(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngôi đền nho nhỏ, nằm lặng lẽ dưới tán rừng nơi đỉnh Đầu Voi thuộc dãy núi Trường Lệ. Đền Cô Tiên, một trong những điểm du lịch tâm linh của TP Sầm Sơn, được xây dựng vào thời Lý. Hàng trăm năm dãi dầu mưa nắng, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, dù qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính, trầm mặc và thanh tịnh bên vụng Ngọc, vụng Tiên.

Thăm đền Cô Tiên

Ngôi đền nho nhỏ, nằm lặng lẽ dưới tán rừng nơi đỉnh Đầu Voi thuộc dãy núi Trường Lệ. Đền Cô Tiên, một trong những điểm du lịch tâm linh của TP Sầm Sơn, được xây dựng vào thời Lý. Hàng trăm năm dãi dầu mưa nắng, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, dù qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính, trầm mặc và thanh tịnh bên vụng Ngọc, vụng Tiên.

Thăm đền Cô Tiên

Ảnh minh họa.

Cụ từ trông đền bảo với tôi các cụ nhà ta ngày xưa tinh tường lắm. Chọn ngay Đầu Voi để xây đền, hướng mặt ra biển, lưng tựa vào núi, mỏm đá đền ngự trông như con voi cúi đầu uống nước. Tôi không biết về mấy ông thầy địa lí, nhưng tôi biết nếu ngồi thiền ở nơi này thì sẽ rất tuyệt, bởi có cả nắng, gió, hương rừng và yên tĩnh chốn thiêng để người thiền mở hồn mình với trời đất.

Bỏ lại con phố Nguyễn Du sầm uất phía sau, con đường quanh co thảm nhựa dẫn lên núi Trường Lệ đã cho tôi thấy một Sầm Sơn rất khác, một Sầm Sơn rất mát, một Sầm Sơn tĩnh lặng và mướt mát xanh. Con đường rợp bóng với những cây thông trăm năm tuổi, những cây xà cừ lực lưỡng như cảnh vệ đứng nghiêm trang hai bên đường, những rừng sưa, rừng keo, xoan rừng, bằng lăng… loang nắng dưới trời chiều tháng năm. Chậm rãi lướt qua bóng nắng, tôi mê mẩn với những rừng keo lá nhỏ dong dỏng cao lao xao nghiêng mình theo gió. Đi bộ dưới tán rừng chắc sẽ thích lắm, bởi không chỉ mát, không chỉ trong lành, không chỉ thoang thoảng hương thơm của các loài hoa mà còn nghe được tiếng hót của hàng trăm loài chim mải mê hát dưới vòm lá xanh.

Điều đặc biệt của đền Cô Tiên so với các danh thắng du lịch tâm linh khác của Sầm Sơn tôi nghĩ là vị trí tọa lạc đắc địa. Nơi này đủ cao để có được bầu không khí trong lành, đủ xa để có được không gian yên tĩnh, không bị âm thanh ồn ã của phố phường làm phiền. Nằm thoáng đãng trên hòn Đầu Voi ở phía tây Nam dãy núi Trường Lệ, vào ngày trời trong đứng ở sân đền chính có thể nhìn thấy Hòn Mê, cả vùng biển Nghi Sơn và bãi biển hoang sơ chang nắng của làng chài Vinh Sơn, nơi thuyền và bè mảng gối đầu lên bờ cát say giấc sau những ngày lênh đênh trên biển.

Đền Cô Tiên đủ sức giữ chân lữ khách thập phương ở lại lâu hơn thay vì chỉ đến thắp nhang cầu khấn rồi rời đi. Cũng bởi trước đó từ bãi tắm lên đền thờ Tô Hiến Thành, đền Độc Cước, lên Vườn hoa tình yêu, đến chiêm ngưỡng Hòn Trống Mái… đã khiến ta chồn chân, mỏi gối, thì tiền sảnh của đền chính, đền cô Bơ và sân chầu của lầu cô Chín là nơi để nghỉ ngơi lấy lại sức. Ngồi lại nơi đây ta có được cảm nhận đủ đầy về một Sầm Sơn vừa ồn ào, náo nhiệt nhưng cũng vừa tĩnh lặng, an yên. Gió xua tan đi mỏi mệt, cảnh vật cho ta được thỏa mãn đam mê thu cả đất trời và biển cả bao la vào tầm mắt, điều này có lẽ chỉ khi đến đền Cô Tiên mới có được.

“Với tầm nhìn của một nhà chính trị, nhà quân sự thiên tài thì việc Ông Cụ về nghỉ ở đây hai ngày chắc hẳn là có nhiều sự tính toán. Từ sân của đền chính phóng tầm mắt về phía biển có thể Ông Cụ đang nghĩ đến một con đường trên biển. Tôi đoán vậy, và thực tế lịch sử đã cho thấy chúng ta đã có con đường Hồ Chí Minh trên biển góp phần to lớn đưa khí tài, vật lực vào chiến trường miền Nam đấy thôi. Ông Cụ tài thật…”, ông từ trông đền cứ thao thao bình luận với tôi chuyện Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ ba, năm 1960. Để cho lời bình thêm thuyết phục ông từ còn đứng mô phỏng lại dáng đứng của Bác như găm ánh nhìn vào biển, ánh mắt đầy ưu tư trong không gian yên tĩnh và thoáng đãng giữa một ngày tháng 7 đầy nắng và gió nơi sân đền Cô Tiên năm đó. Một chiều tháng 5 đầy nắng và gió được nhàn đàm thế sự với ông từ trông coi nhang đèn của đền, giữa chốn linh thiêng, lồng lộng gió biển và thoang thoảng hương rừng này cũng thú lắm.

Năm đó, khi nói về phát triển du lịch Sầm Sơn, Bác bảo “Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải…”. Tôi tự hỏi, có phải ý tưởng về một tuyến du lịch ra đảo Mê được hình thành khi bác đứng ở sân đền Cô Tiên hướng cái nhìn về phía đảo? Nghĩa là khi Bác nhìn thấy con đường trên biển cũng là lúc Bác đã nghĩ đến ngày thắng lợi? Bác đã thấy được viễn cảnh một đảo Mê từ thành trì vững chãi trong chiến tranh sẽ thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, nếu biết cách khai thác Thanh Hóa “sẽ thu được nhiều của cải…”? Đó thực sự là tầm nhìn của một vĩ nhân!

Ánh trời chiều nhuộm đỏ những gợn sóng trong ngày biển lặng, dưới chân núi nơi vũng ổ rùa, từng lớp sóng vẫn cuộn mình rì rầm vỗ vào ghềnh đầu rùa tung bọt trắng, gió từ biển và tiếng xào xạc của rừng, mùi nhang vòng cụ từ vừa thắp thoang thoảng, tôi thấy tâm mình lặng lại, thấy hồn mình nhẹ bẫng, lòng mình an yên, cảm giác như thời gian nơi này trôi đi thật chậm. Tôi rời đền trong một buổi chiều muộn, một buổi chiều ngưng đọng lại nhiều xúc cảm và ngẫm ngợi nơi sân đền Cô Tiên ngự trên đỉnh Đầu Voi.

NGUYỄN HẢI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]