(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay huyện vùng cao, biên giới Mường Lát đang từng ngày ổn định, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hiện tại Mường Lát đang có một “rào cản” lớn cho sự phát triển chung, đó là tình trạng thiếu cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nan giải công tác cán bộ ở vùng biên Mường Lát

Sau hơn 20 năm thành lập, đến nay huyện vùng cao, biên giới Mường Lát đang từng ngày ổn định, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, hiện tại Mường Lát đang có một “rào cản” lớn cho sự phát triển chung, đó là tình trạng thiếu cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền.

Cơ quan Huyện ủy Mường Lát - nơi đang thiếu nhiều công chức theo định biên của tỉnh giao.

Thiếu công chức trầm trọng

Huyện vùng cao, biên giới Mường Lát được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) vào năm 1997. Những ngày đầu mới thành lập, Mường Lát phải đối diện với muôn vàn thách thức, khó khăn. Ngày ấy, có 19 cán bộ được điều động từ huyện Quan Hóa lên đặt “nền móng” tại Mường Lát. Đường xá đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, hiểm trở, đồi núi cao chiếm trên 90%. Trong đó, có trên 70% đồi, núi trọc do việc phát nương làm rẫy của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt, việc du canh, du cư tự do của đồng bào đã khiến tài nguyên rừng cạn kiệt. Cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu. Giao thông đường bộ đều xuống cấp nghiêm trọng. Trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc rất thấp, còn nhiều người mù chữ, nạn nghiện hút tràn lan...

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Mường Lát đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Mường Lát đã dần ổn định. Thế nhưng, hiện nay Mường Lát đang “vướng” phải một “rào cản” lớn, đó là tình trạng thiếu hụt cán bộ, công chức, viên chức để làm việc trong các phòng chức năng và cấp chính quyền sở tại. Vấn đề ấy, cũng là “mắt xích” “níu” sự phát triển chung của địa phương này.

Trao đổi về việc này, ông Lương Minh Thông - Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết: Hiện tại, khối Đảng - đoàn thể cấp huyện của Mường Lát đang thiếu cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, tại Huyện ủy Mường Lát thiếu tới 5 người đảm nhiệm cho các vị trí, việc làm. Còn khối đoàn thể, cũng thiếu 3 người. “Đã gần 10 năm nay, khối UBND huyện không có người nào thi đậu công chức cả. Có người làm hợp đồng đã 8 năm rồi, nhưng khi dự thi công chức lại không đạt yêu cầu. Còn khối Đảng - đoàn thể, thì từ năm 2013 đến nay, tỉnh cũng không tổ chức thi tuyển công chức. Đặc biệt, hiện nay ở Huyện Đoàn Mường Lát chỉ có duy nhất một cán bộ phụ trách. Thiếu cán bộ, công chức, viên chức đồng nghĩa không có người làm việc. Điều này, kéo theo bao nhiêu hệ lụy cho sự phát triển chung của huyện. Thế nhưng, đã là quy định, thì huyện không ai có thể tự ý tuyển dụng hay ký hợp đồng với một người nào” - ông Thông chia sẻ.

Ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, nói rằng: “Vấn đề thiếu hụt cán bộ, công chức, viên chức ở huyện Mường Lát đã diễn ra từ lâu. Bởi lẽ, từ năm 2012 đến nay, huyện Mường Lát không có trường hợp nào thi tuyển công chức đạt yêu cầu. Trong khi đó, chỉ tính riêng cơ quan UBND huyện, nếu theo định biên tỉnh giao, hiện nay đang thiếu gần chục người. Vì thế, nhiều phòng chức năng, ngoài vị trí trưởng, phó phòng cần phải có chuyên viên, nhưng do thiếu người nên vị trí việc làm đang bỏ ngỏ”.

Cũng theo ông Cường, tại thời điểm này, Phòng NN&PTNT huyện Mường Lát chỉ có hai chức danh, là trưởng và phó phòng. “Riêng ngành nông nghiệp, hiện chỉ có hai người. Trong khi đó, họ phải đảm đương các lĩnh vực, gồm: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ rừng, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thủy lợi, an toàn thực phẩm, phòng chống thiên tai, nông thôn mới... Như vậy, thử hỏi rằng, nếu chỉ có hai người ở Phòng NN&PTNT, thì họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao không. Đó là điều băn khoăn, trăn trở nhất trong công tác cán bộ hiện nay của huyện Mường Lát” - Chủ tịch Cường bộc bạch.

Chuyện thiếu hụt cán bộ, công chức, viên chức ở Mường Lát không riêng gì ở khối Đảng - đoàn thể và UBND huyện, mà cả ngành y tế - dự phòng cũng đang thiếu trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Thiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết: Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát có 29 người, còn theo định biên năm 2020 - 2021, là 37 người. “Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát không được tuyển dụng viên chức. Trong khi đó, không riêng gì ở trung tâm thiếu biên chế viên chức, mà tại các trạm y tế xã cũng không đủ người. Thời điểm hiện tại, huyện Mường Lát chỉ có 42 cán bộ y tế xã. Nếu theo định biên phải là 53 người. Cũng vì không được tuyển dụng viên chức, nên Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã mới thiếu nhiều người như vậy. Nếu được tuyển, thì rất nhiều người có trình độ cao đẳng đạt tiêu chuẩn, để làm công tác y tế xã” - ông Thiệp nói.

Giải pháp nào?

Không riêng gì Phòng NN&PTNT, Phòng Dân tộc, Văn phòng... của UBND huyện, hay khối Đảng - đoàn thể thiếu công chức, mà tình trạng này đã, đang diễn ra ở nhiều phòng chức năng khác của huyện Mường Lát. Theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện, từ năm 2017 đến nay, đã có 7 cán bộ, công chức huyện Mường Lát xin chuyển về tỉnh, hoặc đi các địa phương khác. Việc này khiến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại đây đã thiếu lại càng thiếu trầm trọng hơn.

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Cao Văn Cường, cho hay: Theo Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 14/2/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc giao biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp của các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh; lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính Phủ trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2020, UBND huyện Mường Lát được giao 58 chỉ tiêu biên chế công chức hành chính. Tính đến thời điểm giữa tháng 7/2020, số cán bộ công chức ở cơ quan UBND huyện Mường Lát, là 49 biên chế công chức hành chính, thiếu tới 9 biên chế so với chỉ tiêu giao.

Trong khi đó, vào thời điểm tháng 8/2020 tới đây, UBND huyện Mường Lát có 2 công chức về nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, sẽ có 3 lãnh đạo chủ chốt về hưu, trong đó, có 1 Phó Chủ tịch HĐND và 2 Phó Chủ tịch UBND. Dự kiến, công chức lãnh đạo, trưởng các phòng ban chuyển công tác khác 2 người. Như vậy, UBND huyện sẽ thiếu 16 biên chế so với chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 278/NQ-HĐND ngày 16/6/2020 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc điều chỉnh giảm số lượng hợp đồng 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ năm 2020 trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND huyện Mường Lát được giao 3 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện tại UBND huyện mới có 2 hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, vẫn còn thiếu 1 hợp đồng so với chỉ tiêu giao. “Tình trạng thiếu công chức ở Mường Lát đã được huyện báo cáo lên tỉnh rất nhiều lần. Do đó, tỉnh đã tổ chức thi tuyển, nhưng rất ít người nộp hồ sơ dự thi về huyện Mường Lát. Cá biệt cũng có người nộp hồ sơ, nhưng trình độ năng lực quá yếu, nên cũng không tuyển được” - ông Cao Văn Cường cho biết thêm.

Cũng theo Chủ tịch Cường, để giải quyết tình trạng này, trước mắt huyện Mường Lát phải tự cân đối, để bố trí những cán bộ hiện có cho các phòng, ban đảm bảo hoàn thành công việc tốt nhất có thể. Theo đó, 1 cán bộ có khi phải đảm đương 2 - 3 công việc. Đồng thời, huyện đã điều động, biệt phái cán bộ, công chức cấp xã có trình độ cao, đáp ứng các điều kiện theo quy định lên huyện làm việc. Thế nhưng, số người này cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Bàn về giải pháp cho công tác cán bộ ở huyện Mường Lát, Chủ tịch Cao Văn Cường, cho rằng: Để tuyển chọn được công chức, viên chức cho huyện Mường Lát, thì phải bằng cách, như sau: thi tuyển công chức; xét tuyển từ công chức xã lên huyện; xét tuyển từ viên chức đủ 5 năm sang công chức và chuyển từ ngành khác sang. Tuy nhiên, việc chuyển từ ngành khác sang là rất khó và ít người có nguyện vọng. Ví dụ: Muốn chuyển một giáo viên sang công chức, thì điều đầu tiên có nhiều người không tha thiết, bởi lẽ mức thu nhập của họ sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đó, Chủ tịch Cao Văn Cường, bày tỏ quan điểm: “Nếu tỉnh cho cơ chế để huyện được xét tuyển cán bộ công chức, thì huyện sẽ chọn những người đã công tác từ 5 năm trở lên ở Mường Lát, mới được tham gia xét tuyển. Sau đó, nếu họ đạt yêu cầu, thì phải cam kết công tác từ 10 năm trở lên tại huyện. Khi xét tuyển, huyện phải mời Sở Nội vụ và các cơ quan chức năng có liên quan tham gia giám sát. Nếu làm được như vậy, chúng tôi tin rằng, sẽ có “lối mở” cho bài toán thiếu cán bộ công chức ở Mường Lát”.

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều người làm công tác tổ chức có kinh nghiệm đã đặt ra câu hỏi: Tại sao các ngành khác được xét tuyển, mà Huyện ủy và UBND huyện Mường Lát lại không được xét tuyển, để lựa chọn cán bộ công chức? Và, nếu tỉnh Thanh Hóa có cơ chế “đặc thù” dành riêng cho huyện Mường Lát, như giả thiết nêu trên, chắc chắn sẽ tạo được nguồn cán bộ ổn định lâu dài cho Mường Lát. Bên cạnh đó, huyện Mường Lát cũng cần tập trung cho công tác phát hiện, bồi dưỡng cán bộ nguồn ngay từ trường phổ thông. Có như vậy, về lâu dài huyện mới cải thiện được tình trạng thiếu cán bộ như hiện nay. Tuy nhiên, để những giả thiết trên được giải đáp, thì Mường Lát chỉ còn cách trông chờ vào câu trả lời của cấp tỉnh và Trung ương mà thôi.

Thế Lượng


Thế Lượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]