(vhds.baothanhhoa.vn) - Cầm tập thơ Mình khuất bóng mình của Phạm Văn Dũng, nghe cái tên, tôi chợt nhớ đến mấy ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tôi vui chơi giữa đời, ôi a biết đâu nguồn cội/ Cây trưa thu bóng dài, và tôi thu bóng tôi…”. Thấy có chút gì đó như mang màu sắc triết lý, hay ít ra là sự chiêm nghiệm của tác giả về mình và về đời. Nhưng ở đây, tôi không chủ ý đi tìm cái tính triết lý (nếu có) trong thơ Phạm Văn Dũng. Tôi chỉ muốn đi tìm cái "bóng" mà Phạm Văn Dũng muốn "khuất" vào trong tập thơ.

Đi tìm cái “bóng” của Phạm Văn Dũng

Cầm tập thơ Mình khuất bóng mình của Phạm Văn Dũng, nghe cái tên, tôi chợt nhớ đến mấy ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Tôi vui chơi giữa đời, ôi a biết đâu nguồn cội/ Cây trưa thu bóng dài, và tôi thu bóng tôi…”. Thấy có chút gì đó như mang màu sắc triết lý, hay ít ra là sự chiêm nghiệm của tác giả về mình và về đời. Nhưng ở đây, tôi không chủ ý đi tìm cái tính triết lý (nếu có) trong thơ Phạm Văn Dũng. Tôi chỉ muốn đi tìm cái “bóng” mà Phạm Văn Dũng muốn “khuất” vào trong tập thơ.

Dễ thấy rằng Phạm Văn Dũng không dựng lên một cái “bóng” mang dáng dấp cây đa cây gạo sống lâu lắm rễ, cũng không phải là cây tùng, cây bách hiên ngang giữa cuộc đời giông bão, lại càng không phải cây bồ đề mà nhiều kẻ học đòi mượn để giả dạng tu hành. Cái “bóng” của Phạm Văn Dũng, nhìn một cách bao quát thì nó cũng nhỏ bé đơn sơ, mộc mạc, và đôi chỗ cũ kỹ. Bởi vì nó vốn được tạo nên từ những cái nhỏ bé, mộc mạc như chính cái gốc gác và cuộc đời của anh vậy.

Bài đầu tiên tôi đọc cùng tên với tập thơ, Mình khuất bóng mình. Một bài thơ ngắn gọn, giản dị nhưng mang ý nghĩa biểu tượng rất rõ về một vòng đời của con người qua hình ảnh cái bóng cây ở những thời điểm khác nhau trong một ngày. Bốn dòng đầu là hình ảnh cây thấy bóng mình vào lúc bình minh và lúc hoàng hôn:

Mặt trời khi bình minh

Cây thấy mình đổ bóng lổn nhổn vào hang đá

Mặt trời khi hoàng hôn

Cây thấy mình đổ bóng loằng ngoằng vào khe suối.

Đó là bóng cây nhưng cũng là hình ảnh phản chiếu đời người. Hai hình ảnh cây “đổ bóng lổn nhổn vào hang đá” và cây “đổ bóng loằng ngoằng vào khe suối” cho ta liên tưởng đến con người nương tựa vào gia đình, quê hương, nguồn cội khi còn thơ trẻ và cũng trở về với gia đình, quê hương, nguồn cội khi đã về già. Còn đây là hình ảnh bóng cây lúc buổi trưa và sự phản chiếu hình ảnh con người khi đã trưởng thành bước sang tuổi trung niên:

Mặt trời khi tròn bóng

Cây chẳng thấy mình đâu

Gió rung sợi tóc nâu

Chấm buồn đôi giọt lệ.

Đó là hình ảnh con người tự lập, con người độc lập giữa cuộc đời, cũng là con người khi cảm nhận thấm thía sự cô đơn, chỉ còn biết tự nương tựa vào mình, chẳng thể đổ bóng vào đâu.

Đọc cả tập thơ 87 bài, Phạm Văn Dũng viết về nhiều đề tài, ký thác tâm tình vào nhiều đối tượng. Trong cái nhiều và rộng về mặt thi đề ấy, tác giả chủ yếu lượm lặt những cái rất gần gũi, thân thuộc để xây cho mình một cái “bóng” - cũng khá phong phú với muôn hình muôn vẻ, có nhiều kích cỡ khác nhau. Tất nhiên, không phải cái gì Phạm Văn Dũng viết cũng có thể được xem là “bóng mình”.

Tôi thấy có một cái bóng của quê hương và gia đình hằn đậm trong hồn thơ Phạm Văn Dũng, dù số lượng bài thơ về chủ đề này không nhiều. Tập thơ có 5 bài viết về quê hương và 6 bài viết về gia đình, cho thấy Phạm Văn Dũng là người yêu làng, hiểu làng và rất tự hào về làng quê của mình. Mới đọc những bài thơ viết về làng, tôi tưởng như Phạm Văn Dũng nhằm dụng ý đơn thuần là phác họa bức tranh về quê hương mình, song ngẫm kỹ thì không phải chỉ có thế: Phạm Văn Dũng đi tìm quy luật của cuộc sống.

Trong 6 bài thơ viết về gia đình thì có 5 bài viết về những người phụ nữ thân yêu và quan trọng nhất trong cuộc đời tác giả (vợ, mẹ và bà ngoại). Theo tôi, đây chính là những cái “bóng” gần gũi, thân thương và tươi mát nhất mà Phạm Văn Dũng tìm được cho mình. Viết về mẹ, tác giả tìm về kỷ niệm của những hy sinh tần tảo, những hao mòn theo năm tháng để nuôi ước mơ, gieo mầm hy vọng (Tranh mùa đông, Mẹ của chúng con); cùng với đó là những tình cảm yêu thương ngọt ngào trong những câu hát ru được cất lên từ một tấm lòng bao dung vô hạn:

Tự bao giờ, mãi truyền đời

Mẹ là biển cả trào sôi tấm lòng. (Mẹ)

Viết về vợ, Phạm Văn Dũng tìm thấy ở người bạn đời một sự giao cảm, sự đồng điệu trong một niềm hạnh phúc hết sức bình dị đời thường. Tác giả bộc bạch những lời tâm sự rất mộc mạc, chân thành mà hóm hỉnh:

Anh là gã lực điền

Chỉ biết yêu em

Như đường cày dài vô tận

Như gieo lúa trồng khoai

Cho mãi lên xanh.

(Tình yêu gã lực điền)

Đi tìm “cái bóng” của Phạm Văn Dũng trong Mình khuất bóng mình, đôi khi tôi có cảm tưởng như anh muốn nương mình vào những kỷ niệm, những ký ức đã trải qua và lưu giữ trong tâm hồn: “bóng” một người thầy như một “thiên thần tuyệt đẹp” trong sự ngưỡng mộ thành kính (Thầy tôi thời còn trẻ); “bóng” những người bạn thời sinh viên luôn trong cái cảnh “Tiền nhẵn ruột bao mà chuyện trò thì bốc lửa”, cố thể hiện cái cốt cách “như tao nhân một thuở” để sống những tháng ngày “lãng mạn và mộng mơ” (Đi qua giảng đường, Chỉ còn là kỷ niệm, Đặt tên cho mùa, Hoài niệm…); “bóng” của những người con gái thoáng đi qua như “nàng tiên trắng muốt” trong một giấc mơ xa xăm mà trong trẻo (Hẹn mùa sau, Hạ đến, Gửi em lời chia biệt, Tìm lại giấc mơ mình, Gửi đến miền em)... Những cái “bóng” ấy xuất hiện nhiều và cứ trở đi trở lại trong hồn thơ Phạm Văn Dũng, cho thấy anh là người rất trân trọng kỷ niệm, trân trọng những khoảng thời gian sống mà mình đã đi qua, những con người đã từng để lại dấu ấn trong cuộc đời.

Hai mươi năm cho một tập thơ! Đó không còn là sự bồng bột, bốc đồng của tuổi trẻ. Đó hẳn là sự lắng đọng, sự chiết xuất rất kỹ lưỡng những tinh túy nhất của một hồn thơ. Và ở Mình khuất bóng mình, là một hành trình đi tìm lại cái bản thể của mình, tìm về chính mình và sống với những gì là của mình. Phạm Văn Dũng đã nói lên những cái nhân văn, nhân bản trong những bình dị của riêng anh.

Nguyễn Ngọc Dũng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]