(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông đã có nhiều cuộc triển lãm tranh cá nhân tại Thanh Hóa, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và được Trung tâm văn hóa Pháp - Việt mời đích danh đưa tranh sang Paris (Cộng hòa Pháp) để triển lãm tranh cá nhân và nghiên cứu mỹ thuật thế giới năm 1996 - 1997. Tranh của ông cũng được trưng bày khá nhiều ở Pra-ha (Tiệp Khắc), Mát-xcơ-va (Liên Xô), và Xlô-va-ki-a,... Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều cuộc triển lãm của Nhà nước và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong nước và quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cuộc chơi bất tận của Đỗ Chung

Ông đã có nhiều cuộc triển lãm tranh cá nhân tại Thanh Hóa, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và được Trung tâm văn hóa Pháp - Việt mời đích danh đưa tranh sang Paris (Cộng hòa Pháp) để triển lãm tranh cá nhân và nghiên cứu mỹ thuật thế giới năm 1996 - 1997. Tranh của ông cũng được trưng bày khá nhiều ở Pra-ha (Tiệp Khắc), Mát-xcơ-va (Liên Xô), và Xlô-va-ki-a,... Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều cuộc triển lãm của Nhà nước và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong nước và quốc tế.

Có người nói với tôi, ông Đỗ Chung đấy dị lắm, nói chuyện khó chịu lắm. Nhưng từ khi thưởng thức 36 bức tranh ở triển lãm Thời gian diễn ra hồi tháng 3/2018, mà tôi phải tìm đến ông.

Sinh năm 1947, thực sự thì cũng ở vào tuổi tri thiên mệnh rồi, tôi nghĩ sẽ gặp ông già có giọng nói run run, và đôi chút băn khoăn liệu ông còn sức vẽ không? Nhưng bước vào căn phòng to như sảnh khách sạn, những bức tranh cỡ lớn đang chờ hoàn chỉnh, tôi thực sự choáng ngợp, một ông già 72 tuổi gày gò thế mà thích chinh phục những bức toan khổ lớn. Vài ba bức khổ 2m x 5m được bày trang trọng và kiêu sa.

Thế mới có chuyện ông bảo, mỗi lần di chuyển tranh là ông phải đặt trước mấy tay xe ôm ở ngoài kia vào, hướng dẫn nó cùng xoay ngược tranh theo ý mình. Chứ chờ được mấy ông bạn đến thì cơn hứng đã trôi qua, ngày làm việc lại trễ quá.

Đi mãi một con đường

Không ít người gắn bó với Thanh Hóa như ông. Sinh ra ở làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân. Và kể từ sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1976, ông gắn bó với ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Thanh Hóa cho đến khi nghỉ hưu. Ít ai nghĩ một ông dị như thế, ham vui ham chơi thế mà lại gắn bó một nơi lâu dài. Tôi đưa ý nghĩ ấy ra nói với ông, ông cười nhẹ nhàng: Với tôi thì ở đâu cũng là nhằm phục vụ cuộc chơi của mình. Nhọc lòng lắm nếu cứ căn ke, nơi này nơi kia, cái này, cái kia, đời tôi không đủ thời gian để làm điều gì khác ngoài việc mình phải chơi cho đến cùng.

Tôi hiểu đó là cuộc chơi hướng về cái đẹp vĩnh cửu, cái đẹp trác tuyệt tiềm ẩn của nhân loại mà mỗi con người đã trót sinh ra là phải ôm ấp, giữ gìn và bảo vệ nó của ông. Ông chọn sự tự do, không phụ thuộc cũng chẳng chịu sự quản lý của ai. Tuy vậy, phải khẳng định Đỗ Chung là người thủy chung, làm một cơ quan, đi một con đường trong vài chục năm công chức, đâu có dễ, lại càng không dễ với người làm nghệ thuật.

Cuộc chơi đó ông hoàn toàn dành mọi ý nghĩa, lý lẽ cho cái đẹp. Ấy thế mà tôi hỏi cái đẹp đó cụ thể là cái gì, ông lại tủm tỉm. Nhưng tôi hiểu trong câu chuyện của ông là những điều ông hướng tới. Tức là với một người yêu sự tự do như ông, bất cứ mọi rào cản nào, mọi sự khuôn thước đều không phù hợp.

Người săn thời tiết

72 tuổi ông kêu người lúc nào cũng mệt, vì ông bị tiểu đường, mạch máu toàn bằng ống cao su bên cạnh đủ thứ bệnh vặt vãnh. Nhưng hễ nghĩ ra cái gì là ông bắt tay vào làm ngay. Theo ông kể là những bức tranh khổ lớn, ông phải chạy đua với thời gian. Ít nhất là cả ngày trời không dừng tay, không ăn uống. Đặc biệt, “nếu mọi người hay dùng từ săn mây cho các tay máy chuyên nghiệp, thì tôi săn thời tiết”. Thời tiết phải đủ độ ẩm rất cao, tôi mới bắt tay vào làm việc. Thời tiết hanh hao cũng không thể căng toan mà vẽ được vì ông biết chắc chắn không thể cho ra một bức tranh như mong muốn.

Tôi đùa vui vì ông là chúa tể thời gian, thì ông mới căn giờ giấc thế được. Chứ với người trẻ, họ lao vào vẽ, vừa kịp tiến độ, vừa có tiền mua sữa cho con. Ông cười, cũng có thể, nhưng đây chẳng phải bí kíp đặc biệt gì, đó là phương thức cơ bản của người cầm cọ, đặc biệt người vẽ tranh như ông. Nghỉ công tác hơn 10 năm, ngần ấy thời gian ông chỉ dành cho việc lao động nghệ thuật, có vẻ hơi thừa thãi và lãng phí về thời gian. Trước đây bạn bè thấy ông ở quán rượu nhiều hơn, chứ giờ chả còn sức mà uống, lại ôm đống bệnh ấy thì không dám. Vui quá làm vài ba chén, nhưng nhiều khi mấy ngày không làm giọt nào, và không ra khỏi nhà. Cứ làm việc như một kiểu thưởng thức ấy.

Vấn đề là nào phải ai cũng có cơ hội, thời gian và tiền bạc mà thưởng thức những thú vui và sự tao nhã của chính mình.

Thời gian (Tranh tổng hợp của Đỗ Chung).

Luôn tư duy khác biệt

Ông kể cho tôi nghe nhiều về các thể loại tranh. Từ những nét họa tiết trên trống đồng Đông Sơn, đến dòng tranh Phục hưng. Đặc biệt, ông đặt sự ngưỡng mộ của mình cho những nghệ nhân vẽ hoa văn trên trống đồng Đông Sơn. Đó là sự khác biệt, không cái nào giống nhau, là những đường nét tinh xảo bằng thủ công. Giờ đây, thật tiếc, chiếc trống nào cũng i hệt, không có hồn, không có giá trị. Ông khẳng định, trống đồng là nền văn minh số một của người Việt cổ. Chả phải các nghệ nhân bây giờ làm đồ họa cao siêu gì đâu, cứ nhìn trống đồng cổ là hiểu đồ họa từ thời ấy đã phát triển cao đến thế nào. Ông còn cho rằng, giờ đây chúng ta đang đi thụt lùi về mặt tư duy sáng tạo vì chúng ta quá lệ thuộc vào công nghệ cao.

Cái cách ông nhìn sự vật khiến những người trẻ chúng tôi thấy hóa ra mình già cỗi quá rồi. Xem lại hành trình lao động nghệ thuật của ông rõ ràng thấy ông thường chuyển phong cách qua từng thời kỳ, không lệ thuộc vào đề tài, không tìm cách để đi vào những vấn đề thời sự nóng bỏng để tìm kiếm giải thưởng tại các cuộc thi. Ông hướng mình tới cách tư duy hội họa hiện đại và mới mẻ với lối vẽ lạ, bố cục tự do. Mới mẻ vốn được xem là đặc ân của người trẻ, nhưng ông khẳng định mình là nghệ sĩ, và nghệ sĩ thì phải sáng tạo.

Xem tranh Đỗ Chung nếu không biết về tác giả chả ai nhận ra đó là lối vẽ của một người đã già lại sống trong môi trường tỉnh lẻ. Tính đến nay, ông có dăm cuộc triển lãm nhưng chẳng cuộc nào mà ông sử dụng lại tranh cũ của mình. Không phải là kiểu gom nhặt cho đủ số lượng. Như những bức tranh khổ lớn mà tôi đang thưởng thức đó là ông dự tính chuẩn bị cho một cuộc triển lãm khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/6/2019. Ông chia sẻ: tôi đang gắng hết sức, tập trung trí lực, và thời gian để đầu tư cho cuộc triển lãm này.

Quan điểm của ông là nghệ sĩ phải hội tụ 2 con người, đó là một người thợ lành nghề và một tâm hồn nghệ sĩ. Đơn giản nghệ thuật tức là sáng tạo. Nếu không sáng tạo, không cập nhật xu hướng, không thoát mình ra những hào quang cũ chắc chắn người vẽ sẽ lặp lại chính mình. Theo ông, ở Việt Nam hiện nay khái niệm nghệ sĩ bị lạm dụng khắp mọi nơi. Dù biết tranh của mình khó bán, không phải tranh hàng chợ, tranh décor, tâm sức ông dồn lên những bức toan, nhưng làm xong rồi lại cẩn thận gỡ ra khỏi satxi. Bên cạnh những bức tranh nhẹ nhàng, màu sắc tươi sáng, hầu hết tranh của Đỗ Chung thiên về trừu tượng, những suy ngẫm mang tính triết lý của cái đẹp về đời sống, thiên nhiên và con người là một ẩn số mà ông kiếm tìm. Chính lẽ đó, tranh Đỗ Chung có cái góc cạnh, phóng túng táo bạo, nhưng dung chứa sự mãnh liệt, nồng hậu của cảm xúc.

Tôi hỏi: Khi vẽ tranh ông tập trung vào đề tài hay cách biểu hiện? Ông nhẹ nhàng: Tôi chỉ có một ý thức duy nhất là làm sao xem tranh của mình người ta không nói là tranh của người khác, dù khen hay chê thì người ta cũng chậc lưỡi: Tranh của Đỗ Chung ấy mà. Thế là thành công rồi.

Gan góc và quyết liệt, kiên định, không nhân nhượng với chính mình, đó chính là con người ông. Và cũng với những phẩm chất ấy mà tranh của Đỗ Chung không đi vào lối mòn, cũ kỹ và nhàm chán.

Dù nhiều người khó chịu về con người ông, thì tôi vẫn mong ông giữ được chất chơi của mình để thăng hoa cùng nghệ thuật.

Kiều Huyền


Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]