(vhds.baothanhhoa.vn) - “Thơ nhặt dọc đường” là thông điệp tình yêu thiên nhiên, con người của một thi sĩ trải qua bảy mươi năm lăn lộn trong cuộc sống, lao động và chiến đấu, chiêm nghiệm và sáng tạo gửi cho hôm nay và mai sau.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huy Trụ - Người nhặt thơ từ cỏ

“Thơ nhặt dọc đường” là thông điệp tình yêu thiên nhiên, con người của một thi sĩ trải qua bảy mươi năm lăn lộn trong cuộc sống, lao động và chiến đấu, chiêm nghiệm và sáng tạo gửi cho hôm nay và mai sau.

(Đọc “Thơ nhặt dọc đường” - Huy Trụ, NXB Thanh Hóa, 2020)

Chẳng cần ghế thấp, ghế cao

Khi nằm xuống cỏ, ghế nào cũng xanh.

(Huy Trụ)

Bạn bè yêu thơ xứ Thanh thường gọi anh là nhà thơ xịn, nhà thơ thứ thiệt... Còn tôi gọi anh đơn giản là Nhà thơ.

Anh và tôi cùng một thế hệ: hơn kém nhau một tuổi, cùng bắt đầu xuất hiện trong làng thơ Việt những thập niên tám - chín mươi thế kỷ trước và vào Hội Nhà văn Việt Nam gần như cùng một thời gian.

Tôi được diện kiến anh lần đầu cách đây tròn hai mươi năm. Lúc đó anh đang đảm nhiệm Trưởng ban đại diện Bắc Trung Bộ của báo Đại đoàn kết. Anh đến tệ xá tôi chơi, trao đổi tâm tình về thơ và tặng tôi thi tập “Miền riêng tôi”. Đó là một tập hay, dày dặn cả về khối lượng và chất lượng. Nó định hình rất rõ gương mặt thơ anh không lẫn trong làng thơ Việt đông đảo lúc đó. Mười năm sau (2010), tôi gặp lại anh ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng mỗi người đều theo bạn bè mình nên chỉ mỉm cười chào nhau. Thi thoảng tôi vẫn đọc thơ anh trên báo Văn Nghệ, Tạp chí Thơ...

Thơ anh viết theo phong cách và thể loại truyền thống, có nhiều câu thơ găm vào trí nhớ bạn đọc. Trong tác phẩm “Nghìn câu thơ tài hoa” do nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm biên soạn, nhiều câu thơ của anh được chọn. Nhớ câu thơ của anh: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lọc rót tràn cho nhau”. Quý thơ mình như vậy, nhưng khi anh thông báo trên Facebook rằng anh vừa ra mắt thi tập thứ mười “Thơ nhặt dọc đường”, tôi comment chúc mừng, anh hỏi địa chỉ và gửi tặng tôi thi tập đó. Đọc xong, tôi thấy những bài thơ trong đó phần lớn là rượu, thi thoảng có vài cốc nước lọc uống cho đỡ khát. Hơn nữa, anh khiêm tốn nói rằng đây chỉ là “thơ nhặt dọc đường”. Thực ra, chúng chủ yếu nhặt được trên cỏ, loài sinh vật có sức sống mãnh liệt dù trong môi trường hoàn cảnh nào cũng tồn tại và xanh rờn cùng thời gian.

Thi tập “Thơ nhặt dọc đường” gồm 48 bài, trong đó 33 bài viết theo thể lục bát, còn lại là bốn chữ, ngũ ngôn, thất ngôn, tám chữ hoặc thơ tự do. Điều này cũng dễ hiểu vì “Lục bát” là thế mạnh của anh. Anh từng đạt giải nhì (không có giải nhất) trong “Cuộc thi thơ Lục bát” do báo Giáo dục & Thời đại tổ chức năm 1996 - 1998 và giải Lục bát trăng bạc (2015 - 2016) trong cuộc thi “Thơ lục bát Tổ quốc và Đạo pháp”. Bản thân anh cũng đã có tuyển riêng “Thơ lục bát Huy Trụ” (NXB Văn học, 2007). Trong thi tập này, ngoài bài Thơ nhặt dọc đường anh lấy đặt tên cho tập thơ, còn nhiều bài thơ suy ngẫm về cuộc đời khác viết theo thể thơ lục bát cũng có những hay, lung linh: Đầu ngày chẻ tóc ra phơi/ Nửa trong lại đục, nửa vui lại buồn (Tìm xuân), Phím đàn là núi là sông/ Mỗi ta là một âm trong cây đàn (Định nghĩa xuân). Thơ bốn chữ, ngũ ngôn thường cô đọng, xúc tích, nhưng trong thi tập này cả hai bài “Đừng xin đừng hờn ghen” và “Một con đường” viết theo những thể đó cái tứ tuy hay nhưng diễn đạt dàn trải. Ngược lại, thơ tám chữ xuất hiện vào thời Thơ mới (1939 - 1945), bây giờ viết không chắc tay dễ mòn cũ, lại xuất hiện bất ngờ bài Tứ tuyệt bát ngôn “Hoa phượng” thiệt hay: Hoa phượng đỏ, đỏ hồng hào mặt phố/ Cửa biển xanh, xanh cả tiếng còi tàu/ Ơi đất cảng nối tình người neo đậu/ Cánh phượng nào thắp lửa đỏ trong nhau.

“Thơ nhặt dọc đường” dạt dào tình yêu xứ Thanh với thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp và con người quả cảm giàu yêu thương. Anh dành ba bài thơ viết về Mẹ theo những chủ điểm khác nhau, bài nào cũng đầy nâng niu trân quý với lòng biết ơn vô hạn đối với đấng sinh thành dưỡng dục mình nên người, và trong mỗi bài đều có những câu thơ lóe sáng: Mẹ như chiếc lá đầu cành/ Bao nhiêu gió đập, vẫn lành cho con (Mẹ), Góc vườn vàng lá trầu rơi/ Nghe lăn lóc tiếng bình vôi gọi người (Mẹ như giọt nắng), Mỗi lần, gió động tàu cau/ Giật mình, mẹ lại nghẹn ngào khóc con (Mẹ ru... tháng bảy). Anh dành nhiều bài thơ viết về tình yêu, không hiểu vì sao thơ tình trong tập đều là tình yêu đơn phương, kể cả những bài thơ ngụ về tình qua hoa lá cỏ cây. Có câu thật buồn, đọc lạnh cả sống lưng: Đa mang, nào phải đa tình/ Trót yêu, đào huyệt chôn mình, mà yêu... (Cuối ngày). Thi thoảng mới gặp được câu thơ ấm áp: Anh trải nắng nâng thu về trước ngõ/ Trái bưởi đung đưa theo nhịp bước chúng mình/ Em mỏng mảnh như mùa thu mỏng mảnh/ Nâng vòm trời thêm mơ ước, cao xanh (Thu về trước ngõ).

Tình yêu của anh với quê hương thật đẹp. Anh khiêm tốn nhận mình chỉ là hạt muối của quê hương: Tôi như hạt muối của làng/ Kết từ ô nại chang chang nắng trời/ Tôi và hạt muối sinh đôi/ Tôi đen nhẻm, hạt muối ngời lung linh. “Hạt muối” là bài thơ hay toàn bích, lung linh trong thi tập “Thơ nhặt dọc đường”. Anh dành nhiều trang viết về quê hương, từ nơi chôn rau cắt rốn (Vĩnh Lộc trong tôi) đến địa danh sông Mã với điệu hò “Huầy dô” nổi tiếng: Mỗi lần về với xứ Thanh/ Nghe sông Mã khúc độc hành “Huầy dô” /.../ Khí thiêng sông núi nghìn đời/.../ “Huầy dô” nâng cánh hạc bay đỉnh rồng (Về với xứ Thanh). Cuối tập, anh dành hai khúc tráng ca viết về vùng đất thiêng này: “Thành phố và em” sáng tác nhân kỷ niệm thành phố Thanh Hóa tròn 200 năm gồm ba khúc ca và “Bài thơ huyết mạch Hàm Rồng” gồm năm khổ với khí thế chiến thắng hào hùng và chan chứa niềm kiêu hãnh tự hào.

Từ tình yêu xứ Thanh, anh mở rộng lòng mình đến những miền đất khác của đất nước: Hà Nội - Khúc du ca, Mai rồi... xứ Huế, Chiều Hạ Long, Hải Phòng đêm ấy, Một làn Yên Tử... Mỗi nơi anh từng đặt dấu chân đều để lại trong trái tim thơ của anh những kỷ niệm khó quên.

Lê Quốc Hán


Lê Quốc Hán

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]