(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước khi trở thành một người lớn, Nguyễn Nhật Ánh đã từng là một đứa trẻ. Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh đã từng là một người thầy hăng hái, nhiệt huyết đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho học trò. Tất cả những hồi ức, kỷ niệm trong trẻo, ngọt lành với đầy đủ cung bậc cảm xúc của cuộc đời đã được ông chưng cất, chắt lọc thành chất liệu văn học lặng lẽ đi vào trong từng trang văn.

Trở về tuổi thơ cùng những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Trước khi trở thành một người lớn, Nguyễn Nhật Ánh đã từng là một đứa trẻ. Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh đã từng là một người thầy hăng hái, nhiệt huyết đứng trên bục giảng truyền dạy kiến thức cho học trò. Tất cả những hồi ức, kỷ niệm trong trẻo, ngọt lành với đầy đủ cung bậc cảm xúc của cuộc đời đã được ông chưng cất, chắt lọc thành chất liệu văn học lặng lẽ đi vào trong từng trang văn.

Trở về tuổi thơ cùng những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Với khối lượng tác phẩm và thành công đã gặt hái được, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được ví như “hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng bộc bạch: Tôi luôn yêu và nhớ tiếc tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi không chỉ có bầu trời và dòng sông, cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt hay ngẩn ngơ bay bên hàng giậu đổ, mà còn có những bạn bè đã xa và những người thân đã khuất.

Quả thực, xuyên suốt hành trình sáng tác văn học của mình, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chưa bao giờ rời xa, thoát li khỏi thế giới tuổi thơ, những người bạn, những hoài niệm, kí ức ấy.

Với một “gia tài” tác phẩm viết cho lứa tuổi thiếu niên, học trò như: Kính vạn hoa, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bảy bước tới mùa hè, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Giải thưởng văn học ASEAN 2010), Cô gái đến từ hôm qua, Bàn có năm chỗ ngồi, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng… và sức hấp dẫn, đón đọc của độc giả dành cho các tác phẩm ấy, có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn viết cho lứa tuổi thiếu niên, học trò được hâm mộ nhất hiện nay.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - Một miền kí ức trong veo

Cuộc sống này vốn đã đầy rẫy những khắc nghiệt. Nếu cứ quanh quẩn mãi với những lý luận, gai góc, triết lí nhân sinh thì chẳng phải sẽ mệt mỏi lắm sao. Vậy tại sao không tự thưởng cho bản thân mình những giây phút tĩnh tại, thảnh thơi, thả hồn mình vào thế giới tuổi thơ trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh như một cách nuôi dưỡng, chữa lành tâm hồn.

Tác phẩm như một cuốn nhật ký xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ ở một vùng quê Việt Nam nghèo khó với đủ những cung bậc, cảm xúc khác nhau. Thiều, Mận, Tường, Nhi, Sơn… mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống, một tính cách nhưng tựu chung lại ở chúng, cốt lõi nhất vẫn là tâm hồn thiện lương, trong sáng. Ví như Thiều - một người anh được khắc hoạ cũng rất nhiều lần tỏ ra hẹp hòi, nhưng trong thâm tâm cậu vẫn rất thương em mình và là một đứa trẻ thích làm những điều chính nghĩa. Tường - một đứa em trai hiểu chuyện, biết nhường nhịn, hy sinh, nhiều lúc ra dáng người anh hơn Thiều. Và cả Mận, Nhi và nhiều nhân vật khác nữa trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều mang một tâm hồn đẹp như thế.

Khép trang sách lại, bạn đọc bỗng như thấy vẫn đang nhí nhố cùng đám bạn nghe kể chuyện ma, cùng chọi đá và mải chơi đến quên đường về. Từ miền kí ức tưởng đã là xa ngái, những câu hát cứ ngân vang: “Tôi thấy hạnh phúc bên kia đồi/ Gọi những bình yên nào ghé chơi/ Cần lắm gần lắm sao vời vợi/ Tuổi thanh xuân cũng như mây trời"…

“Bàn có năm chỗ ngồi” - Về một thời “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”

Đây là một trong những tác phẩm tái hiện sinh động, đầy đủ những ký ức, hoài niệm về quãng thời gian dạy học của ông.

“Bàn có năm chỗ ngồi” xoay quanh câu chuyện tình bạn giữa 5 người với những tính cách, hoàn cảnh khác nhau. Ngay cả trong lớp, mỗi bạn cũng nổi trội ở một môn học khác nhau. Huy giỏi Văn, Bảy giỏi Toán, Hiền giỏi nữ công gia chánh, Quang giỏi Sinh vật và Đại giỏi đều tất cả các môn. Trước khi ngồi chung một bàn, 5 đứa trẻ này hoàn toàn xa lạ. Nhưng khi được cắp sách đến trường, trở thành thành viên của lớp học và cùng nhau chia sẻ diện tích một cái bàn, trải qua thời gian học tập và rèn luyện cùng nhau, vô hình chung tình bạn trong sáng, hồn nhiên, chân thành được vun đắp và trở thành sợi dây vô hình kết nối chúng lại với nhau.

Trở về tuổi thơ cùng những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Với giọng văn nhẹ nhàng, ấm áp, cách kể chuyện thủ thỉ, tâm tình, các tác phẩm viết cho lứa tuổi thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh luôn hàm chứa những thông điệp sống tích cực, hướng con người đến giá trị nhân văn sâu sắc.

Bởi vì tình bạn mà yêu thương, trân trọng, biết động viên, giúp đỡ, bù đắp, hoàn thiện cho nhau để cùng tiến bộ. Ngay cả khi trong nhóm bạn ấy, có một ai đó buộc phải chuyển đến ngôi trường mới thì tình bạn ấy vẫn thủy chung, sâu đậm, gắn bó khăng khít. Những đứa trẻ ấy luôn mãi nhớ về nhau, đồng hành, san sẻ cùng nhau niềm vui, nỗi buồn, khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

“Chúc một ngày tốt lành” - Thế giới ngôn ngữ của tâm hồn

Có bao giờ người lớn cảm thấy mệt mỏi bởi việc bị gò bó trong những ngôn ngữ hành chính, xã giao hay việc phải cân nhắc như thế nào trước khi mở miệng nói điều gì đó. Và có lẽ, nhiều khi, người lớn khao khát được như một đứa trẻ, được tự do, thoải mái, vô lo vô nghĩ nói lên tất cả những điều gì mà chúng muốn. Đó là lý do mà tác phẩm “Chúc một ngày tốt lành” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thu hút độc giả. Bối cảnh của truyện xoay quanh khu vườn nhà bà Đỏ với những hiện tượng vô cùng kì lạ: hai chú heo con màu hồng sáng cất tiếng kêu cục cục và chiếp, chiếp… con cún con lại biết kêu ủn ỉn…

Nguyễn Nhật Ánh tạo ra thế giới động vật “nổi loạn”, khác lạ, thú vị. Điều quan trọng nhất là, trong khi tất cả những người lớn xuất hiện trong cuốn truyện ấy, bao gồm cả bố mẹ mấy con heo, con gà con không thể hiểu nổi và chấp nhận được sự “nổi loạn” ấy thì thằng Cu - một cậu nhóc - từ góc nhìn của một đứa trẻ con lại thông tỏ tất cả: Đó là sở thích được làm mới chính mình.

Và rồi, cả một kho từ vựng, ngôn ngữ được sáng tạo nên từ đó: “Un un gô - gô un un = Chào buổi sáng”, “Chiếp un un = Anh có khỏe không?”, “Un un - chiếp un un = Tôi khỏe”, “Un un = khỏe ạ”, “Un gô gô = Chúc ngủ ngon”, “Ăng gô gô = Chúc một ngày tốt lành”, “Chiếp chiếp gô = Cảm ơn”…

Chẳng bận lòng xem ai đang khó chịu vì mình, ai đang nhận xét, đánh giá như thế nào về mình, những con vật ấy thực sự vui hết mình, sáng tạo hết mình trong thế giới ngôn ngữ ấy.

Được nói về những gì mình thích, mình muốn, đó là “đặc ân” mà những người lớn như bạn, như tôi, như chúng ta, như ông an ninh, bà kế hoạch đầu tư trong câu chuyện đã từng đi qua và dù có luyến tiếc thế nào cũng không thể nào quay trở lại được. “Bọn trẻ trước khi đi ngủ, vẫn có thể hào hứng chúc nhau một ngày tốt lành, dẫu ngày hôm đó chỉ còn có một mẩu. Ờ, một mẩu có khi chừng ba mươi phút thôi nhưng nếu đó là một mẩu tốt lành thì cuộc sống vẫn vô cùng tươi đẹp” - thông qua thế giới nhân vật, tình huống truyện của “Chúc một ngày tốt lành”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn gửi gắm tới độc giả thông điệp sống như thế.

Những kỉ niệm trong trẻo, ngọt lành của tuổi thơ vẫn luôn là mạch nguồn cảm xúc của nhiều cây viết. Nhưng có lẽ, chưa có ai viết về đề tài ấy một cách chuyên tâm”, chăm chú và nhiệt thành như Nguyễn Nhật Ánh. Ông được ví như “hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ”. Đọc các tác phẩm của ông, bất kì ai cũng cảm thấy hân hoan, phấn khích, đồng cảm như đã tìm lại được chính mình của những ngày xưa ấy. Đó cũng chính là một trong những nét hấp dẫn, đặc trưng, làm nên thành công, tên tuổi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trên địa hạt văn chương này.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]