(vhds.baothanhhoa.vn) - Ban đầu khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 13 ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết 13 - PV), nhiều địa phương trong tỉnh đã có những lúng túng, thậm chí chưa khai thông được tâm lý giữ đất của người dân. Tuy vậy, sau gần 2 năm thực hiện, nghị quyết này đã một lần nữa khẳng định vai trò trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới - 1 trong 5 chương trình KT-XH trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Tích tụ, tập trung đất đai để nông nghiệp bứt phá (Kỳ cuối): Bắt đầu khó để có kết thúc đẹp

Ban đầu khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết 13 ngày 11/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Nghị quyết 13 - PV), nhiều địa phương trong tỉnh đã có những lúng túng, thậm chí chưa khai thông được tâm lý giữ đất của người dân. Tuy vậy, sau gần 2 năm thực hiện, nghị quyết này đã một lần nữa khẳng định vai trò trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới - 1 trong 5 chương trình KT-XH trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Nhiều cánh đồng ở Thanh Hóa đã được áp dụng cơ giới hóa, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng giá trị sản phẩm.

Đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng

Ông Nguyễn Duy Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Giao (Quảng Xương), khẳng định: Không đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nông dân không thể đủ sức để làm lớn. Từ những cánh đồng hoang hóa, nay hầu hết các cánh đồng ở xã Quảng Giao đã xuất hiện máy móc, cơ giới hóa, giúp giảm đi 1/3 chi phí sản xuất. Nhưng quan trọng hơn, để đưa máy móc vào cánh đồng thì phải tích tụ, tập trung được ruộng đất.

Xác định đây là một trong những bước đột phá để phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Vĩnh Lộc đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất thông qua khuyến khích các hợp tác xã, hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất. Nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và khoa học - kỹ thuật nên năng suất trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Vĩnh Lộc đã tăng từ 22 đến 25% trở lên, hiệu quả kinh tế cao hơn bình quân từ 1,2 đến 1,5 lần trở lên so với sản xuất truyền thống.

Riêng với xã Xuân Dương (Thường Xuân), ông Nguyễn Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thực tế hiện nay những người đang độ tuổi lao động của địa phương hầu hết đi làm ăn xa, ở lại nhà chỉ còn người già, trẻ nhỏ. Theo kế hoạch, chúngtôi được giao tích tụ, tập trung 60 ha đất từ nay đến năm 2025. Rất may là trong quá trình thực hiện nhiều khâu, đoạn đã ứng dụng được cơ giới hóa, giảm sức người, sức của. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng đưa thêm nhiều máy móc vào đồng ruộng".

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, hiện Thanh Hóa có 1.500 máy kéo các loại, gần 200 máy cấy lúa, 650 máy gặt đập liên hợp, trên 12.500 máy tuốt, vò lúa, 7 máy thu hoạch mía và đã xây dựng được các nhà máy chế biến lúa gạo. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10 đến15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 đến 2,8 triệu đồng/ha/vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%, tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất bình quân của toàn tỉnh lên 80 triệu đồng/vụ/ha, tăng khoảng 15 triệu đồng/ha/vụ so với năm 2015.

Rõ ràng cần phải thẳng thắn đánh giá việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa còn nhiều hạn chế, tiến độ cơ giới hóa ở một số khâu còn chậm, công nghệ cơ giới hóa thấp, chưa đồng bộ ở các khâu sản xuất. Nhưng dù chưa đạt được những kỳ vọng, thì những kết quả mang lại không hề nhỏ, và cũng là tín hiệu vui cho sự khởi đầu

HTX - Bà đỡ cho người dân

630 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không chỉ đóng vai trò trong việc thực hiện tổ chức sản xuất theo quy mô tập trung, mà còn là đầu mối liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, giúp nông dân tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong đó, HTX đứng ra ký kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm chính là vấn đề mấu chốt tạo tâm lí yên tâm sản xuất cho người dân.

Nếu không có sự hỗ trợ của HTX dịch vụ nông nghiệp Nga Trường (Nga Sơn) trong việc ký hợp đồng sản xuất khoai tây với Công ty TNHH Orion Việt Nam, có lẽ cấp ủy, chính quyền xã Nga Trường cũng chẳng dám chuyển đổi diện tích đất lúa kém năng suất sang trồng khoai tây. Sau 3 năm triển khai mô hình này, mỗi năm các hộ dân ở đây đã cho thu hoạch khoảng 900 tấn khoai tây với doanh thu hơn 5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200 hộ thành viên.

Người dân xã Thọ Thanh (Thường Xuân) kể từ khi có 3 HTX chuyên về công nghệ cao, dịch vụ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản với nhiệm vụ liên kết các thành viên và các doanh nghiệp để cung ứng từ giống cây trồng đến bao tiêu sản phẩm. Vì thế mà các mô hình mía, dưa kim hoàng hậu và gần đây nhất là mô hình măng tây đã có doanh nghiệp đăng ký đầu ra. HTX còn là cầu nối để lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín và năng lực về tài chính để đảm bảo ổn định về giá. Đơn cử như cây măng tây, theo ký kết, dù giá thị trường rớt xuống, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo thu mua 40-50.000 đồng/kg để người dân có lợi nhuận.

Cơ chế hỗ trợ

Theo chia sẻ của ông Lê Văn Hùng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thường Xuân: Để Nghị quyết 13 đạt hiệu quả cao, nhằm khuyến khích tích tụ tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 huyện Thường Xuân được phân bổ 1.030 triệu đồng để hỗ trợ thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay Phòng NN&PTNT huyện chưa nhận được hồ sơ nào đề nghị hỗ trợ chính sách. Vì thế đến thời điểm này, huyện chưa giải ngân được kinh phí. Trong một số lý do, có việc thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ tương đối phức tạp, và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn hạn chế về trình độ, năng lực xây dựng hồ sơ.

Đó cũng là hạn chế của huyện Thường Xuân trong việc thực hiện chưa tốt chế độ hỗ trợ. Hầu hết các địa phương trong tỉnh, đều cho rằng, lợi thế lớn của Nghị quyết 13 đó chính là xây dựng bộ tiêu chí và kế hoạch hỗ trợ kinh phí để khuyến khích người dân thực hiện tốt tích tụ, tập trung đất đai. Được biết: Trong kế hoạch tích tụ toàn tỉnh đến năm 2030 phải đạt trên 100 nghìn ha đất để sản xuất nông nghiệp, trong đó, gần 2,5 nghìn ha được hỗ trợ kinh phí dự kiến hơn 31,5 tỷ đồng để phát triển các mô hình sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đến thời điểm hiện tại, nhiều mô hình đang được triển khai, với đối tượng hỗ trợ là các nhóm cây rau màu, cây dưa, cây dược liệu, cây ăn quả, tôm thẻ chân trắng...

Bên cạnh, cơ chế chính sách của tỉnh, theo ghi nhận của chúng tôi, địa phương nào có cơ chế hỗ trợ riêng, sẽ là bước tạo đà để người dân quyết liệt trong việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp.

Theo ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Như Xuân: "Từ hiệu quả của chương trình cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả trong đó có cơ chế hỗ trợ cho mỗi ha cây ăn quả là 20 triệu/ha, nhiều diện tích đất ở huyện Như Xuân đã được tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân. Đây là tiền đề để chúng tôi thực hiện tốt Nghị quyết 13 về tích tụ, tập trung ruộng đất".

Nhờ chính sách hỗ trợ, người dân có thêm động lực thực hiện đổi điền, dồn thửa, tích tụ, tập trung đất đai để khắc phục tình trạng manh mún, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Và vai trò của cấp ủy đảng

Căn cứ vào bộ tiêu chí về sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 4145/QĐ-UBND ngày 10/10/2019 của UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiều huyện miền núi trong đó có Cẩm Thủy còn vướng mắc trong thực hiện tích tụ, bởi những quy định về quy mô diện tích, số lượng vật nuôi và công nghệ... Chính vì thế, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng từ huyện đến xã ở Cẩm Thủy là cần thiết. Dù có nhiều lợi thế khi nằm men theo triền sông Mã, bãi bồi ven sông, giao thông thuận lợi với Quốc lộ 217 và đường Hồ Chí Minh, nhưng đánh giá về tích tụ, tập trung đất đai ở Cẩm Thủy theo ông Phạm Minh Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện: Giữa thuận lợi và khó khăn là 50/50. Ông cho rằng, khi bắt đầu bao giờ cũng khó khăn, tuy vậy, trong quá trình thực hiện sẽ khai thông nhiều điều. Ngày 17/10, Nhà máy Sợi dệt gai An Phước ở xã Cẩm Tú cắt băng khánh thành, hy vọng cuối năm 2020 sẽ đi vào hoạt động. Đây là cây cho giá trị kinh tế cao so với cây sắn, cây ngô và đặc biệt nhà máy đóng trên địa bàn sẽ giúp bà con yên tâm không chỉ về đầu ra mà còn cả quy trình cây giống và kỹ thuật. Đồng thời là điều kiện thuận lợi để huyện tích tụ, tập trung đất đai.

Cho đến thời điểm hiện nay, Thường Xuân tích tụ được khoảng 530ha, có một số cây trồng tích tụ tập trung đất đai mang lại hiệu quả cao như: mía thâm canh công nghệ cao, dưa kim hoàng hậu... Đánh giá vai trò của Nghị quyết 13, ông Đỗ Xuân Nam - Bí thư Huyện ủy Thường Xuân khẳng định: Nghị quyết mở ra một hướng mới trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đem lại hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cao hơn. Ngay từ khi nghị quyết ra đời, lãnh đạo huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng kế hoạch từ việc khơi thông tư tưởng đến định hướng cho bà con hiểu rõ việc tích tụ tập trung đất đai là nhiệm vụ, giải pháp đột phá quan trọng hàng đầu để chuyển sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung quy mô lớn, công nghệ cao và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết 13 khi ra đời, ban đầu nhiều địa phương cho rằng quá áp lực, thậm chí quá sức với ngành nông nghiệp nhỏ bé và manh mún của Thanh Hóa. Thực tế, khó khăn sẽ vẫn còn nhiều, những áp lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ không ít, tuy nhiên, từ cái khó, lấp ló niềm vui. Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực của người dân, đặc biệt, khi Bộ chính trị ban hành Nghị quyết 58 về xây dựng và phát triển Thanh Hóa, ngành nông nghiệp chính là 1 trong 5 trụ cột phát triển tỉnh Thanh Hóa, chắc chắn Nghị quyết 13 của BCH Đảng bộ tỉnh là cơ hội để ngành nông nghiệp bứt phá và cất cánh.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]