(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày ấy ở quê tôi, thường chẳng ai phải lo thiếu củi. Củi ngoài vườn, trên rừng, lúc nào cũng sẵn. Lũ trẻ con chúng tôi đi thả trâu bò mỗi chiều về thường cõng theo bó củi trên lưng. Chúng tôi yêu rừng không chỉ bởi những tán xanh. Mà ngay cả cành cây khô rụng xuống cũng giúp ích cho đời. Củi nhóm lên những bữa cơm đạm bạc sớm chiều. Củi sưởi ấm qua những ngày đông giá buốt, thiếu áo, thiếu chăn.

Nhớ thời bếp củi

Ngày ấy ở quê tôi, thường chẳng ai phải lo thiếu củi. Củi ngoài vườn, trên rừng, lúc nào cũng sẵn. Lũ trẻ con chúng tôi đi thả trâu bò mỗi chiều về thường cõng theo bó củi trên lưng. Chúng tôi yêu rừng không chỉ bởi những tán xanh. Mà ngay cả cành cây khô rụng xuống cũng giúp ích cho đời. Củi nhóm lên những bữa cơm đạm bạc sớm chiều. Củi sưởi ấm qua những ngày đông giá buốt, thiếu áo, thiếu chăn.

Nhớ thời bếp củiMinh họa: Minh Chi

Tôi “nghiện” mùi khói nồng hương bạch đàn, mùi dầu gỗ tràm ấm ran cánh mũi. Nhớ đến củi là nhớ đến căn bếp bám đầy bồ hóng đen sì. Nhớ đến những người mẹ, người bà quanh năm lúi húi, bẻ củi lách cách, khói mắt cay xè. Nhớ mùi khói bám vào từng thớ vải, bám trên mái tóc hoa râm và da thịt sạm đen của những người đàn bà tần tảo. Trong ký ức của tôi còn mãi hình ảnh chậu than củi bố đặt dưới gầm giường ngày đông giá trong căn nhà không cửa. Bố luôn vùi vào đó vài củ sắn, củ khoai mùi thơm ấy đi vào cả giấc mơ bé bỏng. Và, lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Bằng Việt: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”...

Sau này khi bếp gas, bếp điện tiện dụng lên ngôi thì nhiều nơi đã không còn dùng đến củi. Nhưng quê tôi thì khác, gần như mọi người đều giữ lại bếp củi trong nhà. Mẹ tôi tiếc những cành củi khô rơi rụng trong vườn. Mẹ luôn nói để nó mục đi thì lãng phí nên nhặt vào có lúc cần dùng đến. Rồi mỗi lần thu hoạch rừng, người ta bỏ lại cành răm, ngọn nhỏ, mẹ cất công đi róc thành từng bó, cất trong kho củi. Trong bếp luôn có những chiếc nồi đen nhẻm, chuyên dùng nấu bếp củi. Mẹ nói nấu cái gì nhanh thì bếp gas còn những món cần kho lâu cứ bắc lên bếp củi. Có những giai đoạn giá gas tăng, ai lo thì lo chứ nhà sẵn củi mẹ đâu có sợ. Có những ngày đông lạnh, thương đàn bò rét buốt mẹ chụm củi sưởi ấm cho chúng trong chuồng. Có đêm thức giấc không thể nào ngủ lại, mẹ bẻ củi nhóm lửa đun nước hết siêu này đến siêu khác đổ đầy các phích trong nhà. Nhờ có bếp củi bập bùng mà căn nhà ấm hơn, cổ mẹ cũng dịu đi không còn ho khan vì lạnh nữa.

Trong vô số những bài báo về cuộc khủng hoảng năng lượng mà tôi từng đọc. Có một câu nói đã để lại ấn tượng trong tôi: “Mọi thứ đã trở về với ngày xưa khi các gia đình sẽ không thể sưởi ấm cả căn nhà. Họ sẽ phải ngồi quây quần quanh đống lửa và lấy nhiệt từ đó” - Nic Snell, giám đốc điều hành tại công ty củi Certainly Wood của Anh, nhận định. Rõ ràng câu nói nêu lên hiện trạng phát triển “thụt lùi” của thế giới khi thiếu hụt năng lượng. Tôi nhớ về bếp củi, nhớ đến cái thời mà người ta không biết đến bếp gas, bếp điện. Cũng vì thế không cần phải bận tâm đến cuộc cuộc khủng hoảng nhiên liệu toàn cầu. Không phải lo về một cuộc xung đột nào đó trên thế giới làm tắt lửa nhà mình. Với một kẻ lạc quan như tôi thì vẫn có thể tìm ra một khía cạnh tích cực trong câu nói của ngài Nic Snell. Nếu sự phát triển của xã hội hiện đại khiến con người ngày càng xa nhau thì biết đâu trong lúc khó khăn này mọi người sẽ nhích lại gần nhau hơn, sự đùm bọc quây quần sẽ tạo ra hơi ấm và sức mạnh để vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu…

Vũ Thị Huyền Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]