(vhds.baothanhhoa.vn) - Để mỗi tác giả tạo được những dấu ấn, sự thành công, ngoài đời sống thực tế luôn cuồn cuộn chảy, sự nỗ lực của bản thân còn có phần đóng góp không nhỏ của vai trò bà đỡ là Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh trong việc khơi nguồn và chắp cánh những khát vọng sáng tạo nghệ thuật của các hội viên.

Văn học nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành với sự phát triển quê hương, đất nước:

Trên hành trình đổi mới

Để mỗi tác giả tạo được những dấu ấn, sự thành công, ngoài đời sống thực tế luôn cuồn cuộn chảy, sự nỗ lực của bản thân còn có phần đóng góp không nhỏ của vai trò bà đỡ là Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh trong việc khơi nguồn và chắp cánh những khát vọng sáng tạo nghệ thuật của các hội viên.

Trên hành trình đổi mớiHội viên ban Mỹ thuật - Hội VHNT Thanh Hóa thực tế sáng tác tại Pù Luông.

Trong 5 năm trở lại đây, cùng với sự tăng trưởng về kinh tế của tỉnh, đời sống của người nghệ sĩ đã có nhiều thay đổi. Thay vì nỗi lo cơm áo, họa sĩ không có họa phẩm để vẽ, một tấm toan chồng chất các lớp màu, nhà văn không có đủ giấy bút để viết... thì nay, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với cơ chế mở cho VHNT, các văn nghệ sĩ thường xuyên được quan tâm hỗ trợ.

Trong đó đáng chú ý là chính sách khuyến khích sáng tạo. Cụ thể, tác giả khi nhận giải thưởng Trung ương, về tỉnh sẽ được tặng Bằng khen và ½ giá trị giải thưởng gốc. Ngoài ra, giải VHNT hàng năm; giải thưởng VHNT Lê Thánh Tông (5 năm một lần)... từ năm 2020 đã tăng giá trị giải thưởng, cao nhất trong hệ thống giải thưởng văn học của các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, hàng năm Hội VHNT còn có nguồn ngân sách hỗ trợ sáng tác. Để chất lượng tương xứng với sự đầu tư cho VHNT, công tác xét duyệt giải thưởng được thực hiện với sự khắt khe, cẩn trọng. Từ đó, bản thân người nghệ sĩ phải có sự đầu tư, chăm chút hơn; các ban chuyên ngành có những định hướng cụ thể với các hội viên.

Bên cạnh những chính sách tôn vinh và hỗ trợ tác phẩm, hàng năm, công tác phát triển và kết nạp hội viên ở các ban luôn được chú trọng. Trong nhiệm kỳ 5 năm, hội đã kết nạp thêm nhiều hội viên trẻ. Đơn cử, ban Lý luận phê bình (LLPB) vốn chỉ toàn gương mặt “già”, trong 5 năm qua đã kết nạp được 4 hội viên dưới 40 tuổi... Có được kết quả này là nhờ việc mở rộng và ưu tiên trong tiêu chí kết nạp để những cây viết trẻ có sự tự tin bước vào hội và có môi trường tiến bộ hơn trong nghề, kích cầu sự đam mê.

Đặc biệt, đây là nhiệm kỳ Hội VHNT có nhiều hoạt động chuyên môn sôi nổi nhất. 2 hội thảo khoa học cấp tỉnh là “Bảo tồn phát huy giá trị văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập phát triển nhanh và bền vững” (ban Văn nghệ dân gian) và “VHNT Thanh Hóa thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” (ban LLPB). Nhiều chương trình tọa đàm được tổ chức, như: Truyện ngắn của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh; Nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh tham gia phục vụ chiến trường; Ra mắt tập truyện ngắn Tết đảo của nhà văn Lê Ngọc Minh, Truyện ngắn Trần Đàm, “Tri âm cùng con chữ” của tác giả Trịnh Vĩnh Đức... Nhiều lớp tập huấn được mở ra như: lớp bồi dưỡng sáng tác văn học trẻ và văn học miền núi năm 2018; lớp tập huấn về LLPB... do các nhà văn, nhà LLPB của Trung ương giảng dạy. Lần đầu tiên, Hội VHNT tổ chức các chuyến đi thực tế ở hầu khắp 11 ban. Ngoài ra, các trại sáng tác như Nâng cao chất lượng thơ Thanh Hóa; Nâng cao chất lượng nội dung tạp chí Xứ Thanh năm 2022... tập hợp được những cây viết có chuyên môn sâu. Riêng tạp chí Xứ Thanh, 5 năm liên tiếp đã tổ chức họp mặt cộng tác viên, tổ chức thành công 5 cuộc thi: Sáng tác Văn học trẻ năm 2018; Ảnh nghệ thuật “Nét đẹp lao động trong thời kỳ đổi mới” năm 2019; thi ký “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2020; thi thơ “Linh thiêng tổ quốc - Hào khí xứ Thanh” năm 2021; thi truyện ngắn “Tiếng vọng thời đại” năm 2022. Có thể khẳng định việc thường niên tổ chức các cuộc thi và gặp mặt cộng tác viên là hoạt động chuyên môn cần thiết, hữu ích, giúp tạp chí ngày càng phát triển hơn về nội dung, đẹp hơn về hình thức.

Với vai trò bà đỡ, chưa bao giờ Hội VHNT có nhiều hoạt động chuyên môn như ở nhiệm kỳ 2017-2022. Phải khẳng định rằng đi cùng với sự trăn trở, lao động sáng tạo tìm lối đi riêng của mỗi văn nghệ sĩ, thì sự động viên khích lệ của các tổ chức hội, của Đảng sẽ là động lực để họ không ngừng có những tác phẩm giá trị, chất lượng. Bởi thế, trong 5 năm, ban Văn xuôi có tới trên 100 tác phẩm truyện ngắn, tản văn, bút ký văn học được đăng tải trên báo, tạp chí ở Trung ương, địa phương và nhiều đầu sách; các hội viên ban Thơ đã cho ra đời 68 tập thơ và trường ca, trong đó có 62 bản thảo tác phẩm được nhận tài trợ, hỗ trợ sáng tác từ nguồn kinh phí của Chính phủ và của tỉnh; có 31 tác phẩm được nhận giải thưởng Lê Thánh Tông; 3 tác giả được nhận giải thưởng Trung ương cùng nhiều tác giả đã đạt giải tại các cuộc thi thơ khác...

Họa sĩ Lê Hải Anh chia sẻ về những ngày tham gia trại sáng tác Nâng cao chất lượng nội dung tạp chí Xứ Thanh năm 2022 là những ngày tiếp “lửa” đam mê sáng tạo VHNT cho các văn nghệ sĩ, hứa hẹn những tác phẩm truyện ngắn, ký, thơ, LLPB, hội họa, ca khúc mới nở rộ trên trang Tạp chí Văn nghệ Xứ Thanh.

Nhạc sĩ Đỗ Hoài Nam, Trưởng ban Âm nhạc, Hội VHNT tỉnh cho rằng: Sôi nổi nhất trong số các hoạt động mà Hội VHNT nhiệm kỳ 2017-2022 làm được là tổ chức đi thực tế sáng tác cho các hội viên. Giấy thông hành vào đời của hội viên chính là tác phẩm và vốn sống sinh động sẽ làm phong phú thêm tư liệu, chất liệu, của tác phẩm. Cũng vẫn là đi thực tế sáng tác nhưng trước kia, các hội viên đi cơ sở xong về viết được hay không còn chờ... cảm hứng. Tuy nhiên, hiện nay việc đi và có sản phẩm đã được lên kế hoạch cụ thể. Hầu hết các ban đã chủ động đấu nối với địa phương và sau đó sẽ tổ chức báo cáo lại kết quả của chuyến đi. Từ đó, không chỉ thể hiện trách nhiệm của hội viên mà còn tạo ra sức lan tỏa và hiệu quả với địa phương, cơ sở.

Tuy nhiên cũng cần phải thẳng thắn khẳng định, hầu hết các hoạt động của Hội VHNT đang ở bề rộng; tác phẩm đồng đều nhưng thiếu đỉnh cao, số lượng tác phẩm nhiều nhưng ít xuất sắc, hội viên đông nhưng chưa thực sự chất lượng... Lý giải điều này, một phần vì vai trò của VHNT trong đời sống xã hội không còn ở vị trí độc tôn, người viết thiếu sự dấn thân quyết liệt, quan điểm thẩm mỹ của người thưởng thức liên tục thay đổi...

Nói về thành công của ngày hôm qua, của thế hệ đi trước cũng là cơ hội để ngày hôm nay, những người giữ vai trò lãnh đạo Hội VHNT nhiệm kỳ 2022-2027 thêm thấu hiểu về những trọng trách của mình trong việc tạo ra chất xúc tác kích hoạt sự sáng tạo của mỗi hội viên. Hy vọng rằng, trong chặng đường tiếp theo, mỗi tác giả sẽ tìm ra cho mình một lối đi hòa vào dòng chảy nhộn nhịp của đời sống mà vẫn giữ được cái tôi nghệ thuật riêng.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]