Thân phận tình yêu

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thân phận tình yêu

- Chỉ 2 năm thôi em, mình lại gặp nhau.

- Chắc không? Em nghe mấy chú bác nói xem chừng chỉ trên giấy tờ, chứ bên họ không lẽ nào thỏa hiệp...

- Mà nếu 2 năm không xong, thì cách gì anh cũng vào với má con em. Chắc trung thu này... Anh không kịp nhìn mặt con. Em nhớ nhé, con gái hay con trai gì cũng đặt tên Trung Thu.

Cuộc chia tay của cặp vợ chồng trẻ này gần như lẫn vào rất nhiều cặp khác cũng đang bịn rịn nơi khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười, Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp) theo Hiệp định đình chiến Genève năm 1954, và đây là chuyến tàu Ba Lan

Kilanhsky chở một số đơn vị bộ đội miền Nam ra tập kết ngoài Bắc. Chỉ có khác hơn chút, anh là một chỉ huy đội quân Nam tiến vào tăng cường cho Nam bộ ngay sau ngày “Toàn quốc kháng chiến”, và người con gái là tiểu thư Tây học con nhà kỹ sư canh nông danh tiếng ở Rạch Giá, theo kháng chiến và họ nên vợ nên chồng trong bưng biền... một mối tình đẹp như thơ như nhạc... Vâng, người chỉ huy bộ đội Nam tiến tên Thơ còn là một cây bút kháng chiến và cô tiểu thư tên Bình là một nhạc sĩ biết chơi nhiều loại đàn...

Đúng như dự đoán, gấp nhiều thời hạn 2 năm trôi qua, 10 năm rồi 12 năm..., không có hiệp thương, không có thống nhất, không những thế, phía chính quyền Sài Gòn còn đẩy cuộc chia cắt hai miền vào những cam go khốc liệt của một cuộc chiến mới khi bắt tay đế quốc Mỹ cùng với sự có mặt hơn nửa triệu quân nhân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Và khi này thì không chỉ có cặp vợ chồng trẻ Bình - Thơ sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam” hay “ngày Nam đêm Bắc”...

Ở ngay giữa trung tâm Sài Gòn trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), nằm khuất sau cánh cổng sơn trắng khá cao trồng đầy dây hoa màu hồng là ngôi biệt thự xinh xinh lợp ngói đỏ theo phong cách Pháp đầu thế kỷ 20 của ông kỹ sư canh nông người Rạch Giá, từng giữ một chức vụ trong chính phủ Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa. Nhà có ba cô con gái xinh đẹp tài giỏi nức tiếng, nhưng sống khá kín đáo. Cô Hai là cô giáo dạy đàn piano và chỉ dạy tại gia cho các con gái nhà quyền quý, cô Ba thì sau khi lấy bằng Tú tài bên Pháp lại sang London học nhạc, trở về Sài Gòn, nhưng rồi lại không thấy ở nhà. Cô Út xinh đẹp nhất nhà, giỏi ngang như hai cô chị, nghe đâu đã gả chồng từ thời dưới quê, nhưng chồng lại biệt tăm, cô lên Sài Gòn ở nhà cùng ba má, có một cô con gái đặt tên Trung Thu. Vâng! Cô chính là cô tiểu thư tên Bình.

Trung Thu lên 10 tuổi, cô bé cứ hay hỏi ngoại và dì Hai ba mình đâu, vì ở trường các bạn ai cũng có ba. Cô bé không dám hỏi má Bình, vì nhớ có lần hỏi, thấy má khóc rồi nằm bệnh luôn mấy bữa. Ngoại và dì luôn trả lời ba đang đi học ở xa, giống dì Ba, mai mốt rồi ba về... Rồi có một ngày, trong nhà xuất hiện một người đàn ông cao lớn, giọng nói nhỏ nhẹ, gương mặt sáng nhưng hơi khắc khổ, và má nói với Thu đó là ba vừa trở về. Có một chút gì chưa thông lắm trong trí óc của Thu, nhưng ngoại và dì Hai ngầm ý ra chiều nói Thu nghe lời má, và cũng kêu người đàn ông đó là “dượng Út”, mặc nhiên là ba của Thu rồi.

“Dượng Út”, thật ra không phải người chỉ huy Nam tiến tên Thơ, mà tên Lê, một cán bộ tình báo chiến lược của ta vừa được “đánh” vào Sài Gòn, chỉ huy mạng lưới cơ sở cách mạng, có nhiệm vụ xây dựng lại các đầu mối giao liên sau khi bị Tổng thống Ngô Đình Diệm với Luật 10/59 gần như xóa trắng. Để hợp thức hóa sự có mặt của Lê ở Sài Gòn, Trung ương Cục đã tìm cách móc nối với Bình và gia đình, một gia đình trí thức có tiếng tăm và địa vị xã hội, vì biết gia đình vẫn luôn có cảm tình với cách mạng, cô Ba là nhạc sĩ hiện sống ở Hà Nội, bản thân Bình cũng vẫn bí mật liên lạc với người của bên Giải phóng, để dò hỏi thông tin người chồng đi tập kết bặt tin từ ngày ấy, cô biết có nhiều đoàn quân Giải phóng đang từ ngoài Bắc vào Nam. Rồi có một hôm, cô nghe được tin người chồng mình nhớ thương bấy lâu đã lấy vợ ngoài Bắc, có con, họ sống hạnh phúc... Cả một cơn giông, cơn bão, cơn mưa ập xuống xối xả trong trái tim cô, như cắt xé, vò nát từng mảnh tim rướm máu... Giống như một sự buông xuôi, cô ngay lập tức đồng ý với “kịch bản” vợ chồng mà Trung ương Cục gợi ý. Và rồi, Lê đã vào “vai” người chồng của Bình trong ngôi biệt thự, một vỏ bọc tưởng chừng khá êm ái, nhưng không hề dễ chịu với người trong cuộc, khi tình yêu của Bình với người chồng của mình vẫn sâu nặng đến đau đớn trong xa cách và nghi ngờ sự chung thủy. Và Lê, anh cũng có tình yêu sâu sắc với một thiếu nữ Hà Nội, có nhiều lúc tự xỉ vả mình phản bội tình yêu khi đáp lại một cử chỉ ngọt ngào với Bình...

Sau gần 10 năm Nam tiến, lên tàu tập kết ra Bắc, Thơ mới trở về quê nhà. Bố mẹ trông tin anh mòn mỏi, có lúc tưởng chừng không đợi được nữa, thì khi anh xuất hiện trước cổng nhà, lành lặn, nguyên vẹn, vẫn cao lớn ngời ngợi, lại rắn rỏi uy phong hơn xưa... Rất nhanh, hai ông bà ngay lập tức giới thiệu cho anh cô gái hàng xóm, mà gần 10 năm nay, dù chưa làm dâu cũng đã luôn chăm sóc bố mẹ anh tận tình những năm gian khổ. Anh chưa kịp nói với bố mẹ việc anh đã có người vợ trong Nam, và có con..., thì ngay đêm đó, có lẽ vui quá khi gần như cả làng tới nhà mừng và chuốc rượu cho anh, để đến khi tỉnh rượu, anh tái mặt chứng kiến cảnh cô gái hàng xóm ngồi ngay bên cạnh giường khóc rấm rứt. Bố mẹ anh mặt mũi hớn hở, thúc anh mau mau mang cơi trầu sang nhà người ta thưa chuyện. Ba ngày sau là một đám cưới tưng bừng. Rồi cũng ngay sau đêm tân hôn đó, anh quay trở lại đơn vị, lấy cớ bận công tác, không về quê, mặc bao lời nhắn gửi của bố mẹ, nhưng người vợ ở quê cũng kịp hoài thai, sinh cho anh một đứa con trai. Trong anh, càng thắt ruột thương đứa con miền Nam, không biết là trai hay gái, và càng the thắt nhớ đến người vợ miền Nam của mình giờ không biết ra sao vì cũng không tin tức gì từ ngày ấy, chỉ biết là má con đã về Sài Gòn ở cùng ông ngoại.

Rồi có lẽ vì quá nhớ thương hai má con ở miền Nam, và áp lực trách nhiệm không thể chối bỏ với mẹ con người vợ do bố mẹ cưới, anh rơi vào những cơn trầm cảm và tuyệt vọng... Sau cùng anh ra khỏi đơn vị chiến đấu và được chuyển về một cơ quan văn nghệ. Thay đổi môi trường, anh viết như xả những năng lượng tích tụ bao năm. Nhiều tác phẩm được ra đời, tên của anh cũng vì thế được nhắc nhiều trong giới như một người trẻ tài năng... Nhưng càng viết, càng nổi tiếng, anh càng nhớ má con Bình đến trĩu nặng, nhất là mỗi khi về quê thăm bố mẹ, nhìn đứa con trai quấn bên cạnh, càng tức tưởi xót cho đứa con chưa biết mặt ở Sài Gòn thiếu hơi ấm của cha.

Tình hình miền Nam cũng đang vào thời kỳ “dầu sôi lửa bỏng” kể từ khi Mỹ dựng kịch bản lật đổ chính phủ Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa do anh em nhà họ Ngô thao túng, và đưa Nguyễn Văn Thiệu lên làm Tổng thống nền Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa, mở rộng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” khắp toàn cõi Đông Dương. Ngày 18-4-1966, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam họp quyết định triển khai xây dựng “Kế hoạch chiến lược từ hè 1967 đến hè 1968” trên cơ sở “Đề án kế hoạch chiến lược năm 1967” đã được xây dựng trước đó. Và năm 1967 sau hơn hai năm chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, quân và dân ta vẫn giữ vững quyền chủ động về chiến lược. Đoàn quân tăng cường cho miền Nam có một đội quân đặc biệt gồm các nhà văn, nhà báo, nhà làm phim điện ảnh..., trong đó có Thơ. Xuyên rừng vượt qua dãy Trường Sơn hơn một tháng trời đoàn quân đã tới được ven đô Sài Gòn. Thơ đang sống với tâm trạng háo hức, mong mỏi được gặp mặt hai má con, được ôm trong vòng tay người vợ bé bỏng và đứa con mang tên Trung Thu chưa biết là trai hay gái...

Cứ ngỡ chỉ chốc lát đợi giao liên trong thành ra là có thể chớp mắt thỏa nỗi chờ đợi nhớ thương quặn thắt ruột gan của hơn 4.735 đêm khắc khoải xa nhau. Chỉ một chút nữa thôi mà sao bồn chồn đến ngợp thở... Thơ đã sắp xếp trong đầu, khi vào tới Sài Gòn, đến nhà một cơ sở, anh sẽ bí mật đến ngôi biệt thự tìm gặp hai má con trong bất ngờ..., đã hình dung ra gương mặt đẹp như Đức Mẹ của Bình dụi vào ngực anh như ngày đó và mường tượng gương mặt đứa con, chắc nó sẽ rất giống mình. Nó sẽ ôm mình chầm vập, kêu ba, ờ mà giờ tính ra cũng lớn rồi, một thiếu nữ xinh đẹp hay một thiếu niên anh tuấn...

Hình như có một bàn tay sắp xếp vô hình, không thể lý giải nổi, hay muốn đẩy nỗi đau đến tận cùng, hay sự thử thách những số phận, đúng lúc giờ hẹn tới thì Thơ hay tin là cô giao liên được cử đi đón anh đã trúng mìn và hy sinh. Rồi không thể chờ thêm một chuyến giao liên khác vào Sài Gòn, theo phân công, Thơ được cử xuống Khu 9 - miền Tây Nam Bộ, “nằm” ở những vùng mới giải phóng, lấy chất liệu cho các tác phẩm văn học phục vụ cuộc chiến đang còn tiếp diễn...

Cũng đã gần 4 năm Bình và Lê sống trong mối quan hệ từ giả thành thật. Lê được sự giúp đỡ của gia đình Bình, với vai chàng rể của một quan chức trong chính quyền Sài Gòn, Lê cũng có được công việc trợ lý trong một Nha dân sự, như một vỏ bọc an toàn, công việc lại khá nhàn nhã, chủ yếu là các cuộc giao tiếp lễ lạt trong giới quan chức... Nhiệm vụ được giao cũng hoàn thành, mọi cơ sở và đường dây xem ra đã đi vào hoạt động hiệu quả. Lê được lệnh nằm im, vì sắp tới sẽ có nhiệm vụ mới, trên cho biết chuẩn bị có chiến dịch lớn. Chính lúc này, Lê mới cảm thấy chênh vênh trong tình cảm.

Thời gian có sự nhẫn nại và kiên trì, chính những dịu dàng thuần hậu của Bình, cùng cách cư xử rất cảm thông đầy tinh tế ý nhị của người chị Hai và người cha, Lê dần dần thấy có lúc trái tim mình xao động, nhất là khi Lê - Bình cùng đưa Trung Thu đi chơi công viên, hay trong các tiệc sinh nhật gia đình, cảm giác ấm áp thân thương là có thật... Rồi đôi lúc những chăm sóc kín đáo của Bình đến Lê khi anh bệnh, hay vài cử chỉ nho nhỏ quan tâm lo lắng mỗi khi anh đi công việc về muộn, hay có lần đưa Trung Thu đi Sở thú Sài Gòn chơi, lúc ngồi xuống ghế nghỉ mệt, bỗng dưng Bình ngả đầu dựa vào vai Lê..., ngay lúc đó tim Lê như đánh trống, có một ngọn lửa nhỏ đang le lói, đang cố tình nhen lên.., rồi như vô thức hay tiềm thức, Lê đưa tay vuốt nhẹ tóc Bình... Ừ, mà mấy năm trời, mang tiếng chung nhà, chung phòng, thậm chí chung giường, nhưng thật lạ, họ chưa hề bao giờ chạm vào nhau. Nói thì khó tin, nhưng có lẽ cả hai đều có tình yêu sâu nặng của riêng mình, nên trong thâm tâm họ luôn nghĩ vì nhiệm vụ mà phải như thế, và họ quyết giữ sự thanh sạch để tôn trọng tình yêu của nhau.

Lê nhớ có một đêm chợt thức giấc, thấy Bình hình như đang khóc phía bên kia đầu giường, biết là cũng khó mà ngủ lại, và cũng muốn tìm hiểu quan tâm một chút, Lê ngập ngừng hỏi khẽ:

- Có chuyện gì không vui sao em?

- Anh nghĩ sao về sự chung thủy của đàn ông?

- Anh tin có đàn ông chung thủy.

- Chung thủy trong bao lâu?

- Nhưng sao em lại hỏi vậy? Em có tin tức gì về chồng em?

- Dạ, tin thì nghe đã lâu, là ảnh đã cưới vợ ngoài ấy, có con ngoài ấy. Và chắc quên má con em rồi. Em nhớ ngày chia tay tạm biệt ảnh lên tàu tập kết, ảnh còn hứa chắc, cho dù 2 năm mà không xong, ảnh cũng sẽ tìm cách vào Nam với má con em. Hôm trước em có ra cứ, nghe nói ngoài đó đang đổ quân vào nhiều lắm, mà sao không thấy ảnh vào, em có hỏi thăm, họ nói không nghe thấy tên đó... Chắc ảnh quên má con em rồi.

Nhìn Bình trong nét mặt buồn sâu thăm thẳm, trong Lê trào lên nỗi xót xa thương cảm, như một vô thức, Lê xích lại gần và choàng tay ôm Bình vỗ về, và cũng như không còn gì để bám víu, Bình ngả vào ngực Lê, tìm một nhịp đập sẻ chia...

Bình đâu có biết Thơ đã vào gần mấp mé Sài Gòn, đã sắp gặp hai má con cô, nhưng rồi vì một sự cố giao liên mà cho tới lúc này, Thơ vào Nam đã hơn nửa năm mà chưa về lại Sài Gòn, vẫn ở dưới Khu 9, và từ đó là hàng loạt tác phẩm từ truyện, bút ký, ghi chép được viết, được đưa lên Đài Phát thanh Giải phóng, và in trên nhiều ấn phẩm báo chí.

Mậu Thân 1968. Thơ ăn Tết ở Trà Vinh trong một tâm trạng gần như rã rời về tinh thần, dù Trung ương Cục đã thông báo khắp mặt trận, sắp mở chiến dịch lớn, và lệnh Tổng tiến công toàn miền Nam sẽ vào đúng đêm giao thừa, sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng truyền đi thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không phải Thơ xuống tinh thần vì gian khổ hay vì hy sinh, mà vì cảm giác mình đang bị phản bội tình yêu. Đúng vào đêm Noel, khi cả phía Giải phóng và Quân đội Sài Gòn hựu chiến vài ngày cho bà con làm lễ Giáng sinh, Thơ xin phép và đã về tới căn cứ Dương Minh Châu ở Tây Ninh, đã móc nối với giao liên để vào Sài Gòn. Thơ nóng ruột muốn được gặp má con Bình - Trung Thu, vào Nam hơn nửa năm, đi xuống Khu 9, ngày nào Thơ cũng thầm nhắc tên hai má con, mong lắm được ôm cả hai trong vòng tay, cho thỏa sự xa nhớ ngót 5.000 đêm... Thì cũng ngay ở cứ, khi Thơ đang chờ giao liên tới dẫn đường cho mình, vô tình bắt chuyện với một cán bộ vừa từ nội thành Sài Gòn ra cứ vì bị lộ, lan man một hồi, bỗng dưng Thơ buột miệng hỏi có biết ngôi biệt thự trên đường Lê Văn Duyệt quận Nhất?

- Biết chớ, nhà đó có cô giáo dạy đờn piano cho con gái Tổng thống Thiệu, và các con gái quan chức cao cấp khác, ai mà không biết.

- Vậy chứ trong nhà có mình cô đó sao?

- Đâu nào, ngoài ông già, còn có cô em đẹp như Mẹ Maria, có ông chồng làm công chức chính quyền Sài Gòn?

- Sao biết là chồng cô em?

- Trời, dân Sài Gòn, làm gì hổng biết gia đình danh thế đó.

Thơ váng vất, một điều gì đó mơ hồ len lỏi, một điều gì đó như một mũi dao nhọn đang ấn khẽ khàng vào tim anh, nhưng càng nhúc nhích càng như ấn sâu hơn đến nhói buốt.

Thơ vẫn quyết định về Sài Gòn, và bí mật quan sát ngôi biệt thự kia để tìm ra câu trả lời của chính mình. Không thể diễn tả chính xác cảm giác, khi Thơ chứng kiến tận mắt, Bình, người vợ yêu dấu của anh, cô gần như không thay đổi dù 13 năm hơn đã trôi qua, tay trong tay tíu tít trò chuyện với một người đàn ông cùng bước ra từ chiếc xe hơi. Thơ gần như chết lặng. Như một vết bầm trong tim không tan, như một vết thương khoét mỗi ngày một sâu, một nỗi giận ghen hờn như một cục đá đè nặng tâm can, Thơ mang nỗi đau bị phản bội tình yêu về lại Khu 9. Và lăn mình vào chiến dịch Mậu Thân 1968, ở những nơi trọng yếu nhất.

Cũng đúng lúc này Lê nhận được lệnh rút ra cứ, và trực tiếp chỉ huy mạng lưới giao liên để trong chiến dịch các liên lạc được thông suốt. Gia đình Bình đã làm một tiệc nho nhỏ chia tay, chỉ mình cô bé Trung Thu chưa hiểu chuyện, mọi người đều biết đây có thể là lần gặp sau cùng của họ. Chiến trận, không thể biết điều gì sẽ xảy ra, đôi khi chỉ là một khoảnh khắc như một chớp mắt... Đêm đó, Bình cũng cho Lê hay là cô vừa cấn thai...

Trong cứ, hết đợt Một chiến dịch, Lê vẫn được lệnh không rời cứ, không những thế còn tuyệt giao với gia đình Bình, cấp trên ra lệnh phải tuyệt đối bảo vệ an toàn cho cơ sở đó. Nhưng điều mà Lê cảm thấy tê tái nhất, là đã biết chuyện Thơ đi tìm vợ và con gái, chuyện Thơ đã hận Bình như thế nào bởi phản bội lời thề hẹn tình yêu thủy chung năm xưa, hiểu vì sao mà Bình không dò hỏi được tin tức về Thơ bởi anh đã là nhà văn của Văn nghệ Giải phóng. Sau đó Lê lại được lệnh ra Bắc nhận nhiệm vụ khác, kể từ đó anh gần như không có bất cứ tin tức nào về Bình.

Còn Thơ, đến đợt Hai chiến dịch, anh nằng nặc đòi cấp trên cho về Sài Gòn và trực tiếp xuống đơn vị tham gia chiến trận. Trong anh, không chỉ là trái tim người lính quả cảm, một nhà văn xung trận, mà còn là trái tim đang mang vết thương tình yêu quá lớn không cách gì lành. Lần này anh muốn về Sài Gòn, là có ý tìm gặp con gái Trung Thu và cho ra cứ. Anh không thể chịu nổi ý nghĩ, con gái của mình ngày ngày gọi người đàn ông lạ là ba, và càng đau đớn khi nghĩ đến hình ảnh người vợ của mình trong vòng tay người đàn ông đó.

Bình, không biết bằng cách nào đã hay tin Thơ đang ở Tây Ninh, giờ đây anh đã là một nhà văn có tên tuổi. Cô quyết định dắt theo Trung Thu vào cứ mặc cho ba và chị Hai ra sức can ngăn, bởi lúc này cô đang mang thai hơn 6 tháng. Cô chỉ muốn gặp được Thơ, để hỏi cho ra ngọn nguồn, để xưng tội với anh, và chấp nhận những gì anh phán xét, bởi trong trái tim cô, tình yêu với Thơ không gì thay đổi, cho dù có lúc cô đã ngả lòng vì hận anh, đã buông thả mình trong một khoảnh khắc tủi hờn... Khi Bình cùng Trung Thu vào đến cứ, thì cũng là lúc Thơ đang tham gia trực tiếp đợt Hai chiến dịch ở một đơn vị quân chủ lực miền ở ven đô Sài Gòn. Một cơn sốt rét rừng ác tính đổ xuống Bình như một thử thách hay một tính toán vô hình của số phận. Cô sinh non và cái thai mất ngay sau khi sinh ra.

Đợt Hai chiến dịch, những trận chiến vùng ven đô Sài Gòn là những cuộc giao tranh khốc liệt mà các bên cùng quyết tâm giành chiến thắng đối phương. Gần như các loại hỏa lực chiến tranh có mặt ở miền Nam đều được tung ra trong cuộc chiến biến vùng ven đô Sài Gòn như một vùng đất dữ, mà ở đó ngày và đêm không ranh giới, giữa mùa hè mà cảm giác buốt lạnh bởi mùi tử khí trộn lẫn trong mùi thuốc súng... Tin bay về cứ, trận chiến không cân sức, do đối phương quyết tử thủ không để quân Giải phóng đánh chiếm căn cứ chiến lược, nên phía ta thiệt hại rất nặng, và trong số hy sinh có nhà văn Nguyễn - tức Thơ. Bình chết lặng khi hay tin. Càng muốn hóa đá khi tiếp nhận di vật của anh, đọc cuốn nhật ký của anh, hiểu hết mọi chuyện... Anh không hề quên hai má con cô, anh chưa từng phản bội tình yêu với cô, anh vẫn là Thơ của cô như cái ngày xưa trong bưng biền Đồng Tháp Mười. Nước mắt nuốt ngược, cô tìm cách gửi con gái về lại Sài Gòn giao cho chị Hai và ông ngoại chăm sóc, quyết định ở lại cứ, cô có cảm giác chỉ ở đây cô mới được gần bên anh, vì linh hồn anh chắc chắn quanh quẩn nơi này, bên các đồng đội đồng chí.... Và cô muốn trọn đời sống với tình yêu của anh.

Truyện ngắn của: Hoài Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]