(vhds.baothanhhoa.vn) - Có một Nguyễn Thị Vân Ngà cần mẫn sống, cần mẫn làm việc. Mấy năm gần đây chị cho ra mắt ba tập thơ “Về miền yêu thương” (2020), “Trăng rơi” (2020), “Bản hòa tấu vào hạ” (2021) và nhiều bài in chung trong thơ của các câu lạc bộ, hoặc đăng tải trên các báo và tạp chí…

Lục bát cùng em

Có một Nguyễn Thị Vân Ngà cần mẫn sống, cần mẫn làm việc. Mấy năm gần đây chị cho ra mắt ba tập thơ “Về miền yêu thương” (2020), “Trăng rơi” (2020), “Bản hòa tấu vào hạ” (2021) và nhiều bài in chung trong thơ của các câu lạc bộ, hoặc đăng tải trên các báo và tạp chí…

Lục bát cùng emMinh họa: Hà Hiếu

Nguyễn Thị Vân Ngà thiên về thơ lục bát. Trong tập thơ “Bản hòa tấu vào hạ” (NXB Hội Nhà văn, 2021) có 68 bài thì khoảng 50 bài là thơ lục bát, với hai chủ đề chính là niềm tự hào về quê hương, đất nước và nỗi lòng của một phụ nữ đa đoan luôn khao khát tình yêu đích thực.

1.Một lần du xuân trên ngàn Nưa, nơi khi xưa Bà Triệu cưỡi voi đánh cồng, phất cờ dấy nghĩa chống giặc Đông Ngô, Nguyễn Thị Vân Ngà trong cảm xúc phơi phới giao hòa giữa thiên nhiên, đất trời và lòng người, đã viết bài thơ Duyên xuân tràn đầy niềm tự hào dân tộc và lan tỏa yêu thương: “Chắp tay xin Mẹ anh hùng/ Trải duyên xuân đến khắp vùng quê hương”…

Đến Hà Trung, nơi có đền Hàn Sơn, đền Cô Bơ, đền Trần, có Gia Miêu ngoại trang nơi phát tích vương triều Nguyễn, có Đò Lèn sừng sững hiên ngang, chống chọi với cuộc oanh tạc bằng không quân của giặc Mỹ những năm 60 của thế kỷ trước, những “Hố bom năm tháng đã lành”. Hôm nay Hà Trung đang trên đường đổi mới “Cho trai gái đã thành công nên người”.

Những chuyến đi xa, Vân Ngà như được mở rộng tầm nhìn, tầm nghĩ. Một vùng Tam Đảo lung linh mờ ảo trong sương với Thác Bạc, Cổng Trời… lãng mạn đến nao lòng:

Hồ Xạ Hương chứng tích yêu

Cất em trong chiếc áo nhàu mỏng manh.

(Tam Đảo trong tôi)

Một Ba Bể với Ao Vua, Tiên Nữ… gắn với những huyền thoại, làm duyên cho quê hương Bắc Cạn:

Em qua Chợ Rã ngày xuân

Sóng hồ Ba Bể mây vần vũ giăng

Trên con thuyền nhỏ giăng giăng

Bồng bềnh trên mặt nước nâng nắng vàng.

(Du xuân Ba Bể)

Trước những di tích lịch sử và thắng tích của non sông, chị không kìm nén được lòng mình, muốn niềm vui của mình được lan tỏa:

Em gom cả gió Hồ Tây

Bỏ phong thư gửi qua mây khẽ khàng…

(Chia xa)

Cũng có khi đi qua bãi bồi nương dâu, Vân Ngà nghĩ đến đời dâu, đời tằm mà xót xa, chạnh lòng. Những câu thơ lục bát với lớp từ ngữ gợi hình, gợi cảm, gợi nhiều liên tưởng đến thế:

Gió mùa em có lạnh không

Khẳng khiu, trơ trụi khi nong đầy tằm

Cựa mình lột xác queo cong

Trở trăn quằn quại nén lòng chờ nhau…

(Đời tằm trong dâu)

Trong trận lũ ở Rào Trăng 3, tháng 10-2020, cả nước xót xa trước những mất mát hy sinh của bộ đội và Nhân dân Thừa Thiên Huế, Vân Ngà đã kịp thời có thơ phản ánh hiện thực xót xa và để cùng nhau chia sẻ:

Tiếng kêu khản đặc giữa trời

Ầm ầm nước cuốn, mưa rơi hãi hùng

Phong Điền bão đổ miền Trung

Rào Trăng 3 ấy anh hùng cứu nguy…

…Gian lao hơn cả chiến tranh

Những gương dũng sĩ bỗng thành… người xưa.

(Trận địa không tiếng súng)

Dù không có nhiều bài về chủ đề này, nhưng thơ Vân Ngà vẫn canh cánh một nỗi niềm thế sự và tri ân cuộc đời. Có một số bài đã chạm đến được sự đồng cảm của bạn đọc như Đời tằm trong dâu, Rượu quê, Xứ Thanh quê mình, Trận địa không tiếng súng, Tình em, Du xuân Ba Bể… Thế cũng đã là đáng quý, đáng trân trọng lắm rồi!

2.Thơ lục bát về tình yêu của Nguyễn Thị Vân Ngà thật phong phú về tâm trạng, cảnh ngộ, sắc thái. Vân Ngà có quan niệm về tình yêu khá hiện đại, đã yêu đắm say, chân thành là hết mình, là dâng hiến:

Em như lạc lối đi về

Ngây trong cảm xúc đam mê cõi người

Những ma mị dẫn đưa lời

Đắm say nào biết cuộc đời thực hư…

… Đỉnh cao những phút huy hoàng

Những giây ngây ngất nào toan tính gì?

(Là em)

Câu thơ lục bát giản dị như ngôn ngữ đời thường, hồn nhiên nên mới “thật như đếm”, là lời độc thoại đâu có “ai khảo mà xưng”? Thì đó mới là Vân Ngà… trong thơ.

Yêu như thế, dữ dội đến như thế, nhưng khi phải chia xa vì một lý do nào đó, thì người phụ nữ ấy vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi hơn, đau đáu, tiếc nuối và hoài niệm nhiều hơn về một tình yêu không trọn vẹn: Giờ thì người ấy đi xa/ Mang theo câu hát thiết tha vơi đầy. (Chia xa)

Vân Ngà có nhiều bài thơ nói về nỗi đau khắc khoải, lẻ loi, cô đơn của thiếu phụ:

Đêm nay chờ đợi trăng rằm

Em như cau héo cứ nằm đợi mưa

Giàn trầu không cứ dư thừa

Chỉ riêng em với đêm khuya… giật mình.

(Lẻ loi)

Sử dụng câu chuyện trầu cau trong dân gian kết hợp với biện pháp tu từ ẩn dụ so sánh ngầm, bài thơ Lẻ loi là một thành công cả về ý, tứ và lời thơ. Câu kết bài thơ “Chỉ riêng em với đêm khuya… giật mình” như một điểm nhấn của không gian, thời gian và tâm trạng. Giá như Vân Ngà có thêm nhiều bài thơ như thế!

Đêm với người thiếu phụ trong thơ Vân Ngà luôn là nỗi ám ảnh:

Đếm từng đêm giọt chơi vơi

Anh về bên ấy dưới trời đầy sao?

Giọt cà phê cũng chênh chao

Lặng thầm giọt nhẹ rơi vào trong đêm.

(Bâng khuâng)

Có đến 17 lần từ đêm xuất hiện trong thơ lục bát về tình yêu của Vân Ngà: đêm khuya, đêm thanh, đêm trăng, đêm đêm, bóng đêm, đêm thâu, đêm nay, đêm lắng, đêm tê tái, đêm đông, đêm dài, đêm mấy bữa… Sau danh từ trung tâm là đêm thì những định ngữ để mở rộng nội hàm của khái niệm, người đọc hiểu và thông cảm với nỗi lòng tác giả.

Bao nhiêu sợi nhớ sợi thương

Buộc bằng nước mắt đêm trường mười năm.

(Tình khúc)

Đây là một câu thơ hay của chị. Lấy nước mắt để “buộc” nhớ thương hờn giận, mà đâu chỉ một đêm? Mười năm! Có thể chỉ là con số ước lượng, tượng trưng thôi. Nhưng bạn đọc hình dung được cái đằng đẵng, mịt mùng của nhiều đêm mà người phụ nữ phải đối mặt.

Không thể cứ chìm đắm trong đau khổ để tự bào mòn mình. Người phụ nữ bất hạnh, vật vã ấy đã biết tự vá tâm tư một mình. Chọn điểm tựa, niềm tin để đứng dậy bằng một nghị lực mới, sức sống mới, niềm tin mới:

Tựa lưng vào một điều may

Mở ra năm mới hỏi ngày tương lai.

Tựa hồn vào những đúng, sai

Chọn câu thơ mở ngày dài an nhiên.

(Tựa)

Vết thương lòng được khâu vá. Cuộc đời này còn nhiều điều đáng để được tin yêu và trân trọng. Tâm hồn nhà thơ rộng mở, phơi phới để đón nhận hương sắc tươi mới của cuộc đời:

Trăng đâu tỏa ánh tự tình

Bóng đa cũng thấy như mình xốn xang

Dưới trời sóng sánh mênh mang

Là khi tim đập rộn ràng nhịp yêu.

(Trăng rằm tháng tư)

Khát khao một cuộc sống để được yêu, được thương đã tạo nên một phần vẻ đẹp nhân bản của tập thơ Bản hòa tấu vào hạ. Vượt qua những thăng trầm, mất mát, dành cho cuộc đời những gì có ý nghĩa để nhận lại những cái bình dị nhất. Chỉ thế thôi cũng hạnh phúc lắm rồi:

Dập dềnh quên hết vàng, thau

Bước chân trên cát chạm đầu sóng xanh

Chắt chiu ngày tháng ngọt lành

Ta buông khăn áo để dành cho nhau…

(Biển tình)

Đó là những gặt hái của Vân Ngà trên bước đường tiếp cận với thi ca, nhất là thể thơ lục bát. Hy vọng chị sẽ chau chuốt hơn nữa, tinh gọn hơn nữa để lục bát của chị có giọng điệu riêng và thành công như chị đã thành công ở thể loại Đường thi.

(Đọc tập thơ “Bản hòa tấu vào hạ” của Nguyễn Thị Vân Ngà, NXB Hội Nhà văn, 2021)

LÊ XUÂN SOAN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]