(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nguyễn Xuân Sơn vào ngành công an từ năm 1974. Anh đã kinh qua nhiều đơn vị công tác khác nhau: Trưởng CA huyện Hậu Lộc và Sầm Sơn; Giám thị trại giam, rồi lại Trưởng phòng Điều tra tội phạm ma túy (Công an Thanh Hóa). Ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã có ấn tượng và nhận diện ra anh là một chiến sĩ CA giản dị, chân thành, dễ gần gũi. Anh là người yêu thơ ca một cách thuần khiết và ấm nóng đến khác thường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nguyễn Xuân Sơn: Người nặng lòng với thi ca

(VH&ĐS) Nguyễn Xuân Sơn vào ngành công an từ năm 1974. Anh đã kinh qua nhiều đơn vị công tác khác nhau: Trưởng CA huyện Hậu Lộc và Sầm Sơn; Giám thị trại giam, rồi lại Trưởng phòng Điều tra tội phạm ma túy (Công an Thanh Hóa). Ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã có ấn tượng và nhận diện ra anh là một chiến sĩ CA giản dị, chân thành, dễ gần gũi. Anh là người yêu thơ ca một cách thuần khiết và ấm nóng đến khác thường.

Nhưng phải đến khi hưu trí với hàm đại tá, anh mới có điều kiện chuyên cần với thơ hơn. Cảm xúc đã qua thời mơ mộng, dạt dào nhưng bù lại, anh làm thơ khá mau, với nghệ thuật diễn đạt trong sáng, dễ cảm, dễ phổ cập với lòng người...

Đại tá Nguyễn Xuân Sơn - một người yêu thơ ca.

Bài thơ Mắt em mở đầu bằng những câu thơ thật bình dị, đơn sơ mà thắm đượm bao ý tình muốn nói mà không chịu bộc bạch hẳn ra. “Trước em anh không còn là thánh thiện/ Mà trở thành thằng kẻ trộm ngu ngơ/ Không trộm bằng tay bằng đôi mắt thẫn thờ/ Em bị hại, đâu ngờ anh kẻ trộm?”. Bài thơ là lời thú nhận yêu đương nồng nàn, ngọt ngào, bỗng anh vẫy những câu thơ sau tưng bừng mang cả khối mâu thuẫn khó giải nghĩa rạch ròi ! âu cũng là chút tâm tình của người con trai đang có được hạnh phúc đắm say bên người mình yêu dấu. Phút trải lòng thật nhẹ nhàng, giai điệu nhạc tình vạn thuở với lời khen tặng thật chân thành, khiến người đọc bất ngờ trước vẻ đẹp long lanh của câu chữ: Bên trong đáy mắt thẳm sâu/ Trăng sao như đã rụng vào mắt em. (Mắt em).

Giản dị và chân thành, dường như Xuân Sơn chỉ viết về những điều xao động xảy ra chung quanh anh. Nói với Mẹ, với em, với con, với người tình trong mộng.... Nhưng có lẽ đấy chỉ là cái cớ để anh nói tới tâm thế thời đại, sự lãng quên những nẻo về quá khứ. Sự thức tỉnh từ câu thơ bắt nguồn từ trách nhiệm của nhà thơ trước vận mệnh của đất nước. Đây cũng chính là cái nhìn sâu sắc xuất phát từ trách nhiệm của một công dân trước hoàn cảnh đất nước. “Làm quan giữ lấy cái danh/ Đừng vì cái lợi trở thành nhỏ nhen…”.

Những khi xúc cảm dâng tràn thì anh vẫn nén lại, gói ghém trong lời tâm tình nhỏ nhẹ, đầm sâu, nhưng cứ hiện dần, lấp lánh và minh triết. Những hình ảnh chọn lọc, điển hình, gợi cảm, vừa cụ thể, lại vừa khái quát về cuộc sống còn nhiều trái ngang của những gia đình thương binh, liệt sĩ: “Quan thì thừa đất bỏ hoang/Liệt sỹ không chỗ khói nhang cúng thờ…”.

Vậy đó, giọng điệu và ngôn ngữ, ý tứ và lời thơ thường phải song trùng nhau, ăn khớp với nhau một cách hài hòa uyển chuyển. Bài thơ: Tâm sự với con, cùng dấu cảm thán đủ cho ta thấy một gia cảnh nghèo đói và khó khăn biết chừng nào: “ Một đời vất vả con ơi!/ Lo cho con được nên người mẹ mong/ Dẫu cho vai mẹ đã còng/ Cả đời vất vả mẹ không quản gì…”. Ở đây giọng thơ chân mộc, giãi bày của Xuân Sơn đã phát huy lợi thế. Mở đầu bài thơ, anh đã thốt lên tiếng gọi: “Một đời vất vả con ơi”. Chỉ với thơ thôi, người đọc thoáng qua nhưng nỗi đau đọng lại. Nỗi đau này thuộc về những trái tim lương thiện, với những buồn thương chất chồng trong con tim và khối óc của mẹ. Những câu thơ chân mộc của anh có ý nghĩa như một chiêu tuyết cho việc giáo dục đạo lý làm người trong xã hội chúng ta hôm nay.

Với Xuân Sơn, nét tài hoa đã thực sự lộ rõ khi anh làm chủ cả hai cõi giới thực và ảo kết hợp nhuần nhuyễn, trong thực có ảo, trong ảo có thực. Đó là đôi nét vẽ vừa phóng túng, vừa nghiêm ngặt lề luật. Trong đó có bao điều gửi gắm: “Tôi tìm gặp người yêu xưa”, trong trạng huống: “Cùng em đội cả cơn mưa trắng trời”. Ở đây, tác giả đã “gõ” ra một tiếng chuông ngân nga quay lại niềm riêng nhưng ai cũng mong cầu; rồi anh dùng từ “tái sinh” để nhấn nhá cho một vấn đề cần trao gửi: “Đợi tôi, em đội cả trời mưa giăng”!? Tình yêu là thiêng liêng, có phải từ đó mà tạo niềm riêng khi nhắc đến nụ hôn đầu tiên chăng?

Cái tình yêu trong thơ Xuân Sơn đầy hương vị sắc màu. Ở đây, không thể nói là tình yêu một phía, mà là lỗi tại người con trai, luôn muốn cháy hết mình. Nhưng trong chuyện này chàng đã quá thờ ơ, đến khi nhận được tin báo: “em đi lấy chồng; nhưng chàng chẳng ý tứ gì mà lại còn: “Vô tư tôi vội chúc mừng em luôn/ Chúc xong bỗng thấy em buồn/ Em quay mặt nước mắt tràn ứa mi”. Và một khi đã đi quá xa, cuối cùng, dù muộn, như tâm nguyện của nhà thơ phải trở về bờ nhân thế, cần một chút ấm áp để vượt qua, để an ủi cái điều bất định rất có thực trong biểu cảm của người con trai: “Cưới em chẳng lẽ chia buồn hay sao/ Thế rồi em khóc nghẹn ngào/ Ôm tôi em gục mãi vào ngực tôi/ giữa khi phố xá đông người/ tôi ôm em đứng giữa trời chôn chân”. Vậy ra, nếu đời không phải thế nghĩa là đời không phải thơ. Vậy, cứ trong ý tứ mà suy, sẽ thấy đây là lời tự thú của sự bất thành, từ một phía.

Hóa ra cái lỗi chính là vì “giận tôi em đi lấy chồng” gây ra chứ người con trai có tội tình gì đâu! Nếu tâm trạng của nhân vật chữ tình ở khổ thơ thứ nhất là “Trả thù” tôi bởi cho rằng thờ ơ; cho nên em phải “lấy chồng hờ”/ gặp tôi em cứ giả vờ như không”. Tâm trạng ấy cứ chuyển thành nỗi buồn điệp điệp. Càng cứa xoáy vào lòng người nằng nặng không nguôi. Cái hay của khổ thơ này là ở chỗ đó, nó vừa lạ vừa quen, nó là tâm trạng của một người mà cũng là của nhiều người, nghĩa là phổ quát, là tất cả. Khi ta không yêu ai đó, nhưng họ lại có tình cảm với mình, biết bao áy náy xen lẫn chút lòng thương hại, cảm giác buồn buồn tội nghiệp cho họ là tâm trạng có thật. Nhân văn hơn, khi từ nỗi buồn cảm thông cho nỗi bất hạnh của người yêu mình mà mình không đáp lại đã được tác giả nâng lên thành nỗi ân hận vì “quá thờ ơ”. Đó là món nợ không lấy gì trả được. Người đời vẫn thường nói, "nợ bạc nợ vàng còn trả được/ nợ tình nợ nghĩa lấy chi đong” !?

Có thể nói, Xuân Sơn là “nhà thơ lãng du”. Nhưng vì sao anh có thể tồn tại được trong hàng ngũ CA suốt mấy chục năm như vậy? Đơn giản vì tài năng, và lớn hơn, Xuân Sơn là người lao động thực thụ. Với bản năng trời phú hiếm có, không hám danh lợi, không hám nhiều kiến thức sách vở, nhưng bù lại đầy ắp vốn sống. Ai gặp anh với góc độ người cán bộ CA cũng phải nói anh là người chiến sỹ CA thứ thiệt. Nếu cần tìm một thi sỹ đích thực, một thi sỹ có thể sẵn sàng đánh đổi tất cả vì thơ, không màng đến bổng lộc, công danh, quan chức... chỉ muốn sống để được viết. Và dĩ nhiên Xuân Sơn đã hội đủ những công lực mạnh mẽ đó.

Nhìn lại những sáng tác của Xuân Sơn, chúng ta có sự đồng cảm sâu sắc với anh. Chỉ tiếc rằng trong một số bài thơ có những câu hay lại xen lẫn câu vừa. Thường những câu cuối trong khổ thơ hơi chới với. Người đọc muốn một rung động cao hơn, sau khi đã khắc khoải đợi chờ, cuốn theo cung bậc cảm xúc. Nhưng cái được của thơ Nguyễn Xuân Sơn là ở chỗ ngôn ngữ thơ giản dị, chân mộc, mà tình thơ chân thành, sâu lắng. Người đọc vẫn say bởi cái tình, cái dư ba nhân văn cũng như sự trăn trở của tác giả trước những đứt gãy của thế cuộc, những tình người thăm thẳm, sự biến nhịp của những trái tim han gỉ, sức mạnh của tình yêu thánh thiện... tất cả tâm thức ấy tạo nên dòng chảy tươi mới là tiếng lòng của thơ anh giữa ý chí và khát vọng. Tác giả có quyền trân trọng về những gì mình đã và đang có để tiếp tục cống hiến cho đời những bài thơ hay hơn nữa. Bởi anh còn nặng lòng với thi ca nhiều lắm!

Triều Nguyệt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]