(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhiều khán giả không còn chỗ ngồi và không có một khán giả nào bỏ về giữa chừng tại buổi tổng duyệt vở "Trống trận Ba Đình" của Đoàn Cải lương Thanh Hóa vào tối 31/7/2016 tại Nhà hát Ca múa - Kịch Lam Sơn. Một đêm diễn thành công và nhiều dấu ấn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Trống trận Ba Đình" - vở diễn trong lòng khán giả

(VH&ĐS) Nhiều khán giả không còn chỗ ngồi và không có một khán giả nào bỏ về giữa chừng tại buổi tổng duyệt vở "Trống trận Ba Đình" của Đoàn Cải lương Thanh Hóa vào tối 31/7/2016 tại Nhà hát Ca múa - Kịch Lam Sơn. Một đêm diễn thành công và nhiều dấu ấn.

Đã lâu, khán giả yêu bộ môn nghệ thuật cải lương mới được thưởng thức một vở diễn lịch sử hay đến thế. Giữa lòng thành phố, những tưởng loại hình nghệ thuật này như đang bị lãng quên thì ngày hôm nay vị trí của nó vẫn ngự trị trong trái tim của nhiều người. "Trống trận Ba Đình", vở diễn tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Ba Đình, một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19 của nhân dân Việt Nam chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp diễn ra vào năm 1886 - 1887 tại xã Ba Đình (Nga Sơn), dưới sự chỉ huy chính của Đinh Công Tráng, Phạm Bành và một số tướng lĩnh khác.

Chân thực, sinh động, dàn nghệ sỹ, diễn viên của Đoàn Cải lương Thanh Hóa đã "cháy" hết mình trong từng vai diễn. Hơn một tháng tập luyện giữa những ngày nắng nóng oi bức cùng với việc di chuyển nơi làm việc, dẫu vất vả, mệt nhọc nhưng đoàn vẫn đảm bảo đúng tiến độ để "Trống trận Ba Đình" ra mắt được với khán giả, trong niềm hân hoan, phấn khởi. Vở diễn đã lấy đi nước mắt của nhiều người không chỉ bởi nội dung kịch bản mà còn vì hình tượng nhân vật. Một vở diễn mà theo như lời của khán giả Nguyễn Thị Vân, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đã chạm đến trái tim của nhiều người.

Một cảnh trong vở diễn “Trống trận Ba Đình”.

Còn với ông Hoàng Thạch Anh, cán bộ hưu trí phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) thì dù đã xem nhiều vở diễn của Đoàn Cải lương Thanh Hóa nhưng đây lại là lần đầu tiên ông xem một vở diễn lịch sử. Ông nói: "Có 2 cảnh khiến tôi xúc động đó là cảnh bà mẹ của Đinh Công Tráng quyên sinh vì nghĩa lớn, cảnh thứ 2 là vợ của ông nguyện ở lại để nổi trống trận Ba Đình. Sự hiếu trung ấy quả thực đáng quý. Tôi đã khóc và những người xung quanh cũng thấy ngậm ngùi. Năm nay tôi đã gần 70 tuổi, vẫn thường đi qua phố Đinh Công Tráng nhưng ngày hôm nay tôi mới hiểu được Đinh Công Tráng là người thế nào, hiểu để càng tôn trọng giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc".

Ngay sau đêm tổng duyệt, không những ghi dấu ấn trong lòng khán giả, vở diễn đã được Hội đồng thẩm định đánh giá cao về chất lượng kịch bản, về âm nhạc, đạo diễn, diễn viên... Ông Lê Hồng Ân - nguyên Trưởng phòng Quản lý Văn hóa Sở VH,TT&DL, thành viên Hội đồng thẩm định nhận xét: "Có thể khẳng định đây là vở diễn tương đối hoàn hảo. Kịch bản trong sáng, dễ hiểu, hình tượng sâu sắc. Đạo diễn đã làm rất tốt vai trò, chức năng của mình, đã dựng một vở diễn hoành tráng, bi tráng và hấp dẫn. Diễn viên đã có nhiều cố gắng, làm việc rất nghiêm túc, diễn có hồn...".

Còn với NSƯT Nguyễn Thị Băng Thanh, người đã từng 2 lần tham gia vào vở diễn "Trống trận Ba Đình" trước đây, xúc động nói: "Đây là lần dàn dựng thứ 3 cho vở diễn này. 2 lần trước là các diễn viên gạo cội của Đoàn Cải lương Thanh Hóa nhưng vở diễn lần này khiến tôi vô cùng cảm phục các bạn. Một đêm diễn gan ruột, một tinh thần yêu nghề rất tuyệt vời...".

Khép lại đêm diễn, đã có nhiều khán giả ngồi trầm ngâm sau đó. Cũng là dễ hiểu, một vở diễn hay bao giờ cũng lưu lại nhiều dấu ấn. Và "Trống trận Ba Đình" đã làm được cái điều kỳ diệu ấy...

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]