anh gửi tặng tôi tập thơ “Chín mươi chín bài thơ” (NXB Hội Nhà văn) ấn hành tháng 8-2022. Sách in đẹp mà vẫn giản dị.
99 bài thơ đều ngắn hoặc rất ngắn, tên bài thay bằng số thứ tự từ số 1 đến 99. Nội dung được rút tỉa từ cuộc sống gần gũi, quanh ta cả đấy. Có điều, trong tâm hồn, tư tưởng khi đã chất chứa đầy ắp chất liệu, sách vở, năng lượng và mong muốn cuộc sống tốt lành hơn, văn minh, văn hóa hơn thì nhà thơ có thể phát hiện và viết ra một cách không mấy khó khăn.
Ở bài đánh số 50, nhà thơ là người đơn độc bên cạnh một lễ hội lớn:
“Lễ hội Các-na-van
Người người túa ra xem
Đường phố đông như nêm
Đường tắc...
Các-na-van lộng lẫy sắc hoa
Không có anh trong đó”.
Ở bài số 71, đơn giản, anh xót xa cho chiếc mai cua bị vô tình “bội bạc”:
“Mai cua cứng
Chống lại kẻ thù
Thứ áo giáp cho thân mềm của nó.
Khi trưởng thành cua lột xác
Mai bị vứt không thương tiếc
Cua đội mai khác rồi”.
Bài số 28, nỗi thất vọng chua chát khi nhìn chốn thanh tịnh chùa chiền đã bị nhuốm bụi trần ai:
“Chốn thanh tịnh bỗng nhuốm bụi trần
Chùa chiền mưu lợi nhuận
Tiếng chuông không còn vang xa
Tiếng mõ không còn vang xa
Vang xa là những lời đồn đại”.
Đây, còn là bi kịch thời gian một kiếp người, ở bài số 55:
“Bạn buông câu
Mong vớt được thư thái, nhàn tản
Chưa câu được gì
Ống mồi thời gian đã vơi đi nhiều quá”.
Là dự báo về sự điêu tàn, cái hư vô rồi có thể bao trùm tất cả xa xưa nguồn cội ở thời văn minh hiện đại chúng ta:
“Mái rạ lêu nghêu khói bếp
Cơm sôi lửa rụt
Ngõ trâu chưa khép
Mục đồng nghêu ngao...
Mai mốt chỉ còn trong ký ức”...
Tôi chưa dám nói cả 99 bài trong tập đều giàu chất thơ. Không ít bài gần với đoạn văn xuôi, nặng về ghi chép, ý tứ ít mới mẻ, kiểu như: “Từ thiện, không mưu lợi/ Phát chẩn, chẳng cầu danh/ Chốn thiền môn sao tính toan lợi nhuận?”. Câu chữ nhiều chỗ thô mộc... Tất cả, có thể là ý đồ đổi mới của nhà thơ so với thơ anh trước đây? Hiệu ứng tới đâu, ta cần bàn thêm. Tuy vậy, bạn đọc lại rất quý thái độ quan tâm, phản biện, tấm lòng lo âu, giọng thơ lắm khi dằn vặt đến đau đớn của Lâm Bằng, dành cho con người, cho cuộc đời đang quá nhiều bộn bề, tất bật, bon chen, bi kịch chung quanh hai chữ Danh và Lợi những tháng năm này.
Gần đây, tôi đọc được một đoạn văn của nhà văn Hồ Anh Thái trong cuốn tiểu luận lấy tên “Tự mình cách biệt” (NXB Trẻ, 2019) bàn về Văn chương đúng nghĩa, Văn chương đích thực: là thứ văn chương không chỉ miêu tả hiện thực mà còn là sự miêu tả ấn tượng về hiện thực; là thứ văn chương không kể nghèo về vật chất mà nói đến cái nghèo nàn của tâm hồn con người... Cứ thế mà suy, nhà thơ Lâm Bằng trong tập “Chín mươi chín bài thơ” đáng được ghi nhận ở những bài thơ khá và hay, hoặc cả những bài còn nặng về phác thảo nhưng mới mẻ, giàu ý tưởng. Hình như Lâm Bằng, qua thơ, muốn góp phần nhỏ nhoi của mình tham gia “giải quyết” những việc đời phức tạp đang ngổn ngang cả đấy?!
Ngoài chùm bài kể trên, khá nhiều bài nữa (trong đó có chùm thơ Ba câu) khiến tôi phải đọc lại nhiều lần để cảm thụ hết cái đẹp, sự tinh tế nhà thơ gửi gắm. Chùm thơ Ba câu theo thể Haiku bên Nhật Bản, anh viết thế này: “Mưa xối xả trắng đồng/ Cá nước hối hớn hở phù du/ Hõm mắt cha ngấn nước” (bài số 91); “Củi ướt/ Bếp nguội/ Cây rơm khô thảng thốt đợi mùa” (bài số 85); “Vầng dương tràn tia xanh/ Ngàn mầm nhú rung rinh đón nắng/ Giọt sương lặng lẽ rơi xuống đất” (bài số 94). Cái thích của tôi khi chọn và bình thơ, có thể không hoàn toàn trùng khớp với cái thích những ai khác, kể cả với tác giả nữa...
Nhớ năm 2018, anh Lâm Bằng cho xuất bản tập thơ “Từ ban công nhìn ra”, đọc một mạch thấy tràn đầy cảm hứng của một nhà thơ giàu trách nhiệm công dân, với thời cuộc. Nhiều bài, nhiều câu tâm đắc. Vài hôm sau, tôi nhắn tin cảm ơn, còn viết tặng anh bài thơ “Gửi một bạn thơ xứ Thanh”. Ít lâu sau, anh được Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp. 99 bài thơ là những nỗi niềm, cõi lòng, sự chia sẻ của anh với con người, với những biến thiên của cuộc sống.
Nguyễn Văn Hùng
{name} - {time}
- 2023-12-01 09:39:00
Nỗi niềm Trương Thị Mầu
- 2023-11-25 09:54:00
“Khu vườn cổ tích” Tả Liên Sơn (2996m) - Checked!
- 2022-11-05 09:59:00
“Lũ trẻ hư nhất quả đất”: Làm ơn, đừng đọc!
[Radio] - Truyện ngắn: Ngọn cỏ sau trận mưa rào
Tọa đàm sách “Tri âm cùng con chữ" của nhà phê bình Trịnh Vĩnh Đức
Nhà thơ Vương Anh và nỗi cô đơn
Đọc “Tri âm cùng con chữ” của trịnh Vĩnh Đức
Những mùa cau chưa cũ
Vũ Thị Khương và nỗi khắc khoải đàn bà
Vài cảm nhận “Về người ơi miền hư không” của Trần Tất Tiến
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Chúng tôi là Doanh nhân”
Thương về mùa gấc chín