(vhds.baothanhhoa.vn) - Gió từ bờ bắc lạch Sung ùa về từng đợt một. Gió từ cửa biển cũng dội vào đem theo cái lạnh tái tê cả da thịt và lòng người. Nhìn ra liếp cửa vừa chống lên, mẹ liền vội vàng hạ xuống, buông thõng một câu: Biển lại động rồi. Gió này là động lâu đấy. May mà nhà mình vẫn còn ít moi khô, có cái để ăn dần.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ ngày trở gió

Gió từ bờ bắc lạch Sung ùa về từng đợt một. Gió từ cửa biển cũng dội vào đem theo cái lạnh tái tê cả da thịt và lòng người. Nhìn ra liếp cửa vừa chống lên, mẹ liền vội vàng hạ xuống, buông thõng một câu: Biển lại động rồi. Gió này là động lâu đấy. May mà nhà mình vẫn còn ít moi khô, có cái để ăn dần.

Nhớ ngày trở gió

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Những câu nói như thế tôi nghe đã thành quen, nhưng chưa bao giờ thấy thừa cả.

Mẹ cũng như những người có tuổi trong làng, luôn đem đến những bản tin dự báo thời tiết từ chính kinh nghiệm sống của mình với độ chính xác khá cao.

Quê tôi giáp biển, nửa xã phía trong trồng lúa, còn phần ngoài theo nghề ngư. Bởi sự xen cư ấy mà nếp sinh hoạt ở làng cũng khác nhau. Những nông dân quanh nhà tôi thường lo xa, tích cóp từng thứ một. Từ bó rơm đến những tàu lá chuối khô phòng khi động dụng sẽ cần đến. Nhất là cá khô, moi khô thì lúc nào cũng phải trữ một ít. Rơm, lá chuối thường dùng để lót ổ ngủ qua những ngày đông, cũng có thể dùng để che chắn những đợt gió lùa qua vách liếp căn nhà cũ. Có những thứ ấy sẽ đỡ rét hơn nhiều, bởi không phải lúc nào cũng có thể đốt lửa để sưởi ấm được. Thiên nhiên khắc nghiệt khi ấy khiến con người chỉ biết chống chọi lại bằng chính sức lực nội sinh và những kinh nghiệm sống được trao truyền.

Không giống như nhiều gia đình đi biển có cá tươi để ăn, những nông dân trồng lúa thường phải ăn cá khô, cá kho nồi, vì lúa chỉ có hạn. Muốn ăn cá tươi phải đem lúa để đổi. Mà việc đổi chác ấy không nông dân nào muốn cả. Họ thường lo vào những tháng ba, ngày tám, lúc rét mướt, bão bùng sẽ không còn đủ gạo để cho những chiếc miệng ăn trong nhà cầm cự. Những người theo nghề biển có phần phóng tay hơn bởi nghề biển dễ kiếm được đồng tiền hàng ngày. Họ thường có cá tươi, cơm trắng. Những đứa trẻ sống ở những làng mạn trong của xã thường nhìn vào bữa ăn và chiếc áo mới của lũ trẻ làng biển để mơ ước. Cho đến một ngày biển động dữ dội, nhiều đứa trẻ làng biển vĩnh viễn không còn nhìn thấy bố mình nữa. Đó là một ký ức đau buồn của những người phụ nữ và trẻ em ở đây.

Mỗi lần nghe mẹ bảo biển động, dù đã rất quen, nhưng lòng tôi vẫn trào lên. Đó là một phản ứng tự nhiên giống như lần tôi nghe nói cô bạn trong lớp mất bố.

Con bé Hiền học giỏi và ngoan, không ai nghĩ nó là dân làng biển cả. Trẻ làng biển thường bỏ học từ sớm. Đứa ra bến đón thuyền mỗi buổi sáng để mua đi bán lại, đứa thì gồng gánh theo người lớn vào những xã đồng màu mạn trong để đổi cá lấy lúa, nên cơ bản đều khôn ngoan hơn. Con bé bạn học của chúng tôi không đi theo lối quen mà những đứa trẻ làng biển chọn. Nó chọn con đường đến trường để nuôi ước mơ làm cô giáo. Một đứa con gái có chí, nhưng không có số. Một ngày biển động năm 1991 đã khiến cho rất nhiều làng biển mất người. Bố nó cũng phải chôn xác ở nơi biển xa. Nó đóng chặt cửa ngồi khóc, cô giáo đến động viên nhưng nó cũng chỉ đến trường sau đó ít hôm rồi nghỉ hẳn, dù khi ấy đã là năm học cuối của cấp ba. Tôi thương nó. Nhiều đứa trong lớp thương nó. Nhưng chỉ thế thôi, bởi tấm lòng của chúng tôi không thể khỏa lấp khoảng trống vắng mất người thân của nó. Không ai có thể thay bố nó đi bể. Nó nghỉ học chỉ là việc sớm muộn mà thôi.

Cho đến một ngày tôi nghe tin không vui là nó đã theo mấy người làng đi làm ăn xa. Họ đưa nó đi biệt tích, nghe đâu lên biên giới. Người thì bảo nó bị bán sang Trung Quốc làm vợ. Người thì bảo nó phải phục vụ cho dân lái xe đường dài ở một cửa khẩu vùng biên. Thông tin cứ như xát muối vào lòng. Những đứa bạn cùng lớp phải mất nhiều ngày mới nguôi ngoai. Riêng tôi, bóng hình nó không thể nào phai mờ. Nhớ nhất là cái ước mơ trở thành cô giáo đã nhiều lần được thể hiện qua chất giọng của người kẻ bể, khó nghe, nhưng chân thành, mộc mạc, đầy khát khao.

Làng biển trong ký ức về những ngày biển động dù xa xôi, nhưng rất khó để quên. Mỗi lần nghe bản tin báo bão hay những cơn gió mùa đông bắc mạnh, lòng tôi lại lắng lại, thương về làng biển, nhớ cô bé ngày xưa giờ này vẫn bặt vô âm tín.

Gần tết, tôi trở lại làng biển nơi quê cũ như muốn tìm về với kỷ niệm xưa, cũng muốn lắng tin bạn cũ thế nào. Nhưng câu hỏi của tôi không ai trả lời được ngoài những câu nói hình như... Đã 30 năm rồi nó rời làng biển, như chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên biển trong những ngày giông gió.

Hiện đại hóa nghề biển đã giúp ngư dân làng biển bây giờ yên tâm vươn khơi, bám biển, người trên bờ cũng ngủ ngon hơn. Nơi neo đậu những chiếc thuyền lá tre ở làng biển xưa đã được xây lên một cảng cá để tàu lớn có thể cập bến xuống cá, lên dầu, lên đá và neo đậu tránh trú lúc thiên tai. Những người ở làng biển cho biết họ có phương tiện vô tuyến và những thiết bị định vị, ngư lưới cụ hiện đại để dò luồng, vây bắt cá. Những thiết bị ấy cũng giúp họ giữ mối liên lạc với đất liền, tạo tổ đội trên biển, trở về kịp thời, an toàn hơn khi biển động.

Nghề cá hiện đại giúp cho những đứa trẻ làng biển không còn thất học, không mất cha. Chúng được nuôi dưỡng ước mơ.

Tôi chợt thương cho những đứa trẻ làng biển như con bé Hiền bạn học. Ước mơ dang dở của nó cũng là một sự phản ánh một thời hết sức khó khăn, con người phải chịu sự thử thách rất lớn của mẹ thiên nhiên để tồn tại.

Tôi hỏi mẹ bây giờ cảm giác thế nào khi trời trở gió. Mẹ bảo: Cha nhà anh chứ, cứ trêu mẹ. Giờ còn mấy ai lo trời trở gió nữa. Tôi biết thế, nhưng vì thế hệ chúng tôi đã đi qua một thời kỳ lịch sử có những điều không dễ để quên ngay được.

Nhớ về một thời khó khăn để thêm trân trọng những gì đang có.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]