(vhds.baothanhhoa.vn) - Du lịch dựa vào cộng đồng đang có xu hướng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở địa bàn một số huyện miền núi xứ Thanh.

Văn nghệ quần chúng dựa vào du khách

Du lịch dựa vào cộng đồng đang có xu hướng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở địa bàn một số huyện miền núi xứ Thanh.

Văn nghệ quần chúng dựa vào du khách

Ảnh minh họa.

Với lợi thế giàu tài nguyên thiên nhiên, có đời sống văn hóa bản địa phong phú, trong đó có dân ca, dân nhạc, nhiều địa phương đã thành lập các đội văn nghệ quần chúng phục vụ du khách. Hình ảnh diễn viên là người dân địa phương biểu diễn tại các điểm du lịch đã trở nên rất thân quen, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tăng sức hấp dẫn cho du lịch của địa phương. Tham gia các tour du lịch dựa vào cộng đồng ở những địa phương này, du khách còn có thể tham gia nhảy sạp, thổi khèn, hát, múa các bài hát của đồng bào dân tộc cùng các diễn viên. Nhiều người cho biết điều này đem đến kỳ nghỉ thú vị với nhiều trải nghiệm mới. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phàn nàn về tình trạng thiếu chính quy, thậm chí là thực dụng trong việc biểu diễn văn nghệ ở một số nơi.

Ở một số địa danh du lịch thuộc khu vực miền núi phía Bắc nơi có đồng bào Mông sinh sống rất nổi tiếng với điệu múa khèn Mông, những chàng trai, cô gái cùng múa khèn, múa ô phục vụ du khách. Thế nhưng, khi những giá trị văn hóa này được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, đã bị biến tướng, thương mại hóa, làm cho hình ảnh du lịch ở đây ít nhiều bị ảnh hưởng.

Tình trạng thương mại hóa trong biểu diễn văn nghệ quần chúng đang có xu hướng mất kiểm soát ở nhiều khu, điểm du lịch dựa vào cộng đồng. Trong khi các bài hát, điệu múa đã trở nên quá quen thuộc, ít có sự thay đổi, chất lượng phục vụ không cao, thì giá dịch vụ lại tăng lên. Đáng nói là, những người khách hào phóng với số tiền thưởng cho diễn viên đã tạo ra thói quen chờ đợi, thậm chí vòi vĩnh, mà không phải đoàn khách nào cũng có thể đáp ứng được.

Đưa văn nghệ quần chúng vào phục vụ du lịch để giúp du lịch có thêm cơ hội đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng sức hấp dẫn của điểm đến, từ đó tăng cường khả năng thu hút khách. Trong khi đó, nhờ du lịch mà nghệ thuật có thêm sân chơi để tiếp cận đông đảo khán giả, gia tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, đồng thời có thêm nguồn thu để quay trở lại tái đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhưng đó phải là một sự hợp tác nghiêm túc, thể hiện tầm nhìn và khát vọng của cả hai bên. Còn một khi bị những điều tầm thường, ngắn hạn chi phối thì rất khó để có sự hợp tác trọn vẹn, những đơn vị tổ chức du lịch không thể mãi đem khách đến để sử dụng những dịch vụ như thế được. Nhiều chuyên gia cho rằng, phải vượt lên những giá trị thông thường, để cả hai bên cùng kiến tạo môi trường thật sự nghiêm túc, có sự kết nối chặt chẽ giữa những người làm văn hóa và du lịch, trong đó ai cũng có trách nhiệm, mới có thể khai thác tốt nhất các giá trị nghệ thuật đưa vào phục vụ du lịch ở những khu du lịch dựa vào cộng đồng.

Tuệ Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]