Vẻ đẹp tinh thần...
Thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới nhưng không phá vỡ cảnh quan. Từ câu chuyện sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa ở bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện (Quan Sơn) hay dựng lại nhà sàn của các hộ dân ở khu tái định cư ở huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước, cho thấy rõ sự cần thiết phải giữ lại nếp nhà sàn trong vòng quay cuộc sống hiện đại.
Một góc khu tái định cư thôn Bố, xã Lũng Cao (Bá Thước).
Bán là mất, muốn làm lại cũng khó...
Trong khó khăn, cái cần nhất vẫn là tinh thần, là thái độ lạc quan, sự tin tưởng... Câu chuyện về nhà văn hóa ở bản nghèo Xuân Sơn, xã Sơn Điện (Quan Sơn) là một bài học quý về niềm tin, trách nhiệm, về sự tạo đồng thuận trong dân để cùng vượt khó.
Đến nay, sau gần 3 tháng sửa chữa, nâng cấp thì Nhà văn hóa bản Xuân Sơn đã hoàn thành. Người dân nơi đây đã có thể yên tâm hội họp trong ngôi nhà chung của bản. Ngôi nhà chung này là nhà sàn được dựng cách đây 8 năm, vào năm 2016. Trừ mái là ngói còn các bộ phận của nhà sàn đều được làm bằng gỗ. Tuy nhiên, qua thời gian ngôi nhà có hiện tượng bị lún, nghiêng do ảnh hưởng mái lợp và gỗ cũng xuất hiện nhiều mối mọt...
Khu tái định cư bản Lở, xã Nam Động (Quan Hóa).
Trước thực trạng trên, nhiều cuộc họp chi bộ, họp dân đã diễn ra. Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Lương Văn Kiêm, 39 tuổi đã từng trăn trở, lo lắng trước mỗi cuộc họp. Anh kể: “Nhà văn hóa đấy, bà con tuy không góp của nhưng góp công, là công sức của cả tập thể. Ở cuộc họp chi bộ, phần lớn đồng ý bán vì họ sợ, nếu huy động dân đóng góp sửa chữa sẽ khó khả quan. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến người dân thì bà con lại muốn sửa chữa, giữ lại nhà văn hóa. Quan điểm của tôi, là phải giữ lại”.
Quan trọng là sự lựa chọn đúng. Và cần thiết phải có tiếng nói của người có uy tín trong bản là các ông Hà Lương Thiện, Hà Văn Ực... Họp chi ủy, ông Hà Lương Thiện nhấn mạnh: “Nhà sàn là bản sắc văn hóa dân tộc. Bán đi là mất, muốn làm lại cũng khó, gỗ đâu mà mua, tiền đâu mà làm”. Ý kiến này của ông Thiện được người dân trong bản nhất trí cao và cuối cùng, chốt phương án: sửa chữa, nâng cấp nhà sàn. “Phần việc này, chủ yếu dựa vào sức dân, nguồn thu cũng dựa vào tinh thần tự nguyện của người dân. Bà con đồng thuận sửa chữa tức đã sẵn sàng đóng góp vì việc chung”, Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Xuân Sơn, anh Lương Văn Kiêm bày tỏ.
Sử dụng gầm nhà sàn thành nơi sinh hoạt chung của gia đình ở khu tái định cư bản Lở.
Ngày 6/5/2024, hành trình sửa chữa nâng cấp Nhà văn hóa bản Xuân Sơn bắt đầu, một cuộc hành trình của ý dân, lòng dân và ở đó, người dân không chỉ góp sức mà còn góp của. Đầu tiên, người dân góp kè để làm mái nhà văn hóa. Mỗi khẩu 8 lá kè. Bản có 686 khẩu tương đương gần 5,5 nghìn lá kè. “Khi họp chi bộ, cũng có bàn đến lợp mái tôn. Nhưng thực tế, bà con không có nhiều tiền, mà cái gì cũng dồn cho dân thì hơi nặng. Trong khi đó, kè có sẵn ở địa phương, nhà nào cũng trồng kè, nếu lợp kè cũng được 8, 9 năm. Do đó, thống nhất lợp kè, khi nào có điều kiện thì lợp tôn”, Phó trưởng bản Xuân Sơn, anh Lộc Văn Huệ cho biết.
Mất nhà sàn là mất một phần văn hóa
Trong hành trình dựng lại nhà sàn, có lẽ khó nhọc nhất là đối với các hộ dân khu tái định cư. Từ nơi có nguy cơ sạt lở cao lên nơi ở mới thì cả người và tài sản phải cùng di dời. Ở khu vực miền núi, nhà của người dân trong vùng sạt lở chủ yếu là nhà sàn, do đó lên khu tái định cư phải tháo dỡ toàn bộ, sau đó mới dựng lại. Thực tế, từ tháo dỡ đến dựng lại không hề đơn giản. Vì vậy, nếu không có sức mạnh cộng đồng thì không thể làm được những công việc này.
Cuối năm 2023, 34 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở cao ở xã Nam Động (Quan Hóa) đã được di dời đến khu tái định cư bản Lở của xã này. Gần 1 năm trôi qua, khu tái định cư yên bình với đường bê tông, điện chiếu sáng và bên những ngôi nhà sàn đã được cách tân về kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao...
Nhà văn hóa bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện (Quan Sơn) được sửa chữa, nâng cấp.
Theo chia sẻ của ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao (Bá Thước), thôn Bố có 180 hộ, trong đó 44 hộ thuộc khu tái định cư. Trước đó, ở vùng có nguy cơ sạt lở, nhiều hộ dân vẫn sinh hoạt trong nhà sàn truyền thống, một số hộ ở nhà sàn cách tân kiến trúc... Tuy nhiên, sau khi di dời ra khu tái định cư, phần lớn nhà sàn đã được cách tân. Ông Lương Văn Thuân cho biết thêm: “Ra khu tái định cư, quỹ đất có hạn, buộc các hộ dân phải hoán đổi cho phù hợp với diện tích được giao như nâng cao gầm, xây thêm phòng dưới gầm, làm bếp riêng, chuyển sang mái tôn...”.
Thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới nhưng không phá vỡ cảnh quan. Từ câu chuyện sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa ở bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện (Quan Sơn) hay dựng lại nhà sàn của các hộ dân ở khu tái định cư ở huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước, cho thấy rõ sự cần thiết phải giữ lại nếp nhà sàn trong vòng quay cuộc sống hiện đại. Chia sẻ của ông Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa: “Mất nhà sàn là mất một phần văn hóa. Tôi sinh ra và lớn lên ở nhà sàn nên rất hiểu việc này. Ngay như các hộ dân tái định cư, khi di dời cũng phải thực hiện đúng theo tinh thần nghị quyết, phải đăng ký, cam kết 100% làm lại nhà sàn. Nhưng nếu sống ở nhà sàn như trước đây sẽ rất bất tiện cho nên cần phải quy hoạch lại. Vẫn là cái nếp đấy nhưng phải thêm 3 công năng là nơi ăn, nghỉ và khu vệ sinh. 3 cái này phải rất rạch ròi”.
Bài và ảnh: Anh Hoàng
- 2024-10-11 07:24:00
Dừng chân ở Son - Bá - Mười
- 2024-10-11 07:00:00
Bản tin Tài chính ngày 11/10: Vàng giảm, đồng USD “neo” gần mức đỉnh của 2 tháng
- 2024-09-01 07:46:00
Như Thanh: Phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới 2024
Bản tin Tài chính 1/9: Giá vàng có thể giảm trong ngắn hạn
Cô hiệu trưởng mầm non tâm huyết
Chăm lo công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững
Sôi nổi các hoạt động thể dục, thể thao ở hồ Đồng Chiệc
Bản tin Tài chính ngày 31/8: Giá vàng được duy trì vùng giá cao trước kỳ nghỉ lễ
Tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên tuyến biên giới
Thời tiết các điểm du lịch trên cả nước dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 ra sao?
Bản tin Tài chính 30/8: Giá vàng miếng ổn định, vàng nhẫn được điều chỉnh
5 học sinh Việt Nam giành huy chương tại Olympic thiên văn và vật lý thiên văn