(vhds.baothanhhoa.vn) - Phú đang trong giờ kiểm tra môn Toán thì dì Hải hớt hải đạp xe vào trường, tìm lên lớp báo tin bố Phú mất do bị tai nạn lao động, xin phép thầy giáo cho Phú về ngay. Phú ôm mặt khóc nức nở, thầy giáo và các bạn xúm vào an ủi Phú.

Nắng thu

Phú đang trong giờ kiểm tra môn Toán thì dì Hải hớt hải đạp xe vào trường, tìm lên lớp báo tin bố Phú mất do bị tai nạn lao động, xin phép thầy giáo cho Phú về ngay. Phú ôm mặt khóc nức nở, thầy giáo và các bạn xúm vào an ủi Phú.

Nắng thu

Ảnh minh họa.

Người Phú cứ nhũn ra, không thể ngồi lên xe đạp ôm nổi dì để về nhà. Từ trong lớp nhìn ra sân trường thấy thế, thầy Minh quay lại dặn lớp: “Các bạn ngồi trật tự làm bài tập trong sách giáo khoa. Bạn lớp trưởng quản lớp một lúc để thầy chở bạn Phú về nhà nhé!”. Cả lớp đồng thanh “Vâng ạ”, rồi cúi xuống giở sách vở làm bài, thầy Minh lấy xe máy chở Phú về. Mười phút sau, thầy Minh ra lớp: “Bố bạn Phú làm thợ xây, trong lúc làm việc không may bị trượt chân ngã từ trên giàn giáo cao xuống nên mất. Thương tâm quá các em ạ! Chiều nay, lớp ta đi hỏi thăm chia buồn với gia đình bạn Phú nhé. Sau này Phú ra lớp các em giúp đỡ, động viên bạn học tập”.

Gia đình Phú vốn khó khăn, mẹ Phú hay đau yếu, ba anh em Phú đều đang đi học, còn mỗi bố là lao động chính nay lại mất sớm. Ai đến viếng cũng rơi nước mắt khi nhìn ba mái đầu xanh đội tang trắng đứng bên quan tài. Chỉ còn mấy tháng nữa là Phú học xong lớp 9. Bố mất, mẹ thương bố lăn ra ốm rề ốm rệt phải vào viện. Phú vừa đi học vừa vào viện nuôi mẹ. Sau nửa tháng mẹ vẫn chưa ra viện thì Phú quyết định nghỉ học. Việc học của Phú vậy là lại bị gián đoạn. Năm Phú học lớp 3, Phú bị viêm phổi nặng cũng đã phải nằm viện mấy tháng trời. Sau khi khỏi bệnh thì Phú không theo kịp các bạn, Phú đã phải học lại năm ấy nên các bạn còn đặt biệt danh cho Phú là “Phú lùi”. Khi lên lớp 9, Phú cũng từng nghĩ trong đầu, nếu không thi đỗ lớp 10, Phú sẽ nghỉ học đi phụ xây với bố, đỡ bố mẹ để nuôi hai em ăn học. Phú vốn học không giỏi nhưng hai đứa em Phú học giỏi có tiếng trong trường nên cần tạo điều kiện cho chúng. Số phận trớ trêu, giờ đã học qua được nửa năm lớp 10 rồi, Phú vẫn phải gạt nước mắt quyết định gác lại chuyện học hành.

Phú xin theo chân phụ vữa ở đội thợ xây của bố. Phú đi làm ban ngày, trưa và tối xuống viện trông mẹ thay phiên cho dì nên mấy lần thầy Minh chủ nhiệm vào nhà tìm đều không gặp. Thầy Minh tìm xuống tận bệnh viện thăm mẹ Phú và động viên Phú tiếp tục đi học. Hai mẹ con nghe thầy nói đều ứa nước mắt. Nhưng Phú chỉ cảm ơn thầy và im lặng, Phú biết Phú lại bị lùi một bước so với các bạn. Mẹ Phú thì rấm rứt khóc. Lúc ra về, Phú tiễn thầy xuống cầu thang, thầy Minh nhẹ nhàng đặt tay lên vai Phú, giọng nhỏ nhẹ: “Sự học là cả cuộc đời, học ở mọi lúc mọi nơi chứ không phải chỉ trong chốc lát em ạ. Nếu quyết định nghỉ học thì hãy lạc quan hơn em nhé!”. Nó cúi đầu, lí nhí: “Vâng ạ! Em cảm ơn thầy!”.

Phú nhập đội thợ xây của bố và nhanh chóng bắt nhịp lao động. Lúc đầu, Phú chỉ xách vữa, bốc xếp gạch, phụ việc cho thợ xây. Phơi nắng, gió nhiều, da Phú đen sạm. Công việc nặng nhọc khiến đôi bàn tay Phú chai sạm, trầy xước, rắn rỏi, dày dạn hơn nhiều.

Thỉnh thoảng đạp xe đi làm gặp lũ bạn ngược chiều đi học gọi “Phú lùi đi xây hả?”, Phú chỉ lí nhí chào rồi phóng xe qua thật nhanh. Không phải vì Phú xấu hổ, mà vì thấy các bạn đi học là Phú lại buồn, cảm giác nuối tiếc tuổi học sinh tràn ngập trong Phú. Đêm về, Phú lật giở lại những bài kiểm tra ra xem, đọc lại những bài văn đã làm như để xoa dịu đi nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè.

Hai năm sau, Phú đã là “tay dao” chính của đội thợ. Nhà nào mà cai xây phân công Phú đến xây trát, phào chỉ, chủ nhà cũng yên tâm không cần phải giám sát. Có ông chủ còn tán: “Cậu Phú xây đẹp vào, mai sau lớn, tôi gả con gái cho nhé!”. Phú lại đỏ mặt, tủm tỉm cười.

****

Thời gian thấm thoát trôi qua, các bạn cùng lớp mỗi người theo đuổi ước mơ, dự định của riêng mình thì Phú vẫn tất bật trong guồng mưu sinh với vôi, vữa, gạch đá bụi bặm. Một năm học mới đã bắt đầu cùng tiết thu êm ả. Trên con đường làng, từng tốp học trò náo nức tựu trường. Đám bạn cũ đã tạm biệt mái trường xưa cũng hẹn nhau về giao lưu, gặp mặt. Nhiều bạn trong lớp gọi điện rủ Phú tối đến nhà thầy Minh chơi, Phú nhận lời. Lâu lắm rồi Phú không gặp thầy, chẳng biết thầy độ này ra sao, Phú thoáng bần thần. Nghĩ trong lòng là thế nhưng khi các bạn đến tìm thì Phú lại nói với đứa em ra bảo mình vừa có việc phải đi, còn Phú trốn ra cầu ao ngồi. Phú bỗng thấy ngại. Mấy đứa bạn nó đều học hành tử tế. Đứa học đại học, đứa học cao đẳng, đứa có “bằng cấp ba” thì đi làm công ty. Các bạn như thế đến thăm thầy, thầy mới mừng vì sự trưởng thành của học trò. Còn Phú, đường học hành dang dở, suốt ngày tay cầm dao xây, có gì mà báo công thầy... Chuyến đò thầy chở năm đó chỉ có mỗi Phú là chưa qua sông, Phú có cảm giác như mình là cánh bèo trôi bị lạc giữa dòng... Phú cứ nghĩ miên man như thế.

Khuya mới vào nhà, nhìn hai đứa em học bài, Phú bảo: “Cố gắng học thật giỏi nhé, như mấy anh chị bạn anh đấy, toàn đỗ đại học năm đầu tiên thôi”. Hai đứa em trầm trồ thán phục: “Sao các anh chị ấy giỏi thế nhỉ?”. Người mẹ đang ngồi bó rau cải để mai đi chợ bán nghe đàn con nói chuyện, thở dài: “Anh con phải nghỉ học giữa chừng để đi làm giúp mẹ nên các con phải cố gắng học vào, đừng phụ lòng của anh!”. Hai đứa em vâng dạ. Cái Nụ hỏi Phú: “Sao anh lại nói dối mà không đến thăm thầy Minh? Chiều nay, lớp em đến thăm thầy. Thầy biết em là em anh nên hỏi anh làm việc thế nào, nhà mình ra sao rồi, anh có bạn gái gì chưa đấy?”. “Thầy hỏi thăm anh à?”. Phú hồ hởi ra mặt: “Thế em bảo sao? Thầy có hỏi gì nữa không?”. “Em bảo, anh vẫn đi xây đều, vẫn chưa thấy có cô nào dẫn về nhà, chứ còn bảo cái gì nữa!”, cái Nụ hồn nhiên đáp lời.

Phú thần người. Vậy là thầy vẫn nhớ tới Phú, vẫn quan tâm tới gia đình Phú. Đứa em kể về thầy Minh: Thỉnh thoảng thầy hay ốm, lên lớp cứ ho liên tục nhưng thầy chẳng nghỉ dạy bao giờ. Cả lớp ai cũng thích giờ toán của thầy vì thầy giảng dễ hiểu lại hay kể chuyện hài cho giờ học bớt căng thẳng. Phú nghe Nụ kể chuyện lớp nó mà lại thấy nôn nao nhớ hồi mình đi học. Có một lần, thầy cho kiểm tra mười lăm phút, thằng Vỹ không mang giấy bèn giằng ngay tờ giấy kiểm tra của Phú khiến tờ giấy rách đôi. Phú tức quá, tát cho nó một cái, thế là nó chửi bậy: “Mẹ cái thằng Phú lùi”. Thầy hỏi đầu đuôi sự việc rồi bảo cái Hoa bàn trên xem nó xử sự thế nào. Hoa bảo, nếu là Vỹ, nó sẽ xin hoặc mượn giấy kiểm tra. Còn là Phú, nó sẽ nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không tát bạn. Thầy gật đầu: “Đó là cách xử sự đúng nhất. Nếu Vỹ xin giấy, Phú sẽ chia bớt giấy cho, tình bạn sẽ nhân đôi. Chẳng ai xin giấy mà bạn lại giữ nguyên cả vì bất biến trong trường hợp này tức là tình cảm sẽ giảm đi cực tiểu”. Cả lớp cùng cười và hai đứa tức nhau cũng cười theo xí xóa.

Phú đợi Nụ học xong, bèn mang bản vẽ móng nhà ra xem. Thỉnh thoảng, chủ thầu là bác Tú đã 69 tuổi, khó nhìn bản vẽ như lớp người trẻ, vẫn hỏi Phú một số hình trên bản vẽ. Rồi có lúc, bác Tú còn thử Phú, bảo Phú tính cho nhà số sắt, xi măng cần làm khi đổ móng, khi xây, khi đổ mái dựa trên diện tích nhà. Lúc đầu Phú chỉ tính mò theo hiểu biết đã học ở trường, hoặc học mót của cánh đàn anh. Chỗ nào khó hiểu, Phú lại đi hỏi những người thợ khác, rồi còn phải mua sách về tự học. Dần dần, cầm bản vẽ trên tay, Phú đã đọc được bản vẽ để phục vụ cho việc tính toán nguyên vật liệu, cho việc xây nhà. Có lúc, bác Tú không biết còn phải hỏi cả Phú, khi Phú trình bày bác Tú cứ gật gù khen: “Thằng này được, rồi sau này có duyên làm con rể bác thì bác sẽ bàn giao toàn bộ đội xây này cho mày! Phải có người trẻ, giỏi dẵn dắt thì đội xây mới theo kịp thời đại, chứ tao giờ coi như lạc hậu rồi. Cứ phải học hỏi nhiều nhé!”.

Nhiều khi cái Nụ thấy anh nhăn mặt, cau mày ngồi thừ trước bản vẽ, nó nhanh nhảu: “Thôi để mai em hỏi thầy Minh cho, thầy giỏi hình lắm. Mà anh đến mà hỏi thầy đi. Anh phải học người biết chứ hỏi em thì abc một xề bánh đúc thì làm sao mà đọc được bản vẽ, làm sao mà lên cai thầu được!”. Phú cốc đầu em. Nụ đọc được ý nghĩ của Phú sao đấy. Chưa bao giờ Phú nói cho em biết ước mơ đó mà con Nụ lại biết trúng phóc. Lời nói của em khiến đêm đó Phú trằn trọc, mất ngủ.

Trưa hôm sau đang làm, Phú xin về sớm. Phú quyết định đến thăm thầy Minh. Khi tới cổng nhà thầy, Phú ngập ngừng mãi mới dám bước vào. Giây phút ngại ngùng cũng qua vì thầy vẫn gần gũi, ân cần như xưa. Thầy bắt đầu từ chuyện học tập của cái Nụ rồi hỏi đến việc đi làm của Phú. Chuyện hôm trước đám bạn Phú đến chơi như thế nào, chuyện trò vui vẻ ra sao, thầy trò vẫn nhắc về Phú.

Thầy trò ngồi nói chuyện hàng tiếng đồng hồ. Phú thấy tự tin hơn, bèn mạnh dạn: “Thầy ơi, em cũng có ước mơ của riêng mình và vẫn đang nỗ lực học hỏi từng ngày để đạt được mục tiêu ấy”. Nghe trò nói câu đấy, khuôn mặt thầy rạng rỡ hẳn lên: “Sự học không lúc nào là muộn. Em yên tâm, chỉ cần có nỗ lực, có cố gắng thì mọi khó khăn sẽ vượt qua, ước mơ sẽ có ngày trở thành hiện thực. Cố lên. Làm việc gì cũng cần phải học cả. Em muốn là sẽ làm được thôi!”.

Cuộc đời Phú có thể không may mắn như nhiều người nhưng Phú không thể lùi bước nào nữa. Lời thầy Minh vẫn cứ văng vẳng bên tai Minh như tiếng trống trường thúc giục rộn ràng bước chân học sinh mau đến trường, đến lớp. Phú như được tiếp thêm động lực, Phú đặt quyết tâm tiến lên.

***

Mùa thu – mùa tựu trường năm nay, Phú không lỗi hẹn cùng các bạn nữa. Một buổi chiều nắng rải vàng như mật, bác Tú cai thầu cho cả đội thợ đi chiêu đãi vì đã hoàn thành sớm hai căn biệt thự và lại nhận được thêm ba công trình nữa, có công trình ở huyện khác. Trong bữa liên hoan, bác Tú bảo sẽ giao toàn quyền cho Phú phụ trách xây dựng công trình biệt thự ấy. Cánh thợ đùa gọi Phú đã tiến lên chức “phó cai” oai oách quá. Phú nở nụ cười rạng rỡ, lòng hân hoan.

Đang liên hoan, Phú xin phép đội về sớm. Phú rẽ vào cửa tiệm mua một bó hoa to để đến thăm thầy. Bỗng chuông điện thoại reo vang: “Phú lùi... à xin lỗi, quen miệng... Phú hả? Có bận không? Lát nữa có cùng chúng tớ đi thăm thầy Minh được không?”. Phú trả lời, giọng vui mừng: “Tớ không bận gì đâu! Các bạn đến đây rồi mình đi thăm thầy nhé!”. Phú hình dung ra cảnh gặp thầy gặp bạn mà thấy lòng dâng lên bao cảm xúc xôn xao, ngọt ngào như nắng thu đã dâng đầy...

Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]