(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi vừa xuất bản tập thơ “86 năm thơ tuyển”, gọi là một chút đóng góp của mình cho 68 năm sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Duyên nợ với thơ

Tôi vừa xuất bản tập thơ “86 năm thơ tuyển”, gọi là một chút đóng góp của mình cho 68 năm sinh sống và làm việc tại Thanh Hóa.

Duyên nợ với thơ đến với tôi từ thủa lên 14 tuổi. Dạo ấy, tôi đang học Thiếu sinh quân Liên khu 4 tại Thanh Hóa, ở làng Cổ Định, huyện Triệu Sơn ngày nay. Phong trào viết báo tường trong nhà trường khá rầm rộ, tôi có viết bài thơ Nhớ Bác. Khi báo đã dán lên tường, thầy giáo Nguyễn Tiến Lãng (con rể của Thượng thư Phạm Quỳnh) trong Ban giám khảo có nhận xét: “Em có năng khiếu về thơ”.

Rồi Trường Thiếu sinh quân giải tán, tôi được cử đi học Trường Trung cấp sư phạm liên khu 4, đóng tại Nghệ An, học khoa Toán. Cũng may nhờ học khoa Toán nên sau này khi làm thơ, thơ tôi gọn lời, không dài dòng, bố cục chặt chẽ. Đó cũng là dư âm của nghề nghiệp.

Tôi tuyển chọn trong đời làm thơ của mình 141 bài theo sở thích, kỷ niệm từng chặng đường làm thơ, có bài tôi thích, có bài xếp vào để ghi nhớ một thời. Phần lớn các bài đã đăng trên Báo Văn nghệ, Báo Nhân dân, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống, và Tạp chí Xứ Thanh.

Trong đời thơ tôi 2 lần được giải thưởng Báo Văn nghệ và 1 lần của Báo Người giáo viên nhân dân. Cả 3 lần đều đạt giải khuyến khích. Tôi đã tự an ủi mình bằng câu thơ: “Đã vào giải/ giải nào cũng về đích”. Suốt 68 năm đi theo thơ, duyên nợ với thơ tôi thấy mình đóng góp cho Thanh Hóa nhiều hơn là Quảng Bình quê tôi. Trong số 141, Quảng Bình thì có 2 bài, còn nữa là Thanh Hóa và Tổ quốc. Tôi đã than thở: “Nửa đời mới gặp sông Gianh/ Chao ôi nỗi nhớ đã thành tương tư/ Qua sông từ thủa mộng mơ/ con đò đưa tiễn bây giờ neo đâu?” Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã có lời bình: Bài thơ thoáng đọc không thấy gì, có vẻ nôm na như vè ấy sao, nhưng đọc kỹ thấy hồn nhà thơ trong vần thơ cuối. “Con đò đưa tiễn bây giờ neo đâu?” Ô hay qua sông thì bỏ đò lại, sao Phạm Phú Thang vẫn cõng con đò đó đi trên đường đời trong tâm hồn mình thế? Qua sông từ thủa thiếu thời do con đò chuyên chở, mấy chục năm gặp lại con sông, vẫn bùi ngùi nhớ con đò xưa cũ. Thưa rằng, con đò ấy vẫn neo đậu trong tâm hồn nhà thơ, chứ biết neo đậu nơi nào? Trong lòng Phạm Phú Thang chắc có nhiều con đò neo đậu, có nhiều cuộc đời, có nhiều kỷ niệm còn neo đậu chăng? Hay trái tim ông chính là con đò neo đậu trong ngực trái tim mình, vẫn đập nhịp sóng gió cuộc đời mà vang động mãi trong thơ.

Đọc bài Yên Định quê mình tôi đền ơn đáp nghĩa cho vợ tôi, có vợ tôi mới có một gia đình sum họp và trưởng thành. “Ai đến Đan Nê/ Ai về Trịnh Điện/ Ai xuôi Mỹ Lược/ Ai ngược Quán Lào...” Khi đọc hai câu thơ này, chị Ngô Thị Hoa - Chủ tịch huyện Yên Định khi ấy tấm tắc khen: “Bác đã khái quát được tình hình huyện Yên Định ngày nay. Yên Định đã kéo trời xuống nâng cao đất lên để chuyển biến mới, xây dựng Yên Định tỏa sáng Nông thôn mới ngày nay”.

Nói như nhà thơ Văn Đắc: Bài thơ đầu tiên của Phạm Phú Thang mà tôi nhớ mãi tới bây giờ là bài Hai Nhà. Khi chưa vào hợp tác xã. “Lượn khói từ hai bếp/ Chừng cũng xanh hai màu. Khi vào hợp tác xã rồi. Dăm mái gà cục tác/ Đi nhảy ổ nhầm nhà”. Quan sát như thế là tinh tế, ý tứ xôn xao mà gợi cảm...

Năm 1962, tôi được Giải thưởng Người giáo viên nhân dân về bài thơ: Mẹ và Con. Nhà thơ Xuân Diệu đã có lời bình: Ngắn nhất trong chùm thơ được giải là bài Mẹ và Con của Phạm Phú Thang. Những câu lục bát chẳng phải là có những cây bút kéo dài ra thao thao bất tuyệt; đối với những cây bút ấy thì thêm mười hay hai mươi câu nữa thì cũng không biết thế nào là dài; Bốn câu lục bát ở đây đã cố gắng làm theo tiêu chuẩn của một bài thơ tứ tuyệt; Nghĩa là trong bốn câu ngắn gọn phải đem đến một cái gì không tưởng làm cho người ta quý; Tình cảm ở đây ý nhị, khe khẽ mà thấm thía. “Trăng tà chồng luận chưa vơi/ Giường êm con nhỏ đang cười trong mơ/ Vui ngày đẹp giấc tuổi thơ/ Hay con nhắc mẹ đến giờ giải lao”.

Nhà phê bình Văn học Lê Xuân Đức, sau 30 năm đọc lại bài thơ Mẹ và Con, ông viết: “Đẹp và nên thơ lắm. Một bài thơ xinh xắn, gọn gẽ đẹp cảnh, đẹp người, việc làm đẹp, lời thơ đẹp, âm điệu đẹp mượt mà êm nhẹ, lay động lòng người về tình thương, trách nhiệm của người Mẹ, Cô giáo”.

Một đôi điều về thơ Phạm Phú Thang, nhà văn Thi Lan nhận xét: “Thơ Phạm Phú Thang dung dị, nhân hậu, tốt tính như ông”.

Thơ tôi đã ghi được một thời khắc thiêng liêng là được túc trực bên linh cửu Bác Hồ tháng 9/1969 lúc 23 giờ 45 phút, tôi viết: “Con về viếng Bác nghẹn ngào/ Đứng bên linh cửu cúi đầu lặng im/ Cuộc đời trong suốt thủy tinh/ Một đời hiến cả tinh anh cho đời/ Con từ Thanh Hóa Bác ơi/ Mang tình núi ngọc mang lời sông Yên/ Về đây chung một câu nguyện/ Xây đồng năm tấn dâng lên giỗ đầu”. Thanh Hóa đang dốc sức xây dựng quê hương thành tỉnh kiểu mẫu mà Bác Hồ đang mong muốn.

50 năm sau, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về thăm Mường Lát. Tôi tháp tùng chuyến đi lịch sử ấy, viết được bài: Mùa thu này anh về thăm Mường Lát. Bài thơ có đoạn: “Cuộc về thăm biến thành hội thảo/ Đảng cùng dân lo liệu thoát nghèo/ Rừng núi ngân nga lời chỉ bảo/ Chóe rượu cần trong ngọt làn môi. Đoàn kết: Cầm tay anh núi rừng xao động/ Gió mùa thu mát rượi trời Thanh/ Áo cộc tay mái đầu bạc trắng/ Sáng bản làng Quang Chiểu Mường Chanh”.

Trong đời làm thơ theo thơ, tôi hạnh phúc hơn các nhà thơ khác là hai lần viết về lãnh tụ tối cao của dân tộc. Lần thứ nhất khi mới 38 tuổi, được đi dự lễ tang Hồ Chủ tịch, tôi viết bài: Bên linh cửu Bác. 50 sau viết được bài Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về thăm Mường Lát, hai lần cách nhau 50 năm. Từ lúc thanh xuân đến khi đã xế chiều, ngòi bút vần thơ vẫn hào phóng, yêu dân tộc và đất nước mình. Bài thơ Mùa thu này anh về thăm Mường Lát sau khi Báo Văn hóa và Đời sống đăng, tôi gửi tặng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một tờ báo. Anh đọc rồi nhắc trợ lý Hồ Mẩu Ngoặt gửi quà và cảm ơn chân thành đến tác giả. Cảm xúc quá tôi viết bài Cho mình “Hay tin anh đọc thơ tôi/ Còn nhờ trợ lý gửi lời cảm ơn/ Lật từng trang sách vui buồn/ Mùa thu Mường Lát, Nợ công, Phép trừ/ Bộn bề công việc Nước nhà/ Vẫn dành một chút phù sa cho mình”. Bài thơ Mùa thu này anh về thăm Mường Lát được chọn in trong tập: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân và bạn bè Quốc tế do nhà xuất bản Sự Thật phát hành tháng 6/2019. Sách dày 320 trang in 10.000 cuốn.

Nhân dịp Đại hội những nhà văn trẻ lần thứ III tại Hà Nội, tôi được mời tham dự và trao tặng bức ảnh Hội nghị những nhà văn trẻ lần thứ nhất năm 1959. Tôi ngồi cạnh Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam. Ông bắt tay tôi, rồi hỏi khẽ: “Bác vào Hội từ năm nào?” tôi thong thả thưa với anh: “Tôi chưa viết đơn xin vào Hội”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa bùi ngùi, đưa mắt nhìn về cổng lớn Bảo tàng Hội Nhà văn Việt Nam.

Phạm Phú Thang


Phạm Phú Thang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]