(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là tựa đề một câu chuyện mà tôi từng nhiều lần đọc được trên mạng xã hội, nhất là trong dịp 20-11 hàng năm. Câu chuyện kể về một thanh niên tình cờ nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình tại một đám cưới. Anh ta đến chào người thầy với tất cả sự kính ngưỡng.

Thầy có nhớ em không?

Đó là tựa đề một câu chuyện mà tôi từng nhiều lần đọc được trên mạng xã hội, nhất là trong dịp 20-11 hàng năm. Câu chuyện kể về một thanh niên tình cờ nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình tại một đám cưới. Anh ta đến chào người thầy với tất cả sự kính ngưỡng.

Thầy có nhớ em không?Minh họa: Ngọc Minh

-Thầy có nhớ em không ạ?

Thầy giáo nói:

- Thầy không nhớ lắm, hãy nói về em xem nào?.

Người học trò bắt đầu kể về năm học lớp 3 được thầy chủ nhiệm. Năm đó vì rất thích chiếc đồng hồ của bạn cùng lớp mà người học trò này đã lấy trộm nó. Người bạn đã khóc và thưa với thầy chuyện mất đồng hồ. Thầy bảo cả lớp đứng cho thầy soát túi. Lúc đó, người học trò này rất sợ hành động của mình bị phát giác và phơi bày ra trước cả trường. “Em sẽ bị gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi”.

Thầy giáo đã bắt học trò đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại. Thầy soát từng chiếc túi và khi thấy chiếc đồng hồ từ túi của người học trò trong câu chuyện, thầy vẫn tiếp tục soát đến túi của bạn cuối cùng. Xong xuôi, thầy kêu cả lớp mở mắt ra và thầy ngồi xuống ghế. Trong giây phút đó người học trò đã sợ hãi biết chừng nào. Nhưng thầy chỉ giơ cái đồng hồ cho cả lớp thấy và đưa trả lại cho bạn bị mất. Thầy không bao giờ nêu tên người ăn cắp chiếc đồng hồ, cũng không bao giờ đề cập chuyện đó với bất cứ ai. Thầy cũng chưa bao giờ gặp riêng người học trò trong câu chuyện để nói về chiếc đồng hồ. Người học trò khắc cốt ghi tâm câu chuyện đó và biết ơn người thầy đã cứu vớt cho nhân phẩm của mình.

“Thầy không nhớ em sao? Sao thầy lại không nhớ em được, thưa thầy? Em chắc là thầy nhớ câu chuyện em đã ăn cắp cái đồng hồ và thầy không muốn làm em xấu hổ. Đó là một câu chuyện em không thể nào quên.

Người thầy đáp:

- Thầy không thể nào nhớ được ai đã lấy cắp cái đồng hồ ngày đó, bởi vì khi thầy soát túi tất cả các em, thầy cũng nhắm mắt mà.

***

Tôi xúc động trước câu chuyện về nhân cách một người thầy. Có đôi khi sự vĩ đại nằm trong chính những điều nhỏ bé. Tôi chợt nhớ đến một buổi chiều muộn, bạn gọi cho tôi để xả nỗi tức giận trong lòng. Bạn kể con mình vì lỡ lấy của bạn một viên đất nặn nhỏ mà bị cô giáo đánh đòn trước mặt cả lớp. Không chỉ thế, cô giáo chủ nhiệm đã nói với những cô giáo khác và một vài phụ huynh rằng: “Trước giờ học sinh trong lớp mất bao nhiêu là thứ. Con bé nhà khá giả, bố mẹ trông cũng tử tế. Thế mà...”. Câu nói của cô giáo chẳng khác nào mặc định, quy chụp cho đứa nhỏ cái tội ăn cắp nặng nề. Hai câu chuyện là hai cách hành xử khác nhau của người thầy. Để chúng ta nhận ra rằng thầy cô không đơn giản chỉ là người dạy học trò kiến thức, mà là người sẽ bồi đắp cho tâm hồn học trò những điều tốt đẹp và tử tế.

Những năm gần đây nhiều câu chuyện về ngành giáo dục không khỏi khiến chúng ta cảm thấy đau lòng. Nhưng tôi luôn tin rằng có rất nhiều thầy, cô đang mỗi ngày thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Tôi biết trên những bản làng “thâm sơn cùng cốc” thì ngày 20-11 có lẽ cũng giống như tất cả những ngày bình thường khác. Các thầy, cô cắm bản đã kịp đi xuyên qua màn sương lạnh đến điểm trường để nhóm lên đống lửa nhỏ chờ sẵn học trò mình đến hơ tay cho ấm. Không có mít tinh kỷ niệm. Không cờ hoa phấp phới. Có chăng chỉ là bó hoa dại mà học trò hái được trên con đường đến lớp gieo neo. Ở đó có người thầy sau buổi học, cặm cụi thổi bếp lửa khói mù mịt cay xè để nấu nồi mì tôm “không người lái” để học trò ăn cho ấm bụng. Ở đó, có thầy giáo mầm non ngồi cắt tóc cho trò giữa sân trường đầy gió. Ở đó trong cặp sách của người thầy không chỉ là giáo án, mà có khi còn có cả túi thuốc mang theo cho những học trò nghèo chẳng may ốm sốt. Những người thầy ấy không cần chúng ta phải tôn vinh. Nhưng sự cống hiến lặng thầm của họ sẽ luôn khiến chúng ta cúi đầu biết ơn và trân trọng.

Vũ Thị Huyền Trang (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]