(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi lần ra chợ, tôi luôn có cảm giác bâng khuâng khó tả. Chợ không chỉ có sự náo nhiệt bán mua, mà sau dáng vẻ ồn ào, nó còn ẩn mang những sắc thái ít ai tỏ tường. Chỉ riêng những mùi hương ở chợ cũng chứa đựng bao xúc cảm rất người, rất đời.

Mùi chợ

Mỗi lần ra chợ, tôi luôn có cảm giác bâng khuâng khó tả. Chợ không chỉ có sự náo nhiệt bán mua, mà sau dáng vẻ ồn ào, nó còn ẩn mang những sắc thái ít ai tỏ tường. Chỉ riêng những mùi hương ở chợ cũng chứa đựng bao xúc cảm rất người, rất đời.

Mùi chợMinh họa của MINH QUÂN

Ở chợ, những sạp hàng bán thực phẩm tươi sống chiếm số đông. Người ta đến rồi đi vội vã vì không muốn tiếp xúc lâu với mùi hôi, tanh của các loài động vật. Thật lòng, mỗi khi ra chợ tôi cũng chẳng mấy khi nán lại lâu ở những nơi như thế. Nhưng khi tới đây, tôi luôn thấy dễ chịu bởi những nụ cười, những đôi mắt ngóng trông thao thiết của người bán. Tôi cảm nhận được trong đôi mắt ấy là sự mong mỏi được gần gũi, được cảm thông, được yêu thương của họ. Vì cuộc mưu sinh mà họ chấp nhận sống trong môi trường chẳng mấy sạch sẽ, thơm tho. Mùi ở những sạp hàng ấy là thứ mùi của sự hy sinh, cam chịu.

Không biết có ai giống tôi, thích tới mấy chỗ bán rau củ còn lấm lem đất cát. Đến và nghe mùi đất quyện trong lá củ cà rốt nồng nàn, mùi ẩm ướt của củ khoai môn bết bùn. Mùi măng tươi ngai ngái, mùi dứa chín thơm như mật. Mùi mướp hương dìu dịu, mùi cải bẹ hăng sực. Tôi đặc biệt mê mùi hương của các loại rau gia vị... Cảm giác như chạm tay vào lựa chọn, mùi thơm đã bám, đòi theo về. Người bán chăm chút cho các loại nông sản cũng nhiều phần vất vả. Phải làm sao để rau trái luôn đẹp mắt, tươi ngon. Tôi nghĩ đến những bữa ăn quây quần trong mỗi mái nhà. Nhờ họ kỹ lưỡng chọn lựa từ khâu đầu vào, mà những đọt rau xanh ngọt đã chuyển hóa thành món ăn và hương vị của tình thân, của những ấm áp, sẻ chia gần gũi trong gia đình.

Mùi hương ở dãy hàng bán quần áo có lẽ là thứ mùi khiến ta cảm thấy vui vẻ khi tìm đến. Bởi đi sắm quần áo là khi ít nhiều trong túi có dư đồng tiền. Vào sạp hàng quần áo là xác định sẽ đi chợ cả buổi. Ngắm nghía, chọn lựa, ướm thử, lựa đồ cho mình, cho chồng con, cha mẹ... sao cho vừa người, vừa tiền. Mùi vải mới chẳng mấy dễ chịu, nhưng chẳng ngăn được sự thích thú, hứng khởi của người mua. Trong không gian này, người bán phải vừa khéo léo, vừa tinh tế. Khéo ăn nói để chào mời, để làm người mua thoải mái. Tinh tế để đưa ra gợi ý, nhận xét giúp khách hàng mua được món đồ hợp gu, vừa giá. Mùi hương ở nơi đây vừa mang sự mới mẻ, lại vừa ân cần, thương mến.

Nhiều ngày ra chợ, tôi cứ chạy loanh quanh, không chỉ mua thứ mình cần, mà còn nghe - nhìn bao nét thân thương của chợ. Đằng kia, người bán nông sản đã đem cho cô bán vé số ngồi trên xe lăn mớ rau đã qua ngày. Rau qua ngày bảo quản tốt, bán rẻ vẫn nhiều người mua, nhưng họ không bán mà đem tặng hết những người mà họ nghĩ là khó khăn, vất vả hơn mình. Bên này, người bán tôm cá đã cho thêm anh thợ hồ vài lạng tép, nói ăn nhiều chút còn lấy sức làm việc. Trong cửa hàng quần áo, người bán sẵn sàng cho người mua... chịu tiền. Cứ mua mặc, khi nào có thì gửi sau. Người mua cười vui, đâu quen thân gì mà cho chịu, người ta không trả thì... phá sản tính sao? Người bán hỉ hả, họ tin và sẵn sàng trao đi sự tử tế để nhận về sự tử tế. Có thể đó là nghệ thuật bán hàng, là câu chuyện vui làm quà với nhau, nhưng nghe vậy, kẻ bán người mua ai cũng khấp khởi trong lòng.

Hẳn nhiều người sẽ nghĩ mùi của chợ là thứ mùi pha tạp, có gì hấp dẫn đâu mà thích. Nhưng với tôi, mùi chợ lại rõ ràng hương - vị. Đó chính là mùi của những nhọc nhằn, hối hả, mùi của sự nhẫn nại gánh gồng mưu sinh. Ở đó có những niềm riêng được lặng thầm gói ghém, có cả những ấm áp chân thành, bình dị sẻ san.

Tản văn của Mai Đình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]