(vhds.baothanhhoa.vn) - Người ta ở đời không ai có thể vượt ra ngoài hai chiều của một mặt phẳng: không gian và thời gian. Vũ Duy Hòa trong sinh mệnh của mình cũng là một con người như thế. Mượn thơ để lưu tồn và trú ẩn trên hai chiều mặt phẳng ấy là điều có thật trong tập thơ “Chiều nghiêng” của anh. Cuộc sống cùng những va đập của nó luôn là cảm hứng cho thơ khởi phát nơi tâm hồn người viết. Và đến lượt mình, Vũ Duy Hòa đã ấn định ngày cho “đứa con tinh thần” ra đời với tựa đề đầy sức gợi - “Chiều nghiêng”.

Một hồn thơ giàu tâm cảm

Người ta ở đời không ai có thể vượt ra ngoài hai chiều của một mặt phẳng: không gian và thời gian. Vũ Duy Hòa trong sinh mệnh của mình cũng là một con người như thế. Mượn thơ để lưu tồn và trú ẩn trên hai chiều mặt phẳng ấy là điều có thật trong tập thơ “Chiều nghiêng” của anh. Cuộc sống cùng những va đập của nó luôn là cảm hứng cho thơ khởi phát nơi tâm hồn người viết. Và đến lượt mình, Vũ Duy Hòa đã ấn định ngày cho “đứa con tinh thần” ra đời với tựa đề đầy sức gợi - “Chiều nghiêng”.

Một hồn thơ giàu tâm cảmTập thơ “Chiều nghiêng” (2023, NXB Thanh Hóa) của nhà thơ Vũ Duy Hòa.

"Chiều nghiêng” tập hợp 179 bài thơ của Vũ Duy Hòa, đề cập tới muôn mặt của đời sống trong một xã hội hiện đại. Ở đó, tác giả vừa là nhân vật, vừa là nhân chứng, vừa là khách thơ lại vừa như một người đứng ngoài thơ... Trải dài, miên man trên từng con chữ của cảm xúc, hoài niệm, những thao thức, trăn trở về một đời sống đẹp, về lương tâm con người, về tình yêu thương và đức tin của lẽ sống trong sáng, chính trực, chân thành cứ thế được tác giả khơi gợi, bộc bạch trên từng con chữ.

“Chiều nghiêng” mở ra và nghiêng theo suốt dọc dài đất nước. Đất nước và quê hương luôn là tứ thơ yêu thương, tự hào. Ở đó, nhà thơ thấy mình như được sống, được yêu, được chở che, cưu mang và đùm bọc. Quá khứ vinh quang, hào hùng của dân tộc từ thuở Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh, cùng sự đổi mới hôm nay vang lên tha thiết, đầy niềm tin vào ngày mai tươi sáng, một Việt Nam anh hùng, Việt Nam đang từng ngày “thay da đổi thịt”: “Đất nước bừng lên từng ngày đổi mới/ Vươn tới tầm cao hòa nhập toàn cầu/ Giữ độc lập tự do xây ấm no hạnh phúc/ Có Bác dẫn đường đưa ta tới tương lai” (Cảm tác mùa thu).

Vũ Duy Hòa là người lính đã từng sống và chiến đấu cùng đồng đội trong làn mưa bom bão đạn, bao lần đối diện với lằn ranh sinh tử: “Chúng tôi đi những ngày xuân vội vã/ Chiến trường xa giục giã những đoàn quân/ Chia tay Cao Răm biết ngày nào trở lại/ Xa mế rồi nhớ bản nhỏ thân thương”. Cảm động, biết ơn quá khứ và lịch sử, quá khứ ấy hình như được bắt đầu từ cha mẹ, từ làng quê nghèo khó nhưng thân thương, yêu dấu ngàn đời: “Bố tôi như cây cổ thụ/ Cả đời chắn bão che giông.../ Mẹ tôi như đòn gánh cong/ Suốt đời lui cui mưa nắng...” (Cảm tác).

Hình tượng “bố tôi như cây cổ thụ” là hình tượng giản dị, mộc mạc mà gợi lên dáng vóc. Chỉ có thế người bố mới có khả năng “cả đời chắn bão che giông” cho gia đình, quê hương, xóm mạc. Còn hình tượng “Mẹ tôi như đòn gánh cong/ Suốt đời lui cui mưa nắng” là một hình tượng thơ cảm động, tiêu biểu cho đức hy sinh, chịu thương chịu khó, cần cù, nhẫn nại và bao dung... nơi tâm hồn bao người mẹ Việt Nam! Đó là những hình tượng thơ giàu biểu cảm, cho thấy độ chín của con chữ, sự chiêm nghiệm cùng khả năng quan sát tinh tế, chắt lọc, tìm ra sự biểu đạt có tính cô đọng nhất, đắc địa nhất trong tập thơ “Chiều nghiêng” của Vũ Duy Hòa.

“Chiều nghiêng” cho thấy tác giả đã và đang sống những ngày hôm nay với tất cả sự hăng hái, đầy tinh thần trách nhiệm, trăn trở xuất phát từ muôn vàn yêu thương. Chí ít thơ cũng dành riêng cho nó những phản ánh kịp thời và sinh động nhất có thể. Vũ Duy Hòa cảm thông, chia sẻ và cùng đau nỗi đau nhân thế, nỗi đau của con người trước nghịch cảnh. Đó là tư tưởng nhân văn và cũng là tiếng nói của lương tri, của nhân phẩm con người trong tác phẩm này. Hiện thực đôi khi phũ phàng, khốc liệt và tàn bạo hơn ảo giác của cảm xúc lãng mạn: “Trẻ con xác xơ như cò gặp bão/ Cả bản vắng tanh không bóng đàn ông/ Cái chết trắng đã cướp đi tất cả/ Đến ngày nào cho bản lại bình yên?” (Bản trắng).

Câu thơ “Đến ngày nào cho bản lại bình yên”, là một dấu hỏi không hề nhỏ một chút nào. Nó cho thấy tội phạm và tệ nạn ma túy đã giết chết bao người vô tội, gây rất nhiều hệ lụy trong cộng đồng, làng bản, phố phường... Nó cũng cho thấy xã hội và các lực lượng chức năng phải mạnh tay hơn nữa với những kẻ buôn bán, gieo rắc cái chết trắng khủng khiếp và vô lương này. Một xã hội thanh sạch là một xã hội lý tưởng, một xã hội có tương lai, không thể khác được.

Đại dịch COVID-19, một thảm họa và bi kịch trên phạm vi toàn cầu với bao mất mát, đau thương. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Bằng tất cả tấm lòng, sự xót thương cùng trách nhiệm của người cầm bút, nhà thơ Vũ Duy Hòa đã dùng tiếng thơ của mình để phản ánh hiện thực, gióng lên tiếng nói của lương tri, tình yêu thương nhằm xoa dịu nỗi đau và kết nối trái tim thành sức mạnh, góp phần làm nên “vắc-xin tinh thần” động viên mỗi người vượt qua đại dịch. Bài thơ “Giãn cách” của Vũ Duy Hòa có cái nhìn bình tĩnh và lạc quan vào ngày mai tươi sáng - chiến thắng dịch bệnh: “Từ phố nọ sang phố kia lặng ngắt/ Chốt chặn ngang đường phòng dịch từ xa/ Từ nhà này sang nhà kia ngăn cách/ Tấm chắn vô hình COVID tràn lan.../ Không thể về người thành thị nhớ quê/ Người ở quê lo cho người ở phố/ Thành phố lặng trong những ngày giãn cách/ Để trở về sôi động những ngày vui”.

Con người ta ở đời lấy khuôn thước của đức độ mà thắng bạo lực; “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” (Nguyễn Trãi) luôn là hành động sáng đẹp, cao thượng, nghĩa nhân. Quá khứ của chiến tranh đã lùi xa, liên kết và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại. Với người cựu chiến binh như Vũ Duy Hòa, ông nhận thức sâu sắc hơn ai hết cái giá của hòa bình. Sự hy sinh của đồng đội trên chiến trường là điều thiêng liêng mà chính nó luôn sống, luôn chảy trong tâm hồn những người ở lại, xanh lên tươi sáng, ươm mầm hy vọng cho hôm nay và cho mai sau. Sự hy sinh ấy làm nên điều bất tử - “những cái chết bất tử” cho Tổ quốc và Nhân dân: “Hãy lặng yên để nghe rõ từng lời/ Họ thủ thỉ bên nhau trong lòng đất/ Những bước chân vẫn vang lên dồn dập/ Khúc bè trầm nhắc nhớ vọng ngàn năm” (Viết ở nghĩa trang).

Vũ Duy Hòa như bao con người khác trong hành trình làm người của mình cũng có cái nghiệp nghề để chứng minh sự tồn tại, cao hơn là tạo nghĩa cho cuộc sống; rằng cuộc sống là một bài ca lao động, sáng tạo, cốt cách. Trong cuộc đời, Vũ Duy Hòa từng đảm nhận nhiều vị trí, từng làm ĐBQH, công tác trong binh chủng thông tin, liên lạc ở chiến trường, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa... Hành trình ấy là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện không mệt mỏi, vươn lên không ngừng, tạo lập uy tín, xác lập giá trị bản thân. Thước đo của nhân cách là cái đích mà tác giả luôn tự răn mình, lấy đó làm kim chỉ nam của nghiệp nghề. Thơ đôi khi phải kể, phải tâm sự, phải giãi bày là thế: “Có một nghề không phải ai cũng biết/ Lặng lẽ âm thầm theo những cuộc điều tra/ Truy đến cùng gian tham và tội ác/ Mang lại công bằng cho người gặp hàm oan/ Có một nghề phải chính trực công minh/ Vì bình yên cho cuộc sống mọi nhà/ Cần khách quan để vô tư trong sáng/ Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân...” (Có một nghề như thế).

Không ai vượt ra ngoài đời sống, vượt ra ngoài những tương tác mà đời sống va đập và xô đẩy. Những giá trị tinh thần không tự dưng mà có, đương nhiên nó phải là những dấu ấn của đời sống. “Chiều nghiêng” cho thấy sự ảnh hưởng của những rung động tinh thần, lay thức nhiều giá trị trường cửu của tâm hồn. Đó phải chăng là nỗi nhớ, tình yêu và khát vọng chính đáng của con người? Ở “Chiều nghiêng” thấy Vũ Duy Hòa nghiêng nhiều về nỗi nhớ, những hoài niệm lúc bi tráng, lúc thân thương, lúc lại dịu dàng như lá thu bay... lan tỏa miên man trên miền xúc cảm của thi hứng. Và đôi khi là cái bóng của đời, hư hư thực thực, thanh nhã, bâng khuâng đến lạ lùng. Đó là nét hoa mỹ của cảm xúc thi nhân trên nền của một tình thơ đẹp: “Tinh sương gợn sóng lăn tăn/ Khẽ khàng dấu chân trên cát/ Bình minh rạng ngời trên biển/ Nắng tràn theo bước người đi... (Dấu chân).

Đọc tập thơ “Chiều nghiêng” của Vũ Duy Hòa, độc giả ấn tượng bởi những trường liên tưởng, ngôn ngữ uyển chuyển, tự nhiên mà tinh tế. Vẫn biết thơ Vũ Duy Hòa không mới, nhưng đó là thơ của sự chân thật đến ngạc nhiên. Chân thật trong thơ cũng là cách sống có bản lĩnh và khí phách vậy. Văn học tựu chung cần cái hồn phách của người viết, tối kỵ sự vay mượn, sao chép, bịp bợm chữ nghĩa. Anh viết như anh thấy nó cần phải viết, rằng thơ là nơi cuộc đời anh lưu trú những tâm tư, nỗi niềm, khát vọng và tình yêu cuộc sống.

“Chiều nghiêng” của Vũ Duy Hòa là sản phẩm tinh thần đẹp ngời sáng trên những con chữ biết nói. Thơ anh lang thang khắp miền đất nước và ở đâu cũng để lại trong thơ anh nỗi nhớ và tình yêu thân thương, trìu mến. Đó là những vần thơ chứa chan tình yêu đời, yêu người...

Phạm Khang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]