(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi rất vui khi đọc “Miền ký ức” (Tập 1) của tác giả Quách Thuận Lương, một cuốn tự truyện có dung lượng khiêm tốn (với chỉ 167 trang khổ 13 × 19cm, bao gồm cả một số bài thơ và một bài viết nhận xét…). 

Một cuốn sách giàu cảm xúc

Tôi rất vui khi đọc “Miền ký ức” (Tập 1) của tác giả Quách Thuận Lương, một cuốn tự truyện có dung lượng khiêm tốn (với chỉ 167 trang khổ 13 × 19cm, bao gồm cả một số bài thơ và một bài viết nhận xét…).

Một cuốn sách giàu cảm xúc

Tuy nhiên, khi đọc xong chỉ trong vài tiếng, tôi lại thấy thú vị và rất ấn tượng về nội dung của các phần viết để giúp tôi - một nhà sử học xứ Thanh hiểu rõ hơn về sự khai khẩn trên vùng đất hoang sơ ở miền rừng núi phía Tây huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia của dòng họ Quách, tỉnh Hòa Bình hồi giữa thế kỷ XIX để rồi từ đó lập ra các làng xã và châu Như Xuân mới. Người khởi đầu có công mở ra vùng đất ấy chính là Quách Văn Hiệp. Từ đó, dòng họ Quách thực sự có thế lực ở châu Như Xuân. Và từ năm 1896 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa (8 - 1945), các ông Quách Văn Sâm, Quách Văn Nụ, Quách Văn Nhạ, Quách Văn Cối, Quách Văn Tôn đã lần lượt thay nhau để làm tri châu Như Xuân.

Có thể nói ngay phần đầu tiên “Từ cuộc du xuân năm ấy” của cuốn sách đã có giá trị giúp chúng ta hiểu biết một cách chính xác về nguồn gốc ra đời của một đơn vị hành chính mới trên vùng đất miền núi phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa. Và sự kiện này cũng đã được CH.Robequain - một học giả người Pháp ghi chép khá rõ trong phần “Sự phân bố người Mường và người Thái” của cuốn sách “Tỉnh Thanh Hóa” (xuất bản năm 1929) như: “Các tổng Hạ Thưởng và Xuân Du, thực tế là những vùng vừa có dân đến ở mới đây hơn cả. Tri châu hiện nay (tức châu Như Xuân) thuộc họ Quách, cũng như nhiều thổ ty khác người Mường Hòa Bình, thân phụ của ông là thổ ty ở làng Ngọc Lâu, tổng Lạc Sơn lúc đó thuộc Ninh Bình, nay lại thuộc Hòa Bình. Khi viên Tổng đốc Tôn Thất Tính được bổ nhiệm làm Tổng đốc Thanh Hóa, ông thổ ty này đi theo và được phép khai thác những vùng còn hoang vu đầy voi, cọp mà thành lập ra những tổng Hạ Thượng và Xuân Du ngày nay. Trước tiên vào năm 1858, ông lập làng Xuân Du ở phía Bắc châu lỵ, rồi dần dần về phía Nam các làng Phụng Nghi, Mậu Lâm, Vịnh Khang... (tổng Xuân Du) và cuối cùng vào năm 1867 lập làng Xuân Hoa đặt làm châu lỵ, rồi mất ở đó. Ông đã đem theo về Xuân Du 30 gia đình người Ngọc Lâu cùng quê gốc với ông, sau đó thì nhiều gia đình khác của châu Ngọc Sơn, ở vùng phụ cận Hòa Bình và ngay từ ở Bắc Thanh Hóa nữa (tổng Sa Lung) cũng di về đấy.

Những cuộc nổi loạn trước và sau khi người Pháp đến chiếm đóng, đã đẩy nhanh tình hình dân cư ở vùng này. Từ 1858 - 1887 những gia đình Mường bỏ xóm làng bị tàn phá, lang thang trốn chạy trong rừng, xa những đường mòn đất nện và khi họ đã yên hàn rồi thì mới về định cư hẳn ở phía Nam sông Chu, nơi đang còn nhiều đất đai chưa khai phá.

Những trang viết ở phần đầu của sách “Miền ký ức” cùng với sự ghi chép của học giả CH.Robequain sẽ là những trang tư liệu quý rất đáng tin cậy để bổ sung kịp thời, chính xác cho các cuốn sử của huyện Như Thanh, Như Xuân khi viết về quá trình ra đời của các đơn vị hành chính này.

Lần giở tiếp tục các phần còn lại như “Tổ ấm gia đình”, “Cách mạng Tháng Tám” và “Cuộc sống đổi thay”, cuốn sách “Miền ký ức” của tác giả Quách Thuận Lương bằng cách trần thuật giản dị và chân thật đã đem đến cho người đọc sự hình dung khá chi tiết và sinh động về nguồn gốc, lai lịch và diễn biến lập nghiệp cùng vị thế, sinh hoạt và tính nhân văn của dòng lang đạo họ Quách trên vùng đất mới lập nghiệp ở vùng núi phía Tây Nam Thanh Hóa hồi nửa sau thế kỷ XIX trở đi cho đến ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (7-1954). Nhưng các trang viết từ trước, trong và sau thời kỳ Tổng khởi nghĩa (8-1945) đã mô tả được sự hòa nhập nhanh chóng của gia đình viên tri châu giàu lòng yêu nước, đó là Quách Văn Cối, người đã được cách mạng tin giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Thượng du Thanh Hóa, Quách Văn Tôn làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính châu Như Xuân… Rồi trong thời khắc và sự thay đổi của lịch sử, gia đình họ Quách từ vị thế nhà lang đã trở thành công dân của chế độ dân chủ cộng hòa được sống tự do bình đẳng như mọi công dân khác. Nhưng cũng vì thời cuộc thay đổi, gia đình họ Quách như cuốn tự truyện đã nêu, cũng phải nếm trải biết bao sự khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước – xã hội (như việc phải xin vay một con bò để bán lấy tiền nộp 4 tạ thóc thuế nông nghiệp dù 3 vụ liền đều mất mùa). Và phần cuối của cuốn sách – “Cuộc sống đổi thay” với 9 mục nhỏ chính là trường đoạn sống động về cuộc đời thực của tác giả với biết bao kỷ niệm vui buồn không thể nào quên được đã làm cho người đọc phải bùi ngùi, xúc động và hình dung rõ nét về thời khắc đầy khó khăn gian khổ trong kháng chiến trường kỳ của cả dân tộc, nhất là vùng miền núi. Ấy vậy mà tất cả đều vượt qua để theo đuổi sự nghiệp vì độc lập tự do cho dân tộc.

Có thể nói cuốn sách “Miền ký ức” có giá trị nổi trội về cả bút pháp và cách thể hiện. Chính điều đó mà toàn bộ nội dung thể hiện trong cuốn sách đã làm toát lên được tinh thần lịch sử của những giai đoạn hết sức đặc biệt. Mặc dù thông qua diễn biến sinh hoạt và cuộc đời thực của những người trong gia đình lang đạo họ Quách (kể cả lúc đi lập vùng đất mới), hay lúc hòa nhập nhanh với chế độ mới trong Cách mạng Tháng Tám 1945, nhưng chúng ta vẫn nhận ra ở đó những sự thật lịch sử của đất nước, của tỉnh Thanh Hóa nói chung và vùng miền núi Như Xuân nói riêng là rất đáng trân trọng ngợi ca. Cũng qua cuốn sách, chúng ta càng trân trọng hơn về nghị lực và sự phấn đấu không mệt mỏi của chính cuộc đời tác giả Quách Thuận Lương, để đến hôm nay, những ký ức, kỷ niệm ghi chép lại đều rất có giá trị và ý nghĩa cho bạn đọc gần xa nhất là những người thuộc lứa tuổi 70, 80 trở lên.

Hy vọng tác giả Quách Thuận Lương tiếp tục ra đời “Miền ký ức” tập 2 để bạn đọc gần xa được tường tận hơn nữa về gia đình họ Quách và xứ Mường ở Như Thanh, Như Xuân.

Bài và ảnh: Phạm Tấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]