(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm qua, cùng với sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, phong trào hát chèo trong quần chúng Nhân dân cũng diễn ra sôi nổi tại các địa phương trong tỉnh. Hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) chèo góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống.

Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống

Những năm qua, cùng với sự phát triển của sân khấu chèo chuyên nghiệp, phong trào hát chèo trong quần chúng Nhân dân cũng diễn ra sôi nổi tại các địa phương trong tỉnh. Hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) chèo góp phần tích cực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống.

Gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống

CLB Chèo Phượng Mao biểu diễn tại Lễ hội Bút Nghiên - Xuân Tân Sửu 2021.

Giữ trọn niềm đam mê

Xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc) là một trong những địa phương có phong trào hát chèo nổi tiếng của mảnh đất xứ Thanh. Từ lâu, người dân nơi đây luôn dành cho môn nghệ thuật này niềm yêu mến đặc biệt. Những người có năng khiếu văn nghệ nhiệt tình tham gia CLB chèo Xuân Áng của xã để được thỏa sức hát ca, được sống với niềm đam mê nghệ thuật. Còn đông đảo dân chúng lại gửi gắm niềm yêu thích với loại hình nghệ thuật này bằng những buổi đến xem và cổ vũ cho “CLB nhà” với một niềm tự hào sâu sắc.

Được biết trước đây, người dân Vĩnh Long đã có nhiều hoạt động tự phát với các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ để cổ vũ tinh thần sản xuất và chiến đấu. Những năm 1977-1978, nhiều nghệ nhân chèo Vĩnh Long còn được nghệ sĩ Đoàn chèo nghệ thuật Thanh Hóa trực tiếp truyền thụ kiến thức và kỹ năng từng câu hát điệu múa. Nhờ vậy, cho đến nay, CLB vừa giữ được cho mình nét hồn nhiên, mộc mạc, gần gũi từ câu hát, lối diễn nhưng cũng rất chuyên nghiệp, bài bản trong cách dàn dựng, tạo nên nét độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.

Nghệ nhân Vũ Đình Nguyện, Chủ nhiệm CLB chèo Xuân Áng, cho biết: “Xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích tiếng hát chèo, các thành viên trong CLB dù bận rộn với công việc làm ăn, đồng áng, việc gia đình, cuộc sống nhiều người tuy còn khó khăn, vất vả nhưng tất cả đều rất nhiệt tình với các hoạt động của CLB. Họ say mê và hạnh phúc vì được góp sức mình giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo. Trong quá trình tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ, cùng với việc tái hiện các trích đoạn chèo cổ, các thành viên CLB còn tự biên, tự diễn hàng chục tiểu phẩm, trích đoạn với nhiều ý hay, tứ lạ, thấm tình quê, mang tính thời sự và nhân văn, phản ánh tâm tư tình cảm của Nhân dân”.

Mong muốn giữ và lan tỏa những làn điệu chèo trong đời sống, người dân Vĩnh Long vẫn dõi theo những hoạt động của CLB chèo xã mình, họ sẵn sàng đóng góp kinh phí giúp CLB duy trì hoạt động bởi đó là một trong những niềm tự hào của người dân nơi đây.

Cũng là miền quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) được nhiều người biết đến bởi phong trào văn nghệ sôi nổi. Người dân làng Phượng Mao từ cụ già đến trẻ nhỏ, ai cũng có thể ngân nga ít thì vài ba câu hát, nhiều thì thuộc lòng cả chục vở chèo cổ. Những giai điệu “í...a, í...à” trở nên gần gũi trong mỗi bài hát ru. Tiếng hát chèo trong trẻo trên mỗi cánh đồng lúa mùa gặt như xóa tan đi mệt mỏi.

Được thành lập từ năm 2011, CLB chèo Phượng Mao với hơn 30 thành viên là nơi nuôi dưỡng tình yêu chèo truyền thống của làng quê Hoằng Phượng. Tâm sự với chúng tôi, ông Hàn Hải Vịnh, phụ trách nghệ thuật CLB, cho biết: “Từ bao đời nay, hát chèo đã trở thành một loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ quen thuộc của người dân trong xã. Những người con Phượng Mao chúng tôi dù đi làm ăn xa hay ở nhà đồng ruộng đều nuôi dưỡng niềm đam mê với từng giai điệu chèo êm ái, mượt mà. Ban ngày đi làm, vào buổi tối, các thành viên CLB thường dành thời gian tụ họp nhau để tập luyện, cùng sửa cho nhau từng cách ngân, điệu múa. Bằng những buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ thường xuyên, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục thắp lên tình yêu với những làn điệu chèo trong quần chúng Nhân dân cũng như truyền bá cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị của môn nghệ thuật này”.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Không thể phủ nhận giá trị của nghệ thuật chèo với những làn điệu mượt mà phản ánh tâm tư, nguyện vọng trong đời sống, giúp đời sống tinh thần người dân trở nên phong phú hơn. Tuy nhiên, hiện nay, việc lưu giữ và lan tỏa môn nghệ thuật này trong quần chúng đang gặp phải không ít khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cơ quan văn hóa.

Đại diện UBND xã Hoằng Phượng cho biết: “CLB chèo Phượng Mao là sân chơi bổ ích của những người đam mê làn điệu chèo, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân và xây dựng thành công xã nông thôn mới nổi trội về văn hóa. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là những thành viên “cứng” trong CLB đã cao tuổi, lớp kế cận lại chưa có nhiều. Thế hệ trẻ có nhiều hình thức giải trí nên các loại hình văn hóa văn nghệ truyền thống trong đó có hát chèo đang dần ít được quan tâm hơn. Điều trăn trở là làm sao truyền lại cho lớp trẻ để tiếp tục lưu giữ và phát huy vốn quý của nghệ thuật hát chèo của ông cha”.

Bên cạnh đó, kinh phí để duy trì hoạt động của các CLB còn rất hạn hẹp, chế độ đãi ngộ với các nghệ nhân chèo gặp nhiều khó khăn. Ông Vịnh chia sẻ: “Hiện nay, CLB không có kinh phí để duy trì hoạt động. Mọi chi phí từ mua trang phục, đạo cụ... đều do các thành viên tự đóng góp nên rất hạn chế. Hơn nữa, tất cả các thành viên trong CLB đều còn đang phải hàng ngày lao động mưu sinh. Người gắn bó với nghề nông, người lại là công nhân tại các khu công nghiệp nên thời gian tập luyện không có nhiều. Để hoàn thành được một vở hát để biểu diễn tại các sân khấu của huyện, của xã, chúng tôi phải dành cả tháng tập luyện. Rất mong những người yêu nghệ thuật chèo như chúng tôi sẽ nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành để các đội chèo, CLB chèo được hoạt động thường xuyên và hiệu quả hơn”.

Giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật chèo bằng việc tổ chức các buổi liên hoan, mở các lớp bồi dưỡng hạt nhân, đào tạo, truyền thụ cho thế hệ trẻ cũng như tạo nguồn kinh phí hỗ trợ các CLB chèo trong cộng đồng duy trì hoạt động là việc làm cần thiết giúp các sân khấu truyền thống vẫn luôn ngân lên những làn điệu chèo truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Thu Hà


Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]