(vhds.baothanhhoa.vn) - Xung quanh vấn đề sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đầu Thanh Tùng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sáp nhập thôn, tổ dân phố: Mừng nhưng còn nhiều trăn trở (Kỳ cuối): Thanh Hóa nỗ lực sáp nhập thôn, tổ dân phố

Xung quanh vấn đề sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo VH&ĐS đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đầu Thanh Tùng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa.

Phóng viên: Thưa đồng chí, sáp nhập thôn, tổ dân phố là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, cái khó hiện nay mà nhiều địa phương đang rất lúng túng đó là việc “ứng xử” như thế nào với những nhà văn hóa không còn sử dụng được nữa và quan trọng là lấy nguồn kinh phí ở đâu để xây những nhà văn hóa mới đáp ứng cho việc sáp nhập. Tỉnh sẽ xử lý vấn đề này ra sao?

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Thôn và tổ dân phố phải có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và ổn định cuộc sống của người dân. Do đó trường hợp các thôn, tổ dân phố trước khi sáp nhập đã có nhà văn hóa - khu thể thao mà vẫn đáp ứng được sinh hoạt của cộng đồng dân cư thì tiếp tục sử dụng. Trường hợp chưa có hoặc sau khi sáp nhập không thể sử dụng được nữa cần cải tạo hoặc xây dựng mới thì trong đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn đã dự kiến cụ thể vị trí, diện tích và nhu cầu kinh phí cần để xây dựng mới hoặc cải tạo lại và báo cáo trong Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố của từng địa phương để tổng hợp. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh cũng như của từng địa phương.

Thực tiễn tại các địa phương làm thí điểm đã chứng minh không có sự lãng phí hay bỏ không nhà văn hóa sau khi sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố. Nhiều địa phương đã chủ động thay đổi công năng của nhà văn hóa để phục vụ các hoạt động khác của cộng đồng dân cư hoặc cho đấu giá quyền sử dụng đất đối với nhà văn hóa không sử dụng đến, tạo nguồn kinh phí để cải tạo, xây dựng mới nhà văn hóa cho phù hợp với quy mô của thôn, tổ dân phố sau sáp nhập.

Phóng viên: Trong sáp nhập thôn, tổ dân phố, những yếu tố như địa hình, phong tục, tập quán ảnh hưởng không nhỏ đến việc sáp nhập. Bên cạnh đó đã có những cán bộ suy nghĩ lệch lạc, như “con sâu quấy rầu nồi canh” đã làm cho việc sáp nhập trở nên khó khăn hơn. Cụ thể là có một bộ phận cán bộ thôn sợ mất chức nên họ đã tuyên truyền không đến nơi đến chốn, cố tình để dân hiểu sai chủ trương của Đảng. Đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Trong quá trình sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố cũng có một số trường hợp như đã nêu, nhưng đây chỉ là những trường hợp rất hạn hữu và không phổ biến. Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh cũng đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố; xem đây là nội dung quan trọng góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách; giúp giảm chi ngân sách; nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã và hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh; từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Thực tế quá trình triển khai thực hiện cho đến nay có thể khẳng định việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của cử tri và nhân dân trong tỉnh, thể hiện ở kết quả đã vượt mục tiêu đề ra.

Phóng viên: Thực tế, có những cán bộ thôn rất muốn được đóng góp tiếp mà không màng đến phụ cấp, nhưng cũng có cán bộ thôn muốn nghỉ vì cho rằng thêm công việc mà phụ cấp tăng không được nhiều. Theo đồng chí, sự điều chỉnh về mức phụ cấp của tỉnh tới đây đã là phù hợp hay chưa?

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Cùng với quá trình sáp nhập thôn, tổ dân phố, Sở Nội vụ cũng đã tham mưu, báo cáo UBND tỉnh (Phiên họp tháng 4/2018) Phương án Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, đã đề xuất tăng 0,5 hệ số/tháng cho 02 chức danh: Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, tổ dân phố (từ 0,9 hệ số lên 1,4 hệ số/tháng); tăng từ 0,2 - 0,3 cho các chức danh còn lại. Đồng thời để khuyến khích kiêm nhiệm, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách, Sở cũng đã đề xuất tăng phụ cấp kiêm nhiệm từ 30% lên 40%, qua đó góp phần tăng đáng kể mức phụ cấp của Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn, tổ dân phố. Như vậy, nếu được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh thống nhất thì với mức phụ cấp dự kiến như trên sẽ góp phần khuyến khích, động viên những người hoạt động không chuyên trách yên tâm công tác, đóng góp cho địa phương.

Phóng viên: Công tác cán bộ là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc sáp nhập thôn, tổ dân phố. Chủ trương của tỉnh là nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm trưởng thôn, nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng thực hiện được do chưa đáp ứng được công tác nhân sự. Nhiều địa phương cho rằng, sáp nhập mà 1 cán bộ đảm nhận 2 chức danh là vô cùng khó. Nếu không nhất thể hóa thì có điều gì đáng để lo ngại?

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Việc nhất thể hóa Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn, tổ dân phố là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tại Phương án Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; ở thôn, tổ dân phố; Sở Nội vụ cũng đã đề xuất cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố để tránh việc chính quyền cấp xã giao nhiều việc xuống thôn, tổ dân phố thực hiện, đưa thôn, tổ dân phố thành nơi giải quyết các công việc hành chính của cấp chính quyền, không đúng với bản chất là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư. Mặt khác, nếu được thông qua, dự kiến phụ cấp của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn, tổ dân phố khi thực hiện nhất thể hóa sẽ là 1,96 hệ số/tháng đã cơ bản đảm bảo tương quan với các nhóm đối tượng khác đang hưởng phụ cấp từ ngân sách; phù hợp với nhiệm vụ, khối lượng công việc sau khi nhất thể hóa.

Phóng viên: Thanh Hóa vượt mục tiêu của Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố là một thành công lớn. Theo lộ trình, tỉnh sẽ thực hiện theo Thông tư 09, ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ, như vậy số thôn, tổ dân phố giảm không chỉ dừng ở con số 1.462. Đây thực sự sẽ là một kỳ vọng lớn?

Đồng chí Đầu Thanh Tùng: Sau khi thẩm định hồ sơ, đề án sáp nhập thành lập thôn, tổ dân phố của các địa phương, toàn tỉnh đã giảm được 1.462 thôn, tổ dân phố, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra (giảm từ 1.200 - 1.300 thôn, tổ dân phố); góp phần tăng quy mô của thôn, tổ dân phố trung bình của tỉnh từ 162 hộ, 628 nhân khẩu lên 214 hộ, 832 nhân khẩu (cao hơn tiêu chí của Đề án); đã thể hiện đây là một chủ trương đúng đắn nên có sự đồng thuận cao; đồng thời cũng ghi nhận sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Trong thời gian tới, để tổ chức thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kế hoạch hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tiến hành khảo sát, nghiên cứu đề xuất triển khai việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố có quy mô dân số, diện tích chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]