(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau tết, trời căm căm rét, ai cũng muốn giam mình bên bếp lửa, nhưng mạ đã già, ruộng lại ngấu không dừng được nữa, nông dân vẫn phải bấm chân xuống bùn để chạy đua với thời vụ. Những người sinh ra ở nông thôn trong thời khó khăn đều thấm cảnh đi cấy vụ lúa này vất vả như thế nào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ bữa cơm mùa cấy

Sau tết, trời căm căm rét, ai cũng muốn giam mình bên bếp lửa, nhưng mạ đã già, ruộng lại ngấu không dừng được nữa, nông dân vẫn phải bấm chân xuống bùn để chạy đua với thời vụ. Những người sinh ra ở nông thôn trong thời khó khăn đều thấm cảnh đi cấy vụ lúa này vất vả như thế nào.

Nhớ bữa cơm mùa cấy

Để đảm bảo việc cấy cho kịp đồng, kịp vụ, nhiều nhà phải đổi công. Chỉ có đổi công mới tạo ra không khí lao động khẩn trương, hiệu quả được. Những nông dân cùng nhau nhổ mạ, cùng lội bùn non để cấy trên một thửa ruộng. Thông qua những câu chuyện trên trời dưới bể, những người nông dân trong xóm cũng có thêm quyết tâm để làm việc, xua đuổi đi cái rét cắt da.

Con người chỉ biết gồng mình lên để đối chọi với thời tiết, và vì thế năng lượng cũng tiêu hao rất nhanh. Chỉ lưng chừng buổi cấy là những củ khoai, bát cơm nguội lót dạ buổi sáng đã tiêu hết. Mệt và đói càng khiến cho những “thợ cấy” phải đưa tay nhanh hơn để sớm được lên bờ ăn bữa “cơm cày, cơm cấy”.

Bữa cơm cấy diễn ra rất nhanh ngay trên bờ ruộng, thức ăn bày ra chiếc lá chuối, thợ cấy vục cả bát vào nồi lấy cơm, miệng ăn ngon lành. Thức ăn chủ yếu là xu hào, dưa muối mặn, ít cá mè kho còn lại từ tết, nhà nào có điều kiện thì có thêm thịt lợn hạng hai kho mặn với củ cải, xu hào. Đơn giản thế thôi nhưng bữa cơm rất ngon, xong mỗi người làm bát nước chè xanh, đàn ông thì kéo điếu thuốc lào rồi lại xuống ruộng cấy tiếp nếu chưa xong. Cứ thế, cấy xong nhà này thì sang nhà khác cho hết lượt.

Những vụ cấy như thế đã là một phần ký ức của những đứa trẻ sinh ra ở làng. Nhiều gia đình từ trước tết đã phải muối vại dưa nén, trồng rau xu hào, bắp cải trong vườn, vừa để lấy cái ăn tết, nhưng nhiệm vụ chính vẫn là để phục vụ cho nhưng bữa cơm cấy.

Lần đầu tiên được mẹ giao nấu cơm phục vụ thợ cấy khi tôi còn học cấp 1. Bữa cơm cấy khiến tôi phải nghỉ học, thức dậy từ sớm. Mẹ đã mượn sẵn chiếc nồi bảy để nấu cơm. Một chiếc nồi to đủ cho hơn chục người ăn khiến tôi vất vả đánh vật để nấu sao cho chín. Những củ xu hào thái lát kho mặn, độn một ít thịt mỡ. Rồi hãm chè xanh cũng vào chiếc nồi to. Tất cả cho vào đôi quang gánh để gánh ra ruộng.

Lần đầu làm một việc quan trọng như thế khiến tôi có cảm giác phải hết sức cẩn thận, đi chầm chậm trên bờ ruộng bởi nếu nhanh sẽ làm đổ cơm. Khi ra đến nơi, đứng ở đầu bờ gọi mẹ và những người thợ cấy lên ăn, nhưng tiếng gió cứ át đi khiến tôi phải vừa gọi lớn vừa ra dấu. Rồi mẹ cũng nhìn thấy. Mẹ lên bờ bảo cứ để đó mọi người còn cấy nốt cho xong để chiều sang ruộng khác. Tôi cứ thế chống chiếc đòn gánh đứng chờ cơm, nhìn những thợ cấy cúi rạp lưng xuống sát mặt nước. Những dáng người tảo tần, vất vả nhỏ nhoi, lọt thỏm trong những cơn gió mùa đông bắc quất qua cánh đồng rộng lớn. Tôi đã quỳnh quanh mình tấm áo mưa nhưng người vẫn tê tái. Nhưng cũng không còn cách nào khác, tôi phải đứng chờ xem cảm nhận của những thợ cấy về bữa cơm mình nấu như thế nào. Tôi không tự tin lắm vì lần đầu tiên nấu một bữa cơm cho nhiều người ăn đến thế. Cho đến tận khi nồi cơm sạch cả phần cháy, tôi mới thở phào.

Thực ra sau tôi mới biết những người thợ cấy không có đủ thời gian và vị giác để cảm nhận bữa cơm trên cánh đồng là ngon hay dở nữa, vì họ đã quá đói rồi. Mỗi thợ cấy ăn nhiều lần xới. Người ít cũng ba bốn bát, người nhiều thì năm sáu bát. Chẳng ai khách khí cả. Người đứng, người ngồi bệt trên bờ ruộng để ăn.

Đến giờ, khi mà cuộc sống đã đổi thay rất nhiều, nông dân gần như không còn phải chân trần lội ruộng trong những vụ cấy, vụ gặt nữa, thì tôi vẫn nhớ đến những bữa cơm cấy đầy vất vả một thời. Chính những bữa cơm ấy đã khiến những đứa trẻ nhận ra nghề trồng lúa nước vất vả như thế nào. Nó góp phần thôi thúc chúng phải cố gắng hơn để thoát ra khỏi những cánh đồng làng. Tôi may mắn trong số những đứa trẻ ấy, học xong ở lại thành phố. Những lần tôi kể lại câu chuyện ấy trong bữa cơm gia đình, lũ trẻ lại nói bố cứ hay kể chuyện cổ tích. Chúng nghĩ đó là những điều mà người lớn tự bịa ra, chứ đâu biết được rằng đó là thực tế một thời kỳ hết sức khó khăn ở khu vực nông thôn trước kia.

Thành tựu khoa học - kỹ thuật đã làm thay đổi căn bản khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhưng chắc chắn nó sẽ không làm thay đổi được ký ức của những người đã sinh ra từ làng, lớn lên từ làng và ra đi từ những cánh đồng lúa.

Những ký ức đầy vất vả, nhưng không kém phần ngọt ngào thức người ta về quá khứ để có thêm động lực bước tiếp.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]