(vhds.baothanhhoa.vn) - Ai cũng nói ti gôn là loài hoa mỏng manh, yếu đuối. Loài hoa với tạo hình trái tim nhỏ nhắn, cánh mỏng ấy dẫu có rực rỡ sắc màu, rạng ngời dưới ánh nắng hè, thì vẫn luôn gợi lòng người về một nỗi buồn man mác.

Sắc hoa ti gôn

Ai cũng nói ti gôn là loài hoa mỏng manh, yếu đuối. Loài hoa với tạo hình trái tim nhỏ nhắn, cánh mỏng ấy dẫu có rực rỡ sắc màu, rạng ngời dưới ánh nắng hè, thì vẫn luôn gợi lòng người về một nỗi buồn man mác.

Sắc hoa ti gôn

Ti gôn - loài hoa được ví như “dáng tim vỡ”

Ti gôn là loài dây leo, đặc tính dễ trồng, không õng ẹo, yêu sách chăm bẵm, hoa nở quanh năm nhưng đẹp nhất vào mùa hè. Hoa mọc thành cụm với 1 đến 4 hoa, xếp dọc theo cành, thường có màu trắng, hồng hoặc đỏ san hô. Không chỉ có hoa mà ngay cả lá cây Ti gôn cũng tạo hình trái tim. Vì lẽ đó, hoa Ti gôn còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như hoa trái tim, hoa tim vỡ, hoa hiếu nữ...

Ngắm nhìn Ti gôn phô sắc dưới nắng hè rực rỡ, làm đẹp cho ban công, cổng nhà, mấy ai biết được rằng, loài hoa mỏng manh ấy lại thấm đượm nỗi sầu bi ai của tình yêu đôi lứa. Chuyện kể rằng, có người con gái tên là Ti gôn, con của tù trưởng nhưng lại thầm yêu chàng trai nghèo khó trong làng. Dù gia đình ngăn cấm nhưng cả hai vẫn bất chấp nghe theo tiếng gọi của tình yêu. Không chấp nhận điều đó, cha của nàng đã lập mưu giết hại chàng trai. Quá đau khổ, uất hận trước sự bạc bẽo của cha và thương nhớ người yêu, nàng đã bỏ nhà ra đi, đến khi kiệt sức thì gục chết dưới một gốc cây cổ thụ. Thân xác nàng hóa thành loại dây leo xanh thẫm, cánh hoa có hình dáng như trái tim vỡ. Vì cảm động, xót thương cho tấm chân tình của đôi trẻ, người đời đã đặt tên loài hoa ấy theo tên của nàng.

Phải chăng vì câu chuyện tình đẫm lệ ấy mà bao đời nay, Ti gôn vẫn cứ mãi gợi lên trong lòng người nỗi buồn man mác như thế? Để rồi, cái “dáng hoa như tim vỡ” ấy bước vào thơ, vào nhạc cũng u hoài một nỗi xót thương.

Còn nhớ, từ những ngày là nữ sinh đại học tôi đã thuộc lòng từng câu chữ trong bài thơ “Hai sắc hoa Ti gôn”. Chẳng hiểu sao những câu thơ đọng lại mãi trong lòng, thổn thức, bâng khuâng: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi/ Thở dài trong lúc thấy tôi vui/ Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ/ Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”. Một dáng hoa thôi mà đủ sức báo hiệu cho những rạn nứt của cả một mối tình? Hay vốn dĩ trong cuộc tình ấy đã có một người không toàn tâm toàn ý bước tiếp con đường ấy? Xuyên suốt bài thơ là nỗi buồn, niềm tiếc nuối. Người đọc chìm trong nỗi u sầu ấy mà lặng ngắm những “cánh hoa tan tác của sinh ly”, cánh hoa “tựa như tim vỡ”, “đỏ như màu máu thắm pha”.

Tâm hồn, nhận thức của cô nữ sinh ngày ấy đâu đủ trải đời để thấm thía về những phạm trù rộng lớn nhất thế gian này như tình yêu, như ái ân... Cô nữ sinh đã bao lần thổn thức, xót thương trước những lời thơ như tiếng lòng nức nở: “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời/ Ái ân lạt lẽo của chồng tôi/ Mà từng thu chết, từng thu chết/ Vẫn giấu trong tâm bóng “một người”.

Và cô nữ sinh năm nào vẫn ngây thơ ôm ấp hy vọng rằng, một mai, ai có thể gửi lại lời đáp từ cho tiếng lòng thôi đừng bơ vơ, thương cảm, giống như người đời hôm nay vẫn cứ mải miết đi tìm sự thật xoay quanh cái tên T.T.Kh: “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng/Trời ơi! người ấy có buồn không?/Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ/Tựa trái tim, phai tựa máu hồng...?

Nhưng giờ đây, khi đã đi qua những biến ảo cuộc đời, cung bậc tình yêu, khi đối diện với loài hoa “dáng như tim vỡ” ấy, khi đọc lại “Hai sắc hoa tigon” của T.T.Kh, lòng đã thôi không còn cuộn sóng. Bởi lẽ, cuộc sống không chỉ dạy chúng ta biết nhớ về quá khứ mà con dạy cách yêu, các sống trân trọng hiện tại, hướng tới tương lai.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]