(vhds.baothanhhoa.vn) - Bí thư chi bộ và trưởng thôn là 2 chức danh chủ chốt của thôn. Tuy nhiên, đây cũng là 2 chức danh đặt ra nhiều sự khó trong công tác cán bộ khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Mừng nhưng còn nhiều trăn trở (Kỳ 3): Lựa chọn nhân sự

Bí thư chi bộ và trưởng thôn là 2 chức danh chủ chốt của thôn. Tuy nhiên, đây cũng là 2 chức danh đặt ra nhiều sự khó trong công tác cán bộ khi thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Giả định khi Bí thư, trưởng thôn không còn chức danh

Cái khó đặt ra cho nhiều địa phương trong tỉnh khi vừa kiện toàn xong đội ngũ trưởng thôn, khu phố nhiệm kỳ 2017 - 2020 lại phải thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có cán bộ thôn, khu phố vừa trúng cử phải nghỉ việc.

Cũng chính vì điều này, đã có những quan điểm trái chiều, cũng như đã có những cán bộ thôn có tư tưởng lồi lõm, “lái” người dân đi ngược lại chủ trương của Đảng. Hành động này xuất phát từ việc cán bộ thôn hoang mang không biết sau sáp nhập có được làm tiếp bí thư hoặc trưởng thôn hay không. Vì hoang mang nên lơi lỏng trách nhiệm và không tránh khỏi việc họ phản đối chủ trương sáp nhập thôn, phố. Ông Lê Hữu Giai, Trưởng thôn thôn Thủ Công ở xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) cho rằng: “Sáp nhập thì đồng ý sáp nhập nhưng sinh hoạt thì không sinh hoạt chung. Tôi chỉ là quần chúng, nhưng cả quần chúng hay đảng viên cũng đều không thích sinh hoạt chung với thôn sáp nhập. Theo tôi, khi sắp xếp lại bộ máy, với cán bộ thôn thì phải cho hài hòa chứ không thể bí thư, trưởng thôn đều là người của một thôn”.

Trở lại xã Đông Thanh (đã nêu trong kỳ 1 - PV), ông Nguyễn Xuân Ninh là bí thư, kiêm trưởng thôn 5 cho biết, không chỉ thôn 12 không đồng ý sáp nhập mà thôn 3, thôn 5, 6 và 11 lúc đầu cũng không muốn sáp nhập với thôn 12. Ông nói: “Vì 3 thôn chúng tôi làm nông, cùng nghề nghiệp, cùng liền kề khu dân cư, sinh hoạt sẽ thuận hơn. Người dân ở 3 thôn cũng phản ứng mạnh nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền nên mọi việc đều đã ổn. Trong 4 thôn thì có mỗi thôn 5 là nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng thôn. Trước đó, tôi đã làm 10 năm trưởng thôn, 5 năm bí thư. Nếu không còn được ở vị trí Bí thư, trưởng thôn thì tôi sẽ xung phong vào cấp ủy, xin được tiếp tục đóng góp với thôn, với dân...”.

Ông Nguyễn Xuân Ninh, Bí thư kiêm trưởng thôn 5 xã Đông Thanh (Đông Sơn): "Nếu không còn được ở vị trí bí thư, trưởng thôn thì tôi sẽ xung phong vào cấp ủy, xin được tiếp tục đóng góp với thôn, với dân..."

Chia sẻ của ông Quách Văn Điền ở xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc), người đã có đến 3 nhiệm kỳ làm trưởng thôn: “Nếu còn được làm nữa, tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con để hoàn thành các nhiệm vụ của thôn. Còn nếu không, tôi sẽ vẫn là người công dân tốt, luôn chấp hành đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước”.

Cán bộ tốt là phải có tâm, có tầm và có sức khỏe

Cẩm Thủy, Yên Định, Quảng Xương, Hậu Lộc là 4 huyện được tỉnh Thanh Hóa chọn tổ chức làm điểm trong sáp nhập thôn, tổ dân phố. Sau khi có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về thành lập thôn mới, những huyện này đã kiện toàn bộ máy ở các thôn. Mặc dù, tỉnh chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, nhưng tùy vào điều kiện tình hình thực tế đã có những địa phương chưa thực hiện được.

Ngay tại huyện Hậu Lộc, theo lý giải của lãnh đạo huyện này do nguồn nhân sự chưa ổn định nên tạm thời huyện cũng chưa nhất thể hóa được ngay. Tuy nhiên, nếu nơi nào có điều kiện về cán bộ thì vẫn tiến hành nhất thể hóa, còn nếu không thì sau sáp nhập bí thư chi bộ sẽ kiêm làm thôn phó còn trưởng thôn kiêm làm phó Bí thư chi bộ. Tại xã Xuân Lộc, sau khi sáp nhập, từ 9 thôn xuống còn 6 thôn, thành lập 3 thôn mới. 3 thôn mới với 3 bí thư chi bộ mới và 3 trưởng thôn mới. Việc bầu cử trưởng thôn ở 3 thôn mới này đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Theo ông Trương Danh Tưởng, Bí thư Đảng bộ xã Xuân Lộc, sở dĩ việc bầu cử được thuận lợi là do Đảng đã lựa chọn đúng người nên khi đưa ra dân đã được 100% phiếu tán thành. Ông nói: “Nếu giới thiệu nguồn tốt thì chắc chắn sẽ được lòng dân. Ngay cả khi có một số ý kiến cho rằng, chức danh chủ chốt ở thôn mới thì nên lấy bí thư và trưởng thôn ở 2 thôn cũ, tức mỗi thôn sẽ có một người được vào vị trí ở thôn mới nhưngquan điểm của Đảng bộ là lấy người làm được việc chứ không nặng về cơ cấu, phải lựa chọn được những con người có đức, có tài để vì công việc, vì trách nhiệm...”.

Còn tại xã Yên Lạc (Yên Định), sau khi sáp nhập 10 thôn để thành 6 thôn, 6 thôn này đều tiến hành nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện chỉ thuận lợi ở 4 thôn còn 2 thôn: Phác Thôn 2 và Châu Thôn 1 lại gặp nhiều khó khăn. Vấn đề nằm ở chỗ do công tác nhân sự không đảm bảo nên không đáp ứng được yêu cầu nhất thể hóa. Riêng đối với thôn Phác Thôn 2, sau khi tiến hành bỏ phiếu bầu trưởng thôn, số phiếu chỉ đạt 23%. Như vậy, thôn này đã không nhất thể hóa được chức danh. Ông Lê Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: “Đây là một điều đáng tiếc. Nếu chi bộ không chọn được con người tốt để đảm nhiệm cả 2 chức danh thì việc bầu cử trưởng thôn sẽ gặp khó khăn hơn. Đảng định hướng nhưng phải tuân thủ thực hiện theo quy tắc dân chủ còn nếu cứ áp đặt, nóng vội sẽ gây bức xúc ngay. Ý Đảng phải hợp với lòng dân, khi ý Đảng mà không hợp lòng dân thì việc bầu cử cũng sẽ khó thành”.

Từ 10 thôn giảm còn 6 thôn, với 6 chức danh trước khi sáp nhập thì sau sáp nhập xã Yên Lạc sẽ còn lại 5 chức danh tại thôn, theo đó ngân sách giảm chi được 336.856.000 đồng/1 năm, số lượng cán bộ hoạt động tại thôn giảm 36 người.

Chức danh và phụ cấp

Từ việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, theo Chủ tịch xã Yên Lạc Lê Văn Quân thì cái được nhất đó là nâng cao trách nhiệm của người giữ chức danh này, tránh được tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc. Tuy nhiên, dù nhất thể hóa hay không, thì sau sáp nhập thôn đồng nghĩa với sự ra đời của thôn mới, tổ chức bộ máy mới, số hộ tăng, công việc tăng và phụ cấp tăng. Phụ cấp tăng cũng đồng nghĩa với việc bí thư chi bộ, trưởng thôn đã được trả công xứng đáng hơn?

Sau 8 năm làm Bí thư chi bộ ở thôn Phác Thôn 1 (cũ) của xã Yên Lạc, bà Trịnh Thị Hà lại tiếp tục được bầu là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Phác Thôn 1 (mới) sau khi thôn Phác Thôn 1 và ½ thôn Phác Thôn 2 sáp nhập lại. Sau gần 1 tháng nhận nhiệm vụ mới, bà Hà đã tổ chức họp thôn 2 lần để triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa, phòng, chống thiên tai... Bà chia sẻ: “Nhiệm vụ nhiều hơn, đi nhiều hơn, truyền tải nhiều hơn. Đảng giao, dân bầu, vất vả mấy cũng phải làm tròn trách nhiệm. Còn vấn đề phụ cấp, với tôi, được thêm tí nào là quý tí đó...”.

Và với chức danh bí thư kiêm trưởng thôn như bà Hà, tới đây, nếu thực hiện theo phương án 2 của Sở Nội vụ về quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách, ngoài việc được hưởng hệ số 1,45 sẽ được cộng thêm 30% phụ cấp kiêm nhiệm, thì số tiền lương sẽ rơi vào khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Nếu không nhất thể hóa, thì bí thư và trưởng thôn sẽ được hưởng hệ số 1,45, tương đương với khoảng 1,8 triệu đồng/1 người/tháng.

Ông Nguyễn Đình Sinh, Trưởng thôn Phú Mỹ 1, xã Xuân Lộc (Hậu Lộc) cho rằng: “Khi được tiếp tục bầu làm trưởng thôn ở thôn mới, tôi chỉ quan niệm một điều là còn sức khỏe là còn làm. Dân có tin thì dân mới bầu nên đừng phụ lòng dân. Nâng mức phụ cấp là vui, nhưng cố gắng tăng phù hợp để động viên chúng tôi nhiều hơn”.

Theo mục tiêu của đề án, đến 30/6/2018, toàn tỉnh sẽ giảm từ 1.200 đến 1.300 thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, có thể sáp nhập, làm giảm 1.486 thôn, tổ dân phố. Qua đó, hằng năm, ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng kinh phí chi trả cho những người hoạt động không chuyên trách và các tổ chức chính trị- xã hội ở thôn, tổ dân phố.

Vượt mục tiêu của đề án, công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình thực hiện đề án, còn là những cách làm hay, là sự năng động, sáng tạo để vượt khó và để đi đến cái đích cuối cùng là có được sự đồng thuận của nhân dân. Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Ấp rút ra bài học kinh nghiệm: “Theo tôi, nếu có vướng mắc hay không được dân đồng thuận sáp nhập, lỗi không phải ở dân, đừng đổ hết cho dân mà cái gốc của vấn đề là nằm ở trong nội bộ chi bộ. Nhân dân rất tốt nhưng một bộ phận cán bộ có tư tưởng lồi lõm, vun vén lợi ích cá nhân, cố tình tuyên truyền sai chủ trương của Đảng. Thứ hai là phải làm thấu đáo, chặt chẽ trong Đảng bộ, chi bộ, lãnh đạo chi ủy. Phải làm dân chủ, phải phát huy quyền làm chủ của quần chúng nhân dân. Thứ ba là phải làm tập trung, quyết liệt, thống nhất từ trên xuống dưới”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn, ông Nguyễn Đình Thông cũng cho rằng: “Phải để dân hiểu được chủ trương, đây là quan trọng số 1. Và khi lựa chọn nhân sự phải thật sự khách quan và đồng thời phải đảm bảo uy tín với nhân dân”.

Giám đốc Sở Nội vụ, ông Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh: “Việc tổ chức triển khai sáp nhập thôn, tổ dân phố giúp tăng quy mô các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, góp phần kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố mạnh về số lượng, chất lượng... Đồng thời phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, xóa đói, giảm nghèo... Quan điểm trong việc thực hiện sáp nhập thôn là không được duy ý trí mà phải thực hiện trên cơ sở thực tế, khoa học và sự đồng thuận của nhân dân. Giảm 1.486 thôn, tổ dân phố, đây là một sự cố gắng hết sức lớn của tỉnh. Ngay sau khi có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về thành lập thôn, tổ dân phố mới, các huyện, thị, thành phố sẽ tiến hành thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố. Và chắc chắn sẽ không tránh khỏi một số khó khăn sau sáp nhập, tuy nhiên cái khó lớn nhất đã làm được đó là có được sự đồng thuận của nhân dân thì những vấn đề khác, tôi tin chúng ta cũng sẽ vượt qua để tiếp tục giành thắng lợi”.

Ông Trần Quốc Huy - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Trong tương lai, Thanh Hóa sẽ làm triệt để nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm trưởng thôn. Trong sáp nhập thôn, công tác cán bộ lại càng phải được đặt lên hàng đầu. Phải chọn những con người có tâm, có tầm và có sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ khi chọn được cán bộ tốt, khi chế độ đãi ngộ tương xứng thì họ mới làm tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]