(vhds.baothanhhoa.vn) - Sáp nhập thôn, tổ dân phố là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Sau một thời gian chủ động, quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn đang còn nhiều vấn đề đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Mừng nhưng còn nhiều trăn trở (Kỳ 1): ‘Nhật ký’ hành trình sáp nhập thôn, tổ dân phố

Sáp nhập thôn, tổ dân phố là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng KT-XH theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Sau một thời gian chủ động, quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn đang còn nhiều vấn đề đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ này.

Thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 25/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố và Quyết định số 3507/QĐ -UBND ngày 18/9/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đến nay, nhìn chung công tác sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp xã hội.

Khi chủ tịch xã phải đối thoại trực tiếp với dân

Sáp nhập phố, thôn được xem là một cuộc hành trình đầy gian khó, mà nếu như không có được sự đồng thuận của nhân dân thì cũng khó triển khai, thực hiện. Vượt qua những khó khăn, nhiều địa phương trong tỉnh, bằng những cách làm năng động, linh hoạt đã tạo sức mạnh đoàn kết, khơi thông những quan điểm trái chiều, thậm chí là những tư tưởng “lồi lõm” của một bộ phận cán bộ thôn, phố...

Xã Đông Thanh huyện Đông Sơn có 12 thôn. Theo phương án sáp nhập thôn của xã này thì sẽ giữ nguyên 6 thôn, 6 thôn còn lại sẽ sáp nhập thành 2 thôn. Như vậy sẽ giảm được 4 thôn và tổng số thôn còn lại sau sáp nhập là 8. Các thôn sáp nhập gồm: thôn 5, 6, 11, 12 thành 1 thôn; thôn 8, 9 thành 1 thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phương án sáp nhập, sự cố lại nằm ở thôn 12 khi thôn này không muốn sáp nhập với 3 thôn: 5, 6, 11.

Nguyên nhân ở chỗ: Thôn 12 là thôn buôn bán, kinh doanh, có phố Bôn sầm uất nằm dọc Quốc lộ 45, còn thôn 5, 6, 11 là những thôn làm nông nghiệp. Nếu sáp nhập, các hộ dân thôn 12 sợ sẽ mất phố Bôn, sợ đóng góp nhiều hơn với các thôn làm nông nghiệp... Trong khi đó, cả 4 thôn 5, 6, 11 và 12 đều không đạt tiêu chí về số hộ theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV, thôn có số hộ thấp nhất lại rơi vào thôn 12, chỉ có 62 hộ.

Cuộc lấy phiếu lần 1 chỉ có 5 cử tri/62 cử tri ở thôn 12 tán thành, mới chỉ chiếm 8%. Được biết, cùng với việc không đồng ý sáp nhập, thôn 12 còn tính đến chuyện sẽ mời Luật sư để quyết giữ bằng được thôn, giữ được phố Bôn. Bên cạnh đó, một số người còn đe dọa cả đảng viên...

Vấn đề đặt ra cho Đảng ủy, chính quyền xã Đông Thanh lúc này đó là cần có một sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Liên tục là những cuộc họp của Đảng ủy, các đoàn thể... Đồng thời, Cấp ủy, Bí thư Chi bộ thôn 12 cũng được xã gọi lên để làm việc, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, phải đi đến từng nhà dân, gặp gỡ, trao đổi... Tuy nhiên, vẫn không làm lay chuyển tình thế, phần lớn người dân ở thôn 12 vẫn không đồng ý sáp nhập.

Một hội nghị giữa ông chủ tịch xã với dân về vấn đề sáp nhập thôn đã được diễn ra tại nhà văn hóa thôn 12 trong sự hồi hộp, lo lắng đến mức "nín thở" của Ban Thường vụ Đảng ủy. Tại hội nghị, dồn dập là những câu hỏi, là sự phản ứng rất mạnh của người dân thôn 12, thậm chí nhiều người còn đưa cuộc đối thoại này phát trực tiếp lên facebook. Chủ tịch Lê Thanh Hải đã bình tĩnh trả lời những băn khoăn, thắc mắc của người dân. Ông nhấn mạnh: Sáp nhập thì người làm ruộng vẫn làm ruộng, nhà ai bán hàng vẫn bán hàng, đất Bôn, đất học nổi tiếng vẫn là đất Bôn, đất học, không mất đi đâu được.

Ông Hải nhớ lại: “Cũng tại hội nghị, tôi đã hỏi Bí thư Chi bộ thôn 12, rằng từ lúc triển khai Đề án, đồng chí đã họp bao nhiêu lần, đã truyền tải cho người dân được những gì vì tôi cũng đã nghe nhiều ý kiến trái chiều, có khả năng cán bộ thôn làm chưa thông nên dân mới phản đối mạnh. Rất may, nhờ có hội nghị này đã giúp cho người dân thôn 12 hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng. Khi tổ chức lấy phiếu lần 2, đã có 70% cử tri thôn 12 tán thành. Qua đây, tôi rút ra được bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức đó là tuyên truyền không phải bằng loa phát thanh hay bằng văn bản mà tuyên truyền tốt chính là hãy trực tiếp xuống với dân. Tư tưởng của cán bộ thôn mà không nghiêm túc, vẫn giữ nguyên ý kiến của riêng cá nhân mình thì sẽ rất khó đi vào lòng dân...”.

Đông Thanh là xã thực hiện phương án sáp nhập thôn phức tạp nhất, gay gắt nhất so với 14 xã, thị trấn còn lại của huyện Đông Sơn. Và cũng là một trong số ít xã trong tỉnh phải mở ra một cuộc đối thoại trực tiếp giữa chủ tịch xã và nhân dân. Bà Nguyễn Thị Hồng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Đông Sơn cho biết: “Thực hiện theo phương án sáp nhập thành công, với Đông Thanh đó là một kỳ tích lớn. Ban Thường vụ Huyện ủy rất sát sao trong công tác chỉ đạo và yêu cầu cứ nửa tháng các xã phải báo cáo tình hình 1 lần. Riêng Đông Thanh, huyện cũng đã phải gỡ rối nhiều lần và cũng may là lãnh đạo xã này cũng rất năng động, tinh thần trách nhiệm cao nên cuối cùng cũng đã có được sự đồng thuận của nhân dân”.

Sáp nhập thôn, tổ dân phố nhằm tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH.

Câu chuyện đặt tên phố, thôn mới

Đây cũng là một bài toán khó với nhiều địa phương bởi lẽ, khi người dân đồng ý sáp nhập là một chuyện còn đặt tên cho phố, thôn mới sau sáp nhập lại là một chuyện hoàn toàn khác. Nhiều địa phương muốn đặt lại theo tên truyền thống, lưu lại cái hồn cốt làng, xã thời xưa. Nhưng cũng nhiều nơi, lại muốn làm mới tên thôn, phố mới bằng những cái tên quen mà lạ, thậm chí đó là những cái tên mới đọc lên đã gây cười.

Tại huyện miền núi Cẩm Thủy, sau khi sáp nhập 100 thôn thành 48 thôn mới (giảm được 52 thôn), các tên thôn mới, phần lớn được ghép từ tên cũ của 2 thôn, như xã Cẩm Thành có thôn Bèo sáp nhập với thôn Bọt thành thôn Bèo Bọt, xã Cẩm Lương có thôn Lương Hòa sáp nhập thôn Lương Thuận để thành thôn Hòa Thuận hay xã Cẩm Sơn có thôn Lụa sáp nhập thôn Mùn thành thôn Lụa Mùn... Tương tự, tại xã Đồng Lương của huyện Lang Chánh cũng cho ra đời nhiều tên thôn mới nhưng thực chất là gộp tên, như: Xuống Chỏng, Nê Cắm, Quắc Quên, Cốc Mốc...

Tất nhiên, đó là những cái tên mà sau khi đã có sự thống nhất giữa 2 thôn thì mới được phép... ra đời. Nhưng để có được những cái tên mới thì nhiều nơi đã xảy ra những sự tranh cãi khá quyết liệt khi mà thôn nào cũng muốn tên thôn của mình phải đứng ở vị trí đầu trong tên thôn mới. Ngay tại xã Đông Hưng (TP Thanh Hóa) chỉ vì đặt tên thôn mới mà đã làm chậm tiến độ sáp nhập thôn ở xã này. Theo đề án, xã Đông Hưng có 7 thôn, sau khi sáp nhập sẽ còn 5 thôn. Sau khi 2 thôn: Toản (145 hộ), Tiến (147 hộ) đồng ý sáp nhập lại với nhau thì sự cố lại nằm ở việc đặt tên thôn mới. Người dân thôn Toản thì muốn ghép thành Tiến Toản, thôn Tiến lại muốn gắn tên làng trước đây vào tên thôn, tức thay thôn Tiến bằng thôn Son, ghép lại thành thôn Son Toản mà không phải Tiến Toản. Nhưng người dân thôn Toản lại không đồng ý với việc ghép chữ Son vào chữ Toản vì cho rằng Tiến Toản hay hơn Son Toản. Vậy nên, Đảng ủy xã này đã phải chỉ đạo Chi bộ 2 thôn họp thống nhất để chốt tên thôn mới, và cuối cùng đã có một tên chung cho 2 thôn đó là thôn Son Toản. Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch xã Đông Hưng: Vấn đề nằm ở chỗ do khâu tuyên truyền trong cấp ủy, chi bộ chưa sâu nên đã làm cho người dân chưa hiểu hết việc sáp nhập thôn. Nếu hiểu, chắc chắn sẽ không dẫn đến chuyện 2 thôn bất đồng quan điểm chỉ vì một cái tên thôn mới.

Để người dân đồng thuận, nhất trí là khó và để có được sự đồng thuận của dân thìquan trọng vẫn là cách làm của Đảng ủy, chính quyền sở tại. Tại thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) đã có một cách làm hay mà hiếm có địa phương nào ở Thanh Hóa làm được. Ở đây có 7 khu phố, sáp nhập lại còn 6 khu phố. Theo phương án, sáp nhập khu phố Đạo Sơn và khu phố Hưng Sơn để thành khu phố Đạo Sơn. Trong quá trình triển khai đã không xảy ra bất cứ sự tranh cãi nào của người dân về cách lấy tên khu phố sau sáp nhập.

Tại hội nghị cán bộ chủ chốt, đã phân tích cho cấp ủy, cán sự 2 khu phố này thấy được: Nếu lấy tên phố sau sáp nhập là Đạo Sơn sẽ được gì, lấy tên phố là Hưng Sơn thì những bước tiếp theo sẽ phức tạp, bởi khu phố Đạo Sơn có gần 200 hộ dân, trong khi đó khu phố Hưng Sơn chỉ có hơn 100 hộ, khu phố khác thôn là ở chỗ đánh số nhà. Nếu lấy một tên khu phố mới thì sẽ vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, thống nhất lấy tên khu phố sau sáp nhập là Đạo Sơn vì chỉ phải làm lại các thủ tục giấy tờ cho hơn 100 hộ dân của thôn Hưng Sơn trước đây, còn gần 200 hộ dân của khu phố Đạo Sơn vẫn giữ nguyên, như vậy vừa tiết kiệm cho người dân, vừa giảm tải công việc cho chính quyền.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Bút Sơn, ông Phạm Văn Phượng cho biết: “Chúng tôi đã phải định hướng trước khi hội nghị cán bộ chủ chốt. Định hướng mà tốt thì không có vấn đề gì. Chúng tôi đã phải đi đến từng nhà đảng viên có uy tín trong khu phố để trao đổi, thống nhất trước. Nếu không làm như thế thì sẽ khó có được thành công. Lãnh đạo mà không tư duy là rất gay cũng như Đề án không cứ phải là dập khuôn mà nhiều khi phải thực tế, linh hoạt”.

Thanh Hóa là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh có 5.971 thôn, tổ dân phố và 35.143 người hoạt động không chuyên trách. Theo Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố của tỉnh với mục tiêu sẽ giảm từ 1.200 - 1.300 thôn, tổ dân phố. Đợt 1, đã giảm 198 thôn, tổ dân phố. Đợt 2, theo dự kiến của các huyện, thị xã, thành phố sẽ giảm 1.288 thôn, tổ dân phố.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]