(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa đất rộng người đông, là mảnh đất sinh vua, sinh chúa, đây cũng là mảnh đất của thi ca nghệ thuật với số lượng văn nghệ sĩ đông đảo trong cả nước. Trên hành trình khẳng định tên tuổi của mình, văn nghệ sĩ Thanh Hóa luôn đồng hành và cất lên tiếng nói của lực lượng những người sáng tác để “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”, từ đó có những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Văn học nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành với sự phát triển quê hương, đất nước: Từ tác giả đến tác phẩm

Thanh Hóa đất rộng người đông, là mảnh đất sinh vua, sinh chúa, đây cũng là mảnh đất của thi ca nghệ thuật với số lượng văn nghệ sĩ đông đảo trong cả nước. Trên hành trình khẳng định tên tuổi của mình, văn nghệ sĩ Thanh Hóa luôn đồng hành và cất lên tiếng nói của lực lượng những người sáng tác để “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”, từ đó có những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

Văn học nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành với sự phát triển quê hương, đất nước: Từ tác giả đến tác phẩmHội thảo khoa học “Bảo tồn phát huy giá trị văn nghệ dân gian Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập, phát triển nhanh và bền vững” do Hội VHNT tỉnh tổ chức.

Từ một thế hệ các văn nghệ sĩ tên tuổi

Năm 1964, nhà văn Nguyễn Thế Phương được Hội Nhà văn Việt Nam cử vào Thanh Hóa xây dựng phong trào văn nghệ, không lâu sau đó, tập san “Người bạn Văn hóa” đã ra đời. Thanh Hóa là một trong số rất ít địa phương có tập san sớm nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ mở ra phong trào văn nghệ phục vụ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc và cả những đổi thay của quê hương mình, các nghệ sĩ xứ Thanh đã luôn cố gắng đi cùng thời đại. Nếu đặt dấu mốc đồng hành cùng quê hương đất nước bắt đầu từ giai đoạn hiện đại, cụ thể là sức lan tỏa của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi đó Thanh Hóa là vùng tự do, là “căn cứ địa”, là cơ sở “trung tâm” của văn hóa kháng chiến. Nơi đây có trụ sở của đoàn “Văn hóa kháng chiến” đóng tại làng Quần Tín ở xã Thọ Cường (Triệu Sơn) là cái nôi của văn nghệ Việt Nam. Tại đây, Trường Đại học Văn hóa đầu tiên ra đời do nhà văn Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng với các giảng viên là những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận nổi tiếng như: Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh...

Trong “Hồi ức và tư liệu văn hóa, văn nghệ liên khu IV”, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể không đặc biệt cảm ơn liên khu IV cũ, tỉnh Thanh Hóa, làng Quần Tín, làng Cổ Bôn, các mảnh đất lành để một “đàn chim” văn nghệ đậu, có mối tình thắm thiết từ đó đến nay...”. Cũng từ đó, Thanh Hóa đã có lớp văn nghệ sĩ đầu tiên như Mai Bình, Minh Hiệu, Hà Khang, Hữu Loan, Hồng Nguyên, Thôi Hữu, Nguyễn Trinh Cơ, Văn Tâm, Nguyễn Thế Phương, Trần Mai Ninh...

Khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, tuyến giao thông huyết mạch xứ Thanh trở thành chiến trường ác liệt. Vừa làm nhiệm vụ của một hậu phương lớn lại cũng là chiến trường lớn, thực tiễn sôi động ấy đã sinh ra thế hệ văn nghệ sĩ mới, trẻ về tuổi, sung sức về sức vóc nghệ thuật. Nhiều người trong số họ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Đáng kể phải là những cái tên như: Phùng Gia Lộc, Lê Đại Thanh, Trần Hiệp, Kiều Vượng, Từ Nguyên Tĩnh, Đặng Ái, Hà Thị Cẩm Anh... (văn xuôi); Nguyễn Duy, Cẩm Giang, Mai Ngọc Thanh, Vương Anh, Lê Đình Cánh, Lê Văn Vọng, Mã Giang Lân, Anh Chi, Huy Trụ, Văn Đắc, Mạnh Lê, Đào Phụng, Mai Ngọc Thanh, Vũ Thị Khương, Lê Thị Kim, Nguyễn Minh Khiêm... (thơ); Hoàng Tuấn Phổ, Hoàng Anh Nhân, Cao Sơn Hải (nghiên cứu văn hóa dân gian); Tạ Quang Bạo, Duy Khải, Lê Đình Quỳ, Phan Bảo, Đỗ Chung, Lê Xuân Quảng, Lê Cậy (mỹ thuật); Hoàng Hải, Mai Kiên, Đỗ Hoài Nam (âm nhạc); Trần Đàm, Lưu Trọng Thắng (nhiếp ảnh) và còn rất nhiều người khác đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ để đưa những tác phẩm của mình đến với người thưởng thức, đồng thời góp phần tạo nên dòng chảy VHNT mạnh mẽ nơi mảnh đất xứ Thanh này.

Sáng tạo là tri ân cuộc sống

Với 11 ban chuyên ngành, Hội VHNT Thanh Hóa là một trong những hội địa phương hoạt động có chất lượng. Ngoài số hội viên lớn thì số lượng các tác phẩm cũng không hề nhỏ.

Năm 2021 có 3 hội viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 5 hội viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, cùng rất nhiều hội viên khác được giải thưởng Trung ương, khu vực và trong tỉnh.

Đặc biệt phải khẳng định sức sáng tạo của lớp văn nghệ sĩ “gừng càng già càng cay”. Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải năm nay vừa tròn 87 tuổi. Trong 20 năm nghỉ “hưu”, ông đã giới thiệu với độc giả 23 cuốn sách. Trong 14 cuốn nghiên cứu văn hóa dân gian, có 5 cuốn được in trong 5 năm gần đây và đều được giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội VHNT tỉnh. Đó là họa sĩ Đỗ Chung, 75 tuổi vẫn miệt mài cầm cọ và có những cuộc triển lãm quy mô. Chỉ tính trong 5 năm gần đây ông đã tổ chức 7 cuộc triển lãm ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương với tổng cộng gần 250 bức tranh trong đó khổ bé nhất là 1m x 1,5m, lớn nhất là 2m x 5m. Đó là nhiếp ảnh gia Lưu Trọng Thắng thông qua những bức ảnh về phong cảnh quê hương Thanh Hóa đã giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết đất và người xứ Thanh đẹp và thơ mộng biết nhường nào. Đặc biệt, năm 2022, anh cho ra mắt tập sách ảnh “Xứ Thanh vẻ đẹp bất tận”. Cuốn sách cũng vừa vinh dự nhận giải C giải thưởng Nhiếp ảnh xuất sắc năm 2022 của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Đó là nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm, 5 năm qua anh ra mắt độc giả 8 tác phẩm mới gồm: Muối, Dã ngoại, Lê Lợi mài gươm, Lốc biển, Hát nơi cửa sóng, Đường cổng trời huyền thoại, Mạch đất hồn trống đồng và tái bản tập thơ Cụng ly. Trong đó có 6 cuốn sách đạt giải thưởng Trung ương và địa phương.

Hành trình sáng tạo là của riêng mỗi người. Họa sĩ Đỗ Chung quan niệm: “Lao động nghệ thuật là lao động cá nhân, là cuộc chơi và tôi muốn đi tới tận cùng. Trên con đường đi chung ấy tôi luôn chọn cho mình một lối đi riêng”. Tuy nhiên, nhiều người có cùng quan điểm với nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm: “Sáng tạo nghệ thuật là một lẽ tự nhiên được thấm đẫm bởi tình người, tình đời, tình quê hương, tình đất nước và tình yêu. Đặc biệt, khi văn nghệ sĩ có trách nhiệm với cuộc sống thì những tác phẩm của họ còn mang ý thức trả ơn cho đất đai, cho quê hương, cho sự sinh thành của cha mẹ...”. Nếu không có ý thức đó thì ông không thể có Trường ca Mạch đất hồn trống đồng với 10.000 câu thơ. Nếu không có ý thức tri ân thì ông sẽ còn mắc nợ nhiều người và “Đánh thức đại ngàn”, “Hát nơi cửa sóng” không ra đời... Sự khắc nghiệt của văn nghệ là đòi hỏi phải luôn làm mới mình và tìm ra lối đi riêng, mà không thể gạt đi trách nhiệm tri ân, trả nghĩa cuộc sống.

Bên cạnh lớp văn nghệ sĩ “già”, những văn nghệ sĩ trẻ cũng đang nỗ lực hòa nhập cùng dòng chảy của đời sống và “lần dò” tìm ra một lối đi riêng. Họ quan tâm nhiều đến các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đương đại với những giằng co giữa tình - tiền, vấn nạn môi trường, những kẽ hở của cơ chế khiến nhiều người dễ rơi vào tham ô tham nhũng... Họa sĩ Lê Thị Thanh sau bộ tranh “Huyền thoại Sầm Sơn” đạt giải A của Triển lãm khu vực Bắc miền Trung năm 2015 và xuất sắc đoạt giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam giải tỏa “cơn khát Huy chương Vàng” cho nền mỹ thuật xứ Thanh sau chặng đường dài 20 năm. Năm 2019, chị tiếp tục đề tài môi trường, mang “Cứu” và “Hãy cứu” đến Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ và đạt giải A. Sau đó, tác phẩm “Cứu” đã giành giải ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, cũng trong năm 2019, chị tham gia Triển lãm Tranh in mini toàn quốc với bộ “Thời sự” gồm 7 tác phẩm mini thể hiện cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề của môi trường, từ bầu trời, mặt đất đến đại dương... Không tránh né đề tài đương đại, sân khấu xứ Thanh tạo dấu ấn với giới chuyên môn khi tham dự các hội diễn, cuộc thi và giành giải A với vở chèo “Đất liền và biển cả”; vở cải lương “Điều còn lại”...

Nói như nhà lý luận phê bình Thy Lan - Phó Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa: Hơn ai hết, những người sáng tạo VHNT cần có trách nhiệm đi đến tận cùng sự chiêm nghiệm, thâm nhập vào tận sâu thế giới nội tâm cùng những nỗi đau đớn, niềm vui của kiếp người. Một hướng đi đúng bao giờ cũng có tác dụng bung nở tư duy, phát huy sáng tạo.

Phải thẳng thắn khẳng định, dẫu có nhiều tiêu chí trong việc đánh giá quá trình lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ, song tác phẩm chính là cách xác tín lớn nhất. Đứa con tinh thần nào cũng đẹp, cũng xinh trước người sinh thành, còn sự đánh giá của khán giả, độc giả tùy vào gu thẩm mỹ, cách cảm nhận, trình độ tri thức. Nhưng chẳng ai có thể phủ nhận một tác phẩm hay, bởi trong cái hay đã mang kèm cả cái mới, cái lạ, cái duy nhất.

Từ đại hội lần thứ nhất Hội Văn nghệ Thanh Hóa năm 1974 với có sự góp mặt của hơn 90 văn nghệ sĩ, đến nay, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đã trưởng thành về lực lượng với 483 hội viên ở 11 ban chuyên ngành. Thành tựu của nhiệm kỳ 2017-2022 là sự tự hào, song cũng đặt ra nhiều thách thức, sự kỳ vọng đối với VHNT giai đoạn 2022-2027.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]