(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An) trong một gia đình nhà nho.

Vĩnh biệt tác giả “Búp sen xanh”

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An) trong một gia đình nhà nho.

Vĩnh biệt tác giả “Búp sen xanh”

Nhà văn Sơn Tùng.

Ông bắt đầu tham gia cách mạng từ những năm 1950, hoạt động ở Tỉnh đoàn, sau ra Hà Nội học Đại học Nhân dân rồi làm giảng viên đại học. Năm 1965, nhà văn Sơn Tùng là đặc phái viên của Báo Tiền Phong tác nghiệp chủ yếu tại vùng chiến sự ác liệt ở Quân khu 4, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Tới năm 1967, ông xung phong đi B, vào chiến trường Đông Nam bộ thành lập và phụ trách tờ báo Thanh niên Giải phóng. Năm 1971, nhà văn Sơn Tùng bị thương rất nặng trong chiến đấu.

Mang thương tật, mất 81% sức khoẻ, 3 mảnh đạn còn nằm trong hộp sọ, mắt chỉ còn 1 phần 10, hai bàn tay chỉ còn 3 ngón không co quắp và nhiều vết thương khác nhưng ông vẫn chuyên tâm cầm bút, kiên định, sáng tạo trong bệnh tật.

Trong cuộc đời lao động, cống hiến không mệt mỏi của mình, ngoài các tiểu thuyết viết về chiến tranh, về danh nhân cách mạng và một số bài thơ, Sơn Tùng là nhà văn có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người, đó là: “Búp Sen Xanh”, “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất”, “Hoa râm bụt”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng”, "Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”,“Bác ở nơi đây”, “Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức bà mẹ Nga”, “Những ngày bên Bác”...

Đặc biệt, với tiểu thuyết “Búp sen xanh”, nhà văn Sơn Tùng thực sự đã trở thành người đầu tiên mở ra hướng mới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường, một người con xứ Nghệ.

Vĩnh biệt tác giả “Búp sen xanh”

Búp sen xanh, cuốn sách được hầu hết thiếu nhi Việt Nam tìm đọc.

Ngay từ những trang viết đầu tiên tác giả Sơn Tùng đã có lời đề từ trang trọng: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”.

Với ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”, “Búp sen xanh” được viết theo dấu chân của cậu bé Côn thuở ấu thơ đi qua những biến thiên lịch sử của đất nước, của gia đình nội ngoại hai bên và dần định hình nhân cách. Để đến ngày 5-6-1911, tại Bến Nhà Rồng có một chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường giải phóng dân tộc.

Vĩnh biệt tác giả “Búp sen xanh”

Một số tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng viết về cuộc đời Hồ Chủ tịch.

Đọc tiểu thuyết “Búp sen xanh”, độc giả được sống, thể nghiệm với làng quê xứ Nghệ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nơi ấy là làng Chùa quê ngoại, làng Sen quê nội của Hồ Chí Minh, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm…

Cuốn sách ban đầu dụng ý viết cho thiếu nhi, được trao giải đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi, nhưng với sức lay động từ chân dung của vị Chủ tịch, “Búp sen xanh” đã vượt ra ngoài những giới hạn của một tác phẩm thiếu nhi. Cũng không đơn giản là câu chuyện về lãnh tụ, đây còn là câu chuyện để làm người.

Để hoàn thành “Búp sen xanh”, từ năm 1948, nhà văn Sơn Tùng đã đến gặp trực tiếp anh chị ruột của Bác, được gia đình cung cấp những tài liệu quý báu về cuộc đời, gia cảnh của Bác. Nhà văn Sơn Tùng cũng đi khắp các miền đất nước lần theo dấu vết mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ từng đi qua. Ông cũng tìm đến những nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi, gặp những người từng quen biết chàng trai Nguyễn Tất Thành như người thủy thủ từng biết Bác từ năm 1913, gặp bà Lê Thị Huệ, sưu tầm nghiên cứu các tư liệu quốc tế, các sách báo viết về Bác, đặc biệt các chồng công văn mật, các giấy tờ...

Nhà văn Sơn Tùng từng chia sẻ không phải do một sự ngẫu nhiên, một sự tình cờ, mà từ tình yêu kính Bác với một quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn ông đã dẫn đến việc cầm bút viết những trang kể về một số hình ảnh thuở thiếu thời của Hồ Chủ tịch.

Kể từ khi ra mắt lần đầu năm 1982, tác phẩm đã được tái bản hơn 30 lần. Cuốn sách được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời giới thiệu ở lần tái bản đầu tiên. Tuy nhiên, vì những lý do tế nhị, đầu năm 2005 lời tựa này mới được công bố. Trong lời tựa có đoạn: “Cuốn sách “Búp sen xanh” nêu lên một vấn đề: ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là Nhân dân”.

Vĩnh biệt tác giả “Búp sen xanh”

Nhà văn Sơn Tùng nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2011.

Cả một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho văn chương, năm 2011 nhà văn Sơn Tùng được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, trở thành người thứ 4 thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được nhận danh hiệu này.

Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, lúc đó là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Nhà văn viết bằng tài năng, viết bằng cảm xúc thăng hoa thì có nhiều. Nhưng nếu ai muốn biết nhà văn đã viết bằng máu như thế nào thì xin hãy đến gặp Sơn Tùng… Tấm gương trong sáng của người anh hùng, nhà văn Sơn Tùng là sách ở ngoài sách, là chữ ở ngoài chữ, là lời ở ngoài lời”.

Ông luôn tâm niệm và hướng tới một điều là giữ cho tâm hồn mình trong sáng, ngay thẳng, sống nhân nghĩa và làm điều thiện, dẫu thân thể tàn phế nhưng không tàn phế tâm hồn. Cuộc sống của ông chật vật bên con ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, Hà Nội, nhưng ông đã từ chối nhiều lời đề nghị phân nhà của các vị lãnh đạo cao cấp, của các cơ quan đoàn thể, và cả những bạn đọc nước ngoài.

Sơn Tùng là nhà văn viết về Hồ chí Minh hay nhất, nhiều nhất và công phu nhất. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sau khi nhận được tin về sự ra đi của nhà văn Sơn Tùng đã viết trên trang cá nhân: “Nhà văn Sơn Tùng đã qua đời vào 23h ngày 22-7 tại Hà Nội, hưởng thọ 93 tuổi. Ông là một con người đặc biệt và là một nhà văn đặc biệt. Ý chí sống và sáng tạo phi thường của ông là một tấm gương lớn”.

Tang lễ nhà văn Sơn Tùng diễn ra từ 7h30 đến 8h30 ngày 26-7 (17-6 âm lịch) tại số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sau đó di quan về quê biển - làng Kim, xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An.

Xin cúi đầu vĩnh biệt ông!

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]