(vhds.baothanhhoa.vn) - Vũ Trung Anh, họa sĩ người phường Trường Thi, TP Thanh Hóa là cái tên không nhiều người biết đến. Bởi thời gian anh học và làm nghề ở Việt Nam rất ít. Nhưng những ai đã biết đến anh đều phải nể về một chàng trai vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực học tập để bước sang trời Tây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vũ Trung Anh - người du ca để khám phá chính mình

Vũ Trung Anh, họa sĩ người phường Trường Thi, TP Thanh Hóa là cái tên không nhiều người biết đến. Bởi thời gian anh học và làm nghề ở Việt Nam rất ít. Nhưng những ai đã biết đến anh đều phải nể về một chàng trai vượt lên hoàn cảnh, nỗ lực học tập để bước sang trời Tây.

Vũ Trung Anh - người du ca để khám phá chính mình

“Chiếc lông xanh” (thép không gỉ, 47cm X 20cm X 7cm).

Sinh năm 1978, Trung Anh mê vẽ từ nhỏ. Quyết tâm thi bằng được vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), sau những lận đận về thi cử, anh đã bước chân vào ngôi trường mình yêu thích. Thời đó đa phần sinh viên ngoại tỉnh ra Hà Nội học khá vất vả. Còn với Trung Anh là quá vất vả. Anh được cho ở nhờ trong căn phòng vẻn vẹn 4m2 dưới gầm cầu thang một khu tập thể. Căn phòng có cánh cửa, nhưng quanh năm tối om, bởi lần nào mở ra là lần ấy bị “ăn chửi” do vướng đường đi lại. Giường cũng được anh cưa đi cho vừa đủ đặt lưng, đêm ngủ cựa mình cũng có thể rơi xuống đất. “Khủng khiếp nhất là những ngày mưa lụt, tứ bề là nước. Tôi ngồi chồm hỗm trên cái ghế đẩu - 1 trong 3 vật duy nhất có trong căn phòng gồm: giường, rương tôn và cái ghế”, Trung Anh kể.

Vũ Trung Anh - người du ca để khám phá chính mình

Tác phẩm “Ba chiếc lông” (sắt, 50cm X 40cm X 10cm).

Ban ngày, ngoài giờ đến giảng đường, Trung Anh chủ yếu đi làm thợ hàn để mưu sinh. Công việc lúc đó của anh là làm “chuồng cọp” cơi nới ở các khu chung cư, rồi làm cửa xếp, mái tôn... Gần như cứ dính đến hàn xì là anh nhận ngay...

Cũng từ cuộc sống khắc nghiệt ấy mà Vũ Trung Anh gắn bó với điêu khắc. Chính điêu khắc đã giúp anh có thể bước vào một không gian khác mà chưa bao giờ anh nghĩ tới. Anh kể lại câu chuyện rất thực tế ở Việt Nam khoảng từ năm 2000 đến 2005 nhiều người vẫn nghĩ điêu khắc là đục đẽo, chứ không phải hàn xì. May mắn lúc ấy Đại sứ quán Ý tại Hà Nội phối hợp cùng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội tổ chức cuộc thi nghệ thuật đương đại “VIET IT! Art Contest”. Cuộc thi này đặc biệt dành cho các bạn trẻ, các nghệ sĩ tạo hình và biểu diễn, lấy nguồn cảm hứng từ đề tài tình mẫu tử thể hiện trong bài thơ “Supplica a mia madre” (Cầu xin mẹ) của nhà thơ người Ý Pier Paolo Pasolini. Kết thúc cuộc thi, tác phẩm điêu khắc của Vũ Trung Anh đã đạt giải Nhất và anh được nhận một suất học bổng đến Học viện nghệ thuật Ý.

Vũ Trung Anh - người du ca để khám phá chính mình

“Sự im lặng” (inox, sắt 21cm X 17cm X 25cm).

Tác phẩm đầu tiên Trung Anh tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, là bức điêu khắc “Sự im lặng” với chất liệu sắt và inox.

Đến lúc sang Ý anh vẫn theo đuổi chất liệu ấy. 2 năm để làm tác phẩm “Yêu đời” ra đời từ những khoảnh khắc thơ mộng của trải nghiệm hiện sinh. Quan điểm của Vũ Trung Anh là: “Những xúc cảm của cuộc đời như một tảng băng trôi. Phần lớn những khổ đau, mất mát và hy sinh chìm sâu trong lạnh giá của ký ức lãng quên để nâng đỡ những niềm vui, nụ cười dưới bầu trời xanh mà chúng ta hằng ao ước. Như những bông hoa nở dưới ánh mặt trời, chúng ta cố gắng sống một cuộc đời hướng thiện và tìm về cái đẹp. Bởi có lẽ nó như một điều tất yếu của tự nhiên, của sự sống và tái tạo sự sống. Mỗi người ai cũng luôn tự đi tìm cho mình những ý nghĩa của cuộc đời, sống một cách say mê, chân thành và tình yêu sẽ luôn mang lại năng lượng, sắc màu cho sự sống".

Mộng mơ là thói thường của nghệ sĩ, khi trở về đời thường anh phải chống chọi với những cơn đau mắt vì liên tục hàn xì. Nhiều đêm không ngủ được phải lấy nước đá chườm lên mắt để xua đi cảm giác đau đớn. Nhưng quan trọng hơn hết, với Trung Anh là sự theo đuổi cái hoàn mỹ, đi đến tận cùng những khám phá chính mình và đời sống. Nếu được ngắm tác phẩm điêu khắc “Ba chiếc lông”, mới biết hóa ra không phải nghệ thuật là cái gì xa vời, to tát; người nghệ sĩ không cần và không nên hướng đến những điều ngoài trí tưởng tượng của con người. Rất đơn giản, rất đời thường, rất gần gũi và rất nghệ thuật. Trung Anh chia sẻ: “Để làm được tác phẩm này, tôi phải cắt những tấm sắt không gỉ, mỗi lần cắt là một lần nín thở, hít sâu. Đó là sự hội tụ cảm nhận cả bên trong, bên ngoài. Nghệ thuật có thể là cảm xúc của cảm xúc, nhưng nếu thuyết phục người ta bằng lý trí thì vẫn có thể dâng trào cảm xúc. Vì thế tự do trong nghệ thuật không phải là ai cho ai cái gì mà là chính mình cho mình”.

Vũ Trung Anh - người du ca để khám phá chính mình

Vũ Trung Anh và con trai trượt tuyết trên đỉnh Mont Blanc quanh năm tuyết bao phủ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Khi tôi hỏi anh có quan tâm nhiều về đời sống nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, Vũ Trung Anh chỉ cười: “Nghệ thuật và nghệ sĩ ở bất cứ quốc gia nào cũng thế, chảy cùng dòng chảy. Có điều, để yêu cầu tư duy mở đường với nghệ sĩ là khó mà chủ yếu vẫn là đi theo. Nhưng đi theo bằng cách nào và đến đâu lại là câu chuyện khác. Quan trọng nhất với nghệ sĩ là phải hiểu bản chất của sáng tạo để đi được những bước chân tự do. Tự do không phải là thích làm gì thì làm, nếu không có nền tảng thì chúng ta sẽ bị mất phương hướng ngay. Với tôi, tự do đơn giản là được đi đến tận cùng để khám phá chính mình”.

Có lẽ vì thế mà những ánh lân tinh trong mỗi mối hàn xì có sức hấp dẫn riêng với Vũ Trung Anh. Giữa không gian thơ mộng của đỉnh núi Mont Blanc trên dãy Anpơ, một thung lũng cổ nằm ngã ba của Ý, Thụy Sĩ và Pháp, Vũ Trung Anh, chàng họa sĩ được thỏa sức du ca trong những tác phẩm điêu khắc của riêng mình.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]