(vhds.baothanhhoa.vn) - Điều thấy rõ nhất, được cho là khó nhất khi thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố đó chính là liên quan đến tài sản của nhân dân: Nhà văn hóa (NVH). Nếu 2 thôn sáp nhập lại thành 1 thôn sẽ thừa một NVH, thậm chí là thừa cả 2 NVH vì không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của thôn, phố mới. Và như vậy sẽ vẫn thiếu một NVH chung cho 2 thôn sau khi sáp nhập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Mừng nhưng còn nhiều trăn trở (Kỳ 2): Loay hoay đi tìm... nhà văn hóa

Điều thấy rõ nhất, được cho là khó nhất khi thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố đó chính là liên quan đến tài sản của nhân dân: Nhà văn hóa (NVH). Nếu 2 thôn sáp nhập lại thành 1 thôn sẽ thừa một NVH, thậm chí là thừa cả 2 NVH vì không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của thôn, phố mới. Và như vậy sẽ vẫn thiếu một NVH chung cho 2 thôn sau khi sáp nhập.

Ở đâu có nhà văn hóa ở đó có sức dân

Thực tế, để xây dựng một NVH thôn, tổ dân phố, dù nhiều, ít, luôn có nguồn kinh phí đóng góp của con em xa quê và của nhân dân tại thôn, tổ dân phố.

Hơn 10 năm về trước, bà con nhân dân ở thôn 11, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) xây dựng được NVH là một ngôi nhà sàn truyền thống. Thời điểm đó, những người dân thôn 11 đã mua nhà sàn cũ về để dựng lại với trị giá tiền là 24,5 triệu đồng. Với số tiền này, 63 hộ dân của thôn 11 đã thống nhất để đóng 2 tạ lúa/hộ và sẽ đóng trong 4 vụ tương đương với 2 năm. Thôn 11 là thôn có NVH muộn nhất ở Ngọc Liên. Có NVH, người dân trong thôn không còn phải mượn nhà dân để sinh hoạt cộng đồng, hội họp, phong trào văn hóa, văn nghệ vì thế cũng phát triển mạnh hơn.

Còn tại thôn Phú Trung của xã Tượng Văn (Nông Cống), hàng chục năm qua, người dân phải mượn khuôn viên đình làng để sinh hoạt cộng đồng. Năm 2014, xã Tượng Văn đã dành quỹ đất và hỗ trợ 200 triệu đồng giúp thôn Phú Trung xây dựng NVH. Trong khi đó, tổng kinh phí cho NVH này là 600 triệu. Với số tiền còn lại đã được huy động từ sự đóng góp của nhân dân trong thôn.

Xây dựng được NVH, để có được sức dân lại cũng bắt đầu từ câu chuyện về sự đồng thuận trong dân, đấy cũng được xem là một cuộc hành trình khó mà với bà Lê Thị Lan, trưởng phố Trần Phú 2, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa) vẫn còn nguyên vẹn những ngày đầu đi “khai hoang lập địa”. Năm 2013 người dân ở tổ dân phố Trần Phú 2 mới có NVH để sinh hoạt. Trước đó, những hộ dân ở đây phải mượn nhà dân hoặc thuê sân của Viện kiểm sát thành phố (cũ) để tổ chức các cuộc hội họp.

Thời điểm của năm 2013, bà Lan khi đó được bầu là trưởng phố Trần Phú 2 đã cùng ban cán sự phố tìm ra nhiều cách để tạo sự đoàn kết, thống nhất chung trong dân. Cái “mẹo” đầu tiên của ban cán sự là đến một số nhà “đại gia” trong phố để trao đổi trước, sau là đến nhà một số đảng viên để ngay trong cuộc họp bàn về xây dựng NVH, bà Lan sẽ mời những người đã gặp gỡ đứng lên phát biểu trước dân, thuyết phục dân.

Người dân vẫn muốn được giữ lại NVH phố Trần Phú 2, phường Điện Biên, TP. Thanh Hóa để tiếp tục sinh hoạt cộng đồng.

Ở đâu có NVH ở đó có sức dân. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là trong khi đã có NVH thì vẫn phải đi tìm NVH. Đây là một bài toán khó đối với nhiều địa phương khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Khi NVH thừa thành... thiếu

Tính đến cuối tháng 12/2017, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.280/5.971 NVH thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có 3.360 NVH đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL. Tuy nhiên, ngay cả khi đã đạt chuẩn thì cũng sẽ khó, còn chuẩn vì không đáp ứng được về quy mô, diện tích cho các thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập, nếu có chỉ là một số lượng rất nhỏ. Giảm thôn thì thừa NVH, vậy với những NVH không sử dụng nữa thì sẽ phải xử lý ra sao? Sẽ lấy đâu nguồn kinh phí để xây một NVH trung tâm cho thôn, phố mới? Liệu những giải pháp dự kiến về cơ sở vật chất mà các địa phương đưa ra có được sự đồng thuận của người dân?...

Xin được trở lại với câu chuyện về tổ dân phố Trần Phú 2 ở phường Điện Biên (TP Thanh Hóa). Theo phương án, tổ dân phố Trần Phú 2 sẽ sáp nhập với tổ dân phố Triệu Quốc Đạt để thành lập tổ dân phố Triệu Quốc Đạt và NVH sinh hoạt chung cho 2 thôn sẽ ở vị trí là NVH tổ dân phố Triệu Quốc Đạt cũ. Nhưng người dân tổ dân phố Trần Phú 2 lại có những yêu cầu riêng: nếu về sinh hoạt tại NVH Triệu Quốc Đạt thì NVH phố Trần Phú 2 vẫn phải được giữ lại để là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc nếu không được giữ lại NVH Trần Phú 2 thì cho các hộ ở đây thanh lý NVH, bán để trả tiền lại cho dân. Ông Trương Xuân Bồng, nguyên Bí thư Chi bộ tổ dân phố Trần Phú 2, người đã có công rất lớn khi xây dựng NVH ở phố này cho biết: “Nếu giữ lại được thì tốt vì cả 2 NVH của 2 phố đều không có khu thể thao, giữ lại để xây dựng phong trào. Bán NVH để lấy tiền, theo tôi không nên mà nếu được phép bán thì sẽ dùng số tiền đó để xây dựng một công trình mới khác...”.

Xoay quanh về câu chuyện NVH, xã Văn Lộc (Hậu Lộc) lại rơi vào một tình huống khó hơn. 2 thôn của xã là Hà Mát và Văn Xuân sáp nhập lại để thành thôn mới là Hà Xuân. Cả 2 NVH đều không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của thôn mới vì vậy sẽ cần phải có 1 NVH sinh hoạt chung và phải nằm ở trung tâm của 2 thôn. Theo giải pháp dự kiến, xã Văn Lộc xin được bán NVH để lấy kinh phí xây dựng NVH mới cho 2 thôn. Chia sẻ của ông Luyện Hữu Công - Chủ tịch UBND xã Văn Lộc: “Khó ở chỗ NVH thôn Hà Mát sẽ không bán được vì là đất chùa còn NVH thôn Văn Xuân nếu có bán cũng không được nhiều vì nằm ở vị thế không mấy thuận lợi. Còn trong trường hợp, cả 2 chưa có NVH chung thì lấy tạm NVH của 1 thôn làm nơi sinh hoạt nhưng khoảng cách 2 thôn cách xa gần 1,5 km nên sẽ khó thực hiện việc sinh hoạt chung”.

NVH thôn Hà Mát, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc nếu được bán cũng khó vì là đất chùa.

Còn tại xã Vạn Thắng (Nông Cống), một xã vừa về đích NTM trong năm 2017, trong năm này, để tập trung hoàn thành các tiêu chí NTM, trong đó có tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, xã đã có cơ chế hỗ trợ 250 triệu đồng cho 1 NVH xây mới. 2 thôn Đông Hoa và Đông Tài là 2 thôn cũng được xây mới 2 NVH và đây là 2 thôn sáp nhập lại để thành 1 thôn mới là thôn Đông Tài. Mặc dù 2 NVH đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL nhưng cả 2 NVH vẫn không thể đáp ứng được quy mô và diện tích cho NVH thôn mới sau sáp nhập. Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thắng, ông Ngô Thọ Long ngậm ngùi: “Chúng tôi thấy tiếc vì xã cùng nhân dân vừa đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Giờ xây một nhà văn hóa trung tâm cho 2 thôn thì lấy tiền đâu mà làm. Tiền NVH vừa xây, các thôn còn chưa trả hết cho nhà thầu”.

Để cái khó không bó cái khôn

Cái khó về NVH là vấn đề chung cho tất cả các địa phương trong tỉnh khi thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, một số địa phương đã tự vận dụng, sáng tạo để đưa ra nhiều cách làm hay, được nhân dân đồng thuận cao. Tại huyện Yên Định, một trong những huyện được chọn làm điểm của tỉnh Thanh Hóa trong sáp nhập thôn, tổ dân phố đã có những chủ trương để “ứng xử” với hơn 70 NVH thôn, tổ dân phố không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân sau sáp nhập. Ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: “Yên Định đang đặt ra nhiều giải pháp. Vì huyện thực hiện theo Thông tư 09 nên nếu thôn nào sau khi sáp nhập lại khoảng trên 600 hộ thì trước mắt phải chia thành 2 cụm dân cư để sinh hoạt. Thứ hai là với những thôn lớn, thường có đình làng thì sẽ nâng cấp đình làng để lấy đình làng chung làm nơi sinh hoạt của thôn. Thứ ba là các thôn có nhu cầu làm NVH mới thì sẽ động viên giải quyết thanh lý các NVH cũ, đất thì cho thôn quy hoạch bán, huyện sẽ hỗ trợ luôn tiền đất cho thôn để thôn lấy kinh phí làm NVH mới”. Cũng theo ông Lâm, với những NVH khó bán hoặc bán mà không đủ kinh phí để làm NVH mới thì huyện sẽ có những cơ chế tiếp theo chứ không thể “bắt” dân đóng góp để xây dựng NVH một lần nữa.

Huyện Như Thanh cũng đưa ra quan điểm rất rõ ràng đối với các NVH được tạm gọi là dư thừa. Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Văn Hùng cũng cho rằng: “Nếu NVH mà không còn phù hợp được nữa thì sẽ cho thanh lý và dùng tiền thanh lý này để hỗ trợ cho xây dựng NVH mới, còn nếu không thì vẫn giữ lại để làm sân chơi cho cụm dân cư chứ không thể có chuyện bỏ hoang NVH”.

Chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nga Sơn: “Theo tinh thần chỉ đạo, huyện Nga Sơn sẽ giữ nguyên các NVH sau sáp nhập. Trên cơ sở NVH hiện có, nhà nào phù hợp thì vẫn sinh hoạt, còn nếu không đủ diện tích để hội họp thì sẽ căng thêm phông rạp ra hành lang. Vì huyện Nga Sơn đang thực hiện theo Thông tư 04 (không dưới 200 hộ), nếu sau này thực hiện tiếp theo Thông tư 09 (không dưới 400 hộ) thì sẽ rất lãng phí trong xây dựng NVH bởi tiền xây dựng NVH không phải là tiền ngân sách mà là tiền nhân dân đóng góp. Nếu không có Thông tư 09 ra đời, huyện sẽ chỉ đạo để xây dựng NVH mới ngay. Tuy nhiên, huyện vẫn khuyến khích cho các thôn sáp nhập xây dựng NVH mới nếu thôn đó xác định, cân nhắc được. Còn những NVH thừa thì vẫn để nhân dân tham gia văn nghệ, thể thao, không lãng phí đi đâu cả”.

Riêng đối với TP Thanh Hóa, đặc biệt là các phường nội thị, do quỹ đất ít nên chỉ xây dựng được NVH mà không xây được sân chơi, khu thể thao, có một số NVH chỉ 50- 60 m2 lại nằm trong ngõ nhỏ. Chính vì vậy mà khi thực hiện theo phương án sáp nhập, nếu có dư thừa NVH, thậm chí có bán đi 3 NVH cũng không có đất để mà mua. Ông Hà Huy Tâm - Trưởng Phòng VH-TT TP. Thanh Hóa cho biết: “Nếu sáp nhập thì các NVH nên giữ lại để cho các phố thực hiện các công năng. Sáp nhập mà có 2 NVH, theo tôi thì vẫn là tốt, vì nhu cầu về văn hóa tinh thần của người dân rất cao nhất là đối với những nơi có quỹ đất ít thì nhu cầu về sân chơi bãi tập lại càng lớn”.

Rõ ràng vấn đề NVH sau khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố là một bài toán khó nhưng tinh thần vượt khó để tìm ra hướng đi đúng, cách làm hay tại một số địa phương đã, đang và sẽ tạo được sự đồng thuận lớn trong dân. Và chắc chắn sẽ không có chuyện để lãng phí hay bỏ hoang NVH như tỉnh Hà Tĩnh, khi mà tỉnh này dù đã bước sang năm thứ 6 thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố thì hiện vẫn đang có hàng trăm NVH bị bỏ hoang. “Thanh Hóa vốn đất chật, người đông, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao đang rất mạnh nên khó xảy ra việc bỏ hoang NVH”. Đó là lý giải của một cán bộ Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa. Còn trong Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố của tỉnh cũng đã có nói rõ về giải pháp đối với xây dựng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố: “Trong trường hợp thôn chưa có NVHhoặc sau khi sáp nhập, NVH không thể sử dụng được nữa cần cải tạo hoặc xây dựng mới thì trong đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn phải dự kiến cụ thể vị trí, diện tích và nhu cầu kinh phí cần để xây dựng mới hoặc cải tạo lại.” Và trên thực tế, đã cụ thể hơn những vấn đề khó. Ở một số địa phương đã căn cứ vào tình hình thực tế để tự vận dụng, sáng tạo cho phù hợp. Tuy nhiên, cũng còn nhiều địa phương trong tỉnh vẫn đang chờ một sự gỡ rối, một cơ chế linh hoạt đối với NVH sau sáp nhập. Tất cả đều đang hy vọng ở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh tới đây...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]