(vhds.baothanhhoa.vn) - Chả phải ngẫu nhiên mà mùa thu lại là nguồn thi hứng của các mặc khách văn nhân. Tiết trời đẹp trong, gió nhè nhẹ thổi, khiến tâm hồn con người ta thư thái. Mùa thu có sắc xanh của bưởi, của ổi, vàng của hồng, của chuối, đỏ rực của những trái hồng...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trái hồng mùa thu

Chả phải ngẫu nhiên mà mùa thu lại là nguồn thi hứng của các mặc khách văn nhân. Tiết trời đẹp trong, gió nhè nhẹ thổi, khiến tâm hồn con người ta thư thái. Mùa thu có sắc xanh của bưởi, của ổi, vàng của hồng, của chuối, đỏ rực của những trái hồng...

Trái hồng mùa thu

Thật thú vị khi được ngắm nghĩa những rổ hồng đỏ lựng trong tiết thu.

Nếu hồng giòn có ánh vàng ăn vào sần sật rộn ràng thì hồng trứng, nghe đã đủ mong manh, có sắc đỏ, mềm mại và nhẹ nhàng. Thu sang, những quả hồng cam rực đỏ như những chiếc đèn lồng treo lơ lửng trên không trung, bám vào cành khô trụi lá. Dưới gốc cây là cả lớp lá phủ dầy. Chỉ tưởng tượng tôi đã ước mình được nằm trên thảm lá lao xao ấy. Chỉ cần cựa mình, tiếng vỡ của lá làm người ta dễ nhớ đến cái thời ấu thơ chơi trò trốn tìm ủ mình trong đống rơm, hít hà hương lúa.

Nhưng không phải cứ đẹp là ăn được ngay. Một quả ổi chát, ăn cũng hay hay; quả mít non chấm muối thật tuyệt, nhưng quả hồng chưa chín, nếu nhỡ ăn rồi cũng phải nhổ ra ngay.

Phần thưởng thường chỉ dành cho những người nhanh chân, nhưng với mùa thu thì cần gì vội vã, cứ thủng thỉnh, đủng đỉnh mà chờ, mà đợi. Mỗi ngày ngắm nghía, lớp vỏ lại đổi sắc. Chờ đợi cũng là đặc ân mà thu mang đến cho con người. Khi ấy những quả bưởi đã ngọt hơn, không còn vị he he nơi đầu lưỡi, những trái hồng như suối nguồn mềm mại và dễ chịu. Vị ngọt vừa sắc lại vừa nhẹ ủ nơi khóe miệng thật thơm, thật mượt. Cắn sâu một chút, chạm đến những chiếc hạt, cảm giác kích thích vị giác đến vô cùng.

Trái hồng mùa thu

Những miếng hồng hấp dẫn.

Đẹp là vậy, ngon là vậy, nhưng những trái hồng lại chỉ rực rỡ trong một thời gian rất ngắn. Chỉ cần 1-2 ngày sau khi chín quả sẽ rất dễ bị nát. Bởi vậy không phải lúc nào trong mùa thu muốn ăn một quả hồng trứng cũng được. Lơ đãng một chút, có thể năm ấy ta không còn được thưởng thức hoa trái của mùa. Phải đúng thời điểm, không sớm quá, cũng không muộn quá, vừa đến tới thì cảm giác mướt mát vẫn ở trên tay, cái ngọt dìu dịu lan tỏa từng khóe răng.

Chả thế mà người Hi Lạp cổ gọi đây là “quả của các vị thần” (fruit of the gods), “quả táo của phương Đông”, “ngọn lửa của thần Jupiter”... Cây hồng được du nhập vào Đà Lạt vào cuối thời kỳ Pháp thuộc, những năm đầu thế kỷ 20. Đây là loại cây ăn trái họ Thị, màu vàng đỏ, ít hạt, hương vị ngọt lịm, dẻo thơm. Sau này, cây hồng được nhiều người đưa về vườn nhà mình trồng.

Còn nhớ, cái hồi ngoại tôi còn sống, thỉnh thoáng về quê, tôi cứ thập thò dưới gốc cây hồng nhà ông hàng xóm. Hàng năm, tôi chờ đợi từ mùa xuân, trên những thân cây xám mốc bật lên những mầm xanh mỡ màng, mập mạp. Ở từng nách lá xòe ra những bông hoa 5 cánh màu xanh lục, giữa có 1 nhụy tròn như mắt côn trùng đang mở. Chính “mắt thần” ấy sẽ lớn dần lên thành quả hồng. Trong suốt mùa hè, cây hồng giấu quả trong những tàng lá sum xuê, màu của trái lẫn vào màu của lá nên người ta khó phát hiện ra quá trình sinh trưởng của nó. Để đến giữa thu, những chiếc lá rụng xuống lộ ra chi chít những trái hồng lúc lỉu, căng mọng. Mùa cứ thế chuyển dịch từ màu xanh sang màu vàng rồi màu đỏ lựng khiến lòng người cũng rạo rực, hân hoan theo.

Chờ đợi háo hức mãi, đến ngày những quả vàng ruộm đã khiến tôi không kìm lòng, đành hái trộm nhét vội vào túi quần. Hí hứng mang về gọt vỏ ra, nhưng ôi thôi, chát xít, nhổ vội ra khỏi miệng. Sau này, lần đầu tiên được người yêu dẫn đi Sơn La chơi, vào vườn hồng mới thấy mê đắm. Lúc ấy tôi chỉ ước, giá như có nhà riêng, có mảnh vườn, tôi sẽ mang những cây hồng về để thỏa ngắm nghía. Những, đó mãi chỉ là ước mơ.

Giờ đây, mùa nào thức ấy, có cung thì ắt sinh cầu, cứ thu đến tôi lại chờ đợi mang những cành hồng về nhà. Để mua được mấy cành hồng quả này tôi phải hẹn với người bán từ lâu. May mà hết thời gian giãn cách xã hội, người bán đã đưa những cành hồng từ Sơn La, qua Hà Nội, về Thanh Hóa. Cành hồng giá 200 nghìn đồng của tôi cắm được khoảng 7-10 ngày, vừa cắm chơi, vừa đợi hồng chín hái ăn.

Trái hồng mùa thu

Những cành hồng quả được cắm trang trí ở phòng khách, đến khi quả chín có thể hái ăn.

Tiết thu dịu nhẹ, ngồi bên hiên nhà, pha một ấm trà, bên cạnh là đĩa hồng trứng, còn gì thú vị hơn thế. Mùa thu ăn một trái hồng, cảm giác ấy thật ngọt ngào.

KIỀU HUYỀN


KIỀU HUYỀN

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]