(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngôi nhà cũ với khoảnh vườn ở quê, là nơi chỉ mình ngoại tôi sinh sống. Tuổi ngoài chín mươi, ngoại sống bằng kỷ niệm nhiều hơn là thực tại. Ngoại hay kể tôi nghe chuyện ngày xưa, những câu chuyện bằng tuổi tôi và những chuyện cũ hơn cả tuổi của ngoại.

Thương nhớ ngoại tôi!

Ngôi nhà cũ với khoảnh vườn ở quê, là nơi chỉ mình ngoại tôi sinh sống. Tuổi ngoài chín mươi, ngoại sống bằng kỷ niệm nhiều hơn là thực tại. Ngoại hay kể tôi nghe chuyện ngày xưa, những câu chuyện bằng tuổi tôi và những chuyện cũ hơn cả tuổi của ngoại.

Thương nhớ ngoại tôi!

“Khoảnh sân trước nhà”, tranh sơn dầu của hoạ sĩ Trần Nguyên.

Đôi dép mòn đế, những chiếc áo vải đã sờn, nhuốm màu thời gian. Quần áo mới ngoại được con cháu mua biếu nhiều, nhưng ngoại mặc không quen. Ngoại thích hoài niệm và gìn giữ những thứ cũ kỹ và xem chúng như những món đồ vô giá. Ngoại bảo, đó là những kỷ vật mà ông cha để lại, nào là bát đĩa đã rạn men, xoong nồi bám dày cộp những bồ hóng, cái chõng tre, cái chạn bát, rồi cả chiếc mâm làm bằng gỗ mít chính tay ông ngoại chế tác… Tất cả vẫn ngày ngày bên ngoại.

Mái tóc ngoại bạc phơ ngày càng thưa hơn. Những câu chuyện ngoại kể tôi nghe cũng không còn rành rọt nữa, chuyện đi dân công hỏa tuyến lại lẫn vào chuyện công điểm ở hợp tác xã, chuyện dì út lại lẫn với chuyện bác cả, chuyện ông ngoại làm đội lẫn vào chuyện cả làng chạy trốn máy bay Mỹ ném bom… Những câu chuyện cứ vậy mà ngắn lại, không đầu không cuối và quãng ngắt nghỉ giữa chừng ngày một nhiều hơn, lâu hơn.

Ngoại vẫn ngồi trước hiên nhà, có lẽ chẳng ai biết và ngay cả ngoại cũng không nhớ nổi từ ngày ông về với tiên tổ đã để lại ngoại một mình với sự cô đơn. Đã bao lần nước mắt ngoại cứ lăn dài hằng đêm, ngay cả trong bữa ăn tôi cũng cảm được nỗi buồn của ngoại nơi khoé mắt.

Có lần, sức khoẻ ngoại yếu và ốm đến cả tháng, ngoại chỉ nằm, không tự sinh hoạt được. Những nếp da nhăn nheo khô đét cùng đốm đồi mồi trên bàn tay cứ nhợt nhạt dần. Nhiều lúc tôi nghĩ dại, có lẽ ông về để đón ngoại.

Rồi chúng tôi về thăm ngoại nhiều hơn, phân công mọi người trong gia đình bầu bạn cùng ngoại. Thấy con cháu đông đủ ngoại vui lắm, như nguồn năng lượng vô tận, ngoại khoẻ lại, ăn được, nói chuyện được...

Dẫu biết đời người có sinh, lão, bệnh, tử... nhưng tôi không thể về bên ngoại thường xuyên được. Mỗi lần về thăm ngoại chốc lát rồi lại lên đường mưu sinh nơi phố thị, là bấy nhiêu lần tôi gắng dấu đi những giọt nước mắt vì thương.

Giờ đây, căn nhà cũ vẫn còn, bóng ngoại cũng đã chìm vào bóng chiều thăm thẳm. Lòng tôi nao nao, thương nhớ ngoại vô cùng!

Hà Hải


Hà Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]