(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách trung tâm huyện khoảng 30km, “làng cổ” Tân Hùng (xã Thanh Phong) được bao bọc bởi những cánh đồng ruộng bậc thang rộng lớn, có những con suối nhỏ nước chảy quanh năm. Đây là ngôi làng duy nhất của huyện Như Xuân còn lưu giữ gần 80 ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Thái.

Về “làng cổ” Tân Hùng

Cách trung tâm huyện khoảng 30km, “làng cổ” Tân Hùng (xã Thanh Phong) được bao bọc bởi những cánh đồng ruộng bậc thang rộng lớn, có những con suối nhỏ nước chảy quanh năm. Đây là ngôi làng duy nhất của huyện Như Xuân còn lưu giữ gần 80 ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Thái.

Về “làng cổ” Tân HùngTừng con ngõ trong thôn Tân Hùng (xã Thanh Phong) đều được bà con giữ gìn sạch sẽ.

Từ tên bản, tên mường

Thôn Tân Hùng ngày nay chính là vùng đất cổ Ná Húng. Tương truyền người đầu tiên khai phá lập bản là ông Vi Văn Thiêu người ở thôn Kẻ Mạnh (xã Thanh Sơn) xuống khai hoang thấy một vùng đất quang đãng và một khe suối chảy dọc uốn lượn như một con rồng nên ông đặt tên là Húng. Ban đầu ông khai phá một cánh đồng rộng dọc theo khe Húng. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều diện tích đất bằng phẳng với các xứ đồng như: Na Co Nong (cánh đồng có nhiều cây gỗ to); Na Huối Púi (cánh đồng nằm dọc theo khe Púi); Na Đông (cánh đồng bên cạnh nghĩa địa); Na Nưa (ruộng cao); Na Nôc Côc (nơi có nhiều chim); Na Húng (cánh đồng bên cạnh suối Húng); Na Ang (xứ đồng rộng như một cái nồi chảo)… Bởi vậy, chẳng bao lâu sau dân cư đông đúc hơn nhiều.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám, thôn Tân Hùng gồm có hai bản cổ hợp thành là Bán Chại và Bán Huối Pui. Bán Chại có nghĩa là bản, lán, trại buổi đầu khai hoang vỡ đất và các hộ dân đã dựng lều, lán để ở tạm, sau một thời gian dài phát triển thêm thành làng. Bán Chại cũng chính là nơi tổ chức hoạt động cách mạng của chi bộ đảng Thanh Quân thời kỳ 1949-1954. Còn cái tên bản Huối Pui là do đầu làng có con suối Pui, bà con sinh hoạt hàng ngày nhờ vào nguồn nước con suối Pui chảy qua.

Kể từ năm 1951 đến năm 2018, thôn Tân Hùng qua nhiều lần hợp nhất rồi chia tách, song luôn là mảnh đất được ưu đãi bởi khí hậu quanh năm mát mẻ, con người sống hiền hòa.

Lưu giữ trong ký ức của mình, ông Hoàng Văn Thành, người có uy tín ở thôn nhớ lại: “Trước đây bố mẹ tôi thường hay kể lại những câu chuyện về mường bản, về núi non, sông suối. Người Thái chúng tôi có kho tàng truyện kể địa danh ở vùng “sáu Thanh” (6 xã có chữ đầu là Thanh) rất phong phú với tên từng bản, từng mường, rồi tên núi, tên sông, tên thác, tên hang động. Tất cả cũng chỉ với mong muốn nhắc nhở, dặn dò con cháu về nguồn gốc, về những tháng ngày cha ông đã vất vả dựng xây cũng như trách nhiệm của họ ngày nay phải giữ gìn và bảo vệ xây dựng quê hương, bản mường”.

Từ trung tâm xã Thanh Phong vào đến thôn Tân Hùng chỉ khoảng 4km nhưng chúng tôi cảm nhận sự khác biệt về không khí. Từ những ngọn núi, các khe suối đổ nước về làng, bên dưới là những ngôi nhà sàn. Thôn Tân Hùng mang vẻ đẹp của một cô gái vùng sơn cước, vừa ngọt ngào vừa dịu dàng.

Làm du lịch để chuyển mình đi lên

Những ngày hè, đến thôn Tân Hùng, chúng tôi chỉ gặp trẻ nhỏ và vài người lớn tuổi ở nhà. Hầu hết đã đi ra ruộng, lên nương từ 4 - 5 giờ sáng. Thôn Tân Hùng hiện có gần 700 khẩu/164 hộ được chia thành 3 nhóm hộ. Trong đó, nhóm hộ ở sâu nhất đang được xã tuyên truyền, đầu tư khuyến khích làm du lịch. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Phong nói: “Khó khăn nhất là thay đổi nhận thức và trao kiến thức cho bà con. Chỉ khoảng 2 - 3 năm trước, chưa một ai ở đây biết đến khái niệm làm du lịch cộng đồng. Nhưng từ tháng 8-2022, sau khi chúng tôi tổ chức các đoàn khảo sát về xã, về thôn, bà con bắt đầu nhận ra phải làm du lịch cộng đồng vừa để giữ gìn những ngôi nhà cổ của mình, vừa tăng thêm thu nhập”.

Về “làng cổ” Tân HùngTân Hùng hiện là thôn có số lượng nhà sàn nhiều nhất trên địa bàn huyện Như Xuân.

Quả thật, từ điều kiện kinh tế khó khăn, sản xuất và thu nhập tất cả dựa vào làm ruộng và chăn nuôi, người dân không biết đến việc giao thương buôn bán, trong nhà có sẵn rau trong vườn; gà, lợn nuôi trên đồi, dưới ao thì thả cá… đến nay nhiều gia đình đã rào giậu, trồng hoa, làm đẹp ngõ xóm, mua sắm thêm tủ cấp đông để dự trữ đồ ăn…

Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh làng, anh Hà Văn Đức đưa chúng tôi đến thăm anh Hà Văn Đậu, sinh năm 1985, nhà có 2 vợ chồng và 3 đứa con, ở sâu nhất trong thôn. Ngôi nhà sàn hiện anh đang ở có tuổi đời gần 30 năm. Với chủ trương xây dựng du lịch cộng đồng của thôn, cuối năm 2022, anh đã cho tân trang lại nhà sàn. Rồi gần đây anh đã mua thêm được một nhà sàn khác, tuy nhiên cũng phải gom góp thêm tiền nay mới thuê được đội thợ để dựng lại ngôi nhà. “Chừng 10 ngày nữa là chúng tôi hồi công thợ, ngoài ngôi nhà sinh hoạt hàng ngày thì nhà tôi có thêm ngôi nhà để đón khách du lịch nữa".

Nếu như anh Đậu và khá nhiều nhà dân khác đang sửa sang lại khuôn viên, ngôi nhà sàn của mình thì gia đình chị Vi Thị Đảm về cơ bản đã hoàn chỉnh từ ngoài ngõ đến bên trong. Chị vốn là đội trưởng đội văn nghệ thôn nên ý thức sớm việc phải làm sạch đẹp ngôi nhà mình. Khoác trên người bộ váy truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, chị Vi Thị Đảm nhẹ nhàng nói: “Người Thái ở vùng “6 Thanh” nói chung và thôn Tân Hùng (Thanh Phong) nói riêng đang còn giữ được những tiếng nói và trang phục truyền thống từ áo khóm, váy, khăn. Người trẻ biết thêu thùa, dệt váy; các bà, các mế vẫn giữ việc nhuộm răng đen. Chúng tôi xác định đây là thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng”.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: “Để phát triển du lịch cộng đồng, huyện Như Xuân đã có nhiều cuộc khảo sát, học hỏi kinh nghiệm để quyết định hướng thu hút đầu tư hợp lý, phù hợp với tiềm năng, đặc biệt là thu hút sự vào cuộc của cả cộng đồng. Chúng tôi đã xác lập các điểm đến, lập bản đồ dựa trên ưu thế vùng mời gọi nhà đầu tư vừa và nhỏ; phát động khởi nghiệp du lịch cộng đồng tại địa phương; khuyến khích thanh niên địa phương khởi nghiệp từ du lịch. Từ đó khôi phục lại các nghề và làng nghề truyền thống để hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng. Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, huyện Như Xuân tập trung phát triển tại 3 khu vực. Trong đó khu vực phía Tây có nhiều sản phẩm du lịch phù hợp với các hoạt động khám phá, trải nghiệm “thung lũng người Thái vùng 6 Thanh”, đặc biệt là du lịch khám phá làng cổ của người Thái ở thôn Tân Hùng (Thanh Phong)”.

Với thu nhập bình quân 28,5 triệu đồng/người/năm, xã Thanh Phong hiện mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó khó nhất là tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Hy vọng rằng với việc kết nối các điểm du lịch khác như: Đền Chín Gian (xã Thanh Quân); thác Cổng Trời, thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ)… “Làng cổ” Tân Hùng sẽ là điểm đến không thể thiếu khi du khách về với mảnh đất thơ mộng Như Xuân. Để từ đây xã Thanh Phong nói chung, thôn Tân Hùng nói riêng không chỉ xây dựng nông thôn mới thành công mà còn giữ gìn được bản sắc của đồng bào dân tộc Thái.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]