(vhds.baothanhhoa.vn) - Nơi góc vườn, trước hiên hay sân nhà, Nguyệt Quế là loài cây được yêu mến, vấn vương. Bởi lẽ, nhắc đến Nguyệt Quế là gợi nhắc về những cánh hoa trắng muốt xinh đẹp, thanh thuần, mỏng manh, thoát tục mà mộc mạc, giản dị.

Nguyệt Quế trong mưa

Nơi góc vườn, trước hiên hay sân nhà, Nguyệt Quế là loài cây được yêu mến, vấn vương. Bởi lẽ, nhắc đến Nguyệt Quế là gợi nhắc về những cánh hoa trắng muốt xinh đẹp, thanh thuần, mỏng manh, thoát tục mà mộc mạc, giản dị.

Nguyệt Quế trong mưa

Nguyệt Quế là loài cây cảnh được nhiều người ưa chuộng.

Cây Nguyệt Quế có lá non dài, nhọn, bóng, có hình bầu dục hẹp và mọc xen kẽ nhau theo thân cây. Sau bao ngày chắt chiu nhựa sống, ngậm đủ khí trời, cây Nguyệt Quế kết tinh thành những nụ hoa nhỏ xinh, lấp ló trong màu lá.

Nguyệt Quế là loài siêng hoa, nở quanh năm. Nhưng điểm thu hút nhất là hoa Nguyệt Quế thường nở mỗi tháng một lần, vào tuần trăng. Cây Nguyệt Quế thuộc họ cam nên hoa của loài cây này có nhiều nét tương đồng với hoa cam, quýt, bưởi… Mỗi bông hoa với 5 cánh màu trắng bung xoã, mở ra nhị vàng. Hoa mọc ra từ nách lá, mọc thành chùm.

Nét quyến rũ nhất của hoa Nguyệt Quế có lẽ nằm ở hương thơm. Không nồng nàn như hương hoa bưởi ướp đượm mái tóc của các bà, các mẹ; lan toả hơn hương hoa cam, hoa chanh, Nguyệt Quế mang mùi hương dìu dịu, thanh tao quyện vào làn gió nhẹ. Sự dịu dàng, thanh khiết, nền nã, như gần như xa ấy khiến lòng người thưởng thức vừa cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái vừa như quyến luyến, bồi hồi không nỡ rời xa.

Chính bởi nét đẹp ấy, hương thơm ấy nên khi còn sống, ông tôi đặc biệt yêu thích loài cây này. Ông nâng niu đặt chậu cây cảnh ngay trước hiên nhà, ngày ngày cắt lá, tỉa cành, chăm sóc cây với tất cả niềm vui tuổi già. Ông vẫn thường thủ thỉ với tôi: “Sức hấp dẫn của Nguyệt Quế chính là bởi hương sắc dịu dàng, mỏng manh, dung dị này. Cũng giống như con người, vẻ đẹp nội tâm mới là thứ quan trọng nhất. Chỉ cần mình sống với đời bằng cái tâm trong sáng, chân thành thì ắt sẽ luôn gặp điều tốt lành”. Với ông, giá trị của con người là nhân cách, đạo đức.

Ông ngoại tôi sống cả đời với niềm tin ấy. Sinh ra trong gia đình nghèo khó, ông ngoại chịu nhiều thiệt thòi. Đến khi lập gia đình, ông đội nắng, đội mưa chẳng quản đêm ngày, lao lực kiếm sống với đủ nghề, vất vả nuôi lớn mẹ, các cậu tôi bằng số tiền công được tính từ một, hai trăm đồng…

Nguyệt Quế trong mưa

Hoa Nguyệt Quế màu trắng tinh khôi, toả hương thơm dịu nhẹ

Niềm vui của ông là được nhìn thấy gia đình sống hoà thuận, đùm bọc, yêu thương nhau. Thú vui duy nhất mà ông có giữa vòng xoáy mưu sinh là những đêm trăng sáng được cùng con cái, cháu chắt quây quần, trò chuyện rôm rả bên ấm nước chè xanh, vài ba thức quà vặt quê kiểng trước hiên nhà. Hương Nguyệt Quế quyện vào làn gió, đọng lại trên nét cười rạng rỡ của mọi người trong nhà. Và rồi ông cũng ra đi trong một đêm Nguyệt Quế thoảng đưa hương trước hiên nhà như thế, bình thản và an yên.

Những ngày thu này, mưa thường xối xả về đêm. Những cơn mưa ào ào như trút nước kèm theo tiếng sấm đùng đoàng dễ khiến những người vốn khó ngủ lại càng thêm trằn trọc không yên.

Người ta vẫn thường nói: Thức đêm mới biết đêm dài… Đôi khi, cái nguyên cớ của sự trằn trọc ấy chẳng phải là chuyện gì lớn lao, to tát. Nó cứ lơ đãng, vẩn vơ trong lớp tầng cảm xúc, ý nghĩ đan xen mà không nên hình nên dạng. Tựa hồ như chính tôi trong những đêm giật mình trở giấc vì tiếng mưa ào ào xối bên cửa sổ ngay cạnh chỗ nằm vẫn thường xa xót cho những bông hoa Nguyệt Quế trầm mình dưới mưa đêm. Những cánh hoa nhỏ bé mà thơm hương, trinh bạch, dung dị ấy gợi nhớ về hình bóng ngoại tôi mê mải mưu sinh, về tấm lòng, triết lý sống ngay thẳng “giấy rách cũng phải giữ lấy lề” mà ông thường dạy dỗ con cháu.

Mỗi lần lặng ngắm hoa Nguyệt Quế bung xoè cánh trắng, tôi tự hỏi lòng mình: Ngoại ở nơi xa ấy có hạnh phúc, an yên không?

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]