(vhds.baothanhhoa.vn) - Ai xa quê mà không nhớ xóm nhỏ, cây đa, giếng nước, sân đình, nhớ bến đò xưa, nhớ rặng tre rợp bóng.... Đã bao năm tôi chưa trở lại quê nhà, trong giấc mơ cũng chập chờn dáng quê. Chao ôi nhớ sao giếng nước đầu làng, nhớ đêm gánh nước khi sao chưa tàn...

Nhớ giếng làng xưa!

Ai xa quê mà không nhớ xóm nhỏ, cây đa, giếng nước, sân đình, nhớ bến đò xưa, nhớ rặng tre rợp bóng.... Đã bao năm tôi chưa trở lại quê nhà, trong giấc mơ cũng chập chờn dáng quê. Chao ôi nhớ sao giếng nước đầu làng, nhớ đêm gánh nước khi sao chưa tàn...

Nhớ giếng làng xưa!

Minh họa: Hải An

Giếng làng có gì đặc biệt mà thương, mà nhớ. Giếng làng là của mọi người, ở đầu làng, bên cạnh có cây đa, có sân đình rộng lớn...

Giếng làng quê tôi vuông vức với bờ thành là những phiến đá tổ ong, quanh năm bốn mùa nước trong văn vắt soi tận những hòn sỏi tròn nơi đáy giếng.

Bên cạnh giếng làng là hồ sen rộng lớn. Mỗi mùa hoa nở hương sen thơm ngát cả một vùng. Lũ trẻ con chúng tôi thường đợi đến buổi trưa thì trốn người lớn đi tắt qua giếng làng rẽ sang hồ sen mà hái trộm những đài sen non để ăn và vui đùa.

Những hạt sen ngòn ngọt, bùi bùi, beo béo, chúng tôi vừa cắn tanh tách vừa ném vỏ chọc ghẹo nhau. Khi đã ăn chán chê hạt sen, mỗi đứa đội trên đầu một lá sen để che đi cái nắng quê oi ả rồi trở lại qua giếng làng. Đùa vui đến mức mồ hôi đứa nào cũng túa ra ròng ròng. Lột bỏ quần áo, múc từng gàu nước gếng mát lạnh dội ào ào, đã lắm. Vừa tắm vừa tợp tợp nước cho đã khát. Nước chảy đến đâu cái nóng xua tan đến đấy, cảm giác như chẳng có một loại nước nào có thể mát rượi, trong lành, ngon, ngọt hơn nước giếng làng tôi.

Chẳng phải chỉ có lũ nít ranh chúng tôi mà vào mỗi buổi chiều tà, sau một ngày lam lũ với đồng ruộng, người lớn cũng tập trung quanh giếng làng để tắm táp. Như một mạch nguồn vô tận, giếng làng tôi là người mẹ bao dung chan chứa tình thương cấp nước cho muôn người mà chẳng bao giờ vơi cạn.

Tối đến, khi ánh trăng vằng vặc xuyên qua từng kẽ lá ngọn cau, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau ra giếng làng để vui đùa. Các cụ già cũng cắp chiếc quạt mo ra giếng làng hóng mát, trò chuyện, ngắm trăng. Và cũng từ những đêm hẹn hò nơi giếng làng mà trai gái quê tôi bao đôi lứa đã nên vợ, nên chồng. Giếng làng như “ông tơ, bà nguyệt” se duyên hạnh phúc cho mọi người.

Thời điểm nhộn nhịp nhất nơi giếng làng có lẽ là lúc người dân đi lấy nước vào mỗi buổi sáng tinh mơ. Người từ đầu xóm xuống, người từ cuối xóm ra nói cười rôm rả tiến về phía giếng làng. Người xếp hàng chờ đến lượt lấy nước đông như trẩy hội, nhưng tuyệt nhiên chẳng bao giờ có tiếng cãi vã, chen lấn.

Bên giếng nước, những chuyện làng, chuyện đồng ruộng, chuyện con cái, vợ chồng... được đem ra tâm sự, chia sẻ với nhau; nỗi buồn, niềm vui của một nhà là chuyện chung của cả làng. Cũng có lẽ vậy, mà tình cảm của người dân làng tôi luôn bền chặt và khăng khít như một thứ keo không thể tách rời.

Đã nhiều năm rồi tôi chưa về lại làng quê thuở bé. Nghe đâu giếng làng quê tôi giờ không còn nữa, thay vào đó những ngôi nhà cao tầng san sát chen nhau mọc, nhà nào nhà ấy nước máy bắc vòi chảy vào tận bếp ăn. Bao năm nay ăn uống nước máy mà tôi vẫn nhung nhớ, thèm cái vị ngon, vị ngọt, trong lành của nước giếng làng xưa. Nhớ những buổi trưa cùng đám trẻ con vui đùa nơi giếng nước. Nhớ những đêm trăng đi rình các anh chị hẹn hò. Nhớ tiếng tỉ tê, rì rầm chuyện nhỏ to. Nhớ thanh âm kẽo kẹt của mẹ gánh nước những sớm mai...

Tản văn của Hà Ngọc Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]