(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngồi trên bậu cửa căn nhà sàn giữa phố thị nhìn từng giọt nắng tháng ba lọt qua kẻ vách, nơi cửa sổ có những bắp ngô treo lắc lư theo chiều gió, cảm nhận hương xôi nếp thoang thoảng... Không gian khiến tôi xúc cảm, bồi hồi nhớ về những ngày dừng chân ở Pù Luông.

Nỗi nhớ Pù Luông

Ngồi trên bậu cửa căn nhà sàn giữa phố thị nhìn từng giọt nắng tháng ba lọt qua kẻ vách, nơi cửa sổ có những bắp ngô treo lắc lư theo chiều gió, cảm nhận hương xôi nếp thoang thoảng... Không gian khiến tôi xúc cảm, bồi hồi nhớ về những ngày dừng chân ở Pù Luông.

Nỗi nhớ Pù Luông

Cuối tuần tới nhà bạn, phía sau cánh cửa lớn là một khuôn viên rộng mô phỏng cảnh quan của miền sơn cước. Hiếm ai có được mảnh đất rộng như vậy giữa phố thị ở cái thời bất động sản lên ngôi. Tay bắt mặt mừng, vui khôn xiết. Chúng tôi là những người bạn từ thuở thiếu thời xa quê lập nghiệp ngót nghét 20 năm mới gặp lại.

Ở đây có ao, có hồ, có hòn non bộ, có mô hình cầu Thê Húc, có nhà sàn… tuy rất “hỗn hợp” về kiến trúc, nhưng rất công phu, thôi thì cũng được xem là chịu chơi trong mắt nhiều người.

“Tôi thích nhà sàn và sưu tầm vài vật dụng, bởi tôi yêu cái non cao của miền sơn cước Pù Luông”, bạn tôi chia sẻ.

Giằng dai câu chuyện trên nếp nhà sàn rồi cũng sắp trưa, cậu bạn tất tả vào bếp hấp lại chõ xôi, rồi giọng vọng ra “thịt trâu khô sẵn có, bạn chờ tôi chút xíu ta làm vài ly cùng hàn huyên câu chuyện”. Ngắm nhìn những vật dụng nào nỏ, nào rựa, vải thổ cẩm… được gia chủ sưu tầm khiến lòng tôi bâng khuâng.

Còn nhớ, cũng trong tiết trời tháng ba, chúng tôi những hoạ sĩ trong Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lên đường đến với bản Hiêu, thuộc xã Cổ Lũng (Bá Thước) nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông để thực tế sáng tác. Tuy chưa phải chính vụ mùa lúa chín, nhưng cảm nhận về màu xanh của núi rừng, của ruộng bậc thang với lúa non mơn mỡn dưới sương mờ phủ lối… càng khiến người ta mơ màng trước vẻ đẹp của non xanh mà sinh tình.

Ở bản Hiêu, phần nhiều là người Thái sinh sống. Những nếp nhà sàn vẫn giữ được đặc trưng văn hóa với kiến trúc độc đáo, kiên cố và chắc chắn. Đi qua những homestay và resort, chúng tôi chọn một nhà dân để ở trong những ngày sáng tác.

Ở bản Hiêu người dân hào sảng, trẻ nhỏ thì ngoan hiền. Hoà mình với thiên nhiên, với văn hoá nơi đây tôi như không còn khoảng cách. Khoác trên mình bộ áo váy của người Thái tôi trông cũng không khác người dân ở đây nữa. Những đứa trẻ thì quấn quýt chuyện trò, đến đàn chó cũng vẫy đuôi tíu tít vui mừng. Có lẽ chúng xem tôi như những người quen vậy.

Đến với bản Hiêu, nhiều món ăn thường ngày của đồng bào người Thái lại trở thành đặc sản. Đó là vịt Cổ Lũng - giống vịt có thịt mềm, thơm ngon được nuôi ở suối; rồi xôi ngũ sắc, cơm lam, rau chuối rừng, cá dốc nướng và măng chua… Những hương vị đặc biệt này khi nhâm nhi với men say của núi rừng, sẽ khiến lòng nhẹ bẫng, bao bộn bề dòng nơi phố phường tan biến.

Trong ký ức của tôi về miền sơn cước ấy, còn là những nếp nhà sàn vững chãi lấp ló dưới những tán xanh, còn là tiếng mõ trâu lốc cốc nối đuôi nhau trở về bản mỗi chiều hôm; là những làn khói lam lững lơ trên mái nhà đưa mùi xôi nếp nương; là những điệu sạp của chàng trai, cô gái bên ánh lửa trại bập bùng...

Bản Hiêu trời về khuya, những tạp âm không còn nữa khiến tiếng suối rì rào càng trở nên trong veo...

Đang miên man, giật mình bởi tiếng bước chân thình thịch trên sàn gỗ, bạn mang đồ ăn xuống. Ở một không gian giữa phố thị, chỉ chốc lát thôi tôi đã được trở về với những hoài niệm, phút giây thật đáng quý. Lòng thầm cảm ơn cậu bạn, có lẽ trong muôn vàn sự khác biệt, ít nhất chúng tôi cũng tìm thấy một sự đồng điệu để giằng dai luận đàm, đó là Pù Luông miền nhớ.

Hà Hiếu


Hà Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]