(vhds.baothanhhoa.vn) - Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Tư, ngày thống nhất đất nước, tôi lại nhớ đến những người thợ mỏ là những cán bộ đội miền Nam tập kết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người bạn miền Nam tập kết ở mỏ Cromit Cổ Định Thanh Hóa

Hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Tư, ngày thống nhất đất nước, tôi lại nhớ đến những người thợ mỏ là những cán bộ đội miền Nam tập kết.

Tranh minh họa của: Ngọc Hiếu.

Sau Hiệp định Giơnevơ, tháng 7/1954, đất nước tạm chia làm hai miền. Những cán bộ miền Nam được Bác Hồ đưa ra Bắc tập kết. Thực chất, đây là đội ngũ cán bộ chuẩn bị để có thời cơ là đưa về miền Nam cung cấp lực lượng cho phong trào cách mạng miền Nam. Điểm tập kết là Sầm Sơn. Sau đó hàng nghìn cán bộ và bộ đội miền Nam được đưa về các tỉnh và Hà Nội công tác. Nhiều người được đưa về mỏ cromit Cổ Định Thanh Hóa làm việc.

Sau tốt nghiệp Đại học Mỏ, tôi được phân công về mỏ Cromit Cổ Định, Triệu Sơn, Thanh Hóa, mảnh đất quê hương tôi. Khi tôi về đây, nhiều cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết đã có mặt ở đây rồi. Những người chưa có gia đình đã lấy vợ Thanh Hóa. Nhiều cặp gia đình chồng Nam vợ Bắc làm cho mối quan hệ Bắc Nam trở thành gắn bó hơn.

Theo chủ trương của Bác Hồ, phong trào kết nghĩa Bắc Nam được tổ chức rất rầm rộ. Thanh Hóa kết nghĩa với Quảng Nam. Vì thế phân xưởng khai thác mỏ ở cromit mà tôi đã từng làm quản đốc được mang tên là phân xưởng Hòa Vang (tên một huyện ở Quảng Nam), TX Thanh Hóa lúc đó có rạp chiếu bóng Hội An là mang tên thị xã Hội An.

Nói thật, ngày xưa tôi đâu có phân biệt được ai là người Sài Gòn, ai là người Cần Thơ, ai là người Cà Mau. Cứ nói tiếng miền Nam là người Nam bộ tất. Thậm chí người miền Trung, từ Quảng Trị trở vào Huế, tiếng nói âm ấm nằng nặng, tôi cũng không phân biệt được ai là người Quảng Trị, ai là người Huế. Cứ nói tiếng trọ trẹ là người miền Trung. Nói cụm từ về nam thành dề nam là Nam bộ.

Những người dân tập kết đã giúp tôi phân biệt tiếng nói, giọng điệu của từng tỉnh, kể cả tiếng miền Trung. Những câu phương ngôn: Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Bình Định nằm co, Trị Thiên nẫng tất... là khi trà dư tửu hậu các anh chị hay nói vui với nhau mà tôi nghe được.

Những người dân tập kết đã thành những đồng nghiệp thân thiết của tôi, thậm chí cùng tổ, cùng phòng, cùng phân xưởng.

Chị Liên y sĩ, người Sài Gòn hay hát bài hát Tình trong là thiếp, hay bài hát Bên ven bờ Hiền Lương. Chị là thầy thuốc ở bệnh viện mỏ rất tận tụy. Có đêm đọc truyện đêm khuya trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nói về tình cảm Nam Bắc bị chia cắt, chị hay khóc.

Anh thợ bơm người miền Nam tập kết, làm việc dưới hầm bơm khai thác mỏ tên là Tạ Quang Tỷ rất hiền lành ít nói. Tôi không nhớ anh ở tỉnh nào. Như là anh bị chìm đi trong hàng ngàn người dân tập kết miền Nam mà nhiều người đã là những cán bộ quan trọng của mỏ tôi. Khi miền Nam kêu gọi, anh đã lên đường trở lại quê nhà chiến đấu. Mãi đến khi đài và báo đưa tin Tạ Quang Tỷ trở thành anh hùng quân Giải phóng, mọi người trong mỏ tôi mới té ngửa ra mà bái phục một con người thợ mỏ, một cán bộ miền Nam tập kết thầm lặng trong việc làm nhưng anh hùng trong chiến đấu chống giặc.

Khi tôi mới về mỏ, Giám đốc mỏ quyết định tôi là trưởng ca của một ca sản xuất. Trong ca tôi có một cặp vợ chồng có cảnh chồng Nam vợ Bắc. Anh tên Sang, người Tháp Mười. Chị tên Sàng, người Nông Cống, Thanh Hóa. Tôi rất thân với anh chị Sàng Sang. Anh chị coi tôi như em út và tôi hay đến ăn cơm nhà anh chị. Hai mốt năm xa Tháp Mười, vợ chồng lấy nhau đã có hai mặt con nhưng anh vẫn không nói cho chị ấy biết trong Nam anh ấy đã có vợ. Mấy chục năm trời Nam Bắc chia cắt, biết đâu có ngày về phương Nam. Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, anh ấy được tin chị ấy vẫn còn sống và anh mới nói thật với chị cái trớ trêu đó. Chị buồn nhưng thông cảm. Anh bàn với chị về lại Tháp Mười, nhưng chị nhất quyết không đi. Nuốt nước mắt, người đàn bà thợ mỏ nói với chồng: Thôi anh về Nam với chị ấy để tôi ở lại Bắc nuôi con chúng ta. Và chị không về sống với anh Sang ở Tháp Mười thật. Nhưng rồi con cái của anh chị Sang - Sàng, chúng nó kẻ xứ Thanh, người Tháp Mười vẫn đi lại với nhau. Tôi đã làm bài thơ Chị Sàng, nói về một người thợ mỏ chịu thương, chịu khó một đời thiệt thòi, vất vả. Bài thơ đã đăng báo Văn nghệ và đã được giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam về Văn học công nhân.

Nhưng một gia đình chồng miền Nam, vợ miền Bắc mà đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tôi là anh chị Tường Xu. Tôi với anh Tường kết nghĩa anh em với nhau. Anh Tường người Đông Hà, Quảng Trị. Chị Xu người Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Anh ấy tên Tường, chị ấy tên Xu nên chúng tôi vẫn gọi là anh Tường Xu. Anh Tường ra Bắc từ thời tập kết về mỏ Cromit Cổ Định sau 1954. Chị Xu làm nhân viên thí nghiệm của phòng kỹ thuật mỏ Cromit. Năm 1971, khi tôi về mỏ Cromit thì anh chị đã có hai cháu rồi. Sau này tôi làm Phó Giám đốc mỏ ở đó. Bọn trẻ sinh viên mới ra trường chúng tôi vẫn hay gọi đùa anh là Văn Thiên Tường. Anh ca Huế và uống rượu đều hay. Đám cưới tôi, anh đưa cả chị và các cháu đến. Thật vui. Tôi hay hát nhưng lại hát không hay. Những cuộc vui, tôi thường hát theo anh. Cái giọng rượu nghêu ngao bài ca Huế, vọng cổ trong đêm mưa làm anh Tường Xu nhớ nhà khóc hu hu. Dân tập kết ở mỏ Cromit Cổ Định ngày xưa lấy vợ Bắc nhiều lắm. Nói là ra Bắc 2 năm, biết là 20 hay 30 năm... Cái hiệp định Giơnevơ đã làm nhiều gia đình ly tán, kẻ Bắc người Nam.

Nhưng tôi yêu Quảng Trị từ anh Văn Thiên Tường. Anh có cháu gái ruột bên vợ tên là Liên rất xinh đẹp. Chị Xu và anh Tường cứ bảo tôi: Chú lấy con Liên đi. Anh chị nói là ông Bậc, bố con Liên, đồng ý ngay. Tôi lấy Liên làm sao được. Tôi thì đã nhiều tuổi, chưa vợ nhưng già câng. Liên đang học lớp 12 chuẩn bị vào đại học. Đời Liên đang phơi phới.

Thế rồi tôi phiêu bạt Tuyên Quang, làm giám đốc mỏ thiếc Bắc Lũng. Tôi tổ chức đi xuyên Việt lần đầu tiên. Đến Quảng Trị, xe chúng tôi dừng chân bên bờ Bắc cầu Hiền Lương và chụp ảnh lưu niệm. Văng vẳng bên tai, tôi nghe câu hát: Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về... Tôi xúc động vô cùng. Và tôi nhớ đến anh Văn Thiên Tường của tôi. Bây giờ anh ở đâu. Nghe nói anh đã về Quảng Trị và đã mất rồi... Những người thân yêu của anh kẻ ra Bắc đã làm quan. Người ở lại miền Nam có ai đó theo Mỹ Ngụy, có người đi làm giải phóng quân. Chiến tranh! Những đau lòng đó làm sao nói hết. Chúng tôi đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, thăm Thành cổ Quảng Trị. Văng vẳng câu hát... 26 năm rồi, Quảng Trị ơi, đẹp lắm hôm nay đẹp lắm... Bài hát của ai hát bên bờ Hiền Lương làm tôi xao xuyến, bâng khuâng khi non sông liền một dải. Và tôi lại nhớ những người bạn miền Nam tập kết, một thời tưởng chưa xa nhưng ngoái lại đã hơn nửa đời người, năm mươi năm có lẻ.

Những người anh em, miền Nam tập kết về mỏ Cromit của tôi. Bây giờ họ ở đâu. Đất nước đã thống nhất 43 năm rồi. Tôi cũng đã già. Mỏ đang đổi khác, núi Nưa và Am Tiên đã khác xưa, nay đã thành khu du lịch tâm linh nổi tiếng rồi.

Lê Tuấn Lộc


Lê Tuấn Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]