(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ không có đảng viên, đến nay hơn 6 năm kể từ khi thực hiện Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Xóa bản trắng đảng viên”, 26 bản đồng bào dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến huyện Mường Lát đã phát triển được 224 đảng viên, sinh hoạt ở 26 chi bộ. Đó là thành công trong nỗ lực thực hiện Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tuy nhiên, để có được những con số này đó là cả hành trình không mấy dễ dàng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xóa bản trắng đảng viên ở đồng bào Mông Mường Lát (Kỳ 2): Gian nan hành trình xóa bản trắng đảng viên

(VH&ĐS) Từ không có đảng viên, đến nay hơn 6 năm kể từ khi thực hiện Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về “Xóa bản trắng đảng viên”, 26 bản đồng bào dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc đến huyện Mường Lát đã phát triển được 224 đảng viên, sinh hoạt ở 26 chi bộ. Đó là thành công trong nỗ lực thực hiện Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tuy nhiên, để có được những con số này đó là cả hành trình không mấy dễ dàng.

Tìm nhân tố bằng gây dựng phong trào

Trong câu chuyện về hành trình xóa bản trắng đảng viên và thành lập chi bộ Đảng ở những bản đồng bào Mông di cư tự do, ông Phạm Văn Tôn - cán bộ của Bộ đội Biên phòng, người được cử về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lý cho biết: Cái khó nhất để phát triển đảng viên và thành lập chi bộ Đảng ở 12 bản đồng bào dân tộc Mông di cư tự do ... là không biết phải bắt đầu từ đâu và bằng cách nào? Bởi thực tế, tất cả những bản Mông này đều không có hệ thống chính trị ở thôn, bản nên các hoạt động phong trào không có. Vì vậy, lấy nhân tố ở đâu và ai là người phát hiện, giới thiệu, đó là cả vấn đề nan giải. Tuy nhiên, sau khi tìm được “nút thắt”, có nghĩa đã xác định được nhân tố không ở đâu khác mà ngay chính từ các hoạt động phong trào và nơi phát hiện, giới thiệu là hệ thống chính trị ở thôn, bản.

Với trách nhiệm được Đảng phân công tăng cường về giúp xã Trung Lý phát triển đảng viên, ông Phạm Văn Tôn đã tham mưu cho Đảng ủy xã đề xuất với Huyện ủy củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở các thôn, bản. Trên cơ sở đó, ngoài nâng cao vai trò của già làng, trưởng bản, các đoàn thể như: Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ... được thành lập.

Khi đã có các đoàn thể ở 12 bản, cần phải chỉ đạo, hướng dẫn các đoàn thể phát động các phong trào thu hút hội viên. Trên tinh thần đó, Đoàn Thanh niên có các phong trào: Văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội..; Hội Phụ nữ có phong trào: Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo vệ sinh môi trường ... Hội Nông dân phát động bà con hăng say lao động sản xuất, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi ...

Các phong trào do đoàn thể phát động được người già trong bản phấn khởi, lớp trẻ hào hứng tham gia. Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu tham gia nhiệt tình các phong trào do tổ chức mình phát động. Và 27 con người ưu tú nhất được tìm thấy từ các hoạt động phong trào là những nhân tố điển hình được lựa chọn tham gia lớp bồi dưỡng đảng viên đầu tiên theo Kết luận 50 vào cuối năm 2010.

Thành công của Trung Lý trong việc xây dựng hệ thống chính trị thôn, bản cũng như phát động phong trào thi đua của các tổ chức đoàn thể để tìm nhân tố được Huyện ủy xem đó là cách làm sáng tạo. Cách làm này được Huyện ủy chấp thuận và cho triển khai, thực hiện ở 14 bản người Mông còn lại của 2 xã Mường Lý và Tam Chung. Thực hiện theo cách làm của Trung Lý, khoảng cuối năm 2011, các địa phương này đã phát hiện, giới thiệu được hàng chục người ưu tú đầu tiên cho đi học lớp bồi dưỡng, kết nạp đảng viên do Huyện ủy tổ chức.

Một buổi sinh hoạt chi bộ Đảng ở Mường Lát.

Xóa bản trắng đảng viên chuyện không dễ

Tìm được nhân tố là thành công trong việc phát hiện nguồn nhưng mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình xóa bản trắng đảng viên. Thực tế Mường Lát không chỉ có tỷ lệ đói nghèo cao nhất nước (có thời điểm lên đến 80%), mà địa phương này còn “nổi tiếng” bởi tỷ lệ người thất học, mù chữ và sinh nhiều con, đặc biệt là trong đồng bào Mông di cư tự do. Vì vậy, nếu theo tiêu chuẩn để kết nạp đảng viên như quy định chung của Điều lệ Đảng: Người được kết nạp phải có trình độ học vấn ở mức tối thiểu bậc học THCS và sinh từ 2 con trở xuống ..., 26 bản Mông di cư, sẽ không có ai được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Từ thực tế trên, để tạo điều kiện cho Mường Lát xóa bản trắng đảng viên ở 26 bản Mông di cư tự do theo Kết luận 50 của Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhiều cơ chế, chính sách được tỉnh ban hành riêng cho Mường Lát, như: Đảng viên được kết nạp chỉ cần biết đọc, biết viết; sinh từ 5 con trở xuống ...Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác đi thẩm tra lý lịch.

Mặc dù, đã có nhiều cơ chế, gỡ nút thắt cho các bản Mông xóa trắng đảng viên, song đưa Đảng về bản... cũng không mấy dễ dàng. Đã có hàng trăm quần chúng ưu tú được phát hiện từ các phong trào có thể giới thiệu cho đi học lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng nhưng không đảm bảo điều kiện vì họ không biết đọc, biết viết và sinh từ 5 con trở lên. Chưa hết, nhiều quần chúng ưu tú có trình độ học vấn từ lớp 5 trở lên và sinh 4 con trở xuống... đảm bảo được 2 tiêu chuẩn nhưng cũng đành bỏ lỡ cơ hội vào Đảng vì không thẩm tra được lý lịch. Chính vì những khó trên nên có xã, đến cuối năm 2015 mới xóa được bản trắng đảng viên như xã Mường Lý.

Nói về những khó khăn trong việc đưa Đảng về bản, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát - ông Lầu Minh Pó trần tình: Việc đưa Đảng về bản khó khăn không chỉ liên quan đến trình độ học vấn, hay vi phạm dân số kế hoạch hóa gia đình mà quá trình thẩm tra lý lịch, hoàn thiện hồ sơ để kết nạp cũng là vấn đề nan giải. Ngay như việc đi thẩm tra lý lịch, có quần chúng phải đi tới 2 lần và mỗi lần đi ít nhất từ 5 - 7 ngày thậm chí nữa tháng mới xong. Nhưng cũng có những trường hợp phải đi đến 2 - 3 lần và mất nhiều thời gian cũng không thẩm tra được. Bởi lẽ, lúc họ di cư, tuổi còn đang rất nhỏ, thậm chí có người không biết quê quán ở đâu, hỏi những người thân trong gia đình, họ cũng không nhớ vì trước khi đi từ các tỉnh phía Bắc di cư đến huyện Mường Lát, họ đã di cư và sống nhiều nơi nên không thể nhớ địa chỉ chính xác nơi mình đã từng sinh sống. Không chỉ sai địa chỉ, nhiều người còn không nhớ rõ họ, tên của mình khi đang sống nơi bản địa nên việc đi thẩm tra giống như đi “mò kim đáy biển”. Khó khăn là vậy, song nhờ được tỉnh quan tâm, chỉ đạo tạo nhiều cơ chế, trong đó có kinh phí hỗ trợ đi thẩm tra lý lịch và sự nỗ lực, kiên trì thực hiện Kết luận 50 của hệ thống chính trị từ huyện đến xã, đến nay Mường Lát không những hoàn thành mục tiêu xóa bản trắng đảng viên với đội ngũ đảng viên 224 người mà còn thành lập được chi bộ ở 26 bản Mông.

“Dù chất lượng đảng viên chỉ “biết đọc, biết viết”, song với nhiệt huyết và lòng tin theo Đảng, những đảng viên trưởng thành từ Kết luận 50 sẽ là những hạt nhân tiên phong xóa đói giảm nghèo và lạc hậu, góp phần tích cực cùng chính quyền địa phương làm cho bản làng thay da, đổi thịt” - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát Lầu Minh Pó khẳng định.

Minh Lý



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]