(vhds.baothanhhoa.vn) - Những trang lưu bút như gói kỷ niệm của cả một quãng đời đi học cất vào ngăn ký ức để rồi có dịp lại được tuôn trào. Tôi đọc một hơi rồi bất chợt ngẩng mặt thấy bóng mình trong cánh cửa kính của tủ sách.

Nắng sân trường

Những trang lưu bút như gói kỷ niệm của cả một quãng đời đi học cất vào ngăn ký ức để rồi có dịp lại được tuôn trào. Tôi đọc một hơi rồi bất chợt ngẩng mặt thấy bóng mình trong cánh cửa kính của tủ sách.

Nắng sân trường

Minh họa: Thanh Chung

Sáng nay dọn lại tủ sách, bất chợt tôi gặp lại những tập lưu bút của mấy mươi năm về trước. Những quyển sổ đã cũ sờn, những trang giấy đã ngả màu theo năm tháng, những tấm hình đã ố vàng được cất giữ bấy lâu nay. Lật giở từng trang, tự nhiên cảm xúc dạt dào theo dòng lưu bút. Những nét chữ viết vội nguệch ngoạc lúc tâm trạng sắp chia xa mái trường của bao thế hệ học trò từ thời mới vào nghề làm ông giáo già như tôi cứ đứng bâng khuâng mãi không muốn rời.

Đã nhiều năm rồi tôi không còn thấy học trò chuyền tay nhau những quyển lưu bút lúc sắp xa trường. Có lẽ học sinh thời đại công nghệ bây giờ cất giữ kỷ niệm của một thời áo trắng trong những thiết bị kỹ thuật số chăng? Dù đã già nhưng mỗi lần thấy học sinh vội vàng chuyền tay nhau những trang lưu bút hay ép vội những cánh hoa phượng vào trong tập vở, ta lại có chút xuyến xao với những kỷ niệm của một thời đi học hay lúc mới vào nghề. Năm nay, do mải mê với những bài giảng cho hết chương trình mà ta quên mất hè đã sắp về rồi nhỉ!

Lưu bút thời áo trắng - một nét văn hóa đẹp của thời cắp sách mà bất kỳ cô cậu học sinh nào cũng muốn ghi như để giữ lại chút kỷ niệm trước khi chia xa tuổi học trò. Khi những chùm hoa phượng trên sân trường hay ở một góc đường nào đó bắt đầu hé những chùm hoa rực lửa, là lúc đám học trò cuối cấp chuyền tay nhau những cuốn lưu bút. Có những trang lưu bút được viết nắn nót, vẽ vời, đầu tư về nội dung, nhưng cũng có những trang viết vội vài dòng với chữ ký nguệch ngoạc trong những giờ học cuối hay những phút giây cuối cùng còn lưu lại trên sân trường. Những dòng chữ thể hiện tâm trạng chia tay như không có ngày gặp lại vậy. Tôi vẫn còn nhớ những dòng chữ bằng mực tím của thằng bạn cùng khối lớp 9 viết vội vào quyển vở học còn chút giấy thừa nơi gốc mít trên sân của ngôi trường cấp 2 vách đất cách đây hơn 35 năm: Mày sao tao vậy/ Mày vậy tao vầy/ Vui mãi với mầy/ Là tao thích nhất”Chỉ có mấy câu chẳng phải thơ cũng chẳng phải văn chương gì, mà làm tôi nhớ mãi về nó - thằng bạn lớp bên mà từ lúc ra trường đến giờ chưa một lần gặp lại.

Lại nữa, không biết cô bạn tóc tém ngồi cạnh bên có còn giữ lại những dòng lưu bút sặc mùi sến súa mà tôi đã thức cả đêm để viết tặng không? Tôi cố nặn ra những dòng chữ bay bướm để viết vào quyển lưu bút của cô bạn học có ánh mắt nhìn ngây thơ - người mà lúc nào cũng đi sớm để quét lớp giùm mỗi khi tôi trực nhật. Bây giờ nếu được đọc lại chắc buồn cười lắm. Tiếc rằng thời xa lắc, xa lơ ấy chụp hình là món xa xỉ mà đám học trò bộ đồ đi học còn mặc chưa ra hồn như chúng tôi làm sao dám mơ. Cho đến tận những năm lớp 12 mà chúng tôi cũng chẳng có cái hình nào làm lưu niệm cả. Lật giở từng trang viết của những đứa học trò dành cho mình thời mới đi dạy mới thấy yêu cái tuổi “hoa phượng” này làm sao. Cái tuổi mà chúng chưa vướng chút bụi đời nên ngôn ngữ cũng trắng trong như tâm hồn vậy. Nhớ là nói nhớ, thương là nói thương, giận là nói giận... Những dòng ngây thơ không một chút suy tư cứ tràn ra đầy những trang lưu bút dành cho thầy chủ nhiệm. Có cả những trang viết chữ nhòe đi không biết có phải vừa viết vừa khóc hay những giọt mồ hôi của những ngày đầu hè nắng cháy? Những trang viết lén lút trong những giờ giảng ôn thi của thầy, cô giáo nên nét chữ cũng ngoằn ngoèo theo tâm trạng. Ngày ấy đứng trên bục giảng thấy đám học trò tay thập thò, mắt lấm lét tôi biết tỏng là chúng nó đang viết lưu bút, nhưng hiếm khi rầy la vì nó có khác gì mình đâu. Có những khi về thăm nhà, tôi bất chợt gặp đám học trò dừng lại bên đường leo hái những chùm hoa phượng mà ba tôi trồng trước ngõ bỏ đầy những giỏ xe đạp mang đi. Má tôi thì rầy vì sợ chúng té ngã nhưng tôi thì cười vì chợt nghĩ ông nhà thơ Đỗ Trung Quân lấy cảm hứng từ đây chứ đâu.

Vậy đó, những trang lưu bút như gói chút kỷ niệm của cả một quãng đời đi học cất vào ngăn ký ức để rồi có dịp nó lại được tuôn trào. Tôi đọc một hơi rồi bất chợt ngẩng mặt thấy bóng mình trong cánh cửa kính của tủ sách. Thời gian có sức tàn phá thể xác đáng sợ, nhưng những dòng lưu bút thời áo trắng kia cứ còn mãi ngây thơ, mãi trường tồn tuổi đôi mươi.

Khoảng mười năm trở lại đây không thấy học trò ghi lưu bút, mà chỉ thấy ký tên lên đầy những chiếc áo trắng, những tà áo dài. Các bạn ấy lưu giữ những tấm hình kỷ yếu với bao tư thế tung quẫy, bột màu ném, bôi lên đầy trên tóc, trên những chiếc áo lớp được in đủ kiểu. Mỗi khi được phân công chủ nhiệm lớp cuối cấp, dù già nhưng tôi cũng cố chiều theo đám nhỏ mà chang nắng, mà diễn để chúng chụp hình vì lưu giữ kỷ niệm mỗi thời mỗi khác. Vẫn biết rằng mỗi người đều có một “ngày xưa” và “ngày xưa” của mình khác xa với những đứa học trò bây giờ biết bao thế hệ nên sự khác biệt là không tránh khỏi. Tôi vẫn thích lưu giữ ký ức bằng những dòng lưu bút hơn vì nhiều lẽ. Những trang lưu bút chẳng phải là của quý, nhưng đôi khi đọc lại, ta lại thấy nó quý hơn cả tiền bạc đấy. Con gái tôi đôi khi than phiền khi thấy bố cứ viết về những gì đâu đâu tận năm nảo năm nào. Tôi chỉ cười rồi thầm nghĩ: “Rồi đến tuổi như bố, lúc ấy con cũng sẽ ngồi nhặt lại bao ký ức rơi vãi suốt đoạn đường đời đã qua thôi con à!”.

Viết những dòng này khi ngoài kia sân trường đã tràn ngập nắng, mấy cây phượng trên sân trường năm nay không bị lũ sâu phá cũng đã bắt đầu hé những chùm xinh. Hè đã đến tự khi nào rồi và trong lớp kia thầy trò lưng vẫn còn đầm đìa mồ hôi bên bài giảng. Đâu đó giọng ca ai cất lên văng vẳng trong cái loa ở góc tường: “Bây giờ còn nhớ không em?/ Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa/ Ngây thơ em rủ anh ra/ Bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung

Tản văn của Bùi Duy Phong


Tản văn của Bùi Duy Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]