(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là bài thơ mà được nhiều thế hệ yêu thơ, thích thơ biết đến nhất lại là người Thanh Hóa, bởi đó là tác giả ở vùng đất Mai An Tiêm và trống trận Ba Đình thời hưởng ứng Chiếu Cần Vương vào cuối thế kỷ XVIII.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảy mươi năm vẫn thắm mãi “Màu tím hoa sim”

Đó là bài thơ mà được nhiều thế hệ yêu thơ, thích thơ biết đến nhất lại là người Thanh Hóa, bởi đó là tác giả ở vùng đất Mai An Tiêm và trống trận Ba Đình thời hưởng ứng Chiếu Cần Vương vào cuối thế kỷ XVIII.

Bài thơ khiến tên nhà thơ Hữu Loan nổi tiếng trong làng thơ của cả nước và cũng khiến ông “lên bờ xuống ruộng” đảo điên cuộc đời ở tuổi còn đang đà vươn lên với thời cuộc.

Thế hệ chúng tôi (4X) ngày đó khi học cấp hai nghe thầy giáo giảng văn trong đó được tiếp cận với thơ như của Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Giang Nam thì mê và say sưa vô cùng. Ngoài những bài thơ tập thơ công khai, chúng tôi cũng hay tò mò bắt chước các bậc anh chị mò mẫm săn lùng những bài thơ, bài văn “cấm” để đọc. Trong đó có bài “Màu tím hoa sim”, chúng tôi cứ “bí mật” chép tay chuyền cho nhau.

Bài thơ Màu tím hoa sim ra đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt: Năm ông 20 tuổi rời Nga Sơn lên thị xã Thanh Hóa học trường Trung học. Vì nhà nghèo nên phải vừa học, vừa làm gia sư cho gia đình ông Lê Đỗ Kỳ, Tổng Thanh tra Nông Lâm Đông Dương hồi đó. Sau Cách mạng Tháng 8/1945 ông Lê Đỗ Kỳ là đại biểu Quốc hội khóa I. Học trò của ông Hữu Loan là cô Lê Đỗ Thị Ninh chưa đầy 10 tuổi. Bà mẹ cô Ninh quý mến thầy giáo Loan như người con trong gia đình, bà khoe với mọi người “Tôi quý cái nhân cách của cậu ấy”. Càng lớn cô Ninh càng xin đẹp và nết na. Tuy con nhà giàu và có thế lực nhưng cô vẫn chăm chỉ làm mọi việc như nuôi gà, nuôi lợn, nội trợ gia đình, cô ăn mặc giản dị như các cô gái bình thường. Sau khi Hữu Loan tốt nghiệp Thành chung thì ra Hà Nội học Ban tú tài rồi lại trở về Thanh Hóa dạy học và tham gia phong trào Việt Minh, rồi cũng tham gia lãnh đạo cướp chính quyền ở Nga Sơn. Trong cuộc mít tinh cổ động “Tuần lễ vàng” cô Lê Đỗ Thị Ninh xúc động về bài diễn thuyết của Hữu Loan bèn cởi vòng xuyến ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh. Bà mẹ cô vốn quý mến Hữu Loan, muốn se duyên cho con gái và thực ra trong tâm hồn trong trắng của cô Ninh, tình yêu đến một cách hồn nhiên, mặc dù Hữu Loan hơn cô 16 tuổi. Có chuyện vui vui là vì do quá chênh lệch tuổi tác, mỗi lần ra đường Hữu Loan thường đi chếch trước hoặc tụt lại sau một đoạn, nhưng cô Ninh hiểu ý bắt Hữu Loan phải cùng đi ngang...

Ngày cưới Hữu Loan đã “cứng cựa” ở tuổi 33 mà cô Lê Đỗ Thị Ninh mới 17 tuổi. Lễ cưới xong ông trở về đơn vị và 5 tháng sau thật là đau đớn: Nhận được tin vợ chết lặng điếng người. Gần một năm sau, năm 1949 ông Hữu Loan vào Nghệ An công tác, tiếng khóc mới bật lên thành thơ. Giữa buổi trưa vắng vẻ, ông viết liền một mạch trong hai tiếng đồng hồ thì xong: Màu tím hoa sim.

Ông coi đó là thơ riêng của mình khóc vợ, nên không gửi in ở báo nào. Nhưng Màu tím hoa sim lại được truyền tay nhau lan đi rất nhanh ở khu IV, khu III ra đến chiến khu Việt Bắc. năm 1956 nhà thơ Nguyễn Bính lấy từ sổ tay in bài thơ đó vào báo Trăm hoa mà Hữu Loan không hề được biết trước.

Cũng sau năm 1956, Màu tím hoa sim cũng như nhiều tác phẩm thơ, ca, văn, nhạc bị “stop”. Số phận của nhiều tác giả lênh đênh như tác phẩm của chính mình.

Vốn dĩ con người có nhiều cá tính, Hữu Loan đã bộc lộ rất rõ tính cách của mình, ông tỏ ra “bất kham” trước những sai lầm của một số người làm quản lý ông và vì thế ông đã hai lần bỏ về quê cày cuốc rồi lại được gọi đi làm. Năm 1957 ông bỏ về nhà.

Thôn Văn Hoàng, xã Nga Lĩnh cố hương lại trở thành nơi ẩn cư suốt mấy chục năm dài dằng dặc. Ông thực sự đổ mồ hôi căng cơ bắp để làm ra miếng ăn cái mặc hàng ngày. Với đôi bàn tay vạm vỡ chai sạn nắm càng xe cút kít và xe đạp thồ chở đá, chở gạch. Thỉnh thoảng có những cô gái tò mò chạy dọc theo bờ mương Hưng Long đến chân núi xem trộm mặt và tóc tai bù xù của nhà thơ Màu tím hoa sim. Có chuyện mấy ông chuyên gia nước ngoài đi qua thấy ông lão râu tóc bạc phơ dừng xe cút kít ngồi đọc dưới nắng mà lại đọc Banzac nguyên bản tiếng Pháp, họ tỏ ra phục người Việt Nam.

Cũng như các nhà thơ khác xuất hiện từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan nhận thức một cách tự nhiên rằng cầm bút là để phục vụ kháng chiến, cho nên đề tài thơ ông đều được khai thác từ máu lửa cuộc chiến đấu oai hùng của quân dân ta như: Đèo Cả, Hoa lúa, Những làng đi qua, Mắt em ngấn lệ...

Hữu Loan trong vòng 10 năm cũng chỉ làm có trên chục bài mà toàn ở thể tự do. Mà theo nhà thơ, nhà nghiên cứu Võ Văn Trực gọi là thể thơ “leo thang” như kiểu của nhà thơ Nga nổi tiếng Maiakopxki. Ấy thế mà người đời cứ tưởng ông viết nhiều. Sở dĩ có cái cảm giác: “cứ tưởng” đó là vì thơ Hữu Loan phổ biến rộng, nhiều người đọc và nhiều người thuộc, kể cả trong giới văn chương mà cả công chúng đông đảo “nghiện” thơ ông. Những năm tháng ở quê nhà dai dẳng sống bằng sức lao động cơ bắp để nuôi vợ và một đàn con (chín người) ông thường lấy chén rượu trắng nhắm với chuối xanh chấm muối ớt rồi xít xoa vui thú nhìn trời, nhìn nước, nhìn non.

Ông sống ẩn dật ngang tàng và hơi bất cần. Ai đã từng nhìn thấy nhà thơ Hữu Loan và đặc biệt khi được tiếp xúc với ông thì thật khó quên. Từ tài hoa và tính khí của ông, là người xứ Thanh không phải là một người hay tìm hiểu về văn hóa. Qua hai lần được gặp ông trong những lần tình cờ được đi với các nhà văn, nhà thơ họ muốn tiếp xúc với ông. Thái độ phong cách ông?

70 năm (1949 - 2019) vẫn thắm mãi Màu tím hoa sim, xin một lần cảm ơn nhà thơ Hữu Loan đã găm lại Màu tím hoa sim trong thế hệ như chúng tôi: Mang bài thơ ra trận và đến nay vẫn giữ nguyên những câu thơ đó neo lại ở cả tuổi tà tà bóng ngả về tây.

Nguyễn Thiện Phùng


Nguyễn Thiện Phùng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]